Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung

Khánh Hằng - Ngày 03/02/2022 13:00 PM (GMT+7)

Dù dịch bệnh hoành hành nhưng các gia tộc giàu nhất châu Á vẫn trở nên ngày càng giàu có, thu về tổng cộng hơn 33 tỷ USD kể từ cuối năm 2020.

Mới đây, tờ Bloomberg đã công bố danh sách những gia tộc giàu nhất châu Á. Mặc dù năm vừa qua, nền kinh tế cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh nhưng những gia đình này vẫn tiếp tục bành chướng thế lực và gia sản của mình. Tổng tài sản ròng của 20 gia tộc siêu giàu châu Á lên đến 495 tỷ USD, nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội của Hong Kong hoặc cả đất nước Singapore.

Theo Bloomberg, gia đình Ambani tại Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu những gia tộc giàu nhất châu Á 3 năm liên tiếp. Điều này không có gì bất ngờ khi Tập đoàn Reliance Industries của gia đình này đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Trong khi đó, gia tộc họ Zhang, chủ sở hữu hãng sản xuất nhôm China Hongqiao Group Ltd., là gia đình Trung Quốc đầu tiên góp mặt trong danh sách này.

1. Gia tộc Ambani (Ấn Độ)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 1

Gia tộc Ambani của Ấn Độ hiện là gia tộc giàu nhất châu Á, sở hữu khối tài sản khoảng 90,3 tỷ USD nhờ vào Tập đoàn Reliance Industries. Năm 1957, ông Dhirubhai Ambani là người đầu tiên của gia tộc bắt đầu đặt nền móng cho tập đoàn này.

Hiện nay, tỷ phú Mukesh Ambani là người thừa kế và lãnh đạo tập đoàn này, có trụ sở tại Mumbai, sở hữu khu phức hợp lọc dầu lớn nhất thế giới và đang mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và bán lẻ. Ông Mukesh Ambani và gia đình mình sống trong căn biệt thự 27 tầng, được mệnh danh là dinh thự riêng đắt đỏ nhất thế giới.

2. Gia tộc Hartono (Indonesia)

Gia tộc Hartono sở hữu tập đoàn sản xuất thuốc lá Djarum và Ngân hàng Trung ương châu Á Bank Central Asia, có khối tài sản khoảng 36,3 tỷ USD. Người đứng đầu tập đoàn thuốc lá của Indonesia này là ông Armand Wahyudi Hartono - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Á BCA.

3. Gia tộc Mistry (Ấn Độ)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 2

Doanh nghiệp của gia tộc Mistry được thành lập ở Ấn Độ vào năm 1865. Tập đoàn Shapoorji Pallonji hiện mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, bao gồm cả kỹ thuật và xây dựng. Gia đình này cũng có cổ phần trong Tata Sons, công ty cổ phần chính đứng sau Tata Group, công ty kiểm soát Jaguar Land Rover.

Hiện nay, tỷ phú Shapoor Mistry là chủ tịch tập đoàn. Hai người con của ông là Pallon và Tanya cũng tham gia vào hội đồng quản trị tại công ty mẹ của tập đoàn. Gia tộc Mistry sở hữu khoảng 34 tỷ USD.

4. Gia tộc Kwok (Hong Kong)

Năm 1972, ông Kwok Tak-seng đã sáng lập tập đoàn Sun Hung Kai Properties. Kể từ đó, nó trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong. Khi ông Kwok Tak-seng qua đời vào năm 1990, 3 người con trai của ông là Walter, Thomas và Raymond lên nắm quyền điều hành tập đoàn. Gia tộc Kwok sở hữu khối tài sản khoảng 31,1 tỷ USD.

5. Gia tộc Chearavanont (Thái Lan)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 3

Người đứng đầu gia tộc Chearavanont - ông Dhanin Chearavanont là chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group, một tập đoàn kinh doanh thực phẩm, đơn vị bán lẻ và viễn thông. Tập đoàn Charoen Pokphand Group là bệ phóng của công ty thương mại điện tử Ascend Money - kỳ lân công nghệ tài chính đầu tiên tại Thái Lan với mức định giá 1,5 tỷ USD vào tháng 9/2021.

Hai con trai của tỷ phú Dhanin Chearavanont hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn. Gia tộc Chearavanont sở hữu khối tài sản hơn 30 tỷ USD.

6. Gia tộc Tsai (Đài Loan)

Anh em nhà Tsai bắt đầu thành lập tập đoàn bảo hiểm Cathay Life Insurance vào năm 1962. Tới năm 1979, gia đình quyết định chia tách doanh nghiệp, Tsai Wan-lin và Tsai Wan-tsai lần lượt nắm quyền điều hành Cathay Life Insurance và Cathay Insurance. Gia đình này hiện kiểm soát hai công ty tài chính lớn ở Đài Loan và đã đa dạng hóa các lĩnh vực bao gồm bất động sản và viễn thông. Gia đình Tsai hiện sở hữu khối tài sản khoảng 28,6 tỷ USD.

7. Gia tộc Cheng (Hong Kong)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 4

Tài sản của gia đình Cheng bắt đầu từ Chow Tai Fook Jewellery, một nhà kim hoàn có trụ sở tại Hong Kong. Gia đình Cheng cũng kiểm soát New World Development, một trong những công ty bất động sản và cơ sở hạ tầng lớn nhất Hong Kong. Hiện nay, tỷ phú Henry Cheng là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Chow Tai Fook. Trong khi đó, ông Adrian Cheng được bổ nhiệm làm phó chủ tịch điều hành kiêm tổng giám đốc của New World Development. Gia tộc này sở hữu khối tài sản vào khoảng 23,1 tỷ USD.

8. Gia tộc Pao (Hong Kong)

Gia tộc Pao sở hữu công ty hàng hải BW Group và tập đoàn bất động sản Wheelock and Company. Ông Pao Yue-kong là người đầu tiên đặt nền móng cho gia sản của mình vào năm 1955. Tới năm 1986, ông Pao Yue-kong nghỉ hưu và con rể Helmut Sohmen trở thành chủ tịch của World-Wide Shipping. Vào năm 2014, cháu trai của ông Pao Yue-kong là Douglas Woo trở thành chủ tịch của tập đoàn Wheelock and Company. Gia tộc họ Pao sở hữu khối tài sản khoảng 23 tỷ USD.

9. Gia tộc Lee (Hong Kong)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 5

Năm 1888, ông Lee Kum Sheung là người đầu tiên sáng lập tập đoàn thực phẩm Lee Kum Kee, nổi tiếng khắp châu Á và thế giới với những loại dầu hào, nước tương, nước sốt. Năm 1922, gia đình này mở rộng kinh doanh thực phẩm chức năng qua công ty LKK Health Products. Gia đình Lee cũng sở hữu nhiều tài sản bất động sản, bao gồm tháp Walkie Talkie ở London (Anh). Hiện nay, ông Charlie Lee là chủ tịch tập đoàn, sở hữu khối tài sản khoảng 20,6 tỷ USD.

10. Gia tộc Yoovidhya (Thái Lan)

Năm 1956, ông Chaleo Yoovidhya thành lập công ty dược phẩm T.C. Pharmaceutical, sau đó mở rộng kinh doanh và bước ngoặt là năm 1975, ông phát minh ra nước tăng lực Krating Daeng, hay còn gọi là Red Bull, hiện là loại nước tăng lực nổi tiếng nhất thế giới. Khi Chaleo qua đời, con trai của ông là Saravoot Yoovidhya trở thành giám đốc điều hành của TCP Group. Năm 2018, chi nhánh quốc tế đầu tiên của TCP Group được mở tại Việt Nam. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của dòng nước uống tăng lực, gia tộc Yoovidhya hiện sở hữu khối tài sản 19,6 tỷ USD.

11. Gia tộc Kwek (Singapore và Malaysia)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 6

Kwek Hong Png và 3 anh em trai của ông thành lập công ty Hong Leong ở Singapore vào năm 1941. Năm 1995, người con trai wek Leng Beng tiếp quản vị trí chủ tịch điều hành.. Sau đó, người cháu trai Quek Leng Chan được cử đến Malaysia để lãnh đạo bộ phận kinh doanh của gia đình, trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất đất nước. Gia tộc Kwek sở hữu khối tài sản 17,8 tỷ USD.

12. Gia tộc Sy (Philippines)

Gia tộc họ Sy sở hữu tập đoàn SM Investments. Người đầu tiên đặt nền móng cho gia tộc là ông Henry Sy. Từ một cửa hàng nhỏ ở trung tâm thành phố Manila, ông Henry Sy đã phát triển thành một tập đoàn bán lẻ, ngân hàng và bất động sản với hàng nghìn chi nhánh trên thế giới. Gia đình này sở hữu khoảng 17,8 tỷ USD.

13. Gia tộc Kadoorie (Thái Lan)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 7

Gia tộc Kadoorie là chủ sở hữu của tập đoàn CLP Holdings, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, ngân hàng và bất động sản. Gia đình này cũng sở hữu Hongkong & Shanghai Hotels, tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn Peninsula. Gia sản của gia đình này vào khoảng 17,4 tỷ USD.

14. Gia tộc Birla (Ấn Độ)

Gia tộc Birla sở hữu Aditya Birla Group, một trong những doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình lâu đời nhất của Ấn Độ, với lợi ích trong các ngành bao gồm kim loại, xi măng, dịch vụ tài chính, viễn thông và bán lẻ. Ông Kumar Birla hiện là chủ tịch của doanh nghiệp, thừa kế gia sản khi mới 28 tuổi. Gia tộc này sở hữu khối tài sản 16,7 tỷ USD.

15. Gia tộc Lee (Hàn Quốc)

Những gia đình siêu giàu nhất châu Á: Bất ngờ vị trí gia tộc họ Lee của tập đoàn Samsung - 8

Gia tộc họ Lee là chủ sở hữu của tập đoàn điện tử đình đám Samsung. Ông Lee Byung-chull thành lập Samsung vào năm 1938 với tư cách là một công ty thương mại xuất khẩu trái cây, rau và cá. Vào năm 1969, ông thành lập Samsung Electronics, trở thành nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Ông Lee Kun-hee là thế hệ thứ 2 tiếp quản công việc kinh doanh.

Khi ông Lee Kun-hee qua đời vào năm 2020, "thái tử Samsung" Lee Jae-yong là người tiếp theo thừa kế gia sản. Năm 2017, Lee Jae-yong bị bắt và phạt tù vì cáo buộc hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhưng đã được tạm tha vào năm 2021. Gia tộc Lee có khối tài sản khoảng 16,3 tỷ USD.

Ngoài ra, trong danh sách 20 gia tộc giàu nhất châu Á còn có sự góp mặt của: 

16. Gia tộc Torii/Saji (Nhật Bản): Tập đoàn bia và chưng cất đa quốc gia Suntory Holdings Limited, 16,1 tỷ USD.

17. Gia tộc Chung (Hàn Quốc): Công ty xe hơi Hyundai, 15,6 tỷ USD.

18. Gia tộc Hinduja (Ấn Độ): Tập đoàn Hinduja Group, 14 tỷ USD.

19. Gia tộc Zhang (Trung Quốc): Tập đoàn China Hongqiao Group và công ty Weiqiao Textile, 13,8 tỷ USD.

20. Gia tộc Bajaj (Ấn Độ): Tập đoàn đa quốc gia Bajaj Group, 13,7 tỷ USD.

Chàng trai 17 tuổi bán thận mua iPhone 10 năm trước giờ ra sao?
Cuộc sống hiện tại của chàng trai này khiến nhiều người cảm thấy chua xót.

Tin tức 24h

Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h