Sống lại sau khi tim ngừng đập 20 phút

Ngày 12/04/2013 15:55 PM (GMT+7)

Bị viêm cơ tim tối cấp, bệnh nhân lên cơn đau tim, đau ngực dữ dội, khó thở và rơi vào trạng thái tim ngừng đập, mất mạch, huyết áp.

Bệnh nhân Dương Thị Mai Mai, nữ, 27 tuổi may mắn thoát chết dù tim đã ngừng đập hơn 20 phút. Các bác sĩ của Viện Tim mạch, BV Bạch Mai đã thực hiện kỹ thuật ECMO - kỹ thuật tim phổi nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Sau 7 ngày, áp dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo, bệnh nhân đã được cứu sống và ngày hôm nay bệnh nhân xuất viện với sức khỏe hồi phục tốt.

Được biết, trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau mỏi người, đau ngực, khó thở. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt. 3 ngày sau thấy người mệt hơn, khó thở nhiều hơn, chị Mai đi khám tại BV Bưu điện, Hà Nội. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị Mai viêm cơ tim cấp và chuyển ngay sang Viện Tim mạch, BV Bạch Mai.

Ngày 19.3, chị Mai nhập Viện Tim mạch trong tình trạng đau ngực, khó thở vừa và hoàn toàn tỉnh táo. Tuy nhiên, chỉ một tiếng sau khi nhập viện, bệnh nhân bỗng xuất hiện khó thở nhiều, đau ngừng và tim ngừng đập, mất mạch, huyết áp. Các bác sĩ đã tích cực hồi sức cấp cứu, rất may sau 20 phút tim ngừng đập, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại.

TS Tạ Mạnh Cường, Viện Tim Mạch cho biết, đây là một ca viêm cơ tim cấp, tiên lượng rất nặng có nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân có ngừng tuần hoàn trong thời gian khá dài, điều đó có thể làm não bệnh nhân ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không hồi phục. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO - tim phổi nhân tạo cứu sống bệnh nhân.

Theo bác sĩ Cường, về lý thuyết, khi trái tim ngừng đập cũng đồng nghĩa với sự sống đã khép lại nhưng nhờ áp dụng thành công kỹ thuật ECMO kịp thời bệnh nhân đã may mắn thoát chết.

Sống lại sau khi tim ngừng đập 20 phút - 1

Bệnh nhân Mai hoàn toàn bình phục trong ngày xuất viện 12.4

PGS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kĩ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim – chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. Kỹ thuật tiên tiến này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như viêm phổi do virus (cúm H5N1, H1N1, H7N9), vi khuẩn hoặc các tình trạng sốc viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim…

Các bác sĩ khuyến cáo những người có biểu như cảm cúm (ho, khò khè, sổ mũi) kèm theo khó thở, đau ngực, da tái, chân tay lạnh, trẻ em bị rối loạn tiêu hóa với sốt cao, li bì, khó thở…; ở trẻ nhỏ bỏ bú, lười ăn, ngủ li bì khó đánh thức…, cần đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân, tránh bỏ sót sẽ nguy hiểm tính mạng. Bệnh viêm cơ tim cấp là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao, trong thời gian rất nhanh nếu không kịp phát hiện và nhập viện. Trong một số trường hợp dù được phát hiện sớm nhưng người bệnh vẫn có thể tử vong trong vòng 24- 48 giờ. Nếu bệnh nhân được phát hiện muộn, nguy cơ tử vong là rất cao. Trường hợp bệnh nhân Mai Mai may mắn thoát chết do được chẩn đoán sớm và cấp cứu kịp thời.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan