Sự thật tin đồn người đàn ông đào trúng kho cổ vật trị giá bạc tỷ

Ngày 04/04/2015 08:33 AM (GMT+7)

Thời gian qua, người dân tỉnh Phú Yên không ngớt bàn tán về chuyện một người nông dân tình cờ đào được nhiều đồ cổ, được cho có niên đại hàng trăm năm với giá trị thuộc dạng “khủng”.

Thời gian qua, người dân tỉnh Phú Yên không ngớt bàn tán về chuyện một người nông dân tình cờ đào được nhiều đồ cổ, được cho có niên đại hàng trăm năm với giá trị thuộc dạng “khủng”.

Chưa biết thực hư sự việc như thế nào, rất nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến để được “mục sở thị” những “cổ vật” này, khiến gia chủ nhiều ngày nay không khỏi sống trong thấp thỏm lo sợ vì những lời đồn thổi không hay và những kẻ lạ mặt có thể “viếng thăm” bất cứ lúc nào.

May mắn tình cờ

Người đàn ông may mắn trong câu chuyện trên là ông Trương Phước Dũng (50 tuổi, trú ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Ngày 12/3, ông vô tình đào được trên mảnh đất nhà mình một số hiện vật được cho là có giá trị rất lớn. Trong đó, đáng chú ý có 1 hũ sành có kiểu dáng như ché rượu thu nhỏ với chiều cao 35cm và 1 đĩa đồng thau đường kính 25cm.

Chưa thể kết luận về niên đại hiện vật

Trao đổi với người viết về sự việc này, ông Nguyễn Hữu An – Phó giám đốc Bảo tàng Phú Yên nhận định, nhìn hiện vật qua bản ảnh thì đặc điểm, kiểu dáng hũ sành giống với dòng gốm cổ Quảng Đức ở xã An Thạch (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), có niên đại trên 300 năm đang được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên. Rất có thể số vật dụng này được người dân dùng trong sinh hoạt. Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu An cho rằng: “Chưa có cơ sở để kết luận hũ sành và đĩa đồng thau do một người dân mới đào được là cổ vật từ cuối thế kỷ 16 như một số thông tin đã nêu. Cơ quan này cũng chưa tiếp cận hiện vật và người đã tìm thấy hũ sành cùng chiếc đĩa bằng đồng thau”. Ông An cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin, sẽ chỉ đạo cán bộ phòng văn hóa phối hợp với lực lượng công an và chính quyền xã Minh Châu đến kiểm tra, lập biên bản kê khai số cổ vật trên. “Trước mắt chúng tôi cho kiểm kê để tránh thất thoát cổ vật. Trước khi Sở Văn hóa và các cơ quan chức năng thẩm định niên đại và có ý kiến xử lý thì tạm giao cho gia đình có trách nhiệm bảo quản trông coi những món đồ trên!”, ông An cho hay.

Trò chuyện với người viết, ông Dũng cho biết: “Hôm đó, cả gia đình tôi đi làm đất trên nương. Sau khi nghỉ ngơi ăn trưa tại lán gần nương, mọi người bắt đầu quay trở lại với công việc. Thế nhưng vừa mới cuốc được vài nhát thì thằng con tôi hét lên vì phát hiện một vật lạ bằng kim loại. Sau khi đào lên, băn khoăn không biết là vật gì, tôi liền bảo người nhà mang nước tới rửa ráy thật kỹ thì phát hiện vật lạ này có hình dáng giống một chiếc đĩa cổ. Chiếc đĩa này bằng đồng đã bị oxy hóa nên có màu xanh. Ban đầu, mọi người trong gia đình đều cho rằng, đó là chiếc đĩa của người nào đó vô tình làm rơi, không quay lại lấy nên không để ý đến nữa. Nhưng sau đó, mọi người tiếp tục làm việc thì lại phát hiện thêm một chiếc hũ sành nằm trong lòng đất. Chiếc hũ này giống như một chiếc ché nhỏ mà người đồng bào hay dùng để đựng rượu. Thấy sự lạ, gia đình tôi vội xúm lại xem rồi bàn nhau về việc mang chiếc hũ này về”, ông Dũng kể lại.

Buổi chiều hôm đó, gia đình ông Dũng bỏ dở việc nương rẫy, hì hụi khiêng hũ sành về nhà. Thấy gia đình ông Dũng đang làm việc lại nghỉ ngang buổi chiều như thế nên người dân địa phương không khỏi tò mò hỏi chuyện. Ông Dũng cũng thật thà kể lại chuyện phát hiện đồ cổ trên nương nhà mình. Thế rồi người nọ truyền tai người kia, chẳng mấy chốc bà con trong bản đều biết chuyện ông Dũng đào được cổ vật và kéo nhau đến xem đông như trẩy hội”,  ông Dũng cho biết thêm.

Khốn đốn trước tin đồn

Từ khi nghe tin gia đình ông Dũng đào được đồ cổ, hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã tìm đến để “mục sở thị” đồ vật được cho là cổ vật có niên đại hơn 300 năm này. Nhiều người đồn đại rằng, nhờ vận may kéo đến nên gia đình ông Dũng mới đào được cổ vật và đang đứng trước cơ hội đổi đời. Thế nhưng ông Dũng thì lại lo lắng đến mất ăn mất ngủ bởi những lời đồn đoán chẳng lấy gì hay ho. Mấy ngày sau đó, rất nhiều người đã đến nhà ông Dũng xem cổ vật và ra giá mua số hiện vật trên nhưng ông Dũng vẫn quyết không bán. Cũng từ dạo biết tin gia đình ông đào được cổ vật, nhiều người trong, ngoài xã đã thi nhau vác cuốc đến xin ông lên rẫy đào bới với hy vọng đào được cổ vật giá trị trong lòng đất còn sót lại. Dĩ nhiên, gia đình ông Dũng một mực từ chối. Cho rằng đám rẫy nhà ông Dũng còn cổ vật và gia chủ có ý đồ giữ làm của riêng, nhiều người sau khi đề nghị thương lượng, trả tiền bất thành đã canh giờ… đào trộm. Để tránh mảnh vườn không bị phá  nát, gia đình ông Dũng đã phải thay nhau ăn ngủ tại lán để canh giữ.

Sự thật tin đồn người đàn ông đào trúng kho cổ vật trị giá bạc tỷ - 1

Thế nhưng việc canh giữ diễn ra càng cẩn thận thì tin đồn nương rẫy nhà ông còn nhiều vàng bạc, cổ vật càng thu hút người hiếu kỳ. Vậy là nhiều người còn lợi dụng đêm tối ra sức cuốc xới, những mong kiếm được vận may tương tự để phát tài. Nói về chuyện xảy ra, ông Dũng kể lại: “Chưa bao giờ, gia đình tôi phải cảnh giác với người bên ngoài đến thế. Hầu như lúc đó, ai cũng dòm ngó đến khu vực nương rẫy có chứa “kho báu” của gia đình tôi. Cho dù đã thay nhau ngủ qua đêm trên lán trông coi nhưng buổi sáng hôm sau thức dậy, chúng tôi vẫn thấy khu đất bị đào trộm”.

Không cho đào trộm, gia đình ông Dũng lại tiếp tục nhận được những lời đồn thổi rằng đó là số đồ dùng của người thời xưa trong lúc chạy loạn không kịp mang theo đã bỏ lại và những hiện vật này đã bị “yểm bùa”. Những ai vô tình có được phải làm lễ tạ ơn rất lớn mới mong được đổi đời, còn nếu không sẽ bị những lời trù ếm trong đồ vật này làm cho gia đình tan nát. “Chưa kịp hưởng niềm vui đào được cổ vật, gia đình tôi ai cũng lo lắng vì tin đồn cổ vật đã bị yểm bùa. Ngay sau khi mang về, chúng tôi đã làm lễ giải hạn cho toàn bộ anh em, họ hàng của gia đình. Thêm vào đó, khi có đồ quý trong nhà, không ngày nào tôi được ngủ ngon giấc vì sợ kẻ trộm”, ông Dũng chia sẻ.

Khi chuyện cuốc rẫy đào trúng vật lạ của gia đình ông Dũng còn đang gây xôn xao dư luận, người dân địa phương kéo đến xem không ngớt. Thế nhưng cùng với việc người dân đến xem hiện vật này thì địa phương lại tiếp tục nhận được những tin đồn rằng gia đình ông đào được cả một kho cổ vật lớn khác nhưng vẫn đang cất giấu, chỉ đưa ra vài hiện vật để nghe ngóng tình hình. Quá trình tìm hiểu tại địa phương, chúng tôi còn được nghe một số người “kể tường tận” chuyện ông Dũng được một số đầu nậu tìm đến ngã giá mua cổ vật với giá hàng trăm triệu. “Nhà ông ấy sắp đổi đời rồi. Đào được cổ vật giá “khủng” là may mắn chưa từng thấy. Chúng tôi còn nghe nói, ông Dũng đang cất trong nhà nhiều cổ vật, rồi vàng bạc khác có tổng giá trị hàng tỷ đồng. Giờ thì ông ấy đúng là tỷ phú rồi”, một người dân (xin giấu tên – PV) kể.

Méo mặt trước những lời đồn thất thiệt này, ông Dũng trần tình: “Thông tin gia đình tôi đào được cả kho cổ vật hay vàng bạc trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng là không đúng. Thực tế, tôi cũng chưa từng được đầu nậu nào tìm đến thương lượng, hỏi mua mấy món cổ vật này. Vậy thì đào đâu ra số tiền mấy trăm triệu mà đổi đời cơ chứ. Tôi chỉ có trong tay 2 hiện vật này thôi và cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm kiểm định để có thông báo cụ thể, chứ gia đình tôi cũng mệt mỏi vì tin đồn lắm rồi”.

Vì những lời đồn đại huyễn hoặc ấy, mấy ngày qua gia đình ông Dũng vô cùng lo lắng. Tuy nhiên thời gian trôi qua, cuộc sống gia đình không gặp bất kỳ trắc trở nào. “Sau những lo lắng, tôi dần hiểu ra đó chỉ là những lời “phán” vô căn cứ của mấy kẻ hành nghề cúng bái, chuyên dựa vào quỷ thần lừa bịp người khác. Cuộc sống gia đình tôi hiện tại rất êm đềm. Tôi nghĩ, may mắn lớn nhất của mình là các con đều ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn. Tiền bạc do hai bàn tay mình tạo ra mới vững bền còn tiền bạc của cải từ trên trời rơi xuống thì dẫu bạc trăm, bạc vạn mà không biết cách gìn giữ, sử dụng hợp lý thì sớm muộn cũng tiêu tán, tự rước họa vào thân mà thôi. Gia đình tôi từ xưa tới nay cũng chẳng mong gì được đổi đời môt cách chóng vánh bằng đồ cổ hay trúng số. Chỉ cần mình chịu khó làm ăn, sống chan hòa với mọi người và được mọi người thương yêu là mãn nguyện lắm rồi!”, ông Dũng đúc kết.     

Cũng theo luật sư Hồng cho biết, nếu sau khi cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra, xác minh nếu các đồ vật mà ông Dũng phát hiện đúng là cổ vật, thì căn cứ theo điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005, đây được coi là vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu. Dó đó sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản thì quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau: 1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. 2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương. Phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.   

Người đàn ông may mắn đã hành động đúng khi báo sự việc cho nhà chức trách

Trao đổi với chúng tôi về sự việc ông Trương Phước Dũng (50 tuổi, trú ở xã Suối Bạc, huyện miền núi Sơn Hòa, Phú Yên) phát hiện cổ vật gây xôn xao dư luận, Luật Sư Trịnh Thị Hồng (Luật sư gia đình Đà Nẵng) cho biết: Quan điểm rằng theo Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Nếu không biết ai là chủ sở hữu, phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan Nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm lập biên bản có đầy đủ chữ ký của đại diện tổ chức, cá nhân đã thông báo thông tin và đại diện cơ quan tiếp nhận thông tin; tổ chức, cá nhân thông báo thông tin giữ một bản để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về sau; kiểm tra tính chính xác của thông tin đã tiếp nhận. Người phát hiện tài sản được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này, ông Dũng đã hành động đúng khi báo cáo cơ quan chức năng.

“Tuy nhiên, hiện tại các vật dụng mà ông Dũng vô tình đào được khi làm đất tại phần đất của mình lại chưa được cơ quan chức năng nhận định đó có phải là cổ vật hay không thì tạm thời ông Dũng phải có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ các đồ vật này để cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận cụ thể mà không được mua bán, đổi chác, cho tặng để tránh làm thất thoát cổ vật quốc gia được bảo vệ và quy định trong luật. Trường hợp khi xác định đây đúng là các cổ vật có niên đại hơn 300 năm như các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng tỉnh phú yên, cơ quan nhà nước có quyền trưng thu lại các cổ vật này!”, luật sư Hồng nhấn mạnh.

Hữu Cường

Theo Phong Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot