Sau Tết, trẻ viêm phổi ồ ạt nhập viện

Ngày 20/02/2013 05:05 AM (GMT+7)

Thời tiết thay đổi liên tục, độ ẩm cao khiến trẻ nhỏ nhập viện ồ ạt vì viêm đường hô hấp, trong đó có nhiều trẻ trở nặng có biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.

2/3 trẻ nằm viện vì viêm phổi

Ngày 19.2, mới 8h sáng khoa Nhi, BV Bạch Mai đã đông nghẹt bệnh nhi đến khám. Khoa đã bố trí nhiều ghế ngồi đợi cho bệnh nhân và người nhà nhưng do lượng người đến khám quá đông không còn đủ ghế ngồi. Người ngồi, người đứng bồng bế trẻ nhỏ la liệt ở khu sảnh chờ tới lượt khám. Tiếng trẻ con khóc nghèn nghẹt càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt.

Anh Tuấn, ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, bé nhà anh mới được 7 tháng tuổi. Hôm mùng 5 Tết âm lịch, bé nhà anh có biểu hiện thở khò khè. Nghĩ con chỉ bị cảm nhẹ nên vợ chồng anh Tuấn không đưa đi viện mà chỉ mua thuốc về tự điều trị. Đến đêm ngày mùng 9, tức ngày 18.2, bé có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, khó thở, bé phải thở bằng bụng, người tím tái, bỏ bú gia đình mới đưa đến khoa Nhi, BV Bạch Mai. Tại đây, sau khi thăm khám bác sĩ cho biết, bé bị viêm đường hô hấp nhưng do nhập viện quá muộn đã có biến chứng viêm phổi, phải thở máy.

Chị Hạnh ở Hoàng Mai, Hà Nội phải bế con vào viện cấp cứu lúc nửa đêm. Chị cho biết, bé nhà chị mới được 8 tháng, đã nằm viện điều trị 3 ngày nay vì bị viêm phế quản. Tết Nguyên Đán cả nhà chị về quê ăn Tết. Cháu ở xa Tết mới về nên ông bà bế bé đi chơi khắp mọi nhà. Đến ngày mùng 6 Tết khi cả nhà lên Hà Nội bé có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mũi nhiều, thở khò khè và ho.

Con còn nhỏ, sức đề kháng yếu bệnh dễ trở nặng đột ngột nên chị Hạnh đưa con đi khám ngay tại bệnh viện. Bác sĩ bảo cháu bị viêm phế quản, cho bé dùng khí dung tại phòng khám rồi kê đơn cho điều trị ngoại trú. Vừa bế con về hôm trước thì hôm sau bé sốt cao gần 41 độ, tình trạng khó thở càng nặng hơn, lồng ngực bị lõm. Vợ chồng chị Hạnh lại vội vã bế bé trở lại bệnh viện. Lần này do bệnh của bé trở nặng hơn nên bác sĩ yêu cầu phải nhập viện điều trị. “Bé đã nằm viện đã 3 ngày, phải nằm ghép giường do bệnh nhi nhập viện quá đông. Hiện tại bác sĩ bảo bệnh của bé đã đỡ hơn nhưng vẫn phải khí dung ngày 2 lần. Tôi bé cháu đợi từ sáng đến giờ mà vẫn chưa làm được khí dung cho cháu vì nhiều bệnh nhân quá, bác sĩ phải ưu tiên bệnh nhi nặng trước”, chị Hạnh cho biết.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán vừa qua cho đến mấy ngày gần đây do thời tiết thay đổi liên tục khiến số lượng trẻ nhỏ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp đến viện tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày riêng khoa Nhi, BV Bạch Mai tiếp nhận 50-100 cháu tới khám, 20 cháu phải nhập viện. Trong khi, những ngày này hàng năm khoa chỉ tiếp nhận từ 10-20 cháu tới khám. Điều đáng lo ngại là 2/3 trẻ phải nhập viện vì viêm phổi và đa phần là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. 

Sau Tết, trẻ viêm phổi ồ ạt nhập viện - 1

Bé 7 tháng tuổi bị viêm phổi đang điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai (Ảnh Mai Hương)

Trời nồm, trẻ dễ bị ốm

PGS.TS Dũng cho biết, nguyên nhân khiến số trẻ nhập viện tăng đột biến trong những ngày gần đây là do thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm quá cao. Bên cạnh đó, dịp nghỉ Tết Nguyên đán bố mẹ cho trẻ đi chơi nhiều, trẻ phải hít nhiều khói thuốc lá, khói hương nên rất dễ bị viêm đường hô hấp. Nhiệt độ trong ngày chênh lệch nhiều, sáng và tối trời lạnh, trưa chiều trời nắng ấm, bố mẹ bận tiếp khách không quan tâm chặt chẽ đến việc ăn mặc của trẻ, trẻ ra mồ hôi ướt quần áo thấm ngược trở lại, trẻ bị ốm vì nhiễm lạnh.

“Nhiều trẻ đến viện trong tình trạng bệnh trở nặng vì do ngày nghỉ Tết, cha mẹ ngại đưa con đi viện mà tự điều trị tại nhà. Chỉ đến khi bé có biểu hiện người tím tái, khó thở nặng người lớn mới vội vàng bế đến viện. Chính vì thế nhiều trẻ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi”, PGS.TS Dũng nói.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, PGS.TS Dũng khuyến cáo cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc mặc quần áo và môi trường nhà ở, bởi những ngày độ ẩm cao trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Cha mẹ cần thường xuyên lau chùi, vệ sinh nhà cửa, chống nấm mốc. Nếu tường nhà bị ướt thì cần chống nấm mốc, hạn chế tối đa không khí trong nhà bị ảm mùi thuốc lá, khói than. Nếu gia đình nào có điều kiện nên bật điều hòa, không khí trong nhà sẽ được khô ráo.

Bác sĩ cũng lưu ý cha mẹ cần mặc cho bé theo thời tiết, một ngày có thể phải thay quần áo cho bé nhiều lần: sáng, tối mặc đủ ấm cho trẻ nhưng trưa và chiều thì cần mặc thoáng, mát. Cha mẹ cần tránh cho trẻ ra mồ hôi nhiều, khi trẻ ra mồ hôi cần phải được lau ngay và thay quần áo nếu mồ hôi làm ẩm quần áo. Đồng thời cần tích cực cho trẻ uống nước và ăn hoa quả.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Người mẹ cần biết