Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng

Ngày 20/12/2019 00:08 AM (GMT+7)

Xếp hàng đi vệ sinh, phụ nữ khi tắm luôn sợ bị dòm ngó, mượn nhà lấy vợ… là những gì người dân sống khu tập thể cũ đang trải qua từng ngày.

Cô hàng xóm ngã chồng nhanh tay đỡ dậy, vợ nhìn thấy đánh ghen ầm ĩ khu tập thể

Tròn 60 năm đi vào hoạt động, đến nay khu tập thể thuốc lá Thăng long (Thanh Xuân, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng và đang trong diện cần phải cải tạo. Với những người dân sinh sống ở khu tập thể này, suốt mấy chục năm qua họ nếm trải bao kỷ niệm vui buồn, thậm chí có cả chuyện cười ra nước mắt.

Tập thể thuốc lá Thăng Long được chia làm 3 khu, mỗi khu được xây dựng 4 tầng và mỗi tầng có từ 32 đến 38 hộ gia đình sinh sống. Nếu tính trung bình mỗi hộ có 4 người, thì một tầng có tới gần 150 nhân khẩu, thế nhưng mỗi tầng chỉ có vỏn vẹn 2 khu vệ sinh một nam, một nữ (mỗi khu có 5 nhà vệ sinh).

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 1

Mỗi tầng ở khu tập thể có gần 40 phòng, nhiều nhà phải dắt xe từ tầng 1 lên tầng 3, tầng 4.

Bà Nguyễn Thị Thơ (63 tuổi, ở phòng 309, khu TT thuốc lá Thăng Long) cho biết, bây giờ còn đỡ hơn xưa nhiều khi các hộ dân chỉ phải đi vệ sinh chung, còn nước sinh hoạt đã được dẫn về từng phòng nên cũng bớt đi những chuyện rắc rối.

Bà Thơ chia sẻ, trước đây khi nước sinh hoạt chưa dẫn về các phòng, mùa đông cũng như mùa hè, cứ 5 giờ sáng là khu tập thể lại đông như hội, mọi người xếp hàng hứng từng xô nước và chờ đi vệ sinh. Còn buổi chiều và tối, cảnh xếp hàng đợi đi tắm lại một lần nữa diễn ra.

Cũng chính vì việc sinh hoạt chung đó mà nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra. Bà Thơ vẫn còn nhớ vụ đánh ghen kinh điển ở khu tập thể này, khi một cô gái ở cùng tầng với bà thường xuyên ăn mặc hở hang. Đặc biệt, mỗi khi đi tắm hay giặt ở cô gái thường mặc áo hai dây, quần ngắn, vì thế cánh đàn ông ở cùng tầng luôn mắt tròn mắt dẹt ngắm nghía.

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 2

Bà Thơ kể lại những câu chuyện dở khóc, dở cười ở khu tập thể nơi bà sinh sống.

Rồi một lần khi cô gái trẻ vừa trong nhà tắm đi ra không may bị trượt chân ngã, một người đàn ông ở ngay cạnh nhanh tay đỡ cô gái dậy. Đúng lúc đó, vợ của người đàn ông đi ra thấy cảnh đó nên đã đánh ghen ầm ĩ cả khu tập thể, sau đó hàng xóm phải hòa giải mới êm chuyện.

Gần năm 50 đi vệ sinh tập thể, người lớn cũng đi vào bô như đứa trẻ

Câu chuyện bà Thơ kể trên chỉ là 1 trong số 1001 câu chuyện mà những người sống ở khu tập thể phải chứng kiến. Bà Thơ cũng cho rằng, ở khu tập thể, mọi mâu thuẫn đôi khi đều bắt nguồn từ cái bể nước hay nhà vệ sinh. Có người chỉ vì không hứng được nước cũng chửi nhau, có người phải nhịn đi vệ sinh cũng lớn tiếng mắng mỏ… Vì thế, khi còn làm công nhân, bà Thơ luôn phải tranh thủ tắm rửa, vệ sinh ở nhà máy trước khi về nhà.

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 3

Khu nhà tắm và vệ sinh chung là đặc sản của các khu tập thể.

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 4

Dù có nội quy nhưng chung nhưng nhiều người vẫn "lách luật" khi cần.

Sống ở khu tập thể này từ năm 1973, bà Vũ Thị Quả (68 tuổi) cho biết, 47 năm qua, dù cả thế giới thay đổi nhưng chỉ riêng nơi bà đang sinh sống không thay đổi, đó là việc đi vệ sinh tập thể. Vì lý do này mà nhiều gia đình đã phải cho người khác thuê nhà hoặc bán lại để chuyển đi nơi ở mới.

“Đói có thể nhịn được 2-3 ngày, nhưng buồn đi vệ sinh mà phải nhịn thì như tra tấn. Nhưng khi mà tất cả các nhà xí đã kín chỗ thì biết phải làm sao”, bà Quả nói.

Sống gần hết đời người, ông Thành sống ở khu tập thể này đã 53 năm và phải chứng kiến không ít chuyện bi hài, nhiều lúc muốn chuyển đi nhưng với đồng lương hưu công nhân ít ỏi, ông chẳng biết phải đi đâu nên đành chấp nhận.

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 5

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 6

Trước những bất tiện, dân cư đã họp và đưa đường nước sinh hoạt vào các hộ, nhưng nhà vệ sinh vẫn phải đi chung.

“Đau khổ nhất là chuyện đi vệ sinh ở đây, như nhà tôi ở xa khu vệ sinh ra đến nơi thì mọi người đã xếp hàng dài rồi. Buồn quá về phải đi vào xô, vào chậu rồi để đó đi làm chiều về đổ sau. Mãi thành quen, cánh người lớn chúng tôi đi bô như đứa trẻ cũng đã hơn 50 năm rồi đấy.

Ở xa nhà vệ sinh khổ vậy, những nhà ở gần cũng đâu có sướng. Những hôm tắc cống, tràn nước hay trời nắng nóng bao nhiêu mùi họ hứng đủ cả”, ông Thành chia sẻ.

Ánh sáng le lói lúc cuối đời và niềm hy vọng cho thế hệ mai sau

Với bao khổ cực đã trải qua, mới đây những người dân ở khu TT thuốc lá Thăng long mừng như bắt được vàng khi nghe được tin nhà nước công bố chủ đầu tư sẽ đứng ra cải tạo khu tập thể này. Khắp các tầng người dân bàn tán xôn xao, ai cũng mong nhà đầu tư, chính quyền sớm đến họp bàn cùng dân về phương án triển khai.

“Nói thật, tôi mới nghe tin từ chương trình thời sự chứ chưa nhận được văn bản chính thống nào. Nhưng thế là vui rồi, chúng tôi mong ngày này lâu lắm rồi. Giờ lấy ý kiến chúng tôi đồng ý hết”, bà Thơ nói.

Sống giữa lòng Hà Nội: 50 năm đi vệ sinh bằng chậu, nơi phụ nữ tắm luôn phải đề phòng - 7

Bà Thơ và nhiều cư dân rất vui khi biết thông tin sẽ cải tạo lại khu tập thể.

Ngồi bên cạnh, bà Quả hồ hởi nói theo: “Cả đời ở khổ cực, đám cưới của con cũng phải đi thuê mượn nhà, hy vọng cuối đời được ở trong ngôi nhà mới có cái nhà vệ sinh riêng và tương lai bọn trẻ được mở mày, mở mặt”.

Điều những người dân ở đây quan tâm nhất là cải tạo xong họ có được về đây sinh sống hay không, diện tích mỗi gia đình hiện tại chỉ 20 mét vuông, khi cải tạo xong diện tích các căn hộ lớn thì sẽ xử lý ra sao? “Chúng tôi chỉ mong sớm được gặp gỡ chủ đầu tư để có phương án cụ thể, có như vậy mới chúng tôi mới thật sự hưởng niềm vui trọn vẹn được”, bà Thơ nói.

Vợ chồng 33 năm sống trên nóc nhà vệ sinh ở phố cổ: Tôi chạy mất dép đêm tân hôn
33 năm sống trên nóc nhà vệ sinh của khu tập thể, giờ đây khi đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", vợ chồng ông Hải chỉ mong có được căn nhà nhỏ để an hưởng...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức Hà Nội