Phạt đội mũ bảo hiểm giả: Đẩy trách nhiệm cho dân

Ngày 04/03/2013 06:56 AM (GMT+7)

Từ ngày 15.4, người đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị xử phạt, đây là thông tin làm xôn xao đời sống xã hội.

Dư luận đặt câu hỏi phải chăng cơ quan chức năng đang cố tình đẩy trách nhiệm về phía người dân?

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, sau 5 năm vận động toàn dân đội MBH khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông, đã đạt tỷ lệ đội mũ là 90%. Thế nhưng trong số đó chỉ có 30% MBH đạt chất lượng, còn 70% là mũ giả, kém chất lượng. Đây quả là vấn đáng báo động.

Mới đây lực lượng chức năng của TP Hà Nội thành lập 4 đoàn công tác tiến hành kiểm tra 15 điểm kinh doanh MBH trên địa bàn các quận nội thành. Kết quả kiểm tra cho thấy có đến 14 điểm vi phạm, với tổng số gần 2000 chiếc MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Phạt đội mũ bảo hiểm giả: Đẩy trách nhiệm cho dân - 1
Lực lượng chức năng quân kiểm tra các cửa hàng kinh doanh MBH.

Với mục đích chấm dứt tình trạng người đội MBH không đạt chất lượng khi tham gia giao thông, Ủy ban ATGT quốc gia đang chuẩn bị kế hoạch tăng cường ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Điều đáng chú ý người đội MBH giả cũng sẽ bị xử phạt như trường hợp người không đội MBH.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để phân biệt MBH thật hay rởm, người tiêu dùng căn cứ vào tem CR và giấy chứng nhận hợp quy của mỗi loại MBH. Giấy này được nhà sản xuất cấp cho các đại lý chính hãng, khi mua người tiêu dùng kiểm tra bằng cách đề nghị nơi bán cho xem giấy chứng nhân để đối chiếu kiểu mẫu.

Lẽ ra việc công tác kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh MBH phải được cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ khi ngay cùng thời điểm quy định bắt buộc đội MBH. Thế nhưng trong 5 năm qua, vấn đề trên dường như lại bị thả nổi, việc thực hiện chỉ mang tính phong trào, lác đác ở một nơi, sau đó lại bị bỏ ngỏ.

Con số 70% MBH giả mà người dân đang sử dụng hiện nay đã nói lên điều đó. Các sản phẩm giả, kém chất lượng lâu nay vẫn được mua bán một cách công khai. Không chỉ ở các thành phố lớn như như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... mà ở các vùng quê, MBH rởm, kém chất lượng cũng tràn lan lâu nay ít bị xử lý. Thứ hàng hóa được xem là giả, không đảm bảo chất lượng được mặc nhiên tồn tại để việc mua bán kéo dài trong cả thời gian dài, nay người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đó, vấn đề xem ra không thuyết phục.

Anh Nguyễn Đức Toàn (tập thể Kim Liên, Đống Đa, HN) cho biết: “Tôi ra đường chỉ biết chấp việc đội MBH, không biết thật hay giả. Để thứ hàng hóa đó tràn lan trên thị trường trách nhiệm thuộc về cơ quan chức. Tôi thấy tại cửa hàng bán MBH từ loại giá 300 – 400.000 đồng cho đến loại 30 – 50.000 đồng đều thấy có dán tem đảm bảo. Mua loại nào là phụ thuộc vào điều kiện của mình, chứ người dân biết lấy căn cứ nào để phân biệt thật giả”.

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Quan điểm xử phạt cả người đội MBH giả có rất nhiều điểm không ổn. Bản thân người người tiêu dùng họ cũng là nạn nhân của hàng giả, giống như người mua phải gas rởm, thuốc rởm, sữa rởm hay thức ăn không đảm bảo... Trách nhiệm để xảy ra việc đó là thuộc về cơ quan chức năng. Việc nạn nhân lại bị phạt điều là điều phi lý. MBH sử dụng từ việc mua bán công khai, còn việc có đảm bảo chất lượng hay không trách nhiệm ngăn chặn thuộc về cơ quan chức năng.

Một trong những vấn đề khiến dư luận băn khoăn nữa là nếu quy định được thực thi, ai sẽ xử phạt việc đội MBH giả. Lâu nay những hành vi vi phạm giao thông do lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông xử lý, liệu việc xử lý đội MBH giả lại trông chờ vào lực lượng này? Một cán bộ của Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội bày tỏ, việc chứng minh MBH thật hay giả phải có chuyên môn, việc này không thuộc thẩm quyền của CSGT.

Những trường vi phạm luật giao là số ít còn có thể dừng xe xử lý, còn với số lượng lớn người tham gia giao thông thì khó có thể dừng xe họ để kiểm tra chiếc mũ. LS Tiến kiến nghị, cần phải tập trung xử lý mạnh ở khâu sản xuất và kinh doanh MBH. Khi sản phẩm giả không còn thì đương nhiên người tiêu dùng được mua bán, sử dụng hàng đảm bảo chất lượng.

Những quy định rơi vào im lặng: Nghị định 52/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 5.8.2012. Mức phạt dành cho hành vi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt (trong đó có việc nghe gọi điện thoại di động) từ 2 – 5 triệu đồng. Nghị định 45/2005 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) nêu rõ: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng. Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 20.1.2013, theo đó các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ bị xử lý nếu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau một thời gian rầm rộ, đến nay những quy định trên dường như đang bị rơi vào lãng quên.

Theo Lương Kết (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan