Người dân Philippines phản đối học 12 năm phổ thông

Ngày 14/10/2015 15:34 PM (GMT+7)

Giáo dục Philippines hiện đang đối diện với một trong những thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử: chuyển từ hệ đào tạo 10 năm sang 12 năm cho chương trình giáo dục phổ thông.

Đây là chủ trương trọng yếu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III, được kỳ vọng rằng việc tăng thêm hai năm học nữa lớp 11 và lớp 12, thế hệ trẻ sẽ được trang bị nhiều thêm các kỹ năng cần thiết, tăng cơ hội tìm được việc làm thu nhập cao trong các lĩnh vực như tài chính công nghệ. Tuy nhiên, theo New York Times, kế hoạch này đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ công chúng.

Học sinh ở Philippines thường gặp phải khó khăn khi muốn tìm việc ở nước ngoài hay xin học ở nước ngoài bởi vì bằng cấp họ không được các nước công nhận, các quan chức giáo dục nói.

Ở một đất nước như Philippines, nơi mà mức thu nhập bình quân hộ gia đình năm 2012 chỉ khoảng 5.100 USD/năm (114,5 triệu đồng), nhiều gia đình đã phản đối chủ trương này của chính quyền bởi họ xem đây như một gánh nặng về tài chính chứ không phải lợi ích.

Vào một tối thứ Sáu gần đây ở TP Quezon, giữa một mớ đàn ông đang tập trung nghe radio, còn phụ nữ xếp hàng chờ mua bánh trứng sữa, Mary Jean Reyes, 34 tuổi ngồi một mình trên chiếc ghế dài, xoa xoa cái thai đang lớn của mình. Cô Reyes cũng sắp sinh con và đây là đứa thứ năm của cô nhưng cô lại thất nghiệp. Mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào thu nhập hằng tháng của chồng cô, chỉ 100 USD, không đủ đâu vào đâu.

Cô Reyes chia sẻ cô hy vọng những đứa con của mình  Briget May, Sunshine, Jumo và Franz có thể bắt đầu đi làm sớm ngay sau khi chúng học xong. Nhưng cô lo lắng rằng chương trình giáo dục này khiến nhiều gia đình điêu đứng vì không đủ tiền cho con đi học.

“Không cần thiết phải học thêm hai năm nữa” - cô nói - “Đó cũng chỉ là thêm hai năm lãng phí nữa mà thôi, chúng tôi không đủ sức”.

Người dân Philippines phản đối học 12 năm phổ thông - 1

Học sinh Trường THPT quốc gia Batasan Hills ở TP Quezon, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: New York Times 

Khi được đề xuất năm 2012, chương trình giáo dục cơ bản từ mẫu giáo đến lớp 12, gọi tắt là K-12, tăng thêm hai năm học phổ thông là lớp 11 và lớp 12 của Tổng thống Benigno S. Aquino III, chương trình này được sự ủng hộ lớn của các chuyên gia giáo dục và nhà điều hành doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, sự ủng hộ giảm dần và đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Một thăm dò của báo The Standard ở Manila cho thấy 61% người dân Philippines phản đối kế hoạch mới. Có tới sáu đơn khiếu nại tập thể đã gửi tới Tòa án tối cao Philippines.

Những người nộp đơn lo ngại thêm hai năm học phổ thông sẽ gây sức ép lên học sinh và khiến cuộc khủng hoảng bỏ học ngày càng tồi tệ. Hiện nay, 1/4 học sinh Philippines không tốt nghiệp được lớp 10.

Các giáo sư đại học là những người dẫn đầu làn sóng phản đối. Nhiều người lo lắng việc chuyển lớp cho học sinh 17 và 18 tuổi từ bậc đại học xuống bậc phổ thông sẽ khiến các trường đại học sa thải ít nhất 25.000 nhân viên.

Phía học sinh lo ngại nguy cơ thiếu trường lớp, còn phụ huynh lo không đủ tài chính nuôi con thêm hai năm ăn học, chưa kể việc học lâu hơn còn làm mất nguồn lao động bổ sung cho các gia đình. Ngoài ra trước nguy cơ học sinh bỏ học ngày càng nhiều, các giảng viên đại học cũng thấp thỏm không kém trước nguy cơ thiếu sinh viên trong khoảng hai năm.

Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, các quan chức chính quyền Philippines đã tranh luận về việc kéo dài thời gian đào tạo phổ thông nhưng các nỗ lực thay đổi đều thất bại do thiếu ngân sách và vấp phải sự phản đối của công luận, nhất là tại những nơi như TP Quezon, ngoại ô thủ đô Manila, nơi có rất nhiều gia đình nghèo muốn con cái họ làm việc từ rất nhỏ.

Nếu muốn triển khai kế hoạch học 12 năm phổ thông, chính phủ cần xây thêm 30.000 phòng học và tuyển dụng thêm 43.000 giáo viên.

Theo Ngọc Như (New York Times)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự