Những câu hỏi xung quanh tiếng ping nghi của MH370

Ngày 08/04/2014 11:27 AM (GMT+7)

Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra xung quanh những tín hiệu dò được ở Ấn Độ Dương nghi từ hộp đen của MH370.

Gần một tháng sau khi máy bay của hãng Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 mất tích, lực lượng tìm kiếm thông báo họ nhận được tín hiệu sóng siêu âm có thể từ hộp đen máy bay ở khu vực biển Ấn Độ Dương và thông báo này đã khiến thế giới giới sôi sục hy vọng.

Tuy nhiên, chính những người tìm kiếm cũng tỏ ra khá thận trọng và cho biết có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để xác nhận xem những tín hiệu sóng siêu âm đó có phải là từ máy bay mất tích hay không. CNN đã đưa ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh những tín hiệu ping bắt được.

Những câu hỏi xung quanh tiếng ping nghi của MH370 - 1

Chấm đỏ trên bản đồ, khu vực phát hiện tín hiệu nghi là phát đi từ hộp đen của máy bay (Ảnh: News Corp Australia)

Tín hiệu ping liệu có phải là từ hộp đen của MH370?

Một chiếc tàu Úc sử dụng thiết bị hiện đại của Mỹ đã hai lần dò được các tín hiệu quanh khu vực máy bay bị nghi mất tích ở bờ biển phía tây Australia. Angus Houston, người chủ trì cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ở Ấn Độ Dương nói với phóng viên rằng một thiết bị được gọi là máy định vị hộp đen trên chiếc tàu mang tên Ocean Shield của họ đã nhận được những tín hiệu tương tự như dữ liệu trên khoang điều khiển máy bay và những đoạn ghi âm trên buồng lái có thể giúp xác nhận việc này.

Lần bắt được tín hiệu đầu tiên là vào cuối tuần vừa qua kéo dài tới hơn 2 giờ trước khi tàu tìm kiếm này mất liên lạc với nó. Lần dò được tín hiệu thứ hai là chỉ vài giờ sau đó và kéo dài 13 phút, quan trọng hơn, lần thứ hai người ta bắt được hai dòng tín hiệu riêng biệt chuyển tới máy định vị. Như vậy hai dòng tín hiệu này có thể đến từ những chiếc hộp đen.

Houston bổ sung thêm rằng: "Đây có thể là thông tin tốt nhất chúng ta có hiện nay nhưng chúng tôi chưa tìm ra chiếc máy bay, chúng tôi cần thêm thông tin để xác minh liệu nó có phải phát ra từ hộp đen của MH370 hay không”.

Những lý do để tin tín hiệu ping là của MH370?

Các tín hiệu cho thấy chúng được phát ra ở tần số 37,5 KHz. 37,5 KHz là tần số tín hiệu chuẩn của các hộp đen, bao gồm thiết bị ghi âm buồng lái và ghi dữ liệu chuyến bay. Tần số này được chọn để tránh tối đa việc bị nhiễu sóng từ các âm thanh khác ở đại dương. Thêm vào đó, hai dòng tín hiệu bắt được cùng một thời điểm có thể trùng khớp với tần số của bộ ghi âm buồng lái máy bay.

Các nhà phân tích đã dựa trên hướng đi của máy bay và nhiên liệu dự trữ của máy bay, vị trí mà tín hiệu bắt được cũng nằm ở khu vực được cho là hướng đi của máy bay.

Những câu hỏi xung quanh tiếng ping nghi của MH370 - 2

Pin của hộp đen máy bay sẽ cạn trong vòng 1 tháng kể từ khi kích hoạt

"Với những thông tin hiện nay, chúng tôi tin rằng chúng tôi đang ở gần tới vị trí chúng tôi cần tới, đây thực sự là tín hiệu khả quan khi hiện tại chúng tôi đang ở một khu vực mà hy vọng rằng cuối cùng chúng tôi cũng có đủ thông tin để khẳng định MH370 đã đi vào vùng biển này”, ông Houston cho biết.

Hôm thứ bảy, một tàu tìm kiếm Trung quốc đã bắt được tín hiệu ở cách phía nam hơn 300 dặm. Houston nói rằng ở khoảng cách này tàu Trung Quốc và tàu Úc không thể nào bắt được cùng một tín hiệu nhưng ông cũng cho biết thêm “ở vùng nước sâu, sẽ có nhiều điều xảy ra với tín hiệu âm thanh” . 

Những lý do để phủ nhận điều này?

Ngay từ đầu, lực lượng tìm kiếm đã nhấn mạnh rằng khó mà tìm ra máy bay rơi ở đâu nếu không tìm thấy mảnh vỡ.

Hiện nay, tất cả những gì ta có là các tín hiệu âm thanh này và ở đại dương thì tín hiệu có thể đến từ nhiều thứ khác nhau.

"Chúng ta vẫn chưa tìm ra được mảnh vỡ nào, vì thế tôi nghĩ rằng điều này thật kỳ lạ và giờ tôi chỉ mong tìm được mấy mảnh vỡ bởi vì chỉ có thế mới giúp chúng ta vén màn bí ấn bấy lâu nay”. Houston cũng nói rằng “không có mảnh vỡ, chúng ta không thể nói rằng máy bay nhất định rơi ở đây".

Những câu hỏi xung quanh tiếng ping nghi của MH370 - 3

Hơn 1 tháng trôi qua nhưng tung tích chiếc máy bay mất tích vẫn bí ẩn

Các nhà đại dương học lưu ý rằng đại dương đầy rẫy những tín hiệu âm thanh, vì ở đây có cả tiếng cá heo và các tín hiệu mà các thiết bị nghiên cứu phát ra ở đáy đại dương để sau này người ta đi thu chúng về. Trong khi tín hiệu hộp đen là độc nhất vô nhị, các âm thanh khác có thể làm chúng ta bị nhầm.

"Không giống như trong không gian nơi các tín hiệu giao thông truyền theo đường thẳng, tín hiệu âm thanh năng lượng xuyên nước cực kỳ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, áp suất và độ mặn”, Peter Leavy, Tổng tư lệnh lực lượng quân sự tiến hành tìm kiếm cho biết thêm rằng “sóng âm thanh còn bị ảnh hưởng và trở nên suy yếu, đôi khi bị bẻ cong đến 90 độ. Vì thế rất khó để dự đoán, và cũng có thể âm thanh đã được truyền đi qua một khoảng cách rất xa nên khi ta ở bề mặt đại dương khó mà nghe được".

Hôm thứ hai, Tư lệnh Hải quân Mỹ William Marks nói với CNN từ khu vực tìm kiếm rằng việc máy định vị của Ocean Shield không dò lại được tín hiệu sau một ngày bắt được tín hiệu lần thứ hai khiến chúng ta phải cẩn thận hơn với những lạc quan ban đầu.

Công việc tiếp theo là gì?

Ocean Shield và máy định vị hộp đen tiếp tục tìm kiếm ở khu vực này với hy vọng sẽ bắt lại được sóng. Nếu được, họ sẽ gửi một thiết bị tự động Bluefin-21 xuống nước với ăngten nhạy hơn và một camera để dò ở đáy biển.

Trong khi đó, website MarineTraffic.com hôm thứ hai đăng tải thông tin đã có 3 tàu triển khai việc tìm kiếm ở khu vực phía Nam nơi mà tàu Haixun 01 của Trung Quốc báo cáo đã dò được tín hiệu hôm thứ Bảy. Một tàu khác của Trung quốc và Tàu HMS của Hải quan Hoàng Gia Anh cũng triển khai cùng tàu Haixun 01 ở khu vực này.

Các quan chức chính phủ cũng cho biết họ sẽ gửi thêm lực lượng để giúp tàu Haixun 01 tìm nguồn phát tín hiệu ở cùng tần số 37.5Kz mà máy bay sử dụng.

Câu hỏi lớn hiện nay là pin của hộp đen bao giờ sẽ hết?. Ước tính pin hộp đen chỉ hoạt động được 30 ngày sau khi được kích hoạt.

Simon Boxall, một giảng viên đại học Southampton về khoa học biển và trái đất cho biết: "Nếu chúng ta xác nhận được tín hiệu này là từ máy bay Boeing 777 thì khả năng tìm ra chiếc máy bay gần như 100%".

Ông Houston đã cảnh báo rằng không nên kỳ vọng việc tìm kiếm là nhanh chóng và dễ dàng. “Có thể sẽ mất vài ngày để xác định tín hiệu thu được có phải là từ MH370 hay không. Ở dưới đáy biển sâu, chẳng có gì diễn ra nhanh chóng cả”, ông nói.

Trong hơn 2 tuần qua, thông tin được cả thế giới quan tâm nhất là số phận chiếc máy bay Malaysia mất tích cùng 239 người. Đã có tất cả 26 quốc gia tham gia tìm kiếm, nhiều vật thể lạ được phát hiện và rất nhiều giả thuyết được đưa ra sau quá trình phân tích các dữ liệu điều tra tuy nhiên tất cả cũng chỉ là những phỏng đoán.

Chuyến bay mang số hiệu MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 8/3 (theo giờ Malaysia) để tới Bắc Kinh, mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Khi đạt tới độ cao 10.000m, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar.

Sau một tuần nỗ lực tìm kiếm quốc tế trên biển Đông không mang lại hiệu quả, ngày 20/3, phía Malaysia tin rằng máy bay bị ai đó có mặt trong buồng lái chuyển hướng một cách có chủ đích sang bờ biển phía Tây Bắc Malaysia sau khi đã tắt hệ thống liên lạc thông thường.

Một chiến dịch tìm kiếm quy mô quốc tế với sự tham gia của 26 nước cùng phương tiện tìm kiếm hiện đại đều được huy động, từ vệ tinh đến thiết bị dò tìm dưới nước; từ tàu phá băng, tàu khu trục đến máy bay tìm kiếm hiện đại nhất đã quần thảo trên biển đông 5 ngày.

Có rất nhiều vật thể lạ được tìm kiếm ở khu vực này tuy nhiên các máy bay đã không thể tiếp cận được do thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.

Những diễn biến mới xảy ra cùng ngày các quan chức Australia thông báo rằng họ đã phát hiện hai vật thể ở phía nam Ấn Độ Dương có thể liên quan tới chiếc máy bay.

Vào 22 giờ ngày 24/3, khi những vật thể trôi nổi chưa được xác minh, Thủ tướng Malaysia đã mở cuộc họp báo khẩn cấp thông báo chiếc MH370 đã lao xuống biển Ấn Độ Dương, không một ai sống sót.

Tuyên bố này đã dập tắt hi vọng về việc có người sống sót sau khi chiếc phi cơ mất tích hôm 8/3.

Mời độc giả đoàn đọc toàn bộ thông tin vụ việc Máy bay Malaysia Airlines rơi xuống Ấn Độ Dương trên Tin tức EVA

Tâm An (CNN)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Máy bay MH370