Thức ăn đường phố: Ngoài bệnh tật còn muôn vàn hệ lụy đau lòng

Ngày 14/01/2016 10:44 AM (GMT+7)

Việc cho trẻ sử dụng các loại đồ ăn đường phố không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tạo nên một thói quen xấu trong nhân cách khi trẻ trưởng thành.

Thực phẩm bẩn luôn là vấn đề gây nhức nhối dư luận, theo các chuyên gia đây là nguyên nhân dẫn tới 30% các bệnh ung thư thường mắc phải. Điều đáng nói, thực phẩm bẩn đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ nơi sản xuất, buôn bán cho đến các bữa ăn trong gia đình. Thậm chí, ngay tại nơi được coi là tuyên truyền gần nhất đến thế hệ tương lai của đất nước là các trường học, thực phẩm bẩn vẫn "len lỏi" hàng ngày và "đầu độc" từ từ các em học sinh từ mầm non cho đến trung học.

Để cảnh báo đến các bậc phụ huynh, nhà trường, cũng như các cơ quan quản lý về vấn đề này, chúng tôi khởi đăng tuyến bài thực phẩm bẩn trước cổng trường học với các ghi nhận từ các em học sinh, các bậc phụ huynh và các chuyên gia về tác hại của những loại thực phẩm này.

Như chúng tôi đã đưa tin, hiện nay tình trạng buôn bán các loại đồ ăn vặt tại các cổng trường học ở Hà Nội đang diễn ra rất phổ biến, đối tượng sử dụng loại đồ ăn này là những học sinh tiểu học và trung học. Các mặt hàng được bán chạy nhất đó là xúc xúc và nem chua rán, ngoài ra còn có các loại bánh kẹo có màu và hình dạng kỳ lạ, bắt mắt.

Trước tình trạng trên, phóng viên đã liên hệ với một số trường tiểu học nơi tập trung nhiều hàng quán ngoài cổng trường, từ bảo vệ cho đến lãnh đạo nhà trường đều chung câu trả lời: “Không thể giải quyết được vấn đề”.

Lý do họ đưa ra là những xe hàng này bán ngoài khuôn viên nhà trường, nên không thuộc thẩm quyền quản lý và chỉ giải quyết bằng các tuyên truyền cho các cháu học sinh trong các buổi chào cờ và sinh hoạt lớp.

Thức ăn đường phố: Ngoài bệnh tật còn muôn vàn hệ lụy đau lòng - 1

Thức ăn đường phố: Ngoài bệnh tật còn muôn vàn hệ lụy đau lòng - 2

Những loại thức ăn đường phố không đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Đánh giá về tình trạng học sinh sử dụng đồ ăn đường phố trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về lĩnh vực Công nghệ sinh học và Thực phẩm) cho biết, không chỉ các cổng trường học mà ở Hà Nội hầu hết các vỉa hè đều xuất hiện những quán ăn như vậy.

“Quán ăn vỉa hè nói chung và trước cổng trường học nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe vì không đảm bảo vệ sinh mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Tôi lấy ví dụ đơn giản như tại các quan ăn vỉa hè này, các đối tượng trộm cắp thường ngồi để theo dõi xem người nào sơ hở là đi theo rình mò và cướp giật. Ngoài ra, việc lấn chiếm vỉa hè sẽ khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường và nguy cơ tai nạn giao thông rất dễ xảy ra”, PGS Thịnh cảnh báo.

Ngoài ra, những món ăn như xúc xích hay nem chua rán đã được các nghiên cứu chứng minh làm tăng khả năng ung thư nhất là đối với trẻ nhỏ. Theo đó, ăn xúc xích không chỉ tăng nguy cơ ung thư kết trực tràng mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm khác.

Một nghiên cứu của Dự án nghiên cứu về Ung thư do Health.howstuffworks.com đăng tải cho thấy, ăn xúc xích nguy hiểm hơn nhiều so với hút thuốc lá. Cụ thể, ăn 1 chiếc xúc xích mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư kết trực tràng lên tới 21%.

Ngoài những vấn đề trên, PGS Thịnh còn cho biết, các loại thức ăn đường phố thường được chiên rán bởi các loại dầu rán và mỡ động vật không có nguồn gốc rõ ràng hoặc được chiên đi chiên lại gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo đó, sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu ăn rất dễ sản sinh ra transfat – một chất có hại cho sức khỏe, aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, các bệnh lý tim mạch, ung thư…

Thức ăn đường phố: Ngoài bệnh tật còn muôn vàn hệ lụy đau lòng - 3

TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, đã giao thanh tra an toàn thực phẩm đến tận cấp xã, phường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm) cho biết, vấn đề thức ăn đường phố luôn là vấn đề nhức nhối, Cục An toàn thực phẩm đã mở nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn cho các cán bộ cơ sở nhằm quản lý và kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

“Trong dịp cuối năm này, ngoài việc đảm bảo an toàn thực phẩm đợt Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, chúng tôi cũng chú trọng đến các loại thức ăn đường phố để tránh xảy ra ngộ độc. Về vấn đề này, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho thanh tra cơ sở đến tận xã phường”, TS Phong cho biết.

Quy định đối với người kinh doanh thức ăn đường phố:

1. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.

2. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Việc khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.

3. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn