Nhìn lại các vụ việc được quan tâm trong tuần qua

Ngày 24/05/2015 23:53 PM (GMT+7)

Xôn xao gạo 'nhựa' độc hại từ Trung Quốc đe dọa người dân châu Á, xăng đột ngột tăng giá... là những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Xăng bất ngờ tăng thêm 1.200 đồng/lít từ 20/5

Ngày 20/5/2015, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc điều hành kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây biến động tăng liên tục (ngày 18 tháng 5 năm 2015, giá xăng RON 92 đã tăng lên mức 83.97 USD/thùng) khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 20 tháng 5 năm 2015 chênh lệch so với giá bán.

Cụ thể, trong lần điều chỉnh giá xăng lần này, Liên bộ Công thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng A92 và giá xăng sinh học thêm 1.200 đồng/lít, dầu hỏa giảm 64 đồng/lít, dầu mazut và dầu diesel tăng thêm 500 đồng/lít.

Như vậy, sau khi điều chỉnh tăng giá, hiện giá xăng A92 bán lẻ đang ở mức 20.436 đồng/lít; dầu diesel ở mức 16.383 đồng/lít; dầu mazút ở mức 13.153 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 15.751 đồng/kg.

Nhìn lại các vụ việc được quan tâm trong tuần qua - 1

Xăng tiếp tục tăng 1.200 đồng/lít từ 20h tối nay

Đây là lần tăng giá thứ 3 kể từ đầu năm 2015 cho đến nay. Và là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng một tháng trở lại đây. Tổng cộng 3 lần tăng, xăng đã tăng giá gần 5.000 đồng/lít.

Trong lần điều chỉnh tăng giá vào ngày 5/5, giá xăng thêm 1.950 đồng/lít, giữ nguyên giá bán đối với mặt hàng dầu diesel, dầu madut và giảm giá dầu hỏa 258 đồng/lít. Trước đó, ngày 11/3, giá xăng đã tăng 1.600 đồng/lít. 

Bộ Y tế cảnh báo virus MERS_CoV xâm nhập vào Việt Nam

Hôm  22/5, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành có cửa khẩu quốc tế cần tăng cường giám sát Hội chứng hô hấp cấp MERS xâm nhập vào Việt Nam. sau khi Bộ Y tế Hàn Quốc có 3 trường hợp nhiễm MERS_CoV tại quốc gia này.

MERS được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 2012. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 20/5/2015, trên thế giới ghi nhận 1.119 người nhiểm MERS-CoV, trong đó ít nhất 423 người tử vong. 25 quốc gia đã ghi nhận bệnh nhân MERS-CoV, trong đó khu vực Trung Đông có 9 quốc gia (Ả-rập Xê-út, Quata, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Yemen, Cô Oét, Lebenon, Jordan và Iran). Châu Âu có 9 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ). Châu Mỹ có 1 quốc gia là Mỹ. Châu Phi có 3 quốc gia (Ai Cập, Tunisia và Algeria). 

Nhìn lại các vụ việc được quan tâm trong tuần qua - 2

Hội chứng hô hấp cấp MERS nguy hiểm hơn SARS (Ảnh minh họa)

Tại châu Á, 3 quốc gia cũng đã đã ghi nhận những trường hợp nhiễm Mers CoV là Philippines và Malaysia, Hàn Quốc. Nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đáo tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Đó là một trong những lý do khiến chúng ta trở thành nước có nguy cơ cao nhiễm loại virus này.

Trước tình hình lây lan gia tăng đáng ngại về số người mắc MERS-COV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có cửa khẩu cần chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, đặc biệt có nguy cơ cao như công dân, người lao động, hành khách du lịch, tiếp xúc, làm công việc nông trại liên quan đến lạc đà thuộc các quốc gia khu vực Trung Đông.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng dịch tại cộng đồng. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế cần sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có dịch; chuẩn bị sẵn các nguồn lực cho công tác phòng chống MERS – Cov.

Thứ trưởng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở phối hợp với ngành Y tế triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tới mọi người dân trong cộng đồng về các biện pháp phòng chống MERS-CoV.

Các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị liên ngành tại cửa khẩu, khắc phục các tồn tại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo kịp thời, phù hợp; tập trung cao độ các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh MERS-CoV ngay tại khu vực cửa khẩu.

Báo chí quốc tế đau đầu với bài toán lớp 3 siêu khó của Việt Nam

Một bài toán ôn thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) không chỉ khiến phụ huynh và giáo viên trong nước đau đầu mà nó còn 'gây bão' trên các trang báo chí quốc tế. 

Cụ thể, đề bài toán này như sau: "Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho".

Nhìn lại các vụ việc được quan tâm trong tuần qua - 3

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, xét về mặt toán học, việc tìm ra lời giải cho một bài toán 9 ẩn (với các ẩn là những số tự nhiên từ 1 đến 9) và chỉ có một phương trình quả thật là rất khó. Bởi nếu dùng phương pháp toán học thông thường, những người có tính kiên trì, kiến thức toán tốt cũng đã phải “nát óc”, chưa nói đến đối tượng nhắm đến chỉ là học sinh lớp 3.

 Trên tờ The Guardian (Anh) có bài viết với tiêu đề đầy thách thức: “Bạn có thể giải được bài toán dành cho một đứa trẻ 8 tuổi ở Việt Nam?”.  

Bài báo dẫn, các bậc phụ huynh và giáo viên đau đầu, thậm chí nhiều tiến sĩ đã không giải được bài toán này. Đây chỉ là một bài toán số học thông thường, nhưng nó không hề “dễ như một cuộc đi dạo trong công viên” bởi nó có tới… 9 ẩn số khác nhau. 

Xôn xao gạo 'nhựa' độc hại từ Trung Quốc đe dọa người dân châu Á

Ngày 18/5, tờ The Star (Malaysia) đưa tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc đã thâm nhập vào các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đe dọa tính mạng người tiêu dùng.

Theo thông tin trên tờ The Star, gạo nhựa Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và gần đây là Singapore.

Nhìn lại các vụ việc được quan tâm trong tuần qua - 4

Bộ Y tế đang tiến hành xác minh thông tin gạo giả làm từ nhựa độc hại.

Hiện tại, phía Malaysia đã tiến hành lấy mẫu điều tra đối với các loại gạo nhập khẩu vào nước này để xác minh thông tin. “Tôi cũng đã nghe về tin đồn, có thể đúng hoặc sai, chúng ta không biết chắc. Chúng tôi cũng không biết gạo rởm có lọt vào Malaysia không, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này. Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra toàn quốc”, Bộ trưởng Thương mại Nội địa Malaysia Hasan Malek cho biết.

Trước thông tin gạo giả xuất hiện trên thị trường, các cơ quan chức năng đang tiến hàng xác minh để cảnh báo đến người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, hiện tại Cục đã nắm được thông tin về gạo giả làm bằng nhựa từ Trung Quốc qua các phương tiện truyền thông. Hiện Cục ATTP đang phối hợp với các bên liên quan để xác minh thông tin trên.

Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot