Ngày trở về đất Quảng của 'Chú lính chì' Thiện Nhân

Ngày 23/06/2016 07:03 AM (GMT+7)

Chiều ngày 22/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chương trình “Thiện Nhân – 10 năm - Ngày trở về”, đây là cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa “chú lính chì” Thiện Nhân với những y bác sĩ đã từng cứu sống và phẫu thuật cho em 10 năm về trước.

Buổi hội ngộ diễn ra trong không khí xúc động với những dòng hồi tưởng của các y bác sĩ và gia đình "Chú lính chì" Thiện Nhân. Đó là những ký ức khó quên về hành trình 10 năm của bé Thiện Nhân – hành trình từ khi Nhân là một sinh linh đỏ hỏn khiếm khuyết một chân và bộ phận sinh dục cho tới khi trở thành một cậu bé thông minh, lanh lợi như bây giờ.

Ít người biết, cái tên Thiện Nhân của em bây giờ là do bác sĩ Huỳnh Quốc Hiếu (Người từng tham gia cứu chữa cho Nhân 10 năm trước - PV) đặt cho. Ban đầu, các y bác sĩ muốn đặt tên cho bé là Thành Nhân, với ước mong đứa trẻ tội nghiệp mai này sẽ nên người; nhưng bác sĩ Hiếu muốn đổi chữ “Thành” sang chữ “Thiện”, vì anh tin mai này Nhân không chỉ khôn lớn mà còn trở thành một con người có tấm lòng nhân hậu với mọi người.

Ngày trở về đất Quảng của Chú lính chì Thiện Nhân - 1

Bé Thiện Nhân (áo vàng) trong ngày trở về quê hương Quảng Nam .

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh (Trưởng khoa Phụ sản – BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam) bồi hồi kể lại lần đầu cấp cứu cho bé Nhân: “Chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi Nhân được đưa vào bệnh viện với một cơ thể không toàn vẹn. Ai cũng lo ngại vết thương của bé sẽ bị nhiễm trùng, thế nhưng bé vẫn lành lặn, vẫn vượt qua nỗi đau thể xác để sống đến ngày hôm nay, đó chính là bản lĩnh của một đứa trẻ dũng cảm”.

Sau 10 năm, Thiện Nhân bây giờ đã khôn lớn, đã có thể thoải mái chơi đùa cùng các anh em trong gia đình, đã có thể đi lại nhanh nhẹn với chiếc chân và cái nạng tí hon, đã có thể nói: “Con sẽ bảo vệ mẹ” và ôm mẹ vào lòng... Trong lần trở về đất Quảng này, cảm nhận về quê hương của cậu bé 10 tuổi vẫn còn mơ hồ, mặc dù chị Trần Mai Anh – người mẹ hiện tại của Nhân vẫn luôn nhắc nhở con về nơi bé đã sinh ra.

Để Nhân có những trải nghiệm thực tế, chị đã đưa con đến thăm phố cổ Hội An, cho con tham gia thả hoa đăng trên sông Hoài, bởi vì như lời chị kể: “Lúc trước, cô giáo giao cho Nhân một đề bài tập làm văn miêu tả về lễ hội ở quê hương, Nhân chưa làm được vì cháu còn quá mơ hồ về xứ Quảng, lần trở về này là dịp để Nhân hoàn thành đề bài dở dang ấy”.

Ngày trở về đất Quảng của Chú lính chì Thiện Nhân - 2

Chị Trần Mai Anh – Người mẹ vĩ đại của bé Thiện Nhân chia sẻ trong buổi gặp gỡ.

Ngày trở về đất Quảng của Chú lính chì Thiện Nhân - 3

Các bác sĩ kể lại những ngày cứu chữa cho bé Thiện Nhân

Cũng theo lời chị Mai Anh, càng lớn, Nhân càng bộc lộ khả năng quan sát sự vật và cảm nhận mọi thứ theo cách riêng của mình. Cậu bé ngoan ngoãn, lễ phép, hòa đồng với bạn bè hệt như cái tên mà bác sĩ Hiếu đã đặt cho mình năm xưa.

Buổi hội ngộ như lắng lại khi chị Trần Mai Anh tâm sự về hành trình nuôi dưỡng Thiện Nhân trong 10 năm qua. Trong một thập kỷ ấy, đôi tay chị đã bế, đã dắt cậu bé Thiện Nhân đi khắp mọi nơi để phẫu thuật, cải thiện khả năng tiểu tiện và đi lại cho con. Chị cũng nhớ như in những ngày lặn lội từ Hà Nội vào Quảng Nam để xin đón Nhân về nhà. Kể từ đó cho tới khi Nhân lớn lên, chị luôn cố gắng để con phát triển theo cách tự nhiên nhất, vì chị không muốn có khoảng cách giữa Nhân với bạn bè đồng trang lứa và các anh chị em trong gia đình.

Ngày trở về đất Quảng của Chú lính chì Thiện Nhân - 4

Bé Thiện Nhân nhận chiếc bánh đặc biệt từ tay bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh.

Với Nhân, chị là người mẹ vĩ đại nhất. Còn với chị, tình mẫu tử không chỉ đến từ mối quan hệ ruột thịt, mà còn đến từ những tình cảm ban đầu, như chính chia sẻ của chị trong buổi hội ngộ: “Người bố người mẹ đầu tiên là những người cho con ăn sữa, ôm con vào lòng,… chứ không chỉ đơn thuần là những người mang nặng đẻ đau”.

Hành trình của Thiện Nhân cũng là hành trình của nhiều em bé không may gặp khiếm khuyết bộ phận sinh dục từ khắp mọi nơi, và hành trình ấy được mang tên  “Thiện Nhân và những người bạn”, đây là một dự án thuộc Quỹ phòng chống thương vong Châu Á. Dự án được thành lập bởi nhà từ thiện người Mỹ Greig Carft, giáo sư Roberto de Castro và chị Trần Mai Anh – mẹ nuôi của Thiện Nhân.

Ca phẫu thuật thành công của giáo sư Roberto de Castro cho Thiện Nhân chính là bước đi đầu tiên của dự án. Cho đến nay, đều đặn 2 lần/năm, dự án lại mời giáo sư Roberto de Castro và các bác sĩ từ Mỹ, Italia,… sang tổ chức khám và phẫu thuật trên cả nước cho các em nhỏ, cả trai và gái bị khiến khuyết bộ phận sinh dục. Tính đến hiện tại, Chương trình đã thực hiện được gần 200 ca phẫu thuật miễn phí và khám tư vấn cho hơn 600 em. 

Với những đóng góp to lớn đó, dự án và cá nhân giáo sư Roberto de Castro đã được Nhà nước trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia về những đóng góp xã hội năm 2015.

Đoàn Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự