'Ngọn lửa Hải An' luôn bất tử dù thân xác đã trở về cát bụi

Ngày 09/02/2019 19:00 PM (GMT+7)

Có lẽ trong rất nhiều sự kiện nổi bật trong năm 2018 thì “Ngọn lửa Hải An” là một trong những sự kiện có sức lan tỏa đặc biệt. Đó là câu chuyện cảm động về cô bé 7 tuổi ở Hà Nội đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vì bệnh ung thư não.

Hành động cao cả của Hải An đã nhân lên những điều tử tế trong cộng đồng, làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về việc hiến thân thể cho y học. Chị Nguyễn Thùy Dương - mẹ bé Hải An­ (ở Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã dành cho Báo  cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa.

Mong trái tim ở lại báo hiếu cha mẹ

Câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời có ý nghĩa rất lớn và khiến cả cộng đồng xúc động. Là người mẹ, chị có cảm thấy tự hào khi mình có một người con như thế?

- Thực ra đời người, không quan trọng là sống ngắn hay dài mà quan trọng là chúng ta có đóng góp gì, có để lại được gì cho cuộc đời hay không. Tôi luôn cảm thấy tự hào về Hải An. Không phải sau khi con nổi tiếng mà kể cả trước đây, Hải An là tất cả cuộc sống của tôi. Con xinh đẹp, đáng yêu như một thiên thần nhỏ trong nhà. Ngày con còn sống, dù đang mang trọng bệnh, dù đang nằm ở bệnh viện nhưng con lại là người động viên tôi. Có lần tôi nói “con mà có vấn đề gì thì mẹ làm sao có thể sống được”, Hải An đã động viên tôi rằng, “mẹ phải hết sức bình tĩnh, không bao giờ con xa mẹ đâu”. Nói rồi con bảo tôi lắng nghe nhịp tim của con. Lúc đó Hải An nghĩ rằng con có thể cho tim sau khi mất, sự sống của con sẽ được hồi sinh trên cơ thể của người khác và như vậy dù con ra đi thì trái tim con vẫn còn ở lại để báo hiếu mẹ!

amp;#39;Ngọn lửa Hải Anamp;#39; luôn bất tử dù thân xác đã trở về cát bụi - 1

Bé Hải Anh. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hải An chỉ đến với tôi được 7 năm 3 tháng nhưng khi con ra đi, cả bầu trời của con vẫn ở lại bên tôi. Hai mẹ con tôi có mối liên kết chặt chẽ đến mức sự sống và cái chết không thể tách rời chúng tôi. Tôi vẫn đi làm và có một cuộc sống bình thường. Tôi đã xin nghỉ việc ở bệnh viện từ ngày Hải An phải nằm trị bệnh. Sau khi con mất một thời gian, tôi đã đi làm trở lại nhưng không phải trong ngành y tế mà là ngành mầm non. Công việc hiện nay của tôi khá ổn, thích nhất là hàng ngày được nhìn thấy lũ trẻ. Mỗi khi ôm tụi nhỏ hoặc chúng nói “cô ơi, con yêu cô” thì nỗi đau mất con trong tôi cũng vơi đi phần nào. Tôi nghĩ nhiều đến con và nhớ con lắm. Thỉnh thoảng tôi lại mơ thấy Hải An như những ngày cháu còn sống. Giấc mơ gần đây nhất, tôi mơ thấy con vô cùng hóm hỉnh. Ba chở Hải An đi học về. Ba kể tội rằng, cô giáo thông báo Hải An chỉ học đứng thứ 6 trong lớp thôi. Hải An liền quay ra nói với mẹ: “Đứng thứ 6 chỉ là tạm thời thôi mẹ ạ. Tất cả mọi thứ trong đời chỉ là tạm thời thôi. Mẹ thích con đứng thứ nhất, con sẽ đứng thứ nhất cho mẹ xem. Thế nhưng bây giờ con đang thích đứng thứ 6 cho nên con tạm thời là thứ 6 đã!”.

Tôi đang cố gắng sống một cách vui vẻ khỏe mạnh nhất để cho Hải An vui. Nhưng sự thật thì, trong sâu thẳm trái tim, tôi vẫn luyến nhớ con nhiều lắm. Nhiều người bảo tôi phải quên đi để sống với hiện tại nhưng có lẽ tôi cần thêm thời gian nữa. Có nhiều người khuyên tôi là không nên nhắc lại những câu chuyện về con, để mình tiếp tục cuộc sống của mình. Khuyên thì tôi nghe thôi nhưng sự thực là tôi không bao giờ quên con được.

Trong cuộc sống có quá nhiều người bệnh cần giúp đỡ, họ vẫn đang hàng ngày chống chọi với bệnh tật. Tôi chỉ mong rằng, câu chuyện của Hải An sẽ làm ấm lòng những người không may mắn phải chịu bệnh tật như con, giúp vực dậy tinh thần cho họ và biết đâu, như một phép màu, họ lại được hồi sinh lần nữa. Sau khi Hải An qua đời, tôi cũng như bao bà mẹ khác, không thể không đau buồn. Nhưng mỗi lần nghĩ đến con, nghĩ đến việc làm cao cả của con, tôi lại thấy mình thật kém cỏi. Chính Hải An lại là động lực giúp tôi bước tiếp trên chặng đường còn lại của mình.

Cũng nhờ con mà tôi thấy mình cũng cần phải làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời. Mặc dù có những lúc cảm thấy mệt mỏi nhưng tôi luôn sẵn lòng khi ai đó muốn cần sự tư vấn của mình, sẵn lòng trả lời truyền thông để tiếp tục thắp lên ngọn lửa Hải An trong cuộc sống. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc gọi hỏi thông tin về Hải An. Họ muốn tôi kể câu chuyện của Hải An như một nguồn động lực để bản thân và gia đình họ nhìn nhận lại vấn đề hiến tạng một cách rõ nét nhất. Người mẹ có thể đăng ký hiến tạng cho con mình sau khi con qua đời để có thể gặp con mình một lần nữa thông qua hình hài người khác.

Cho đi sẽ còn mãi…

amp;#39;Ngọn lửa Hải Anamp;#39; luôn bất tử dù thân xác đã trở về cát bụi - 2

Chị Thùy Dương và con gái. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Thực tế mà nói, để có được “ngọn lửa Hải An” như hôm nay, ngoài mong muốn của bé thì quyết định của chị mới là điều kiện cuối cùng để di nguyện của con trở thành hiện thực. Đối với bất cứ người mẹ Việt Nam nào thì quyết định hiến thân thể con mình cho y học luôn là một quyết định vô cùng khó khăn. Để đi đến quyết định khó khăn như thế, chị có gặp trở ngại hay nhận được sự ủng hộ từ gia đình?

- Khi tôi bày tỏ ý muốn hiến toàn bộ nội tạng của con gái theo di nguyện của bé Hải An, không phải ai trong gia đình cũng ủng hộ. An là cháu gái đầu tiên của dòng họ. Mọi người thân đều yêu quý cháu, yêu đến mức chỉ một tổn thương nhỏ thì khiến cả nhà sốt sắng. Khi Hải An mất, nỗi đau đó là quá lớn, không chỉ với riêng tôi mà còn đối với tất cả những người thân trong gia đình. Nhưng tôi nói với mọi người trong gia đình tôi rằng, Hải An muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời, con muốn được nối dài sự sống trên cơ thể của người khác. Con muốn được hiến tạng, hiến giác mạc, đó là di nguyện của bé An khi còn sống. Rất may là ông nội cháu – người cao nhất - đã ký biên bản đồng ý hiến giác mạc của bé nên mọi người xung quanh không ai nói nữa.

Thế nhưng nhiều người ngoài không hiểu vẫn phản đối. Họ không tin những gì tôi nói. Họ bảo: “Trẻ con thì biết gì!”. Thậm chí có những người quen cũng nói rằng: “Sao làm mẹ mà độc ác thế! Con chết còn không nguyên vẹn”. Có lẽ đó chính là những rào cản lớn nhất trong quyết định hiến giác mạc của con cho y học. Nhưng vì đó là nguyện vọng của con, là mong ước của con, là hoài bão sống trong con, nên trong giây phút đau đớn nhất của việc mất con, tôi đã gọi điện đến số điện thoại của đường dây nóng Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Hiện tại, chị còn gặp phải những ý kiến trái chiều như vậy không? Chị đã đối diện với những ý kiến đó như thế nào?

- Vẫn có chứ! Thậm chí có người còn đặt vấn đề rằng, tôi làm những việc đó là để cầu công danh sự nghiệp, vì thời điểm đó tôi đang làm trong ngành y. Họ nói thế thì tôi cũng chỉ cười thôi, vì mình không thể cấm suy nghĩ của người khác được. Nhưng chính vì thế mà bây giờ tôi không muốn trở lại nghề y nữa. Việc tôi chuyển nghề sang làm trong trường mầm non một phần cũng vì lý do đó.

Nếu ai đã từng gặp Hải An thì sẽ không bao giờ còn nghi ngờ về mong muốn được hiến tạng của con. Bởi từ lúc 2 - 3 tuổi, con đã từng nghe nhiều về chuyện cho thân thể rồi. Con thường theo mẹ đi học ở trường đại học Y. Học y thì phải học mô hình nhiều, con lại là đứa trẻ hay thắc mắc nên đôi khi con cũng được học làm bác sĩ như mẹ. Một lần Hải An thấy một bệnh nhân lắp cầu thận ở tay để chạy thận. Hải An thắc mắc thì tôi giải thích rằng, họ đang chờ một quả thận đấy con ạ. Cũng vì việc hay phải trả lời con khi con xem mô hình cơ thể người, nên con biết cái gì có đôi như thận, mắt… Con còn biết, một người cho đi một quả thận thì vẫn có thể sống được, cho đi một con mắt thì vẫn có thể nhìn được. Con bắt đầu biết về việc cho tặng hiến mô tạng như thế. Nhiều lúc con cứ thắc mắc rằng, tại sao mình có hai quả thận sao không cho người khác đi một quả. Tính Hải An là như vậy, rất hào sảng. Có một bộ phim dài tập mà Hải An mê tít đó là bộ phim Big Hero. Bộ phim đó nói về người anh trai tạo ra một con rô bốt chỉ để giúp người.

Dù đã nói rất nhiều nhưng tôi vẫn phải khẳng định rằng, Hải An muốn được hiến mô tạng. Như tôi đã nói ở trên, con rất muốn hiến trái tim của mình cho người khác sau khi con mất với mục đích để “báo hiếu” mẹ. Con thương mẹ nên muốn để lại điều gì đó để sưởi ấm cuộc đời mẹ mà thôi. Nhưng không ngờ câu chuyện của con lại trở thành câu chuyện truyền cảm hứng về việc hiến giác mạc, trở thành ngọn lửa thắp lên một niềm tin bất diệt về việc “cho đi sẽ còn mãi”.

Và như câu chuyện về chiếc lá màu xanh mà tôi đã kể. Khi Hải An mới tiếp nhận điều trị bệnh u não quái ác bằng phương pháp châm cứu, con vẫn đi học. Hôm ấy, con trở về nhà, cầm trên tay chiếc lá, con nói: “Mẹ ơi! Đây là chiếc lá cuối cùng. Mẹ ơi, con sẽ giấu chiếc lá này đi để muốn mẹ tìm cho con…Lúc đấy tôi không hiểu gì đâu! Sau này, khi đến trường của con, gặp cô giáo và nhận từ tay cô một bức ảnh. Trong bức ảnh đó, Hải An cầm chiếc lá màu xanh, là chiếc lá cuối cùng. Hải An mong rằng mỗi lần mẹ nhìn thấy chiếc lá là mẹ nhìn thấy con. Con muốn mẹ tiếp tục nghe tim con đập, nhìn vào mắt con để mẹ tiếp tục sống, tồn tại, để chứng kiến những điều tốt đẹp mà con mang lại cho thế giới này.

Sức lan tỏa mạnh mẽ của “Ngọn lửa Hải An”

 Nhà thơ Tố Hữu từng có câu thơ nổi tiếng: “Có cái chết hoá thành bất tử …”. Tôi thấy thơ câu này rất đúng với trường hợp Hải An. Dù bé không còn nữa nhưng “Ngọn lửa Hải An” thì vẫn rực sáng trong cuộc đời. Được biết sau khi chương trình về bé Hải An phát sóng, chị đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ người thân và các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Chị có thể chia sẻ một vài câu chuyện khiến chị cảm động và nhớ nhất?

- Có một số mẹ có con bị bệnh hiểm nghèo, sau khi xem chương trình “Ngọn lửa Hải An”, họ đã vô cùng xúc động. Họ gọi điện cho tôi nói chuyện rất lâu. Họ cũng có mong muốn làm được điều gì đó ý nghĩa cho con mình thế nhưng vẫn băn khoăn hỏi rằng, nếu lỡ con ra đi, không biết là có làm được như tôi đã làm với Hải An không. Cũng có những bé gọi cho tôi hỏi: “Cô ơi, cô giờ có đau không? Con sợ rằng một ngày nào đó, con cũng như Hải An. Nếu mà con ra đi, liệu mẹ con có đau như cô không?”.

Có một em 16 tuổi bị suy tim đang rất cần được ghép tim để nối dài sự sống. Khi tôi chia sẻ lên facebook cá nhân, một em khác gọi điện cho tôi hỏi: “Cô ơi cháu bị bệnh phổi, nhưng không biết bạn suy tim có chờ được cháu không để ghép tim. Cháu nghe loáng thoáng là cháu không còn sống được bao lâu nữa. Không biết lúc đấy bé có chờ được cháu để cháu tặng tim không? Thật sự cháu muốn nói với bố mẹ tâm nguyện của cháu nhưng cháu sợ cháu nói ra thì bố mẹ không chịu được. Cháu nhiều lúc không thở được…”. Đó là những câu chuyện khiến tôi cảm động và nhớ nhất.

Xin cảm ơn chị Thùy Dương!­

Vì sao giác mạc bé Hải An hiến tặng lại được ghép cho cụ bà 73 tuổi?
Việc ghép giác mạc cho người bệnh phải tuân thủ các quy định, đặc biệt là phải đảm bảo các chỉ số hòa hợp trong cấy ghép.
Theo Ngân Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động