Nghi can sát hại 2 em rể ở Yên Bái: Tự tử có phải là hết trách nhiệm?

Ngày 01/05/2019 08:54 AM (GMT+7)

Nghi can sát hại anh và em rể ở Yên Bái hôm 28/4 đã tự tử, tuy nhiên gia đình người bị hại trong trường hợp trên vẫn có thể nhận được tiền bồi thường từ gia đình kẻ phạm tội.

Nguyễn Văn Mạc (SN 1968, trú xã An Bình, huyện Văn Yên, Yên Bái) được xác định là nghi phạm đã sát hại 2 người là anh em ruột đồng thời là anh và em rể của đối tượng chiều 28/4, đã treo cổ tự tử sau đó. Nguyên nhân ban đầu của vụ án được xác định do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai.

Trong trường hợp này, phía gia đình bị hại có nhận được bồi thường thiệt hại hay không? PV đã có cuộc trao đổi với một số luật sư để làm rõ vấn đề trên.

Nghi can sát hại 2 em rể ở Yên Bái: Tự tử có phải là hết trách nhiệm? - 1

Nghi can của vụ án đã treo cổ tự tử.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết, đầu tiên cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ liệu trong vụ án có còn đồng phạm, nghi phạm liên quan hay không. Trong trường hợp nghi phạm đã chết vẫn có thể khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nếu vẫn còn những nghi vấn trên.

Trường hợp đã xác định rõ nghi phạm duy nhất của vụ án đã chết, thì sẽ không khởi tố vụ án. Điều này được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó Điều 157 quy định, không khởi tố vụ án hình sự khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi chi phí liên quan đến việc mai táng người chết, chữa trị cho người bị thương và bồi thường tiền cho tổn thất về tinh thần cho những người trong gia đình nạn nhân.

Trong trường hợp này, nghi can đã chết nên cần xác định được này có tài sản để lại hay không. Tài sản để lại đó phải được xác nhận trên văn bản giấy tờ rõ ràng. Khi đó những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.

Đồng ý với những phân tích trên, luật sư Giang Hồng Thanh, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong án hình sự, về nguyên tắc cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự của người đã chết nhưng vẫn có quyền xem xét nghĩa vụ dân sự mà họ để lại.

Tuy nhiên trong vụ án này, người phạm tội và cả nạn nhân đều đã chết nên để có thể lấy được tiền bồi thường, trước hết gia đình nạn nhân cần liên hệ với người thừa kế tài sản của người phạm tội, như bố, mẹ... của người phạm tội để yêu cầu bồi thường.

Nếu họ không tự nguyện bồi thường, gia đình nạn nhân sẽ thực hiện việc khởi kiện đến Tòa án đề nghị Tòa án buộc gia đình của kẻ phạm tội phải bồi thường.

Như thông tin đã đưa, vợ cũ của Mạc tên là Xuân (tên đã được thay đổi) là chị gái của ông X., bà Nh. Trước đây, khi vợ chồng Mạc mới lấy nhau, gia đình bên vợ có cho 2 vợ chồng 1 mảnh đất để làm nhà sinh sống. Nhưng sau khi Nguyễn Văn Mạc đi tù về đã ly dị với bà Xuân, mảnh đất của hai vợ chồng trở thành khu đất tranh chấp.

Vào khoảng 15h ngày 28/4, anh X. và chị Nh. được chị gái là Xuân nhờ đến trông coi bãi đất ở thôn Trung Tâm, xã An Bình thì bị đối tượng Nguyễn Văn Mạc dùng dao chém. Hậu quả, anh X. tử vong tại chỗ, chị Nh. cũng không qua khỏi trên đường đi bệnh viện cấp cứu.

Hiện vụ án vẫn được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Vụ bé trai 8 tuổi bị sát hại: Chúng tôi xót xa khi thấy thi thể cháu trong bao tải
4h chiều 25/4, thi thể bé trai bị bác rể sát hại ở Chương Mỹ đã được đưa ra nhà thờ làm thủ tục chuẩn bị an táng theo phong tục địa phương.
Theo Đặng Thuỷ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h