Nhân lực Việt Nam lãng phí vì 'thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu'

Ngày 12/09/2016 14:52 PM (GMT+7)

Trước tình trạng ngày càng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.

Tại sao mỗi năm có hàng nghìn sinh viên có trình độ ra trường lại thất nghiệp? Tại sao thị trường lao động dồi dào nhưng nhiều nhà tuyển dụng lại khó tìm được nhân lực phù hợp hay tại sao mỗi sinh viên có khoảng 2-4 năm ngồi trên ghế giảng đường nhưng lại lúng túng khi đi xin việc?... 

Rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến gia đình, nhà trường và xã hội phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về thị trường lao động. Báo điện tử Khám phá xin đăng tải loạt bài viết về tình trạng thất nghiệp dưới góc nhìn của chính sinh viên, gia đình, nhà trường, nhà tuyển dụng và chuyên gia. 

Bài 1: Bố mẹ vay ngân hàng cho học đại học, ra trường đi làm công nhân 

Bài 2: Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp

Bài 3: Nhân lực Việt Nam lãng phí vì 'thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu'

Bài 4: Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên

- Chào ông, ông có thể cho biết nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay thế nào, đặc biệt là lao động có bằng cấp?

- Nhân lực trình độ cao Việt Nam năm 2015-2016 đang xếp vào khoảng thứ 95 trên 140 quốc gia đứng sau Thái Lan 39 bậc. Còn xét theo tiêu chí giáo dục tiểu học và sức khỏe thì Việt Nam đang đứng thứ 61, trên Thái Lan 6 bậc theo bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu.  

Nhìn về tổng thể, nhân lực Việt Nam có chất lượng thấp hơn một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là nhân lực có trình độ tốt nghiệp trường nghề và đại học. Năng suất lao động của Việt Nam đứng ở nhóm các nước có năng suất lao động thấp.

Nguyên nhân thì có nhiều, chẳng hạn như suất đầu tư tài chính trên đầu một sinh viên của chúng ta thấp kém vài chục lần so với các quốc gia phát triển thuộc OECD, chương trình đào tạo quá gượng ép, nhiều chương trình không gắn với nhu cầu của nền kinh tế, còn phương pháp dạy nặng về lý thuyết, thiếu hình thành năng lực nghề nghiệp, ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo, tinh thần đồng đội... cộng thêm động cơ học tập của HSSV cũng như của một bộ phận đội ngũ giảng viên, giáo viên còn hạn chế năng lực hoặc chưa phát huy hết năng lực của họ.

Nhân lực Việt Nam lãng phí vì thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu - 1

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tại sao lại có tình trạng doanh nghiệp thì khát lao động còn sinh viên vẫn thất nghiệp?

- Thực chất thì doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cũng có hạn chế cộng thêm với nền kinh tế chưa tạo ra việc làm nhiều đòi hỏi ở trình độ tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, nông nghiệp... thì không phải là doanh nghiệp khát không tuyển được mà đôi khi nguồn cung không đủ và tỷ lệ lao động có việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật công nghệ hoặc tốt nghiệp trong các chương trình tiên tiến thì không lo không có việc làm. Trái lại, một số lĩnh vực thuộc về các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, sư phạm... thì gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm do cung vượt quá cầu.

- Theo ông, mối liên hệ giữa gia đình (định hướng nghề), nhà trường (đào tạo) và doanh nghiệp (sử dụng lao động) cho sinh viên hiện nay đã gắn kết thế nào? Tại sao ngày càng nhiều tình trạng sinh viên "ngồi nhầm lớp"?

- Công tác giáo dục hướng nghiệp từ nhiều năm nay chúng ta đã và đang làm nhưng phải nói là chưa tốt, hiệu quả thấp. Điều này có nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nhiều gia đình và bản thân học sinh cũng muốn có bằng cấp đại học, tôi cho đây là nguyện vọng chính đáng của người dân và đất nước. Ngày càng có nhiều thanh niên muốn vào học đại học xét trên bình diện nào đó cũng là điều đáng mừng...

Tuy nhiên, trong điều kiện năng lực học tập hạn chế, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, việc chạy đua vào đại học lại là điều rất không nên vì năng lực và điều kiện không đáp ứng yêu cầu học ĐH thì lại khổ chính bản thân và gia đình. Tốt nghiệp ĐH với mảnh bằng trong tay thật đấy, nhưng chưa chắc đã có việc làm vì giá trị thật sự của người tốt nghiệp trong cái bằng ĐH nhiều khi không gắn với "tem nhãn" đi cùng người sở hữu cái bằng đó.

Bên cạnh đó, một số trường ĐH mải lo tìm kiếm nguồn học phí, phần nào buông lỏng chất lượng trong quá trình đào tạo. Học phí thì thấp, người học thích bằng cấp, dẫn đến điểm hội tụ chung là văn hóa chất lượng thấp nên đóng góp vào số người tốt nghiệp những chưa hoặc khó khăn kiếm được việc làm. Hơn thế nữa, chương trình dạy học của nhiều trường đại học chưa giúp cho sinh viên sau khi ra trường có thể tạo việc làm cho bản thân và cho người khác, tinh thần khởi nghiệp vì thế còn tương đối yếu. Vì thế, Bộ GDĐT có chương trình giúp cải thiện cơ hội việc làm và đưa chương trình khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cao đẳng và đại học.

- Rất nhiều nơi đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm mới tuyển dụng, đây là có phải là điều thiệt thòi cho sinh viên mới ra trường không thưa ông?

- Cái yêu cầu này thuộc quyền của doanh nghiệp, chẳng có gì là thiệt thòi cho người học cả. Khi cung vượt quá cầu thì doanh nghiệp sẽ rất "đỏng đảnh" kén cá chọn canh và luôn muốn có nhân lực được tuyển dụng và làm được ngay. Đòi hỏi phải có kinh nghiệm như vậy thì vô hình chung giáo dục đại học bị "nghề hóa" (vocationalizm) họa có là đào tạo huấn luyện kỹ năng nghề. Còn giáo dục ĐH mang một triết lý khác hẳn giúp cho người tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng của một ngành (hoặc chuyên ngành), giúp cho người ta có được phương pháp làm việc, phương pháp tư duy, phân tích, tổng hợp, tiếp cận đến các nguồn tri thức của nhân loại. Giúp cho người ta biết cách đọc sách, tài liệu, chắt lọc, tổng hợp thông tin và áp dụng cho việc làm.

Tuy nhiên, để bớt đi sự "chê bai" sinh viết tốt nghiệp từ doanh nghiệp trường ĐH cũng phải thay đổi cách dạy học, gắn với các tình huống thực tế nghề nghiệp, giải quyết vấn đề trong thực tế thì sinh viên sẽ đỡ bỡ ngỡ khi đi tuyển dụng đồng thời doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong việc tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, làm quen môi trường doanh nghiệp trong quá trình học tập. Ngay chính những người đang nắm quyền tuyển dụng họ cũng nên nhớ rằng khi mới ra trường học lấy đâu ra kinh nghiệm nghề nghiệp.

- Kỳ tuyển sinh vừa qua nhiều học sinh không thi đại học do sợ sau này thất nghiệp, ông có thể cho biết góc nhìn của anh về vấn đề này?

- Nhiều học sinh không thi đại học do sợ sau này thất nghiệp mới là giả thiết chủ quan như vậy thôi chắc phải có khảo sát tâm lý xã hội về vấn đề này mới có thể phát biểu được. Nếu có đủ năng lực và điều kiện tài chính, chịu khó học hành, rèn luyện... chắc chắn không lo không có việc làm.

Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên ở nước ta chiếm khoảng trên 8% trong tổng số hơn 52 triệu lao động trong độ tuổi. Nếu so sánh con số này với các quốc gia phát triển khác khoảng 24-30%, thì nhân lực có trình độ tốt nghiệp ĐH ở ta còn thua xa nhiều so với các quốc gia khác để có thể Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa nhanh chóng nền kinh tế đất nước. Vì thế cần nhận diện hết sức khách quan vấn đề này để tránh hai khuynh hướng tả khuynh cực đoan hoặc hữu khuynh để có chính sách phát triển giáo dục một cách hài hòa.

Tôi cũng nói thẳng, trong khi nhiều trường nghề chất lượng yếu, sức hấp dẫn kém, cơ hội việc làm trong xã hội không cao thì cần cân nhắc cả chính sách phát triển xã hội tránh đẩy thanh niên tốt nghiệp THPT ra ngoài đường. Thanh niên không học nghề, việc làm trong xã hội thiếu, trong khi họ muốn học đại học để tìm kiếm các cơ hội khác nhau thì mình phải tính đến nhu cầu học tập đại học của thanh niên để đáp ứng bên cạnh cung cấp thông tin, tư vấn hướng nghiệp giúp cho thanh niên có sự lựa chọn con đường học tập phát triển sự nghiệp tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông

Theo Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự