Vì đâu nông sản an toàn không có đất sống?

Ngày 08/04/2014 14:43 PM (GMT+7)

Trong khi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cấp thiết hơn về các sản phẩm rau sản xuất an toàn (VietgGAP) thì điều đáng buồn là diện tích trồng rau quả an toàn lại rất khiêm tốn.

Ì ạch sản xuất rau quả an toàn

Một trong những giải pháp tăng cường quản lý thực phẩm nông sản theo chuỗi từ đồng ruộng tới bàn ăn của Bộ NN&PTNT là ban hành và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hơn 5 năm qua, Bộ NN&TNT đã lần lượt ban hành quy trình canh tác VietGAP đối với 5 sản phẩm là rau xanh, trái cây, chè búp tươi, lúa và cà phê. Mục tiêu đặt ra là hướng tới việc triển khai rộng rãi mô hình sản xuất rau quả VietGAP để tạo ra nông sản sạch phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Trồng trọt nhìn nhận, đến cuối năm 2013, tổng diện tích sản xuất rau quả theo VietGAP của cả nước mới có khoảng 14.500ha, trong đó riêng thanh long của Bình Thuận chiếm hơn 7.000ha (gần 50%). Đây là vùng thanh long được đầu tư kỹ theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu. Còn lại, hầu như doanh nghiệp và nông dân vẫn đang thờ ơ với VietGAP.

Vì đâu nông sản an toàn không có đất sống? - 1

Sản xuất rau quả an toàn không thu hút được nông dân tham gia

“Trong tổng diện tích hơn 6 triệu ha đất trồng các loại rau, cây ăn quả, chè, lúa và cà phê hiện mới chỉ có 0,3% diện tích được áp dụng VietGAP. Và trong số hơn 14.500ha nông sản VietGAP hiện có thì chỉ có 8.228ha giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực”, ông Quảng cho hay.

Ngoài ra, còn hơn 10.000ha nông sản được quy hoạch theo hướng VietGAP nhưng đến nay vẫn không đăng ký chứng nhận. Vải thiều Bắc Giang là một điển hình với hơn 6.000ha đăng ký và tiêu tốn nhiều thời gian, kinh phí để tập huấn, đầu tư cho nông dân nhưng đến nay vẫn “nói không” với VietGAP.

Trong khi đó, VietGAP hiện nay giống như một “tấm chứng chỉ” quan trọng để nông sản bước ra thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng và rất thuận lợi cho xuất khẩu. Bất kỳ nông sản nào của Việt Nam muốn ra thế giới đều phải có chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo quy chuẩn chung hoặc riêng.

Lý giải cho việc triển khai sản xuất theo VietGAP vẫn ì ạch như hiện tại, ông Phạm Đồng Quảng cho rằng, nguyên nhân vì quy trình dài và phức tạp, chi phí lớn hơn so với sản xuất thông thường, đặc biệt là nông dân không hài lòng với nghịch lý giá cả giữa sản phẩm sản xuất theo VietGAP và sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường.

Vì đâu cứ “chết yểu”?

Nghịch lý giá chính là nguyên nhân cơ bản buộc người nông dân đang nói không với VietGAP. Theo phân tích, nông sản đủ tiêu chuẩn VietGAP phải đầu tư chi phí cao nhưng vẫn phải bán ra với giá rẻ trên thị trường, không cạnh tranh nổi với nông sản sản xuất theo quy trình thông thường.

Thêm một nguyên nhân nữa là niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản an toàn chưa thực sự bền vững. Bởi vậy, trên khắp cả nước đều xảy ra tình trạng, các địa chỉ kinh doanh nông sản an toàn “chết yểu” sau một thời gian ngắn tồn tại.

Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản an toàn ngày một bị “tổn thương” khi mà bản thân các tổ chức được giao trách nhiệm chứng nhận cho nông sản an toàn cũng lập lờ. Bằng chứng là khi rà soát 27 tổ chức công nhận VietGAP, Cục Trồng trọt đã phải loại hơn một nửa, đến nay chỉ còn 13 đơn vị đủ điều kiện tiếp tục hoạt động và 6 đơn vị đang trong giai đoạn khắc phục sau đánh giá chỉ định lại.

Chị Nguyễn Thúy Hoa ở Quan Nhân, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau quả an toàn của người dân hiện nay là rất lớn và cần thiết. “Bản thân gia đình tôi và bạn bè, đồng nghiệp đều có nhu cầu muốn sử dụng sản phẩm nông sản an toàn. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn còn e dè về độ “an toàn”, có thực sự an toàn hay lại lập lờ. Mất tiền mua sản phẩm an toàn với giá cao hơn nhưng chất lượng có được đảm bảo hơn?

Theo bà Nguyễn Thị Tân Lộc, chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, để tạo đất sống cho nông sản an toàn phải tạo ra niềm tin nơi người tiêu dùng về chất lượng của VietGAP và cùng với đó là giảm dần chi phí sản xuất cho người nông dân.

“Một khi sản xuất VietGAP vẫn còn ì ạch như hiện nay thì nông sản Việt càng khó chiếm vị trí trong xuất khẩu. Đây cũng là lý do những năm gần đây, nông sản của chúng ta liên tục bị trả lại khi xuất khẩu và nông sản nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường dù trong nước dư thừa”.

Theo ông Quảng, sắp tới Cục này sẽ sẽ sửa đổi lại một số tiêu chuẩn VietGAP để phù hợp hơn với người nông dân cũng như tạo uy tín cho VietGAP. Cụ thể như sẽ cấp mã số riêng cho từng hộ nông dân sản xuất nông sản an toàn như một phần của chứng chỉ VietGAP để ràng buộc trách nhiệm của chủ sản xuất và dễ truy xuất nguồn gốc….

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan