tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Những ngày cuối của năm cũ, chúng tôi có cơ hội gặp “cánh én nhỏ” Phạm Hải Yến (sinh năm 1994) – nữ cầu thủ ghi bàn thắng vàng cho tuyển nữ Việt Nam trong trận Chung kết bóng đá nữ SEA Games 30 tại Sân vận động Hà Đông – ngôi nhà thứ 2 của Yến trong suốt 12 năm theo nghiệp chạy trên sân cỏ.

Chúng tôi thật không ngờ nữ cầu thủ mạnh mẽ, quyết liệt và đầy cá tính trong trận bóng hôm nào lại mang vẻ nữ tính đến thế! Yến mảnh mai, trắng trẻo và rất xinh xắn.

“Ai gặp mình ở ngoài đều thốt: Sao nhỏ thó và gầy còm, vậy mà trên sân lại đá bóng hăng thế! Mình chỉ cười rồi bảo do… có võ. Thực ra, mình cũng không nhỏ và gầy như mọi người thấy đâu. Đá bóng quan trọng thể lực tốt và có kỹ thuật”, Yến bắt đầu câu chuyện rồi dần dần kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ, quãng đời theo nghiệp bóng và những dự định tương lai.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 3

Yến không nhớ rõ bản thân đam mê trái bóng tròn từ khi nào, cô chỉ biết rằng ngày ấy trẻ con trong làng Nghiêm Xá (Thường Tín) ai cũng yêu thích bóng đá. Chiều chiều Yến và đám bạn lại ra sân bóng để tập và thỏa mãn “thú vui” sút bóng vào lưới.

“Hồi đó, mình nhỏ và yếu. Vì thế khi biết mình thường xuyên ra sân chơi bóng, bố mẹ liền cấm và cho rằng đá bóng chỉ tốn thời gian. Bố bảo nếu mình rảnh rỗi quá thì ra đồng cắt cỏ giúp bố nuôi cá. Và mình phải nghĩ cách làm sao vẫn có cỏ cho cá ăn vừa được ra sân tập”, tiền đạo Phạm Hải Yến nhớ lại.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 4

Trong lúc bố mẹ nghỉ trưa, bất kể trời nắng hay mưa, Yến vẫn cắp chiếc bao tải to với cầm cái liềm ra đồng cắt cỏ. Hoàn thành “nhiệm vụ” bố giao cũng là lúc trời nhá nhem – khi ấy đám bạn của cô đã ra sân tập luyện. Cô vội vàng chở cỏ về nhà rồi nhanh chóng trốn bố mẹ chạy ra sân để kịp giờ… “thi đấu”.

Ngày qua ngày, cô gái nhỏ cứ đỡ đần bố mẹ và chăm chỉ tập luyện bóng theo cách đó. Mãi đến khi người bố bắt gặp cảnh con gái bì bõm dưới ruộng giữa tiết trời nắng gắt mới không cam lòng, phải cấm: “Con không được làm thế, nhỡ say nắng thì sao?”. Cô lí nhí: “Con… con thương bố mẹ nhưng con cũng muốn được đi đá bóng”. Bố cô im lặng một hồi rồi quyết định đồng ý cho cô được thỏa sức ra sân với lũ bạn trong làng.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 5

Năm Yến 14 tuổi, nhóm huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội về làng Nghiêm Xá tuyển lựa những đứa trẻ độ 13-15 tuổi đưa lên thành phố rèn luyện thành cầu thủ chuyên nghiệp. May mắn, Yến trúng tuyển, phù hợp với mọi tiêu chuẩn đào tạo cầu thủ.

Yến kế: “Mình thấy các chị trong làng tham gia thi tuyển nên cũng bắt chước đăng ký. Ngờ đâu mình có đầy đủ mọi tiêu chuẩn để các cô đào tạo thành cầu thủ chuyên nghiệp. Mình vui mừng chạy về thông báo cho gia đình. Và lần nữa, bố mẹ không đồng ý, sau đó thấy mình đam mê quá nên ủng hộ. Bố bảo đã xác định theo con đường chuyên nghiệp thì phải cố gắng, tự lập một mình khi không có bố mẹ ở bên”.

Có lẽ vì những lời căn dặn của bố mà Phạm Hải Yến tự lập từ rất sớm. Ngày mới lên Hà Đông tập luyện, cô chỉ có phụ cấp vài trăm nghìn đồng và được nâng lên hơn 2 triệu đồng lúc bắt đầu chơi chuyên nghiệp. Nhưng cô chưa bao giờ làm phiền bố mẹ, luôn cố gắng tự xoay sở.

“Hồi đầu xa nhà, ở trong ký túc xá, mình chỉ dám xin tiền gia đình vài lần để đóng các khoản lớn. Còn về sau, mình tự lo. Mình cũng không dám than với bố mẹ về những khó khăn, thiếu thốn khi đi học.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 6

Mình nhớ, ngày khăn gói theo các cô lên thành phố, vừa sợ vừa nhớ nhà. Cái gì với mình cũng lạ lẫm và phải học cách làm quen từ đầu. Nhiều đêm, mình chỉ muốn về ngủ với mẹ rồi bật khóc, sau đó thiếp đi từ lúc nào không hay.

Nhưng rồi… mình cũng vượt qua, trở thành một đứa trẻ có thể tự chăm lo được cho chính mình”, Yến nhoẻn miệng cười nhớ lại ngày tháng xa nhà “lập nghiệp”.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 7

Đến nay, Phạm Hải Yến đã xa nhà được 12 năm. Đó là quãng thời gian đủ để cô gái bé nhỏ chơi bóng trên sân làng năm nào trưởng thành cả về con người lẫn kỹ thuật đá bóng. Cô tham gia nhiều giải đấu trong nước – khu vực và cùng đồng đội giành nhiều tấm huy chương danh giá đem về quê hương. Bản thân cô là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng trong các Giải vô địch quốc gia năm 2015, 2018, 2019; Cầu thủ xuất sắc, ghi nhiều bàn thắng giải Cúp quốc gia 2019.

Để có bảng thành tích “khủng”, nhiều lần, Yến đã rơi nước mắt, đổ máu, thậm chí chịu bao đau đớn khi chấn thương nặng trên sân cỏ.

Cách đây 4 năm, trong một lần thi đấu, Yến bị chấn thương dập xương bả vai, phải “bó chân” 3 tháng. “Bác sĩ nói chấn thương của mình là dập nứt ¾ xương bả vai, chứ không phải rời đứt hẳn. Mình hoặc phải mổ hoặc bó cố định nhưng mất 3 tháng phục hồi.

Khi ấy, mình vừa sợ hãi vừa buồn đến độ không thể khóc được. Mình sợ với chấn thương nặng như vậy liệu có thể tiếp tục đá bóng hay phải rời sân cỏ mãi mãi. Còn mình buồn vì nghĩ đến cảnh suốt 90 ngày chỉ được đứng ở ngoài nhìn chị em tập bóng, buồn vì đã gây ra sự lo lắng cho bố mẹ”, Yến rưng rưng.

Sau 3 tháng điều trị chấn thương, Yến quay trở lại sân cỏ và cảm thấy tụt xa so với đồng đội.  Cô sợ hãi. Cô lao vào tập luyện, tuy vậy càng nóng lòng muốn trở lại nhanh thì lại càng cách xa. Yến nói: “Mình chăm chỉ tập luyện giống như một con thiêu thân nhưng vẫn không thể bằng chị em. Cuối cùng, mình đành cố gắng hết mình và tin thời gian sẽ giúp mình chạm đến vạch đích”.

Khi chúng tôi nhắc đến tình trạng hiện tại của chiếc xương bả vai, Yến bỗng trùng giọng: “Nó lành rồi nhưng đôi lúc trái gió trở trời vẫn đau. Hoặc mình chỉ cần vận động một chút, mọi người sẽ thấy một bên vai của mình sụp xuống, không thể thẳng như người bình thường”.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 10

Mạnh mẽ - đam mê – chấp nhận khổ cực để dấn thân vào con đường đầy gập ghềnh và bạc bẽo này là thế, vậy mà Yến từng đột nhiên nảy sinh ý định từ bỏ bóng đá. Cô kể duy nhất một lần gọi điện về cho mẹ khóc tức tưởi. Đó là cách đây 5-6 năm, cô đi đá giải ở TP.HCM bị áp lực thi đấu rất nhiều. Cô không biết chia sẻ với ai liền gọi điện cho mẹ và bảo: “Mẹ xin cho con về, nghỉ không đá bóng nữa”.

“Cả hai mẹ con cùng khóc. Sau đó mẹ động viên mình khi đã theo đuổi cái nghiệp này thì phải cố gắng đến cùng. Mình nghỉ, mọi thứ đều lỡ dở. Mình phải làm lại từ đầu. Rồi mình nghe lời mẹ, thu xếp ổn thỏa, tiếp tục tiến bước để cống hiến cho nền bóng đá nước nhà cũng như làm bố mẹ tự hào”, Yến vui vẻ nói.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 11

Ở hiệp phụ đầu tiên trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30 diễn ra vào tối ngày 8/12 tại sân Binan Football (Philippines), Phạm Hải Yến giúp tuyển nữ Việt Nam có bàn thắng quý giá vào lưới đội tuyển Thái Lan, giúp tuyển Việt Nam giành chiến thắng chung cuộc 1 - 0 và bảo vệ thành công chiếc HCV.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 12

Sau đó, Yến chạy đi trong niềm vui sướng vô bờ bến. Và khi được hỏi món quà này dành tặng cho ai, nữ cầu thủ đã ngước lên bầu trời Philippines rồi nói trong nước mắt: “Bà ơi! Bà có thấy không? Chiến thắng này, huy chương này, cháu dành cho bà đó”.

Chúng tôi nhắc đến khoảnh khắc này, Yến bỗng cúi gằm mặt xuống lúc lâu rồi cho biết, ngày nhỏ, cô ở với ông bà nhiều hơn là bên bố mẹ. Bởi thế, cô có nhiều tình cảm đặc biệt – kỷ niệm với ông bà.

“Trong thời gian diễn ra SEA Games 30, bà đã mất và mình không thể trở về vì đang bận tham gia thi đấu cho đội tuyển. Ban đầu gia đình định giấu không cho mình biết vì sợ bị ảnh hưởng tâm lý.

Trước chung kết, bố gọi cho mình nói rằng: “Chuyện hậu sự của bà đã xong, con cứ yên tâm và phải phấn chấn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Có nhớ bà, mấy nữa về thắp hương cho bà cũng không muộn”. Nghe xong mình đã thay đổi và tự nhủ phải thi đấu thật tốt, đem chiếc HCV về dành tặng bà”, Yến tâm sự.

Chia sẻ những dự định trong tương lai, Hải Yến cho hay  hiện tại cô sẽ dành thời gian để hoàn thành nốt chương trình học đại học tại khoa Huấn luyện Bộ môn Bóng đá, trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và tham gia giải đấu Olympic 2020.

“Tốt nghiệp đại học, nếu may mắn, mình sẽ xin làm huấn luyện viên hoặc học thêm chứng chỉ sư phạm đi dạy tại các trường. Sau khi ổn định, mình mới tính đến chuyện yêu đương, lập gia đình rồi sinh con. Còn Tết sắp tới, mình dành trọn thời gian lên tuyển tham gia tập luyện cùng chị em để chuẩn bị cho giải đấu vòng loại Olympic 2020 diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 2-3 sắp tới”, “cánh én nhỏ” nói.

Bóng đá cũng như cuộc sống, có hạnh phúc – buồn đau, có ngọt ngào – đắng cay. Hơn cả, trong cái thế giới đầy áp lực ấy, bất luận bạn là cầu thủ thế nào đi chăng nữa thì chuyện bị người hâm mộ quay lưng, bị chấn thương đến mức phải “bỏ nghề”…là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vậy mà, nhiều cầu thủ nói chung và Phạm Hải Yến nói riêng biết thế nhưng vẫn không ngừng lao vào bởi muôn vàn lý do: đam mê, đặc thù cái nghiệp,… Cái nào cũng đúng. Chúng tôi hy vọng rằng, “cánh én nhỏ” của chúng ta luôn luôn tự nâng tầm để vượt lên và có thêm cơ hội phát triển hơn nữa.

Phạm Hải Yến: amp;#34;Con thương bố mẹ nhưng cũng muốn đi đá bóngamp;#34; và chuyện 3/4 bả vai chấn thương - 15

Content: Khai Tâm

Media: Hà Mi

Design: Nguyễn Quân

Bùi Anh
Nguồn: [Tên nguồn]