Thêm 1 trẻ chết sau tiêm vắc-xin viêm gan B

Ngày 23/07/2013 08:24 AM (GMT+7)

Vụ mới nhất xảy ra ở tỉnh Bình Thuận. Liên quan vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế tỉnh này khẳng định việc bảo quản vắc-xin không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, quy trình và kỹ thuật tiêm.

Trong lúc dư luận vẫn còn bàng hoàng sau vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thì chiều 22/7, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận phải lập đoàn kiểm tra đến Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Phong để chỉ đạo làm rõ vụ 1 trẻ sơ sinh vừa tử vong sau khi tiêm vắc-xin loại này.

Không cùng xê-ri với vắc-xin ở Quảng Trị

Sản phụ Võ Thị Thúy (27 tuổi, ngụ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong) nhập viện và sinh bé gái lúc 6 giờ ngày 21/7 và đến 10 giờ cùng ngày thì các y tá tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan cho bé. Khoảng 22 giờ 30 phút, cháu bé tử vong. Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết lô vắc-xin tiêm cho cháu bé này không cùng xê-ri với lô vắc-xin ở tỉnh Quảng Trị - loại đã khiến 3 cháu bé tử vong. Đến chiều 22/7, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo về trường hợp trẻ tử vong ở tỉnh Bình Thuận.

Thêm 1 trẻ chết sau tiêm vắc-xin viêm gan B - 1

GS-TS Nguyễn Trần Hiển cùng đoàn cán bộ Bộ Y tế thăm một sản phụ có con bị tử vong sau tiêm vắc-xin ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Nhật

Chưa có kết luận cuối cùng

Cũng trong chiều 22/7, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chủ trì buổi họp kín của hội đồng kết luận nguyên nhân 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B vào ngày 20/7 tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa. Buổi họp có sự tham gia của Sở Y tế, Công an tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, Viện Pasteur Nha Trang.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, công bố kết luận của hội đồng sau buổi họp. Theo đó, đây là chùm ca bệnh và cả 3 trẻ tử vong về lâm sàng đều diễn biến nhanh giống nhau, tím tái, khó thở và lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm; có biểu hiện xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng. Hội đồng cũng khẳng định nguyên nhân 3 trẻ này chết là vì sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân dẫn đến sốc thuốc phản vệ, theo hội đồng là có 3 yếu tố: chất lượng vắc-xin, quy trình tiêm, bệnh lý của trẻ. Tuy nhiên, hội đồng loại bỏ yếu tố bệnh lý vì căn cứ yếu tố sinh thường, sức khỏe của 3 trẻ tốt (nặng từ 2,8-3,1 kg, bú bình thường). Về nguyên nhân do vắc-xin là ít nghĩ đến vì từ trước đến nay, cả nước đã sử dụng 600.000 liều nhưng chưa có trường hợp tử vong; các trẻ được tiêm với 2 lô vắc-xin khác nhau; việc xuất xưởng đã được kiểm tra chặt chẽ. Nguyên nhân về dịch vụ tiêm chủng, kỹ thuật và quy trình tiêm chủng cũng ít có khả năng vì cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn đầy đủ, kinh nghiệm lâu năm.

Thêm 1 trẻ chết sau tiêm vắc-xin viêm gan B - 2

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị (đứng), công bố kết luận tạm thời của hội đồng sau buổi họp ngày 22/7. Ảnh: Quang Nhật

Trước đó, trong sáng cùng ngày, hội đồng đã chia ra 3 tổ làm việc với y tá trực tiếp tiêm là bà Nguyễn Thị Thuận và Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa về các nội dung như vắc-xin, cách bảo quản và quy trình tiêm chủng. Theo đó, việc bảo quản vắc-xin, sinh vật phẩm tại bệnh viện này chưa đúng vì thay vì bỏ tủ lạnh bảo quản ngay tại khoa sản thì lại để chỗ khác, cán bộ y tế phải đi lấy về tiêm; chưa ghi chép đầy đủ số lượng vắc-xin tiêm hằng ngày; không lưu vỏ vắc-xin sau khi tiêm trong 14 ngày và không tiêm trẻ tại một phòng tiêm khác theo quy định mà tiêm ngay tại phòng sinh. Tuy nhiên, ông Trần Văn Thành khẳng định các lỗi trên không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, quy trình và kỹ thuật tiêm.

Việc mất điện tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa trong vài giờ vào sáng 20/7, theo ông Thành, đối với vắc-xin viêm gan B, trong nhiệt độ bảo quản từ 2 độ C- 8 độ C thì thuốc bền vững tới 4 năm, từ 20 độ C - 25 độ C là 4 tháng, 37 độ C là 4 tuần và 45 độ C thì bền vững trong vài ngày.

Tại buổi làm việc, hội đồng đề nghị Công an huyện Hướng Hóa gửi mẫu vắc-xin đã tiêm cho các trẻ cùng các mẫu về mô, não, gan, thận… đến các phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm kiểm định chất lượng. “Chúng tôi phải chờ kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, vắc-xin mới có kết luận cuối cùng” - GS-TS Nguyễn Trần Hiển nói.

Trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý

GS-TS Nguyễn Trần Hiển cho biết với những trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B xảy ra năm 2007-2008, Bộ Y tế, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đã điều tra đánh giá nguyên nhân của các phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Tại thời điểm đó, các cơ quan chuyên môn không tìm thấy bằng chứng liên quan giữa nguyên nhân tử vong với chất lượng vắc-xin và dịch vụ tiêm chủng mà đa số liên quan đến việc trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ như bệnh tim bẩm sinh, viêm phế quản, sặc sữa, đẻ non, suy hô hấp.

Tạm ngừng sử dụng 2 lô vắc-xin

Chiều 22/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn thông báo tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc 2 lô vắc-xin viêm gan B V-GB020812E và V-GB030812E, hạn dùng 07-2015, SĐK: QLVX-0376-11, do Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất. Theo đó, cục yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với Vabiotech gửi thông báo tạm ngừng sử dụng tới những nơi phân phối, sử dụng các lô vắc-xin viêm gan B nói trên, đồng thời yêu cầu các đơn vị này bảo quản theo đúng điều kiện quy định ghi trên nhãn.

Theo Ngọc Dung - Lê Trường - Quang Tám (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin