Người đàn ông tìm lại danh phận và “dẫn đường” tới trường cho 40 đứa trẻ ở xóm Phao Hà Nội

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 02/06/2023 12:00 PM (GMT+7)

Người đàn ông sống ở xóm Phao, sông Hồng đã “dẫn đường” cho 40 đứa trẻ được đến trường và cho chúng một danh phận đúng nghĩa.

Giữa trưa hè oi ả, bà Nga (60 tuổi, ở xóm Phao, bãi giữa sông Hồng) hớt hả chạy về căn lều tạm của mình ở cuối bãi, gọi vang tên cháu nội là Cô Ca và nói: Cháu ơi! Ông Được làm được giấy tờ cho cháu rồi. Cháu được đi học rồi”. Cháu nội bà Nga sinh năm 2017, từ khi chào đời không có giấy khai sinh, nay chuẩn bị vào lớp 1 mới được người đàn ông tên Được chạy khắp nơi để làm giúp giấy tờ, thủ tục còn kịp đăng ký cho cháu vào lớp 1.

Ông Được mà bà Nga nhắc đến như vị “cứu tinh” của những đứa trẻ ở xóm Phao. Ông tên thật là Nguyễn Đăng Được (77 tuổi), là một trong số những người đầu tiên đến bãi giữa sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội sinh sống. Ông không chỉ là “cứu tinh” cho cháu bà Nga, mà còn là “người đỡ đầu” trong hành trình tới trường cho hàng chục đứa trẻ ở xóm “ngụ cư” này. Thế nhưng bản thân ông hiện dù đang sống nhưng lại chẳng có giấy tờ tùy thân gì. Không chỉ ông, đa số những người trưởng thành đang sinh sống ở xóm Phao này đều vậy, dù họ đã ở đây đến vài chục năm.

Ông Được không chỉ là trưởng xóm có trách nhiệm, mà còn giúp những đứa trẻ được tới trường.

Ông Được không chỉ là trưởng xóm có trách nhiệm, mà còn giúp những đứa trẻ được tới trường. 

Chia sẻ về chuyện "chạy" giấy tờ cho những đứa trẻ được tới trường, ông Được nói rằng, chuyện chẳng có gì, ông làm chỉ vì thương lũ trẻ và mong lũ trẻ được đến trường, được học con chữ và kiến thức. Đó chính là tiền đề để sau này cuộc đời chúng đỡ khổ, và cũng là con đường để những đứa trẻ có thể thoát ra khỏi cái “xóm liều” ở giữa sông Hồng, hy vọng kiếm được việc làm tử tế.

Ông Được chia sẻ rằng, trong số 40 đứa trẻ ông chạy ngược xuôi khắp nơi làm giấy tờ để chúng được tới trường, giờ có đứa đã học xong ra trường đi làm bảo vệ, đầu bếp, có đứa đang tiếp tục học lên và là “siêu cao thủ” trong làng công nghệ. “Điểm chung của những đứa trẻ ở đây là có hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều mừng nhất là các cháu đều có ý thức học hành. Tôi đã từng mất ối tiền vì chúng học giỏi quá!”, ông Được tâm sự.

Khi còn khỏe, kiếm được ra tiền, ông Được treo thưởng cho những đứa trẻ ở xóm Phao rằng: “Đứa nào học giỏi, được điểm 10 về ông thưởng 10 nghìn đồng”. Kết thúc năm học, các cháu mang thành tích về báo công ông Được, tổng số tiền ông thưởng những đứa trẻ chăm ngoan học giỏi là hơn 2 triệu đồng. “Chỉ 10.000 đồng/1 điểm 10, mà tôi mất hơn 2 triệu thì biết các cháu phấn đấu thế nào rồi đó. Số tiền đó với dân lao động chúng tôi là rất lớn, nhưng cũng rất đáng để bỏ ra, nhằm khích lệ tinh thần hiếu học của các cháu”, ông nói.

Người đàn ông bỏ ra tiền triệu khi treo thưởng cho những điểm 10 của học sinh xóm Phao.

Người đàn ông bỏ ra tiền triệu khi treo thưởng cho những điểm 10 của học sinh xóm Phao. 

Hơn 30 năm trước, ông Được dạt về sống ở bãi bồi ven sông Hồng, ngày đó lau sậy quá đầu người, dân cư thưa thớt. Vốn là một người lính, từng hoàn thành đến hết chương trình học lớp 7 ngày xưa (tương đương THCS bây giờ), khi phiêu bạt về đây sinh sống, ông Được rất thương những đứa trẻ lang thang đi bán báo, vạ vật gầm cầu nên ông mở lớp dạy chữ cho lũ trẻ. Nói là mở lớp nhưng lớp học không bảng phấn, sách vở, thầy giáo đôi khi mặc quần đùi, cởi trần dạy học, bọn trẻ ngồi nền đất học đánh vần ô a, thậm chí nét chữ đầu tiên viết lên nền đất.

Thời gian qua đi, khi một số nhà báo và nghệ sĩ có tên tuổi biết tới, họ ủng hộ bàn ghế, sách vở nhưng lớp học vẫn rất sơ sài. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, lớp học ấy cũng chẳng tồn tại được lâu.

“Khổ một nỗi, đó đều là trẻ lang thang, ngay cả những đứa trẻ sống ở xóm này, có bố có mẹ cả nhưng bố mẹ nó cũng chẳng có giấy tờ gì thì làm sao chúng có được đến trường. Nghĩ tội lũ trẻ quá nên tôi quyết định sẽ tìm cách làm giấy tờ để chúng được tới trường”, ông Được kể.

Hành trình ban đầu đi xin thủ tục làm giấy tờ của ông Được rất gian nan, nhưng vì tình yêu trẻ, ông đã làm được tất cả.

Hành trình ban đầu đi xin thủ tục làm giấy tờ của ông Được rất gian nan, nhưng vì tình yêu trẻ, ông đã làm được tất cả. 

Ban đầu ông Được vận động bố mẹ chúng để làm giấy khai sinh cho những đứa trẻ, ông đã bỏ thời gian, công sức đi về tận Nam Định, Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác để xác minh quê quán, lấy chứng nhận của chính quyền địa phương nơi bố mẹ những đứa trẻ từng sinh ra và lớn lên ở đó. Khi có được giấy xác nhận, ông về Hà Nội và tiếp tục hành trình đi gõ nhiều cửa mới làm được giấy khai sinh cho bọn trẻ.

“Ban đầu đi cũng nản lắm, nhưng nghĩ nếu mình không cố những đứa trẻ lại thất học, lại giống như bố mẹ, ông bà chúng nó chẳng có giấy tờ gì. Vậy là tôi lại cố. Đứa đầu khó khăn, đến đứa thứ 2, thứ 3 quen dần và rồi cũng thành thạo đường đi nước bước. Tình cả cháu sinh năm 2017 tôi vừa hoàn thành thủ tục, đến nay 40 cháu đã được khai sinh”, ông Được tâm sự.

Không chỉ lo “con đường” đến trường cho lũ trẻ xóm Phao, “ông Được luộm thuộm” (biệt danh của ông Được) còn thương lũ trẻ như con cháu của mình. Ông vận động các tổ chức, thu lượm phế liệu còn dùng được để làm sân chơi cho lũ trẻ thiệt thòi. Không những vậy, ông từng thành lập được một thư viện ở ngay bãi sông Hồng, với nhiều đầu sách khác nhau. Nhìn xa xăm về phía sân chơi và thư viện, ông Được buồn rầu nói: “Tiếc rằng sức tôi có hạn, không dọn dẹp được thường xuyên. Giờ vẫn có các cháu đến chơi, nhưng cỏ mọc quá trời”.

img srchttps://cdn.eva.vn/upload/2-2023/images/2023-05-31/nguoi-dan-ong-tim-lai-danh-phan-va-dan-duong-toi-truong-cho-40-dua-tre-o-xom-phao-ha-noi-duoc6-1685528779-170-width780height439.jpg width660 /

Người đàn ông tìm lại danh phận và “dẫn đường” tới trường cho 40 đứa trẻ ở xóm Phao Hà Nội - 5

Nhưng khu vui chơi, thư viện... do ông Được sáng lập để trẻ xóm Phao có chỗ chơi và học tập. 

Không chỉ giúp những đứa trẻ có được khai sinh, tại đây người đàn ông này còn được tín nhiệm bầu làm trưởng xóm, ông sẵn sàng đứng ra giúp người dân các loại giấy tờ, thủ tục mỗi khi cần thiết. Chẳng phải người dân ở xóm này, mà những ai chết đuối trôi sông ông cũng sẵn sàng bơi ra vớt xác, rồi cứu không ít người tuyệt vọng định gieo mình từ trên cầu Long Biên xuống, bởi thế ông được nhiều người ví von là "người cướp miếng cơm của Hà Bá".

“Tôi cả đời lao động vất vả, trẻ thì đi bốc vác, lớn tuổi làm vườn, già ngồi bán nước nhưng không vì thế mà bỏ mặc sự đời. Với tôi Phật ở trong tâm, thấy người gặp khó không giúp cũng là có tội. Vì thế, hãy giúp người khi cần một cách vô tư nhất, có như vậy tâm mình mới thanh thản và cuộc sống thảnh thơi hơn”, ông Được nói.

Ngày Tết Thiếu nhi buồn của những đứa trẻ ở bến sông Hồng, có người mẹ 15 tuổi sinh con rồi bỏ đi biệt xứ
Với những đứa trẻ ở dưới bãi sông Hồng, Ngày Quốc tế Thiếu nhi là một điều xa xỉ, họ chỉ cần hàng ngày có cơm ăn và đủ đầy cha mẹ là quá đủ.

Tết Thiếu Nhi 1/6

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế