Những kiểu thu mua nông sản 'đểu' của thương lái TQ

Ngày 12/06/2014 22:56 PM (GMT+7)

Đã có quá nhiều vụ các thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Những kiểu thu mua này lạ lùng khiến không ít người nghi ngờ.

Thương lái thu mua bông thanh long

Mới đây nhất, tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận vào thời điểm này, khi thanh long chính vụ sắp trổ bông, nhiều nơi dựng bảng thu mua bông với giá 3.500 đồng/kg. Điều đặc biệt là thương lái chỉ thu mua bông thanh long trước khi nở một ngày, không phân biệt lớn nhỏ, và không lấy bông đã nở.

Cứ đến trước ngày bông thanh long nở, ở những địa điểm thu mua, bông được cho vào bao, chất thành đống và có xe tải đến chở đi. Tuy nhiên, đến cả người thu mua cũng không biết hàng chục tấn bông thanh long này sẽ được chở đi đâu, chỉ biết đầu nậu là người Trung Quốc.

Những kiểu thu mua nông sản đểu của thương lái TQ - 1

 Bông thanh long trước khi nở một ngày đang được thu mua 3.500 đồng/1kg. Ảnh: Zen Nguyễn.

Hiện nay, thanh long đang vào thời vụ chính nên sản lượng bông rất cao. Tuy nhiên, việc thương lái thu mua bông thanh long trước khi nở một ngày theo nhiều hộ nông dân có thể là chiêu lừa mới của thương lái Trung Quốc nông dân cần cảnh giác vì nếu cắt hết bông bán cho thương lái sẽ không cho trái, nông dân sẽ càng chịu thiệt hơn.

Thương lái mua lá khoai lang non

Ngày 26.2, UBND tỉnh Vĩnh Long phát đi thông báo cảnh báo tình trạng thương lái, trong đó có người đến từ Trung Quốc đổ xô đi mua lá khoai lang non với giá 10.000-20.000 đồng/kg. Theo nhận xét của chính quyền tỉnh Vĩnh Long, hành động trên của các thương lái Trung Quốc là bất thường, nên người dân cần cảnh giác.

Điều kiện các thương lái đặt ra khi thu mua là lá khoai tươi khi chưa thu hoạch củ, còn lá sau thu hoạch không mua. Những lái buôn này đặt cọc 20 triệu đồng cho hợp tác xã rau an toàn tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) để mua 20 tấn lá khoai. Cũng có thương lái đến mua bán trực tiếp tại các hộ gia đình, nhưng yêu cầu phải là lá khi chưa thu hoạch củ. Theo phân tích của chủ nhiệm hợp tác xã rau an toàn, cắt lá khoai non khi chưa lấy củ có thể khiến cho năng suất củ giảm 50%.

Theo phân tích của giới chuyên gia, những hành vi bất thường nói trên của thương lái Trung Quốc là động thái làm giá nông sản. Cách làm giá được thực hiện theo kiểu thu mua hàng giá cao, khi giá bị đẩy lên cao, người dân đổ xô làm đầu mối thu mua, gom hàng để bán thì đột ngột ngừng thu mua hoặc dìm giá. Thậm chí, chính số hàng đã thu gom trước đó lại được lái buôn Trung Quốc bán cho các đầu nậu trong nước và tuyên truyền vẫn tiếp tục mua hàng giá cao. 

Thương lái săn lùng lợn mỡ giá cắt cổ

Tháng 12/2013, những con lợn to, nhiều mỡ, ít nạc đang được thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua. Nhiều nông dân mừng vì loại thực phẩm này đã bán được giá cao.

Những kiểu thu mua nông sản đểu của thương lái TQ - 2

Lợn nhiều mỡ được mua với giá cao.

Những loại lợn (heo) có trọng lượng lớn trên 100kg vốn là loại bị người tiêu dùng chê vì có nhiều mỡ. Thế nhưng trong thời gian gần đây, những con lợn càng to, càng nhiều mỡ, ít nạc thì bán càng bán dễ. Các thương lái Trung Quốc về tận vùng miền Đông và miền Tây Nam bộ để thu mua và săn lùng những chú lợn đầy mỡ với giá cao. Hiện loại lợn này đã tăng thêm từ 2.000- 3.000 đồng/kg.

Cụ thể, lợn mỡ tăng lên mức từ 44.000 – 45.000 đồng/kg tại chuồng. Trong khi đó, giá lợn loại 1, dáng đẹp, thịt săn chắc… cũng đã lên mức 46.000 – 47.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi đã và đang tìm cách vỗ béo lợn để bán cho các thương lái Trung Quốc.

Thu mua thân cây thuốc một thân

Khoảng đầu tháng 5/2014, tại nhiều địa phương trong cả nướclại xuất hiện tình trạng thương lái người Trung Quốc đến thu mua thân, rễ nhiều loại cây.Ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng vậy, thương lái người Trung Quốc đến thu mua thân, rễ cây thuốc một thân.

Cây thuốc một thân là một loại dược liệu quý được dùng chữa trị nhiều loại bệnh cho bà con trong vùng đồng bào Dao. Thế nhưng do thương lái Trung Quốc đến tận nơi đặt mua với giá cao nên nhiều bà con trong các thôn bản đã rủ nhau lên rừng lấy thuốc bán. Đã hơn một tháng nay, ngày nào chị Triệu Thị Mụi ở thôn Ngòi Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên cũng cùng bà con trong thôn ùn ùn kéo nhau vào rừng đào rễ và thân cây thuốc một thân từ sáng sớm để bán lấy tiền.

Trung bình mỗi ngày trên địa bàn xã Phúc Lợi có hàng tấn thân, rễ cây thuốc quý bị phá nhổ, bán cho thương lái Trung Quốc.Nguy cơ cạn kiệt cây thuốc quý là điều khó tránh khỏi. Trước thực trạng này, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để bảo vệ nguồn dược liệu quý nơi đây.

Thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu

Thương lái Trung Quốc mua gốc và rễ tiêu sống bắt đầu từ cuối năm 2012 ở huyện Chư Sê (Gia Lai).

Người dân ở đây cũng không hiểu thương lái mua gốc, rễ tiêu về để làm gì. Một người dân thôn 4 lo lắng nói: Thông tin này nếu phát tán rộng rãi sẽ không tốt. Một số người dân nhận thức kém nếu thấy lợi trước mắt sẽ chặt bỏ vườn tiêu để bán gốc và rễ, thậm chí còn trộm cắp để bán...

Những kiểu thu mua nông sản đểu của thương lái TQ - 3

Ông Kpă Thuyên - Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết: "Nếu việc thu gom gốc, rễ hồ tiêu đã già cỗi để cải tạo, trồng mới thì không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, việc thu mua gốc, rễ hồ tiêu vẫn có thể ảnh hưởng đến sản xuất của bà con dù giá thu mua không có gì bất thường. Vì thế, sau khi có thông tin từ cơ sở, chúng tôi đã chỉ đạo ngành chức năng huyện, chính quyền cấp xã lập tức xác minh thông tin và ngăn chặn ngay, tránh để tình trạng ồ ạt phá hoại cây hồ tiêu, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây thiệt hại và xáo trộn đời sống bà con nông dân".

Hà Anh (T.H)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan