Phát điên vì “ma ám”?

Ngày 18/05/2014 09:08 AM (GMT+7)

Cầu cứu từ chính quyền đến cả thần linh nhưng căn bệnh điên từ năm này qua năm khác vẫn trùm lên 2 làng nhỏ đầy u ám, tang tóc.

Chúng tôi đến làng Phú Dương, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vào những ngày mùa. Hai bên đường là những thửa ruộng lúa chín vàng ươm. Trong những khoảnh sân nhỏ, người dân tất bật phơi phóng những bồ lúa vừa gặt xong. Đang cho xe chạy từ từ, hít căng lồng ngực cái mùi thơm nồng của rơm rạ, chúng tôi giật nảy mình khi bị một người đàn ông đột nhiên chặn xe rồi lẩm bẩm: “Tôi bị ông N. bắt vạ, ông ấy chết rồi, thù oán tôi nên bắt tôi bị thế này…”. Hỏi ra mới biết đó là ông Lưu Niên (SN 1964), bị tâm thần. Ở làng Phú Dương, ngoài ông Niên còn có hàng chục người khác đang khỏe mạnh bỗng dưng nửa đêm chạy nhảy, cười đùa, la hét thất thanh rồi đổ điên.

Số người điên tăng dần

Ông Lưu Niên nguyên là bộ đội ở chiến trường Campuchia. Năm 1985, ông xuất ngũ về địa phương sinh sống được ít năm thì mắc chứng bệnh tâm thần tới nay; mẹ ông cũng bị bệnh chết sớm, một mình ông sống trong căn nhà lẻ loi giữa cánh đồng.

Ông Nguyễn Văn Thìn, Trưởng thôn Phú Dương, cho biết thôn có 303 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Hiện trong thôn có 22 trường hợp mắc bệnh tâm thần. Điều lạ là người bị tâm thần chỉ ở tổ 4 và tổ 5. Riêng tổ 5 có 32 hộ thì có đến 18 người mắc tâm thần.

Những gia đình có người bị tâm thần ở Phú Dương đều rất ngặt nghèo. Như trường hợp ông Nguyễn Nhứt, có 4 người con nhưng đến 2 người bị bệnh tâm thần khi đến tuổi 15. Từ đó, vợ ông là bà Đinh Thị Phú trở nên nửa tỉnh nửa mê. Còn ông Nhứt vì đau buồn cũng bị tai biến. Hay bà Nguyễn Thị Chút (SN 1969), có chồng sinh được một người con thì bỗng dưng bị điên, chồng bà bỏ vào miền Nam lấy vợ khác…

Theo ông Thìn, số ca phát điên trong thôn thời gian gần đây tăng dần và không thể lý giải được nguyên nhân. Độ tuổi đổ bệnh cũng không loại trừ ai. “Ở thôn này, trung bình mỗi năm lại có một người phát bệnh” - ông Thìn cho biết.

Nhiều gia đình tan nát

Dù chỉ có 250 nhân khẩu nhưng ở xóm Chùa, thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế có đến 15 người bị điên đang còn sống, còn người chết thì không thể nhớ hết.

Trên đường vào xóm, chúng tôi gặp bà Trần Thị Hiền, tuổi dù đã xấp xỉ 70 nhưng hằng ngày vẫn còng lưng đi cắt cây chổi về bán kiếm tiền nuôi 2 con bị tâm thần. Theo chân bà về nhà, chúng tôi nghẹn lòng khi thấy trong căn nhà trống hoác là người con trai - anh Phan Văn Toàn (25 tuổi) - nằm sấp trên tấm ván, chân bị xích vào tường. Cách một bức tường, nơi căn phòng nhỏ hẹp là con gái bà - chị Phan Thị Lành (32 tuổi) - ngồi câm lặng, mắt vô hồn nhìn ra cửa sổ.

Bà Hiền cho biết Lành phát bệnh tâm thần cách đây 15 năm, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng và chồng bỏ xứ đi biền biệt. Bất hạnh chưa dừng lại khi gần 10 năm sau, đứa con trai khỏe mạnh của bà cũng phát điên.

Phát điên vì “ma ám”? - 1
Vợ chồng ông Nguyễn Nhứt, người bị tâm thần, người bị tai biến, 2 con trai thì nhập viện vì phát điên cách đây đã lâu Ảnh: Trần Thường

Vợ chồng bà Hiền có với nhau 4 người con, ngoài Lành và Toàn thì người con trai đầu, nay đã có gia đình riêng, cũng có triệu chứng tâm thần nhẹ.

Cách nhà bà Hiền không xa là nhà của ông Trịnh Mãn, giờ đây cũng vắng bóng người vào ra. Gia đình có 6 người nhưng lần lượt từng người một đều bị điên. “Hết con đến chồng, vợ rồi sang đến cháu, gia đình ông Mãn kẻ bị điên chết tại quê, người bỏ xứ đi lang thang nay mất xác” - ông Tôn Thất Tuấn, Trưởng thôn Phú Gia, cho biết.

Phát điên vì “ma ám”? - 2
Dù rất đau lòng nhưng bà Trần Thị Hiền vẫn phải xích chân con trai lại, nếu không anh sẽ quậy phá Ảnh: Quang Tám

Dời nhà vì quá sợ

Dù tình trạng bệnh tật ám ảnh nhiều năm nhưng hiện người dân của 2 làng trên vẫn không rõ tại sao tai ương lại giáng xuống đầu mình. Ông Nguyễn Văn Thìn cho biết ngoài bệnh tâm thần, tại Phú Dương còn có rất nhiều người bị bệnh ung thư. Chưa đầy 10 năm nay đã có trên 10 trường hợp và chủ yếu tập trung ở tổ 5. “Nói ra thì hơi tâm linh chứ ngôi làng này giống như bị ma ám vậy, trong số các hộ dân ở tổ 4 và tổ 5, hầu như các gia đình không bị cái này thì bị cái khác. Hiện còn rất ít nhà có người không bị bệnh, người dân thôn này luôn sống trong lo sợ” - ông Thìn thở dài.

Ông Thìn cho biết thêm trước đây thôn Phú Dương là nơi địch đóng đồn trong thời gian dài. Đến nay, chưa có nước sạch nên người dân vẫn đang dùng nước giếng. Nhiều người nghi ngờ họ bị bệnh là do nguồn nước hoặc không khí bị ô nhiễm. Trong năm 2003-2004, 30 hộ dân tổ 4 và tổ 5 sống gần nghĩa địa do quá sợ hãi đã dời nhà đi chỗ khác sinh sống. Cách đây vài năm, người dân cùng nhau góp tiền tu bổ lại miếu Ông và miếu Bà - 2 ngôi miếu đã bị chiến tranh tàn phá - rồi đều đặn hương khói, hy vọng làng sẽ tai qua nạn khỏi. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn không thay đổi.

Cũng như vậy, ở xóm Chùa, nhiều câu chuyện tâm linh cứ được người này đến người kia đồn đoán, rồi người dân góp tiền tu bổ chùa chiền, chính quyền đưa nước sạch về thôn nhưng lâu lâu nơi đây vẫn có người phát bệnh điên...

Mất ngủ vì ác mộng

Ở thôn Phú Dương có bà Nguyễn Thị Sỹ (SN 1964) và bà Trần Thị Năng (SN 1966) bị chứng bệnh mất ngủ nhiều năm vì mỗi khi nhắm mắt lại là họ thấy ác mộng. Bà Sỹ kể: Cách đây khoảng 15 năm, đột nhiên bà bị khó ngủ, ban đầu mỗi đêm ngủ được 2-3 giờ, dần dần mất ngủ hẳn, đêm nào nhiều nhất cũng nhắm mắt được 1 giờ. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị suy nhược thần kinh nhưng dù đã uống nhiều thứ thuốc vẫn không khỏi.

Theo Trần Thường - Quang Nhật (NLĐ)
Nguồn: