Những “làng liều”, thôn “liều mạng”

Ngày 16/12/2014 08:05 AM (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng hậu quả vẫn còn để lại dưới mỗi nếp nhà ở Quảng Trị: Bom vẫn nổ, tác hại chất độc da cam vẫn hiện hữu… Làm gì để mảnh đất này thôi không còn những nỗi đau ấy? Đó là câu hỏi dai dẳng mà những người làm chính sách hậu chiến đang phải giải quyết.

Một số người cho rằng đặc sản Quảng Trị là… bom đạn. Đó là cách nói cường điệu hóa. Tuy nhiên, ở đây có những nơi được coi là “làng liều”, thôn “liều mạng” cưa bom kiếm sống. Hậu quả để lại là những ngôi nhà tang thương.

Ký ức kinh hoàng

Cách đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử chừng 500m có con đường đất đỏ dẫn vào nhà ông Nguyễn Văn Bình, 54 tuổi, ở thôn 6 (xã Hải Thái, Gio Linh).

Những “làng liều”, thôn “liều mạng” - 1

Hiện nay, tại Quảng Trị nhiều người dân (trong đó có phụ nữ) vẫn đi rà tìm phế liệu chiến tranh để mưu sinh, bất chấp cái chết rình rập

Năm 1975, đất nước hòa bình, ông Bình theo chân cha mẹ hòa vào dòng người lên vùng kinh tế mới Hải Thái sinh cơ lập nghiệp. Nhà có 5 anh em thì cả 5 đều theo nghiệp tìm phế liệu chiến tranh. “Hồi đó nếu không đi tìm bom đạn thì lấy gì bỏ vào mồm, lấy gì nuôi sống gia đình. Biết chết đó nhưng đành nhắm mắt làm liều, chỉ biết cầu trời phật phù hộ” – ông Bình chua xót.

Ông Bình vẫn nhớ như in cái ngày cả 3 em trai cùng 2 thanh niên thôn 6 tử nạn ở đồi Máu. Đó là một buổi trưa tháng 2.1991, khi cả 5 nạn nhân xấu số cùng nhau đào được quả pháo 175 ly ở độ sâu 7m rồi đem lên tháo lấy thuốc nổ. Khi cả 5 đang hì hục, người cầm ve, kẻ dùng búa tạ đập mạnh vào quả pháo để tháo kíp thì bỗng một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên giữa chốn thâm sâu. Cả 5 thanh niên ngã gục, mình găm đầy mảnh đạn pháo. Dân thôn 6 vội bỏ bữa trưa, lao vào rừng cáng thi thể cả 5 nạn nhân ra, nước mưa hòa nước mắt. Cả làng gánh đại tang.

Kế bên nhà ông Bình là gia đình ông Nguyễn Sảo (80 tuổi) có 3 người con trai chết vì bom đạn. Đứa con đầu đi tìm phế liệu, đêm đốt lửa sưởi ấm để ngủ lại trong rừng. Không ngờ, khi lửa vừa nhóm lên, một quả bom nằm cạn trên mặt đất bị đốt nóng phát nổ, cắt đôi người. Người con thứ 2 chết khi đang xem một nhóm thanh niên tháo quả đạn pháo và đạn phát nổ. Còn người thứ 3 chết vì giẫm phải mìn khi đang đốn củi. Một năm 3 lần, ông Sảo nuốt nước mắt làm đám giỗ cho con.

Ông Đào Duy Hải – Trưởng thôn 6, Hải Thái cho biết, từ sau năm 1975 đến năm 2002, xã có 53 người chết, 35 người bị thương thì riêng thôn 6 đã chiếm 70%.

Cách đây chưa lâu, người dân huyện Hướng Hóa, Quảng Trị ngậm ngùi nước mắt trước cái chết thê thảm của hai anh em ruột dân tộc Vân Kiều Hồ Li Va (21 tuổi) và Hồ Văn Na (18 tuổi, trú thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa). Ngày 28.7.2013, hai thanh niên này sang bản May, huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào) tìm thấy một quả bom. Hôm sau, họ cùng hai người Lào ở bản May, bắt tay tháo bom để lấy kim loại. Bom nổ, hai anh em chết ngay tại chỗ, hai người Lào bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Gia đình nhận con em mình chỉ còn là những mảnh ghép thịt xương sau vụ nổ.

Xóm mồ côi, thôn góa phụ

Ở Quảng Trị, nhiều làng có biệt danh gắn với nghề rà tìm phế liệu. Làng Tân Hiệp (Cam Tuyền, Cam Lộ) được mệnh danh là “làng liều” bởi làng có 230 hộ thì có trên 200 hộ theo nghề rà tìm phế liệu. Thôn 6 (Hải Thái, Gio Linh) được gọi là thôn “liều mạng” vì trong thôn hầu như nhà nào cũng có người chết vì bom đạn mà vẫn liều mạng bám “nghề”… Và tất yếu trong nhiều ngôi nhà có người thiệt mạng do bom đạn là nỗi đau hiện hữu của những vọng phu thời bình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng dột nát, bà Tạ Thị Thanh (thôn 6, Hải Thái) không giấu được nước mắt. Chồng bà chết khi đang cưa bom, bỏ lại cho bà 7 đứa con nhỏ dại. Lần hồi qua ngày, các con bà Thanh khôn lớn. Đứa con trai Nguyễn Trường đến tuổi cập kê nên bà vay mượn tiền đám cưới cho con. Đám cưới ít lâu, bà có cháu nội. Rồi hoàn cảnh khó khăn, Trường lại phải nối gót cha đi tìm miếng cơm từ bom đạn. “Ngày hắn (Trường) vác máy rà lên rừng tui đã thấy lo, sợ rằng số phận lặp lại như cha hắn. Sợ thì sợ đó nhưng biết mần răng chừ, không đi rà thì mần việc chi, lấy chi ăn, lấy chi nuôi con hắn” – bà Thanh nhòe đôi mắt. Và điều gì đến đã đến, chỉ sau vài nện búa, quả pháo phát nổ, thân xác Trường về với đất, để lại trên cõi đời người vợ trẻ, đứa con thơ dại bữa đói bữa no. Ngôi nhà ấy lại thêm một góa phụ.

Bà Bùi Thị Cầm (60 tuổi) ở thôn 6, Hải Thái cũng là một góa phụ sau tai họa bom mìn, một mình bà cũng phải nuôi 5 người con. Hoàn cảnh như bà thì nhiều lắm nhưng bà có may mắn là con cái có nghề khác chứ không phải theo cha mẹ đi phá bom. Hôm tôi đến thăm, bà Cầm chảy nước mắt chỉ đứa cháu ngoại khoe rằng “đây là con của đứa út, đang là giáo viên thể dục thể thao dạy ở huyện Đakrông”.

 Theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, tỷ lệ ô nhiễm bom mìn trên cả nước là 6,6 triệu hécta, chiếm 21% diện tích cả nước. Riêng tỉnh Quảng Trị, tỷ lệ này lên đến 84% diện tích (với 391.500ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trong tổng số 461.297ha diện tích đất tự nhiên) và là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam. Cần 200 năm mới làm sạch đất ô nhiễm bom mìn tại Quảng Trị với kinh phí lên đến hàng tỷ đôla.

Theo Ngọc Vũ (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot