Nữ y tá nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ là người gốc Việt

Ngày 14/10/2014 10:43 AM (GMT+7)

Các quan chức Mỹ xác nhận, người đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ là một y tá 26 tuổi gốc Việt. Hiện cô đang sống tại thành phố Dallas, bang Texas.

Nina Pham, nữ y tá gốc Việt 26 tuổi (Mỹ) được thông báo có kết quả dương tính với virus Ebola hôm Chủ nhật (12/10). Nina là bệnh nhân đầu tiên trên đất Mỹ bị nhiễm Ebola khi điều trị cho người đàn ông tên là Thomas Ducan bị nhiễm Ebola và qua đời trước đó tại Mỹ.

Nina Pham tốt nghiệp đại học Texas Christian University năm 2010 và làm nữ y tá chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện từ tháng 6/2010. Cô là thành viên của một gia đình gốc Việt tại thành phố Fort Worth. Các bài viết trên mạng xã hội cho thấy cô là một fan của diễn viên Ryan Gosling và rất thích làm y tá.

Nữ y tá nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ là người gốc Việt - 1

Nina Pham, bệnh nhân Ebola người Mỹ gốc Việt.

Cô và gia đình đã bị sốc khi biết tin cô bị nhiễm Ebola. "Bà mẹ khóc suốt, bà ấy rất đau khổ. Gia đình họ sùng đạo và rất tận tâm", một người bạn của Nina cho biết.

Vào tối 11/10, Nina Pham có dấu hiệu sốt nhẹ và được cách ly để tiến hành các xét nghiệm. Nữ y tá Nina Phạm đã được cách ly, gia đình cô cũng được các nhân viên y tế giám sát và theo dõi chặt chẽ. Một người bạn của gia đình Nina Phạm tiết lộ cô đã được truyền máu của một người từng khỏi bệnh Ebola.

Nina là một trong 50 người được bệnh viện đề nghị tham gia việc chăm sóc rất khó khăn và tỉ mỉ cho bệnh nhân Duncan. Hôm qua, các nhân viên phòng dịch đã tới căn hộ của cô để thực hiện các biện pháp cần thiết.

Các bác sĩ cho biết cô hiện trong tình trạng "ổn định lâm sàng". Giới điều tra đang tìm hiểu cách thức nữ y tá nhiễm bệnh, bởi cô mặc quần áo bảo hộ trong suốt thời gian điều trị cho Duncan.

Tuy chưa biết cụ thể nhưng mới đây bác sĩ Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), thừa nhận bà “đã mắc sai sót nghiệp vụ”, dẫn tới việc nhiễm Ebola. Bác sỹ Daniel Varga, một quan chức y tế của bang Texas, cho biết ông và các nhân viên y tế đã mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, đeo mặt nạ và tấm chắn khi chăm sóc cho bệnh nhân Duncan trong lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng kể từ khi ông này nhập viện.

Trong khi đó, Hiệp hội Y tá Mỹ nói rằng việc bà Frieden đổ lỗi cho Nina là không có căn cứ. “Chúng ta chưa biết cô ấy nhiễm vi rút như thế nào. Việc cho rằng cô ấy không tuân thủ các quy định an toàn là sai trái”, hiệp hội khẳng định.

Nữ y tá nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ là người gốc Việt - 2

Bệnh viện Cộng đồng Presbyterian, nơi đang điều trị cho Nina

Trước đó, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola ở Mỹ, ông Thomas Eric Duncan đã tử vong vào ngày 8/10, sau nhiều ngày cách ly trong bệnh viện ở bang Texas. Quan ngại về những người trực tiếp tiếp xúc với ông Duncan, các quan chức y tế  bang Texas cho biết họ theo dõi khoảng 100 người đã tiếp xúc với ông Duncan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có hơn 8.300 trường hợp nhiễm Ebola kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại 3 quốc gia Tây Phi Sierra Leone, Guinea và Liberia. Trong số đó, hơn 4.000 người đã thiệt mạng. Hơn 100 nhân viên y tế đã chết vì Ebola tại Liberia, theo WHO.

Trong khi đó, nhiều nhân viên y tế khác tại nước này đã đe dọa đình công nếu điều kiện làm việc của họ không được cải thiện.

Hiện vẫn chưa có vắc xin hoặc bất kỳ loại thuốc nào điều trị Ebola ngoại trừ các loại thuốc thử nghiệm.

Hà Anh (Reuters)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch Ebola