Tại sao chỉ nên nhờ người nhà “mang thai hộ”?

Ngày 17/02/2014 17:45 PM (GMT+7)

Dư luận đang băn khoăn với chế định “mang thai hộ” lần đầu đưa vào dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Dù thể hiện rõ tinh thần nhân đạo, song dự thảo luật quy định chỉ người thân thích mới mang thai hộ nhằm tránh các hành vi trục lợi. PV Báo GĐ&XH trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) để làm rõ hơn điều kiện này.

Xin Tiến sĩ cho biết, tại sao dự thảo luật quy định mang thai hộ phải là người trong nhà chứ không phải người ngoài?

Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được kỹ thuật y tế liên quan đến “mang thai hộ”. Nhưng vấn đề cơ bản là các khía cạnh liên quan đến pháp luật và đạo đức xã hội. Người ta lo ngại mang thai hộ sẽ bị thương mại hóa, trong khi nguyên tắc và bản chất của nó phải là nhân đạo. Đã gọi mang thai hộ nghĩa là phải giúp cho người khác, chứ không lấy tiền. Nguyên tắc ấy, cả thế giới lẫn Việt Nam đều phải tuân thủ. Nếu luật pháp cho phép mang thai hộ thì buộc phải có các quy định, điều kiện như thế nào để dịch vụ này không bị thương mại hóa. Cho nên, đã là mang thai hộ thì chỉ có người thân trong gia đình mới tránh được sự trục lợi lẫn nhau, ngoài ra cũng chỉ được mang thai hộ 1 lần.

Nếu luật chỉ cho phép người trong gia đình có quan hệ họ hàng trong vòng 3 đời mang thai hộ, liệu có hệ lụy gì không thưa ông?

Vấn đề về xưng hô của một đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ đang nhiều người còn băn khoăn. Nhưng theo nguyên tắc luật pháp, quan hệ bố mẹ - con cái là theo gene di truyền. Có thể là anh chị em hay bố mẹ mang thai hộ, nhưng khi đứa con ra đời thì nó phải được xác định là con của người nhờ mang thai hộ. Luật đã quy định vậy rồi thì không thể khác được.

Tại sao chỉ nên nhờ người nhà “mang thai hộ”? - 1

TS Nguyễn Huy Quang: “Rất vô lý nếu người ngoài gia đình lại sẵn sàng mang thai hộ người khác một cách vô tư, miễn phí”. (Ảnh: V.Nguyễn)

Bên ngoài yếu tố luật pháp là góc độ tình cảm, truyền thống gia đình Việt Nam, theo ông chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

Khi chúng tôi đi bộ đội, dù không ruột thịt gì vẫn gọi các bà mẹ như mẹ ruột của mình, được nhận làm con nuôi… Đó là chuyện hết sức bình thường. Ở gần thì nên gần, ở xa thì nên xa thôi. Yếu tố tâm lý được giải quyết tốt là mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Còn nếu không phải họ hàng ruột thì không ai tự dưng đi mang thai hộ cho người khác trong khi không được quyền lợi gì, đó là chuyện rất vô lý.

Khi người trong nhà đã quyết định mang thai hộ thì đều phải trên tinh thần tự nguyện. Nghĩa là trong gia đình đó đã có sự bàn bạc kỹ lưỡng thì mới làm được. Ví dụ, vợ mang thai hộ thì chồng phải đồng ý. Các thành viên khác cũng đã biết trước, có sự chuẩn bị tâm lý tốt thì chắc chắn không nảy sinh vấn đề gì phức tạp cả.

Theo ông biết, ở các nước trên thế giới, vấn đề này được tiến hành ra sao?

Các nước khác chúng tôi đã đi tham khảo cũng đưa ra hai trường phái. Một là cho phép mang thai hộ nhưng ràng buộc các điều kiện chặt chẽ như Bộ Y tế và Bộ Tư pháp của mình đề xuất với Quốc hội. Trường phái thứ hai là không đồng ý. Chúng ta đang xem xét theo hướng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hiện có bao nhiêu cơ sở y tế có thể thực hiện được dịch vụ y tế này, thưa ông?

Cả nước đang có 14 cơ sở triển khai được kỹ thuật mang thai hộ. Như vậy có 2 khả năng, một là khi cả 14 cơ sở đều đạt tiêu chuẩn sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân với việc tiếp cận dịch vụ. Hai là, nếu để quản lý thật chặt thì chúng ta có thể quy định cụ thể, sau đó chọn ra 3 bệnh viện ở Bắc – Trung – Nam rồi thực hiện dịch vụ. Vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ các cơ sở y tế, cho rằng nếu cả 14 bệnh viện làm được thì cứ để họ làm, quan trọng là cơ chế giám sát chặt chẽ. Không giống như chúng ta mua bán một chiếc tivi, tủ lạnh, thì chỉ có người mua – người bán, nhưng với dịch vụ này thì không chỉ có bên mong muốn có con và bên sẵn sàng mang thai hộ, mà muốn thực hiện được bắt buộc phải qua bên thứ ba là các cơ sở y tế lớn.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

- Khoản 1 của Điều 96 Dự thảo luật quy định: “Vợ chồng người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ của đứa trẻ từ khi mang thai cho đến khi giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ”.

- Theo Báo cáo của Bộ Y tế đánh giá 8 năm thi hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học thì hiện nay, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, nhưng do pháp luật cấm nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải ra nước ngoài để thực hiện trái phép việc mang thai hộ. Tỷ lệ vô sinh trong cả nước khoảng 7,7%.

Theo Việt Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan