Phạt chồng chửi vợ: Khó thực hiện!

Ngày 28/12/2013 09:08 AM (GMT+7)

Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, quy định xử phạt là cần thiết và nhưng sẽ rất khó để thực hiện

Từ hôm nay, nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính thuộc Nghị định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là điều 51 quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hai chuyên gia về xã hội học và tâm lý học về quy định xử phạt này.

Chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa: Quy định là cần thiết

Nhiều người có xu hướng sống độc thân, để hôn nhân hấp dẫn người độc thân cần phải nâng cao chất lượng hôn nhân, dể họ thấy hôn nhân là hạnh phúc. Việc vợ chồng chửi mắng nhau trong gia đình thường không ai biết nhưng việc đưa ra hình thức phạt với người đối xử với người bạn đời như vậy là cần thiết. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp tối ưu, về lâu dài phải giáo dục nghệ thuật ứng xử vợ chồng, cũng như vấn đề giao thông cần phải xây dựng văn hóa giao thông cho mỗi cá nhân.

Phạt chồng chửi vợ: Khó thực hiện! - 1

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

Trong thực tế cũng có đã có những quy định phạt tương tự nhưng khó thực hiện. Tôi cho rằng, việc đưa ra quy định phạt như vậy là tốt, nhằm mục đích hạn chế những cãi vã, xúc phạm giữa vợ, chồng. Và việc có quy định ra đời sẽ cảnh báo cho những người chồng gia trưởng, suy nghĩ có quyền chửi vợ sẽ biết được điều đó là vi phạm, không được phép.

Theo tôi, quy định xử phạt này khó thực thi. Bởi vì, tôi thường tham gia tư vấn cho các vụ việc bạo lực trong gia đình, thực tế cho thấy có người chồng đánh vợ nhiều lần nhưng không làm ra tiền, chỉ có uống rượu, say sưa suốt ngày. Trong trường hợp đó, nếu theo quy định này mà đưa ra cơ quan chức năng thì người chồng cũng không có tiền nộp phạt, người vợ lại phải lấy bỏ tiền túi ra nộp phạt. Mặt khác, chuyện chửi nhau không có bằng chứng nên khó thực thi. Tâm lý người Việt thường không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, hay một số nơi còn quan niệm vợ bị chồng mắng, chửi mà còn đi báo với cơ quan chức năng là “hư” bởi suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”. Chính vì những suy nghĩ đó khiến nhiều người e ngại.

Về lâu dài, làm sao để những xung đột không dẫn đến chửi hay đánh nhau, đòi hỏi các cặp vợ chồng phải có nghệ thuật chung sống, chú ý nâng cao giáo dục nghệ thuật chung sống vợ chồng.

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình: Cần kiên trì thực hiện

Nghị định mới đưa ra và có hiệu lực từ 28/12 về phạt tiền vợ chửi chồng, chồng chửi vợ, tội bất hiếu… xét về bình diện những quy tắc ứng xử, cũng như nội quy để các cá nhân hành xử ở cộng đồng, tôi cho rằng điều đó là đáng hoan nghênh. Hiện nay, có thể một số người sẽ thấy rằng tính khả thi thấp, thậm chí cực thấp hoặc là dường như không thể thực hiện được nhưng xét về lâu dài thì những quy định đó là cần thiết, đòi hỏi tính toán lộ trình để thực hiện.

Bên cạnh phạt tiền cung cần tính đến các hình thức khác, chả nhẽ ở đâu cũng lắp camera để ghi lại việc chồng chửi vợ hay vợ chửi chồng. Khi nói về phạt hành vi này, hành vi kia bị xử phạt nhưng ai là người đứng ra thực thi điều đấy, ai là người thu tiền…

Phạt chồng chửi vợ: Khó thực hiện! - 2

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình

Về quy định này, tính khả thi có thể thấp nhưng điều đó là cần thiết thì có thể kiên trì được. Thế nhưng trong bối cảnh như vậy, một số người cho rằng tính khả thi thấp lại quay sang trách cứ nhưng quy định đó. Trên thực tế, các quy định đó là phù hợp các chuẩn mực, chứ không phải trên trời rơi xuống. Những người xây dựng các quy định đó cũng là có trách nhiệm và thấy được những điều đó là cần thiết.

Tâm lý người Việt thực tế là không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên sẽ có người bị bạn đời chửi nhưng không đưa sự việc báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dư luận xã hội phải đóng vai trò hết sức quan trọng, lên án việc chửi vợ hoặc chồng, đánh nhau trong gia đình để ngăn chặn và chấm dứt hành vi đó, để mỗi cá nhân thực hiện đúng quy định.

Anh Minh (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan