Ngứa mắt với “phố Tàu”

Ngày 07/04/2014 11:22 AM (GMT+7)

Trong khi Đà Nẵng rốt ráo xử lý các biển hiệu chữ Trung Quốc tại các “phố Tàu” ngay sau khi bị phản ánh thì ở rất nhiều nơi, tình trạng này khiến dư luận bức xúc lâu nay vẫn không được giải quyết.

Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20 km, khu Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã được biết đến là một “phố Tàu” sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lớn bậc nhất miền Bắc. Vài năm nay, thương lái Trung Quốc (TQ) đến Đồng Kỵ nhập mặt hàng đồ gỗ để đưa thẳng qua biên giới rất nhiều khiến hoạt động kinh doanh ở đây thêm phần sôi động. Tuy nhiên, cùng với việc làm ăn, các con đường, ngõ phố ở Đồng Kỵ đang bị “TQ hóa” nhanh đến khó tin.

Từ làng nghề truyền thống đến KCN

Trên hầu hết các khu phố thương mại hay xưởng sản xuất ở phường Đồng Kỵ như đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Phù Khê…, những cơ sở sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm lớn nhỏ đều sử dụng tiếng TQ.

Ngứa mắt với “phố Tàu” - 1

Biển hiệu chữ nước ngoài trên phố ở Hải PhòngẢnh: TRỌNG ĐỨC

Những dịch vụ ăn theo như vận tải, nhà nghỉ - khách sạn, nhà hàng ăn uống… cũng in chữ TQ rõ ràng và chi tiết hơn cả chữ Việt. Theo chị Lê Thị Xuyến, chủ một cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, ban đầu chỉ có một số hộ dân ở đây dùng biển hiệu in chữ TQ song song với chữ Việt nhưng bây giờ thì gần như 100% cửa hàng đều dùng cả chữ TQ và chữ Việt.

Ông Lê Thanh, ngụ cạnh nhà chị Xuyến, lý giải: “Nếu không có chữ Hoa trên biển hiệu thì không thu hút được khách TQ. Bây giờ thương lái TQ sang đây rất nhiều, phải chiều họ thì mới làm ăn được”.

Người dân Đồng Kỵ quả là rất chiều chuộng những “thượng đế” TQ. Ngay cả những câu “mời vào” hay “nhà vệ sinh” in trên cửa cũng được viết bằng chữ TQ. Người Đồng Kỵ ngày càng nhận ra khách TQ thích vào những nơi in biển hiệu tiếng Hoa và nhà nào càng tạo ra sự thân thiện, gần gũi với khách TQ thì lại càng “làm ăn được” nên đã diễn ra cuộc chạy đua in tiếng Trung lên biển hiệu. Thế là những con phố ở đây giờ giống với phố Tàu hơn là phố nghề truyền thống của Việt Nam.

Phong trào học tiếng TQ ở Đồng Kỵ cũng vì thế đang trở thành mốt. Ông Nguyễn Văn Quân, một thầy giáo dạy tiếng Trung ở đường Trần Phú (phường Đồng Kỵ), cho biết: “Nhu cầu học tiếng Trung để giao tiếp, làm ăn với người TQ ngày càng lớn. Phải nói chuyện được thì việc giao dịch, ký kết hợp đồng mới thuận lợi, vì thế không chỉ tôi mở lớp mà rất nhiều trung tâm ngoại ngữ khác cũng mời các thầy giáo tiếng Trung về dạy”.

Trong khi đó, tại Bình Dương, ngày 5-4, chúng tôi thực hiện  một cuộc khảo sát quanh khu vực KCN Sóng Thần và ghi nhận các biển hiệu in chữ TQ sai quy định xuất hiện đầy rẫy trên các tuyến đường.

Trên đường lớn ngoài KCN này thuộc địa phận phường Bình Hòa, thị xã Thuận An có tiệm cắt tóc đặt biển hiệu chữ TQ lên trên chữ Việt. Dòng chữ Việt trên biển hiệu này cũng ghi rõ đây là tiệm: “Cắt tóc TQ”. Sát bên tiệm này lại là một cửa hàng chuyên bán ốc vít với biển hiệu đầy tiếng Hoa.

Sát KCN Sóng Thần thuộc địa phần phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, hàng quán có biển hiệu tiếng TQ nhiều không kể xiết. Biển hiệu tiệm massage ở địa chỉ 17/43 đường N2, khu phố Thống Nhất có chữ TQ to hơn và nằm trên chữ Việt.

Cách đó không xa là nhà hàng Sơn Đông treo 5 đèn lồng TQ cỡ lớn và biển hiệu in chữ Trung to đùng. Gần đó, trên tuyến đường lớn thuộc địa phận phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An có Công ty TNHH Thép đặc chủng Hòa Sắt với biển hiệu in chữ TQ rất lớn và đặt trên chữ Việt...

Anh Nguyễn Văn Tình, một công nhân làm ở khu vực này, bức xúc: “Thấy biển hiệu TQ in loạn xì ngầu, em ngứa mắt lắm. Cứ chiều tối, người TQ lại đi ăn nhậu, massage ngả ngớn đầy đường”.

Một công nhân khác kể: “Có tiệm hớt tóc của người TQ ở Bình Dương tỏ ra khó chịu khi thấy tôi vào vì tiệm này “chuyên hớt cho người Tàu”. Để tôi không dám đến, chủ tiệm hớt tóc xong “chém” đến 150.000 đồng”!

Khó xử lý triệt để

Khi  phóng viên Báo Người Lao Động cho rằng Bình Dương nên học tập Đà Nẵng “dẹp loạn” các bảng hiệu in chữ TQ, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, quả quyết: “Cái này chúng tôi làm lâu rồi, dẹp nhiều rồi. Các cấp đã nhiều lần ra quân tháo gỡ biển hiệu chữ TQ sai quy định. Việc vẫn còn biển hiệu tiếng Trung sai quy định có thể do địa phương làm chưa rốt ráo. Sắp tới, chúng tôi sẽ xử lý mạnh tay hơn. Tuy nhiên, chữ TQ in trên bảng hiệu thì dẹp được nhưng xuất hiện bên trong hàng quán như in trong thực đơn thì khó mà làm gì”.

Trong khi đó, bà Chử Thị An, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, cho biết: “Với các cơ sở sử dụng biển quảng cáo bằng tiếng TQ, phường chúng tôi có biết và thường xuyên chỉ đạo chấn chỉnh. Chẳng hạn, chúng tôi yêu cầu các cơ sở sản xuất phải sử dụng tiếng Việt, tiếng Trung chỉ in bên dưới và nhỏ hơn. Với các hộ kinh doanh có biển hiệu in tiếng Trung thì chỉ có thể nhắc nhở họ hạn chế chứ không thể cấm được”. Tuy vậy, theo bà An, vẫn có những cơ sở cố tình vi phạm và bị thanh tra văn hóa xử lý.

Không chỉ phường Đồng Kỵ, “mốt” sử dụng tiếng Trung còn lan rộng ra nhiều tuyến phố chính ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Văn Nghiêm, người dân địa phương, tâm sự: “Đây là đất của mình, làng nghề của mình mà toàn nói tiếng TQ, in chữ TQ thì thật khó coi!”.

Nhiều biển hiệu không có chữ Việt

Tại Hải Phòng, trên các tuyến phố chính như Văn Cao, Quang Trung, Lạch Tray, Lãn Ông, rất nhiều cửa hiệu cũng sử dụng chữ TQ sai quy định. Đáng chú ý, một số cửa hiệu massage sử dụng chữ TQ với kích cỡ lớn kèm chữ Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng không dùng chữ Việt nào.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Luân, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng, cho biết nơi có người TQ làm việc, sinh sống nhiều nhất ở TP là xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên. Nhiều nhà hàng tại đây treo biển quảng cáo sử dụng tiếng Trung sai quy định.

Từ cuối năm 2013, thanh tra sở đã tập trung kiểm tra, xử lý và buộc tháo dỡ biển hiệu chỉ sử dụng chữ TQ ở xã Ngũ Lão. Nhờ vậy, biển hiệu của các nhà hàng ở đây đã được chấn chỉnh phần nào.

Đầu tháng 4-2014, lực lượng thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng tiếp tục tập trung kiểm tra một số khu vực trên địa bàn. Một số chủ cửa hiệu có biển quảng cáo sai quy định trên phố Văn Cao đã hứa sẽ tháo dỡ biển vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành.

“Với chủ các cơ sở không chấp hành, lực lượng chức năng sẽ thẳng tay xử phạt” - ông Luân khẳng định.

Theo Mạnh Duy - Trọng Đức - Như Phú (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan