Thực hư về việc thủy sản HN nhiễm chì

Ngày 27/03/2014 00:00 AM (GMT+7)

Một công bố của nhóm nghiên cứu các nhà khoa học thuộc trường ĐH Y Hà Nội về tình hình nhiễm kim loại nặng trên thủy sản được nuôi tại các hồ thủ đô đã khiến chị em hoang mang.

Thủy sản ở tất cả các hồ đều nhiễm

Theo các nhà khoa học, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội hiện được phân bố chủ yếu tại các ao hồ như Hồ Tây, Yên Sở, khu vực phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), xã Đại Áng và xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì)…

Trong đó tập trung nhiều nhất ở 9 huyện thuộc Hà Tây cũ và huyện Sóc Sơn. Với diện tích ao hồ như vậy, mỗi năm lượng thủy sản đánh bắt ở đây đạt 3 tấn/ha, đáp ứng chỉ 25-30% nhu cầu của người tiêu dùng thành phố. Tuy nhiên, điều đáng nói là các ao hồ này đều ô nhiễm nặng dẫn đến các thủy sản đánh bắt ở đây bị nhiễm kim loại.

Các nhà khoa học ở ĐH Y Hà Nội đã cho biết, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome...

Thực hư về việc thủy sản HN nhiễm chì - 1

Đặc biệt đối với chrome, không có mẫu nào đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn nikel chỉ có 0,8% số mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép. ThS. BS Trịnh Bảo Ngọc, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay: “Thủy sản ở tất cả các ao hồ được nghiên cứu đều nhiễm nikel, chrome vượt 10-15 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vào mùa khô, mức ô nhiễm này còn cao gấp 2-3 lần mùa mưa”.

Trong đó nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp từ 150-250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn”.

Trong khi cá chép, rô phi, mè được coi là “an toàn” thì cũng có tới 50-60% không đạt tiêu chuẩn do WHO đặt ra. Cách đây 10 năm cũng đã có một nghiên cứu cảnh báo về chất lượng cá tươi ở khu vực Định Công, Đầm Vực về hàm lượng arsenic, thủy ngân có trong thịt cá. Đến nay, không những các chỉ số này không được cải thiện mà thủy sản ở đây còn bị nhiễm nặng hơn và nhiễm nhiều kim loại hơn. Cụ thể, hàm lượng chì và thủy ngân đã tăng 200-300% so với mức ô nhiễm năm 2000.

Khảo sát từ các trung tâm nghiên cứu môi trường trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tại 120 hồ ao, đầm, thủy vực tại 6 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa… chỉ có 6 hồ đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn lại đã trong tình trạng ô nhiễm nặng từ lâu.

Nguyên nhân các ao hồ, thủy vực ấy bị ô nhiễm, theo nhóm nghiên cứu, của trường ĐH Y Hà Nội, là do nguồn nước cung cấp bắt đầu từ các sông ngòi bị ô nhiễm nên đã làm cho nước ở các ao hồ, thủy vực trong thành phố bị ô nhiễm theo.

Khảo sát của Trường ĐH Y Hà Nội cho thấy, nước ở các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ ô nhiễm nặng nhất đến mức mất cả khả năng làm sạch tự nhiên vốn có lại là nguồn nước cung cấp cho khu vực nuôi trồng thủy sản lớn nhất Hà Nội là Hoàng Mai, Thanh Trì.

Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Nam sau khi phân tích mẫu nước sông Nhuệ tại khu vực này đã kết luận, nước sông Nhuệ ô nhiễm trên mức báo động 3 với các chỉ số: nồng độ ammoni vượt 151 lần tiêu chuẩn cho phép, COD vượt 4 lần, nồng độ oxygen hòa tan chỉ đạt 1,18mg/l, thấp hơn 5 lần chỉ số chuẩn.

Đó cũng là lý do vì sao tất cả các mẫu thủy sản ở hồ Yên Sở rộng 137ha thuộc quận Hoàng Mai, không có một mẫu nào đạt tiêu chuẩn cho phép và đây cũng là hồ nước bị ô nhiễm nặng nhất trong số 16 hồ khảo sát ở Hà Nội.

Theo các nhà khoa học, sở dĩ nguồn nước ở các sông bị ô nhiễm nặng là do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hệ thống cống và tiêu thoát ra các sông chính là Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét và sông Lừ… với khối lượng đã được Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội tính khoảng 500 nghìn m3/ngày. Lượng nước thải này chảy trực tiếp ra sông mà không thông qua một hệ thống xử lý nào, đặc biệt là nước thải công nghiệp. Trong khi đáng lẽ nước thải công nghiệp, theo quy định trước đi đổ ra sông phải xử lý để giảm sự độc hại.

Cùng với nguồn nước - môi trường sống của thủy sản nhiễm kim loại nặng thì việc nuôi trồng tận dụng của người nuôi thủy sản lại càng làm cho sản phẩm thêm độc hại. Môi trường nước có sẵn như thế nào thì nông dân nuôi trồng thủy sản thế ấy. Chưa kể, việc chăn nuôi thủy sản hiện nay hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp.

Chưa có cơ sở

Trước tình trạng thủy sản nhiễm kim loại như vậy, PGS.TS Phạm Duy Tường, thành viên nhóm nghiên cứu cảnh báo với hàm lượng nhiễm độc cao như chrome, nikel có thể gây nhiễm độc gan, thận đồng thời làm tổn hại hệ hô hấp.

Ngay sau thông tin của nhóm các nhà khoa học thuộc trường ĐH Y được công bố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cho rằng, công bố này không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục, khảo sát của các nhà khoa học chỉ mang tính tham khảo, không có tính đại diện cho toàn bộ lượng thủy sản đang được nuôi trồng, tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các nhà khoa học không nói rõ các mẫu trên được lấy từ 16 hồ nào trên địa bàn Hà Nội. Đặt giả thiết, các mẫu trên được lấy ở các hồ trong nội thành như: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Bảy Mẫu, Thiền Quang, Yên Sở chẳng hạn, thì chức năng của các hồ này chỉ làm nhiệm vụ điều hòa môi trường, đẹp cảnh quan phục vụ du lịch, chứ không phải phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản, phục vụ dân sinh. Hơn nữa, diện tích của những hồ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội với gần 31.000 ha.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, nếu đưa ra thông tin chung chung như vậy, người dân dễ hoang mang, hiểu nhầm cho rằng, thủy sản nói chung của Hà Nội đều bị nhiễm kim loại.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn