Người đàn ông nửa đời "tắm rửa" cho hài cốt

Ngày 04/09/2018 21:15 PM (GMT+7)

Làm nghề "bốc mộ" đến nay đã nửa đời người, đã "tắm rửa" cho hàng ngàn bộ hài cốt ở khắp các nơi, từ người giàu sang cho tới kẻ nghèo hèn, ông Chiến cho biết cái nghiệp này tự dính vào và trở thành "nghề" của ông khi nào không hay.

Công việc vốn dĩ ít ai dám làm bởi những ám ảnh tâm linh do con người tự nghĩ ra, nhưng trong mắt người đàn ông này, vốn dĩ chẳng có gì đáng sợ...

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, sống lay lắt qua ngày trên bãi bồi sông Hồng, từ năm 12 tuổi, ông Lê Văn Chiến (54 tuổi, quê quán tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đã phải theo cha mẹ bôn ba khắp nơi để làm việc, kiếm kế sinh nhai. Đến nay, ông vẫn nhớ như in quãng thời gian lang thang khắp các tỉnh thành, vào Nam ra Bắc, thậm chí còn sang cả bên kia biên giới để làm những công việc ít ai dám làm.

Người đàn ông nửa đời amp;#34;tắm rửaamp;#34; cho hài cốt - 1

Ông Lê Văn Chiến.

Theo lời ông Chiến kể, tuổi trẻ của ông là những năm tháng đi đốn gỗ trong những cánh rừng hoang sơ từ vùng Tây Bắc cho đến tận Tây Nguyên. Rồi tiếp đó là những buổi săn bắt, tìm kiếm những sản vật quý hiếm chỉ có ở trong rừng già. 

"Đi nhiều, làm nhiều, toàn là những công việc nguy hiểm trong khu rừng thiêng nước độc ít ai dám nhận nhưng cuộc sống của gia đình tôi cũng chẳng bớt khó khăn được bao nhiêu. Tôi vẫn còn nhớ, quãng thời gian đó, các anh em trong gia đình chả mấy khi được no đủ" ông Chiến chia sẻ.

"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt", câu nói đó dường như chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí của người đàn ông đã đi đến gần cuối cuộc đời này. Trong những năm tháng đi rừng ấy, 3 trong số 9 anh em của ông Chiến đã nằm lại ở các nẻo núi rừng.

Đến năm ông Chiến 18 tuổi, bố mẹ ông quyết định quay về quê hương sinh sống. Nhưng cuộc sống vốn dĩ khó khăn, gia đình đông con lại trăm bề thiếu thốn, cả nhà ông Chiến vẫn phải thường xuyên đối mặt với cái đói, cái khổ. 

Cũng vì lí do đó, chỉ mấy năm sau, khi hai cô em gái đi lấy chồng, ba người em trai còn lại cũng bỏ lại ông Chiến một mình trơ trọi mà đi sang bên kia thế giới.

Mất đi người thân, không có nghề nghiệp lại chẳng có nổi một mảnh đất cắm dùi, nhưng những điều đó không đánh gục được chàng trai đang ở tuổi đôi mươi, từng sống sót sau nhiều năm bôn ba núi rừng. 

Người đàn ông nửa đời amp;#34;tắm rửaamp;#34; cho hài cốt - 2

Bên cạnh nhà ông Chiến là một nghĩa trang.

Để kiếm kế sinh nhai, ông Chiến nhận làm mọi việc mà người khác thuê, từ cuốc đất cho đến dọn cỏ, đào mương, khơi rãnh. Vốn có kinh nghiệm leo cây đốn gỗ nhiều năm trong rừng, quay về bãi bồi thì khả năng này của ông càng trở nên đặc biệt vì không mấy ai làm được.

Ông Chiến nói: "Vào mùa hái nhãn, hái quả hay đốn tre, đốn xoan thì công việc nhiều vô kể, làm không hết. Tôi cứ ở nhà là hết người này đến người khác gọi đi làm bởi cũng chẳng có mấy ai nhiều kinh nghiệm như mình. Thế nhưng, mùa vụ như vậy một năm cũng không nhiều nên cuộc sống vẫn không khá lên được mấy".

Và rồi, như ông Chiến khẳng định, may mắn lớn nhất của cuộc đời mình là ngày ông gặp được bà Nguyễn Thị Quyết. Bà Quyết vốn là người làng bên, cùng sống trên một bãi bồi, gia cảnh cũng không khác ông Chiến là bao. Thông cảm với hoàn cảnh của nhau, năm 1992, hai ông bà quyết định về sống chung một nhà để nương tựa, đỡ đần lẫn nhau.

"Thương ông ấy thì mình chấp nhận về cùng một nhà chứ cũng chẳng nghĩ đến gì cao sang. Hai vợ chồng cùng nghèo, nhà thì ít đất nên chủ yếu làm thuê làm mướn quanh năm. Gia đình ông ấy vốn có nhiều anh em mà giờ chỉ còn độc một mình ông ấy, cuộc sống vất vả trăm bề, nghĩ đến mình cũng thương", bà Quyết chia sẻ.

Nói về cái nghề đã gắn với mình nửa đời người, ông Chiến giải thích, theo phong tục tập quán của Việt Nam, sau khi một người qua đời, người thân sẽ làm lễ chôn cất lần đầu gọi là "hung táng". 

Ba năm sau, khi mãn tang lại một lần nữa thực hiện nghi thức "cải táng" hay còn gọi là sang cát. Quy trình của việc "cải táng" đôi khi khá là rùng rợn nên đòi hỏi người làm phải gan dạ và có nhiều kinh nghiệm. Cũng vì lý do đó mà công việc này ít người biết làm và dám làm.

Sau khi giải thích sơ qua về nguồn gốc của công việc, ông Chiến châm lửa hút vội điếu thuốc, có lẽ ông muốn mượn làn khói trắng ấy để giấu đi ngấn nước đang trực trào ra từ trong khóe mắt đã in dấu thời gian của mình. 

Bởi lẽ, cái nghề này đến với ông một cách vô tình và cũng đầy đau thương, ông Chiến Bùi ngùi nói: "Như tôi vừa kể ở trên, năm đó tôi chưa đầy 20 tuổi, những đứa em lần lượt mang bệnh rồi chết yểu. Gia đình khó khăn, việc làm tang lễ cho các em cũng sơ sài thì đến lúc cải táng cũng làm gì có điều kiện mà thuê người làm cho cẩn thận. Thương các em, tôi đánh liều tự mình làm mà chẳng cần ai hỗ trợ. Em mình chứ ai đâu mà mình phải sợ".

Nói là vậy, tuy nhiên nếu không có những năm tháng lặn lội trong rừng thẳm, làm những công việc nguy hiểm, sẵn sàng đối mặt với cái chết thì cũng chẳng có mấy ai dám tự làm công việc này như ông Chiến. Chính ông Chiến có lẽ cũng không ngờ rằng, chỉ sau vài lần nhặt xương, rửa cốt cho ba đứa em trai, cái nghiệp này dường như đã gắn vào người cho đến hàng chục năm sau đó.

Vốn dĩ chẳng mấy ai dám làm công việc này nên khi chuyện ông Chiến tự "cải táng" cho các em trai được lan truyền, nhiều người đã tìm đến ông để xin giúp đỡ, không đi không được. 

Ban đầu là những người trong họ hàng, những người nghèo khó, rồi sau đó ông Chiến nhận "cải táng" cho nhiều người ở khắp nơi trong vùng. Dần dần, ông Chiến cũng quen với công việc này và nó trở thành một cái nghề của ông khi nào không hay.

Người đàn ông nửa đời amp;#34;tắm rửaamp;#34; cho hài cốt - 3

Bãi bồi nơi nhiều gia đình sinh sống.

"Cái nghề này ai nghe đến cũng hãi, chẳng có gì hay ho cả. Nhiều nhà họ không có điều kiện mời người ở xa về làm vì quá tốn kém thì họ lại qua nhờ mình. Hoàn cảnh của một số nhà cũng chẳng khác gì nhà mình, thấy vậy tôi lại nhớ lúc mình cải táng cho các em, cũng chỉ vì nghèo quá mà phải làm liều. Nên thành ra mình cũng thương mà giúp đỡ cho họ. Rồi không hiểu sao, người ta truyền tai nhau và đến nhờ vả liên tục", ông Chiến nói.

Theo như chia sẻ của ông Chiến, ngày còn trẻ, khi không có ai nhờ "cải táng", ông Chiến lại theo tốp thợ xây trong vùng đi lên thành phố làm thuê, đến gần cuối năm mới về. Thế nhưng, đi đến đâu, người ta biết ông Chiến có "nghề" lại nhờ nên đi đến đâu ông cũng có việc để làm.

Chia sẻ về nghề, ông Chiến nói: "Tính đến bây giờ tôi đã "tắm rửa" cho xấp xỉ cả ngàn bộ hài cốt, nam phụ lão ấu có cả. Mình làm cũng coi như làm phúc cho người ta, công cán thì gia chủ cho sao lấy vậy chứ tôi không đòi hỏi. Bình quân mỗi lần như vậy tôi được trả 2 đến 3 triệu đồng.

Công việc cải táng thường tập trung vào ba tháng cuối năm, có đêm nhiều nhất vợ chồng tôi làm đến 5 ngôi mộ. Chập tối thì bắt đầu xách đồ đi ra nghĩa địa, rạng sáng lại về".

Sau hơn 30 năm làm nghề, trải qua biết bao nhiêu tình huống "rùng mình", phức tạp khác nhau, ông Chiến dường như đã quá chai sạn với nỗi sợ hãi của công việc chẳng mấy ai dám làm này. 

Ông kể, có những lần gặp phải thi hài chưa phân hủy hết, mùi tử khí bốc lên nồng nặc không thể thở nổi mặc dù đã dùng rất nhiều dầu gió và đổ rượu. Tuy nhiên, ông Chiến vẫn phải xắn tay vào làm cho đúng giờ, đúng yêu cầu của gia chủ. Tự tay ông phải dùng dao làm sạch sẽ hài cốt rồi bắt đầu tắm rửa, sắp xếp cho cẩn thận.

Ông nói: "Mình đã nhận việc thì mình phải làm đến nơi đến chốn, không được nề hà. Làm nghề này phải làm với cái tâm của mình, để người ta dù có chết rồi cũng được yên ổn, người sống cũng nhờ đó mà thanh thản hơn".

Trong mỗi buổi cải táng, hai vợ chồng ông Chiến sẽ ra mộ từ sớm để cuốc đất trước, khi đến gần nắp áo quan thì đánh dấu lại rồi trở về nhà, đến tối mới quay lại làm công việc "cải táng". 

Khi ông Chiến đang làm việc, bà Quyết sẽ về nhà, chuẩn bị bữa ăn khuya, nấu nước tắm để cho chồng có thể tắm gội sau một đêm vất vả.

"Làm nghề này giờ giấc mình phải theo ý gia chủ, những chuyện kiêng khem mình cũng phải cẩn thận cho cả họ cả mình. Cái nghề độc hại lắm, người ta bệnh gì mình không biết được, rồi lại hít phải tử khí nên cũng chẳng rõ sẽ ốm bao giờ", bà Quyết nói.

Khi hỏi về chuyện tâm linh đã gặp phải trong suốt nửa đời người làm nghề "cải táng", ông Chiến khẳng định rằng mình chưa bao giờ gặp phải và ông cũng không tin lắm vào những chuyện ma mãnh. 

Điều mà ông Chiến và vợ cảm thấy buồn khi làm nghề này không phải sự ám ảnh của người chết mà chính là cái nhìn của người sống. Có những người họ nài nỉ, nhờ vả ông làm nhưng sau đó, cái ông nhận được là những ánh mắt xa lánh, kì thị. 

Có lẽ với họ, người đàn ông thường xuyên tiếp xúc với tử khí có điều gì đó xui xẻo, không tốt. Cho dù đó là người vừa giúp đỡ họ, làm công việc mà có cho bao nhiêu tiền họ cũng không dám xắn tay vào làm.

Ông Chiến nói, đó là nghề và cũng là cái nghiệp nên chẳng khi nào ông để bụng hay trách cứ người khác. Công việc này đối với ông Chiến, ngoài lý do mưu sinh thì cũng là một cách để giúp các gia đình thực hiện nốt nghĩa vụ với người đã khuất. 

Dù có hay không lời cảm ơn, cuộc sống của hai vợ chồng ông Chiến vẫn cứ lặng lẽ trôi bên trong căn nhà nhỏ, bên cạnh nghĩa trang và một vườn chuối bạt ngàn. Khung cảnh ấy mang một nét buồn, cũng giống như cuộc đời đầy thăng trầm và khổ đau của ông Chiến.

Chuyện kể sởn da gà nghề hỏa táng
Có những ông bảo vệ đến trực hôm trước hôm sau đã vội bỏ việc chỉ vì… sợ sởn da gà với cái lạnh âm u vương mùi tử khí.
Theo Phong Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h