Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp

Ngày 12/09/2016 14:52 PM (GMT+7)

Rải đơn xin việc khắp nơi, thậm chí giơ bảng xin việc giữa đường nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn chỉ nhận được cái im lặng từ nhà tuyển dụng.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.

Tại sao mỗi năm có hàng nghìn sinh viên có trình độ ra trường lại thất nghiệp? Tại sao thị trường lao động dồi dào nhưng nhiều nhà tuyển dụng lại khó tìm được nhân lực phù hợp hay tại sao mỗi sinh viên có khoảng 2-4 năm ngồi trên ghế giảng đường nhưng lại lúng túng khi đi xin việc?... 

Rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến gia đình, nhà trường và xã hội phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về thị trường lao động. Báo điện tử Khám phá xin đăng tải loạt bài viết về tình trạng thất nghiệp dưới góc nhìn của chính sinh viên, gia đình, nhà trường, nhà tuyển dụng và chuyên gia. 

Bài 1: Bố mẹ vay ngân hàng cho học đại học, ra trường đi làm công nhân 

Bài 2: Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp

Bài 3: Nhân lực Việt Nam lãng phí vì 'thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu'

Bài 4: Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên

Cầm cả bảng xin việc đứng đường

Nhiều cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành từ lâu đã không còn lạ, nhất là trong giai đoạn dồi dào nguồn nhân lực như hiện nay. Nhiều sinh viên ra trường tốn cả năm trời thậm chí vài năm sau cũng chưa tìm được nơi làm việc theo đúng ngành nghề mình theo học. Thay vì dành thời gian cống hiến công sức cho đất nước thì nhiều bạn trẻ lại lang thang đi rải hồ sơ xin việc khắp nơi.

Thậm chí, năm 2015 còn chứng kiến vụ một ông bố trẻ cầm bảng xin việc giữa đường với lý do cần nuôi con nhỏ. 

Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp - 1

Nói về hành động ông bố trẻ cầm bảng xin việc đứng đường gây tranh cãi dư luận, anh Phạm Văn Thanh, trưởng phòng Đào tạo, TT dạy nghề giới thiệu việc làm Trung Ương Đoàn cho rằng, thanh niên thì nên tự chủ trong việc tìm việc và chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Việc cầm bảng đứng đường gây ấn tượng cho người qua với góc độ thương cảm, xin – cho chứ không thể hiện được khả năng mình có thể đóng góp được cho tổ chức.

Thế nhưng, có lẽ, đây là niềm hy vọng cuối cùng trong sự bất lực của ông bố này trong công cuộc tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà tuyển dụng, sinh viên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. "Khi tuyển dụng giáo viên mầm non, tiêu chí đầu tiên là phải yêu trẻ. Tiếp theo là yêu nghề, sáng tạo, ham học hỏi, nhẫn nại, trung thực", đó là chia sẻ của cô Ngô Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt, Hà Nội trong việc lựa chọn cô giáo cho trường.

Hàng năm, trường cô Huyền nhận tới hàng trăm hồ sơ xin việc. Dù vậy, theo cô Huyền, thực tế tuyển giáo viên rất dễ nhưng chọn được cô làm tốt thì lại rất khó do chất lượng đào tạo giáo viên hiện nay ồ ạt kém chất lượng. Thế nên có trường hợp giáo viên không biết soạn giáo án hay cũng có trường hợp cô giáo lại không có kỹ năng quản lý trẻ.

Sinh viên thất nghiệp là lỗi cả hệ thống

Thầy giáo Phan Văn Kiền, Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận: "Tôi nghĩ, vấn đề của giáo dục, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ở Việt Nam hiện nay là lỗi hệ thống. Một khi đã lỗi hệ thống mà cứ cố đi tìm một nguyên nhân để giải quyết là cách đi sai lầm. Cứ nhìn vào giáo dục hiện nay, chỗ nào cũng có vấn đề: Từ thầy đến trò, từ sách giáo khoa đến cơ sở vật chất… Cho nên, để đi tìm nguyên nhân của việc sinh viên ra trường thất nghiệp cũng cần nhìn nhận một cách có hệ thống.

Vì vậy, theo tôi, nguyên nhân của sinh viên thất nghiệp xuất phát từ tất cả các yếu tố: Định hướng của gia đình, kỹ năng của sinh viên, chương trình đào tạo của nhà trường…", thầy Kiền cho biết.

Theo thầy Phan Kiền, hiện nay, trong nhiều gia đình, phụ huynh vẫn thường định hướng cho con cái những ngành học theo đánh giá chủ quan của bố mẹ. Đó thường là những ngành mà họ thích hoặc theo họ là dễ kiếm việc (và thông thường, đánh giá này cũng chủ yếu dựa vào trào lưu nhất thời của xã hội là chính, thí dụ như có thời kỳ người ta đổ xô đi học sư phạm, rồi đổ xô đi học kinh tế, kế toán…). Vì vậy, nhiều học sinh đã “ngoan ngoãn” nghe theo sắp xếp của bố mẹ, đến khi vào học mới ngã ngửa ra là chuyên ngành này vốn không giành cho mình.

Chương trình đào tạo trong các trường đại học cũng là lý do cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Một thời gian dài nền giáo dục chúng ta coi trọng các ngành khoa học cơ bản. Thế rồi xã hội thay đổi, các ngành khoa học ứng dụng “lên ngôi” kéo theo sự thoái vị của các ngành học cơ bản.

Tuy nhiên, cách đào tạo trọng lý thuyết, trọng hàn lâm ở trình độ đại học vẫn còn để lại dấu ấn rất nặng nề trong hầu hết các ngành đào tạo ứng dụng. Hậu quả là sinh viên của nhiều ngành ra trường rất thuộc lý thuyết nhưng kỹ năng và thực hành thì lại bắt buộc phải đào tạo lại. 

Theo đánh giá của cá nhân tôi, nguyên nhân còn có một phần xuất phát từ hệ thống giảng viên trong các trường đại học hiện nay, đặc biệt là các chuyên ngành khoa học ứng dụng. Một thông lệ ở tất cả các trường đại học hiện nay là chỉ giữ sinh viên có bằng giỏi trở lên để làm giảng viên.

Và với chương trình đào tạo như đã nói ở trên, nhiều sinh viên có bằng giỏi nhưng lại không có kỹ năng ứng dụng. Điều này là một thách thức lớn đối với các ngành khoa học ứng dụng bởi chính người thầy cũng chưa nắm chắc kỹ năng ứng dụng thực tiễn của ngành học.

Thí dụ một trường đào tạo có 5 ngành khoa học ứng dụng khác nhau mà sinh viên chỉ được học các môn kỹ năng mềm như nhau, theo tôi là có vấn đề. Thế nhưng, để giải quyết được vấn đề này lại phải quay trở lại câu chuyện của giáo viên, câu chuyện của cơ sở vật chất…

Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp - 2

Thầy giáo Phan Văn Kiền, Giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội

Thất nghiệp - cần xem lại bản thân

Thầy Kiền nhấn mạnh: "Với tư cách là giảng viên một ngành khoa học ứng dụng, tôi thấy sinh viên của tôi chia ra làm hai dạng.

Dạng thứ nhất là sinh viên chỉ chăm chú vào học các môn trên giảng đường để đạt điểm thật tốt. Và dĩ nhiên, kỹ năng thực tế của các sinh viên này lại bị hụt.

Dạng thứ hai là sinh viên chỉ chăm chú vào các kỹ năng thực hành. Và vì chương trình đào tạo cũng như hệ thống thực hành ở trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên các em phải bươn chải ra ngoài để vừa học, vừa thực hành. Và tất yếu, thời gian giành cho các học phần lý thuyết trên giảng đường có thể sẽ bị bỏ sót hoặc không được đầu tư đúng đắn.

Theo tôi, cả hai dạng sinh viên ở trên đều không đạt chuẩn với mục tiêu của một ngành học đào tạo ở bậc đại học. Có một số ít sinh viên cân bằng được cả hai dạng trên, nhưng số lượng này không nhiều".

Cho nên, với tôi, năng lực làm việc quan trọng hơn năng lực xin việc. Và năng lực làm việc là sự kết hợp tốt giữa năng lực thực tế và năng lực tư duy.

Theo Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự