Tận mục quy trình sang chiết thuốc cỏ cháy 'đầu độc' người dùng

Ngày 10/12/2015 19:02 PM (GMT+7)

Theo cảnh báo từ những chuyên gia hàng đầu thuộc hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, năm 2016, một loại thuốc diệt cỏ cực độc của Trung Quốc có thể ồ ạt vào Việt Nam qua đường nhập lậu, để đấu trộn với một loại thuốc khác hiện đang tràn lan trên thị trường.

Ghi nhận thực tế cho thấy, việc mua bán quá dễ dàng và sử dụng vô tội vạ thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp càng làm tăng những nguy cơ này.

Mua dễ dàng, sử dụng tràn lan

Từ sự dẫn mối của một hộ chuyên trồng hoa tại huyện Đông Anh (Hà Nội), PV đã liên hệ với chủ một cửa hàng chuyên buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương này. Sau khi biết ý định của PV muốn mua một loạt thuốc diệt cỏ để làm sạch vườn, chủ cửa hàng không ngần ngại đưa ra một số mẫu thuốc diệt cỏ. Theo quan sát của PV, những loại thuốc diệt cỏ này ở dạng nước, được đóng trong những lọ nhựa màu trắng không có bao bì. Một loại khác mà theo chủ cửa hàng cũng có khả năng diệt cỏ nhanh, được đóng trong túi nhựa màu vàng, bên ngoài được in chữ Trung Quốc.

Về nguồn gốc của các dòng thuốc diệt cỏ này, chủ cửa hàng cho biết, chúng đều được nhập từ Trung Quốc. Khi PV ngỏ ý muốn mua một loạt thuốc diệt cỏ có tên Paraquat, chủ cửa hàng này lảng tránh và nhanh chóng cất tất cả các gói thuốc diệt cỏ đang chào bán cho vào ngăn tủ kính phía trong. Trước thái độ lạ của chủ cửa hàng, PV có hỏi lại người dẫn mối thì được biết, loại thuốc diệt cỏ mà PV nhắc tới là loại cực độc, còn được nhiều người biết tới với tên gọi thuốc cỏ cháy. Theo lời người này, Paraquat (thuốc cỏ cháy) có khả năng diệt cỏ rất nhanh, chỉ 24 giờ sau khi phun thuốc, cỏ sẽ bị chết cháy hàng loạt. Được biết, loại thuốc này được nhiều chủ vườn trồng cà phê hoặc những hộ làm nương rẫy ở vùng núi sử dụng nhiều vì khả năng làm cháy cỏ cực mạnh.

Tận mục quy trình sang chiết thuốc cỏ cháy đầu độc người dùng - 1

Ảnh minh họa.

Cũng theo sự giới thiệu của chủ vườn hoa này, PV tiếp tục tìm mua loại thuốc diệt cỏ Paraquat tại một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trên đường 32, đoạn gần Nhổn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Trong quá trình này, chúng tôi đã phát hiện ra chiêu thức nhằm đưa thứ thuốc cực độc này bày bán ra thị trường của không ít chủ cửa hàng. Theo đó, để qua mặt cơ quan chức năng, thuốc diệt cỏ Paraquat dạng lỏng được các chủ hàng sang chiết ra các trai nhựa nhỏ không ghi nhãn mác hoặc đựng vào những chai thuốc trừ sâu đã qua sử dụng. Khi khách hàng có nhu cầu mua loại thuốc trừ cỏ, người bán hàng sẽ mang ra và hướng dẫn sử dụng.

Được biết, mỗi chai thuốc diệt cỏ đựng trong chai nhựa với dung tích 200ml có giá 125.000 đồng. Theo lời chủ cửa hàng bán loại thuốc trừ cỏ trên, một chai thuốc trừ cỏ dung tích 200ml về pha loãng với 18 đến 20 lít nước có thể đốt cháy hết cỏ trên một diện tích gần 200m2. Một hộ nông dân tại Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, trước kia, để làm sạch cỏ trước khi bắt đầu trồng ngô mới, phải mất tới hàng tuần, còn sử dụng thuốc diệt cỏ chỉ mất nửa buổi sáng. Dù biết là độc hại, nhưng việc phun thuốc diệt cỏ đã trở thành quy trình không thể thiếu trong sản xuất từ nhiều năm nay.

Không thể giải độc

Với tính năng diệt cỏ mạnh của loại thuốc này nên nhiều người dân, đặc biệt tại các vùng trung du miền núi tìm mua mà không mấy để ý tới việc ngộ độc. Chia sẻ tại tọa đàm Đóng góp ý kiến với luật An toàn thực phẩm do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Kim Vân cảnh báo: Hiện nay, Trung Quốc có khả năng chuyển thuốc diệt cỏ Paraquat (còn gọi là thuốc cỏ cháy) từ dạng lỏng sang dạng bột. Như vậy, một khối lượng lớn thuốc Paraquat dạng lỏng do Trung Quốc sản xuất trước đó có nguy cơ tuồn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Cả người dùng lẫn người phun thuốc đều bị ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (bộ NN&PTNT), các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong diện cấm buôn bán và sử dụng đều rất độc hại, có thể chứa các hoạt chất như thủy ngân, hoạt chất gây ung thư… Khi sử dụng thuốc này phun lên rau, không chỉ người tiêu dùng mà người phun thuốc cũng bị ảnh hưởng do sự độc hại của thuốc. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm dù không quy định thời gian cách ly nhưng khi nông dân sử dụng phun lên rau, quả thì dù 1 năm sau mới thu hoạch vẫn gây độc hại cho người sử dụng. Nguyên nhân bởi các hóa chất tồn dư trong đất rất khó phân hủy. Chủ một cửa hàng bán thuốc BVTV đang hướng dẫn sử dụng cách diệt cỏ Paraquat.

Nói về mức độ độc hại của thuốc cỏ cháy Paraquat, PGS.TS Nguyễn Kim Vân đặc biệt nhấn mạnh, đây là loại thuốc diệt cỏ có độ độc mạnh, thuộc danh mục thuốc bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường. Theo phân tích của chuyên gia này, khi bị nhiễm độc loại thuốc nói trên sẽ không thể giải độc.

Thực tế cũng cho thấy, tình trạng thuốc nhập lậu qua biên giới ở một số tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng rất đáng báo động. Theo số liệu của sở NN&PTNT Lào Cai, hằng năm, lượng thuốc BVTV của tỉnh ước tính khoảng 145 – 150 tấn thì hơn 10% trong số đó nhập lậu ngoài danh mục do Trung Quốc sản xuất. Chủ yếu là thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây chuối và dứa. Cũng theo thống kê, từ tháng 3/2013 – 6/2014, tỉnh có 26 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ paraquat trong đó 80% tử vong càng chứng tỏ mức độ nghiêm trọng khi sử dụng loại thuốc diệt cỏ này.

Một kết quả điều tra của cơ quan chức năng cũng cho thấy, có khoảng 90% thuốc bảo vệ thực vật đang bán trên thị trường hiện nay sử dụng nguyên liệu ngoại nhập. Mỗi năm, nông dân cả nước dùng hàng chục ngàn tấn hóa chất để phun cho cây cối, rau màu nhưng có hơn 26% số hộ nông dân vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Một trong những vi phạm chủ yếu là dùng thuốc ngoài danh mục, không đúng quy trình kỹ thuật, vượt quá nồng độ và liều lượng trong đó có cả những dòng thuốc diệt cỏ.

Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 9/2004 đến đầu năm 2013 của khoa Bệnh nhiệt đới – bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đã có 1.552 ca nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Hầu hết người uống độc chất này đều muốn tự tử. Nguy hiểm hơn, số người ngộ độc Paraquat đang tăng lên theo từng năm.

Theo Vi Hậu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot