Những mốc son trong cuộc đời Đại Tướng

Ngày 05/10/2013 10:06 AM (GMT+7)

Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành vị đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới ở tuổi 37.

Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911, quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Xuất thân là một giáo viên dạy sử, nhà báo, ông trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam với các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng:

Năm 1925: Tham gia lãnh đạo phong trào học sinh Huế. Năm 1929 tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Duơng Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, bị Thực dân Pháp bắt giam. Từ năm 1936 đến 1939, tham gia Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

3/5/1940: Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng đồng chí Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp bác Hồ.

Năm 1941: Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động chống phát xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam.

Năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Ông là đại biểu quốc hội khóa đầu tiên và liên tiếp 6 kỳ sau.

Cuối tháng 3/1945, ông đưa đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân tiến xuống phía Nam, hội quân với đội Cứu Quốc quân của Chu Văn Tấn ở vùng chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải Phóng Quân.

8/1945, ông trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Đại tướng đầu tiên của QĐNDVN ở tuổi 37

Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Những mốc son trong cuộc đời Đại Tướng - 1

Trong ảnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Tướng Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Và người chỉ huy chiến dịch không tưởng ấy không ai khác chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những mốc son trong cuộc đời Đại Tướng - 2

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam non trẻ dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, sự chỉ huy của vị Đại tướng mới ngoài 40 tuổi đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay của quân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ là “cây cột mốc bằng vàng” đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc”.

Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

“Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa. Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta và của nhân dân các dân tộc trên thế giới”. Đó là những lời đúc kết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy chấn động địa cầu.

Từ năm 1954 đến năm 1976, Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ năm 1955 đến năm 1991).

Được thế giới công nhận là 'Vị tướng huyền thoại'

Với những chiến thắng lẫy lừng, "không tưởng" của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được ví như "Napoleon của Việt Nam", "Tướng huyền thoại" hay "Anh hùng châu Á".

Những mốc son trong cuộc đời Đại Tướng - 3

Trong số ra ngày 9.2.1968, tạp chí Time của Mỹ đã đăng bài viết dài, kèm theo bức ảnh vẽ trang bìa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bài viết với tít lớn nổi bật, nguyên văn tiếng Anh  North VietNam: The Red Napoleon, tác giả bài viết đã dành một lượng lớn thông tin nói về Tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quân sự kiệt suất kèm theo câu nói nổi tiếng của ông những năm chiến tranh: "Skike to win, Skike Only when Success is Certain, if it is not, then dont' strike". (Tạm dịch: Đánh là thắng, chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh).

Kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên, tờ TimeAsia (Thời báo châu Á) số đặc biệt giới thiệu danh sách các "Anh hùng châu Á", gồm các chính khách, nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực trong những năm nửa cuối của thế kỷ XX. Trong số những nhân vật được Time Asia giới thiệu có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".

Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là “Một thống soái vĩ đại”, “Một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế.

Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại” (Võ Nguyên Giáp - Man and Myth, New York, F.P.Publishers, 1962), nhà báo - nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá rất xác đáng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.

Hà Anh (T.H)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan