Quốc hoa: Chưa có công cụ bầu chọn chuẩn

Ngày 26/03/2013 07:15 AM (GMT+7)

Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ VHTTDL về việc tiến hành lựa chọn Quốc hoa; việc lựa chọn này cần có hình thức thích hợp để đông đảo nhân dân trong cả nước lựa chọn và suy tôn.

Tuy nhiên, trên thực tế, để có đề án trình Chính phủ, Bộ VHTTDL đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về sự cần thiết của việc lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam, đề xuất Quốc hoa Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến nhân dân và dư luận xã hội qua hình thức bầu chọn trực tiếp Quốc hoa Việt Nam ở ba miền đất nước và qua mạng Internet. Có 62 - 97% số ý kiến bình chọn trực tiếp và 62,1% số ý kiến được hỏi trên mạng Internet chọn hoa sen là Quốc hoa Việt Nam.

Vậy, tại sao lại có sự thận trọng này từ phía Chính phủ? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông Quốc cho biết:    

Trong quá trình Bộ VHTTDL tiến hành lấy ý kiến nhân dân về chọn Quốc hoa, tôi cũng có đến một vài triển lãm về Quốc hoa. Triển lãm chỉ có hoa sen mà không có các loại hoa khác, bên cạnh đó, người ta cũng hay đưa ra những câu hỏi thăm dò, lấy ý kiến có chút phản cảm, kiểu như: “Bạn có đồng ý với việc chọn hoa sen là Quốc hoa hay không?”, và chỉ đơn giản là xem bao nhiêu người đồng ý, bao nhiêu người không đồng ý, mà quên rằng người ta có thể lựa chọn những loại hoa khác nữa.

Do vậy, nếu chỉ lấy những cuộc triển lãm và hỏi ý kiến ấy để trở thành một kết luận là rất khó. Mặc dù tôi cũng nghĩ là Bộ VHTTDL rất muốn tìm ra một tiếng nói chung và trong chừng mực nào đó thì hoa sen vẫn tìm được sự đồng thuận cao nhất; nhưng không ai dám nói sự đồng thuận ấy là chuẩn, vì không có định lượng nào.

- Vậy, theo ông, việc bầu chọn phải theo hình thức thế nào mới là chuẩn?

Nước mình còn thiếu 2 điều cơ bản: Không có những cơ quan giúp điều tra dư luận xã hội có uy tín. Ở các nước khác có thể là cơ quan tư nhân, tổ chức xã hội độc lập, nhưng có uy tín. Và thứ hai là không có luật trưng cầu dân ý. Tôi mở rộng vấn đề một chút về vấn đề góp ý sửa đổi Hiến pháp nữa. Rất khó để nói là người dân có quyền phủ  quyết, mặc dù có thể nói cách làm rất rầm rộ, rộng rãi. Nhưng cách điều tra, lấy ý kiến ấy đã chuẩn chưa? Nếu chỉ đưa ra vấn đề để mọi người chỉ công khai trả lời là đồng ý hay  không đồng ý thì rất khó có thể gọi đó là trưng cầu dân ý được.

Rất nhiều áp lực về tâm lý, về các vấn đề xã hội. Trở lại với chuyện Quốc hoa, dù Chính phủ có thận trọng yêu cầu Bộ VHTTDL tiếp tục lấy ý kiến nhân dân thì cũng không có công cụ nào để có thể tạo ra được sự chuẩn mực. Tôi không hiểu là tới đây triển khai yêu cầu ấy của Chính phủ, Bộ VHTTDL sẽ làm như thế nào khi không có phương thức để đảm bảo cho sự điều tra cho chuẩn? Còn nếu vẫn làm như cũ thì không bao giờ có tiếng nói có trọng lượng cuối cùng cả. 

Do vậy, trong điều kiện này chúng ta chỉ có cách duy nhất là giao cho những người có tính đại diện phải chịu trách nhiệm về việc đó, ví dụ như Quốc hội. Bởi những người ở trong Quốc hội là những người được bầu đại diện cho dân, ít nhiều ý kiến của họ cũng có tính chất định lượng. Như thế chúng ta sẽ  có một kết luận tương đối yên tâm.

Quốc hoa: Chưa có công cụ bầu chọn chuẩn - 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

- Hoa sen- tuy được nhiều người bầu chọn nhất, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những ý kiến băn khoăn rằng một số nước cũng đã lấy hoa sen làm Quốc hoa, như Ấn Độ chẳng hạn? Ý kiến của ông về việc này?

Việc trùng lặp không có vấn đề gì, người ta có thể tìm sự khác biệt về màu sắc hay loại  hình chẳng hạn (có nhiều loài sen), hoặc là nhìn ở góc độ sinh học khác nhau, thậm chí nó được biểu tượng hóa, logo hóa đi... Tôi nhớ trong lúc bầu chọn ấy, có người đã đưa ra hoa chuối, hoa gạo, hoa tre, hoa trúc...; anh Nguyễn Phúc Giác Hải có đưa ra một luận chứng về hoa lúa cũng rất hay. Nói chung, quyền lựa chọn là của người dân, nhưng khó nhất vẫn là ta không có công cụ để có thể định lượng được ý kiến như đã nói ở trên.

- Cụ thể công cụ ấy sẽ là gì, thưa ông?

Đó là trưng cầu dân ý.  Không phải riêng Quốc hoa, sau Quốc hoa còn có nhiều chuyện khác nữa. Tại sao các nước rất quan tâm đến việc trưng cầu dân ý? Hồi 2005, tôi có sang châu Âu với đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch QH Nguyễn Văn An dẫn đầu. Chúng tôi cũng khảo sát về trưng cầu dân ý. Họ nói đó là một tập quán lâu dài, quá trình hình thành, ban đầu có thể cũng chưa phản ánh hết được đúng bản chất và thường mang xu thế bảo thủ, nhưng được cái chắc chắn và chia sẻ cộng đồng. Cộng đồng quyết định, nếu tốt thì cộng đồng hưởng, mà nếu không tốt thì cộng đồng chia sẻ. Đó là sự khôn ngoan của con người và cũng là tránh sự độc đoán.
 
- Tôi nhớ, trước đây ta đã từng có dự án quốc ca (mới) đã bị phá sản; và giờ đây, sau Quốc hoa còn có câu chuyện của quốc phục, quốc tửu... có lẽ cũng khó mà thành hiện thực, nếu như ta không có công cụ chuẩn như ông nói?

Trong tất cả các dự án ấy, cho dù chúng ta chủ trương lấy ý kiến rộng rãi, đông đảo... điều đó là tốt; nhưng cuối cùng tính phủ quyết của dân không thể hiện được, vì nó không có công cụ. Vì thế mà tôi có đề nghị nên nhanh chóng khắc phục tình trạng đó. Tính phủ quyết của dân  được thể hiện trong hiến pháp từ lâu rồi, nhưng trong đó có nhiều nội dung bị “treo”. Cho nên tôi nghĩ là bây giờ phải nhanh chóng giải quyết. Đây là tập quán rất phổ quát của thế giới, dựa vào đó người ta có thể định lượng được ý kiến. Tôi biết Quốc hội cũng quan tâm đến điều này, vì đó không phải là điều gì đó quá xa với cơ chế của chúng ta.

- Theo ông, có cần thiết hay không việc chọn ra Quốc hoa?

Quốc hoa cũng là một biểu tượng  làm phong phú thêm hệ thống ký hiệu để nói lên đặc điểm một quốc gia, một dân tộc. Thay vì một lá cờ -  biểu tượng mang tính chính trị cao - thì ta có nhiều biểu tượng khác nhau. Đó cũng là xu thế của xã hội phát triển; nhất là khi ta càng hội nhập bao nhiêu thì nhu cầu thể hiện nét riêng, bản sắc riêng càng cao. Hội nhập không có nghĩa là thủ tiêu cái riêng mà là sự đóng góp vào cái chung, làm phong phú thêm những giá trị chuyên biệt. Cá nhân tôi thì nghĩ, nếu làm được thì cứ  làm nhưng nên thận trọng. Tốt nhất ta phải tạo ra một xã hội có đủ cơ sở để những sự lựa chọn thể hiện sự đồng thuận cao.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Kim Anh (Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan