Xót xa cảnh vợ bất tỉnh khi dự phiên tòa xử chồng

Ngày 14/08/2014 17:17 PM (GMT+7)

Từ khi chồng bị bắt, chị luôn cố gắng mạnh mẽ. Thế nhưng, hàng đêm, nghe đứa con thơ đòi cha, chị lại không cầm được nước mắt. Đến nay, chị vẫn nói dối con là chồng đi làm ăn xa, chưa về được.

Mái ấm nhỏ

Ngay từ sáng sớm, chị Huỳnh Lâm Ph. (SN 1990) cùng mẹ chồng vội vã đến TAND TP.HCM tham dự phiên tòa xét xử chồng là Vũ Trọng Lưu (SN 1986, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) về tội Giết người. Từ trước đến nay, chị chưa bao giờ đến chốn công quyền, do đó, khi bước vào cánh cổng tòa án, chị cảm thấy hơi hoang mang, sợ sệt. Mẹ chồng thấy vậy, nắm tay con dâu. Như được tiếp thêm sức mạnh, chị bước theo mẹ chồng.

Ngồi chờ phiên xử diễn ra, chị Ph. trầm ngâm kể, do hoàn cảnh khó khăn nên không được học hành đến nơi, đến chốn. Chị cũng như nhiều thiếu nữ khác ở quê, hàng ngày, chỉ biết ra đồng phụ giúp gia đình. Năm chị vừa tròn 20 thì có tình cảm với Lưu. Trong năm đó, hai người làm lễ kết hôn và sinh hạ một đứa con kháu khỉnh.

Xót xa cảnh vợ bất tỉnh khi dự phiên tòa xử chồng - 1

Lưu trong giờ nghị án

Chị Ph. chuyển sang kể về chồng. Lưu là con đầu trong gia đình có hai anh em. Em của Lưu năm nay vừa tròn 24 tuổi. Trước đây, lưu học hành khá giỏi nhưng vì không có tiền đóng học phí nên vừa tốt nghiệp cấp 2 thì đành bỏ nghiệp bút nghiên. Nghỉ học chưa đầy một tháng, Lưu theo cha làm thợ hồ để phụ giúp gia đình.

Sau khi kết hôn, lại có con nên cuộc sống vợ chồng chị Ph. luôn trong tình trạng eo hẹp. Sau nhiều lần bàn tính, tháng 7/2013, hai người quyết định dắt díu nhau vào TP.HCM với ước mơ đổi đời. Ngay khi vào thành phố đô hội, Lưu dễ dàng xin một chân phụ hồ. Riêng chị Ph. nộp đơn nhiều nơi thì mới có một công ty ở khu công nghiệp gọi làm công nhân. Mỗi sáng, chị lại đưa con gửi trẻ để đi làm.

Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng không cao nhưng vẫn đủ chi tiêu chứ không thiếu trước, hụt sau như lúc ở quê. Chị Ph. cảm thấy cuộc sống của vợ chồng mình từ đây bắt đầu khởi sắc.

Chị Ph. chia sẻ: “Tôi lấy chồng, sinh con khá sớm. Tuy nhiên, tôi khá may mắn khi gặp được người chồng tốt, không la cà rượu bia. Cứ sau khi tan việc, Lưu lại về nhà, trông con giúp vợ. Là một người phụ nữ, tôi cảm thấy chừng đó là quá đủ đầy”.

Bi kịch ập đến

Có lẽ, cuộc sống của vợ chồng chị Ph. vẫn sẽ trải qua những ngày êm ấm như thế nếu không có biến cố lớn xảy ra. Trưa 27/10/2013, chị nhận được hung tin từ một người quen: “Chồng em bị bắt vì đánh người chết”. Chị rụng rời tay chân, miệng lắp bắp. Lấy lại được bình tĩnh, chị hỏi địa chỉ, vội vàng chạy đến đồn công an quận Bình Thạnh để hỏi tình hình.

Lúc này, chị mới biết mọi chuyện đã xảy ra. Vào khoảng 9 giờ 30, ngày hôm đó, Lưu đi xe buýt đến vòng xoay Hàng Xanh (Bình Thạnh) thuê xe ôm chở đến chân cầu Sài Gòn. Sau khi thỏa thuận giá cả với Lê Ngọc Nhơn hành nghề xe ôm không thành, Lưu tìm một người chạy xe ôm khác để đi. Thấy vậy, Nhơn hùng hổ chạy đến đuổi người lái xe ôm kia và không cho Lưu đi xe khiến hai bên cãi vã và ẩu đả nhau.

Lúc này, Lê Hữu Phước cùng hành nghề xe ôm với Nhơn đang ở gần đó cầm cây chạy đến định đánh. Thấy vậy, Nhơn giật lấy cây gỗ lao đến đánh khiến Lưu sợ hãi bỏ chạy. Nhơn liền đuổi theo Lưu. Trong lúc hoảng loạn, Lưu té ngã, nhặt được một khúc gỗ, rồi quay trở lại chống trả và đánh vào đầu khiến Nhơn ngã gục. Nhơn được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, còn Lưu bị bắt giữ.

Xót xa cảnh vợ bất tỉnh khi dự phiên tòa xử chồng - 2

Chị Ph. đau đớn, ngã quị, khóc lóc thảm thiết

Lúc này, chị Ph. vội vã điện thoại ra quê cho mẹ chồng. Gia đình túng bấn, nhưng mẹ chồng vẫn phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để vào TP.HCM. Điều đầu tiên mẹ chồng vào là đến bệnh viện thăm hỏi tình hình của Nhơn, đồng thời đưa một số tiền nhỏ để chi trả viện phí. Chị cầu xin trời phật cho Nhơn được sống. Tuy nhiên, do bị chấn thương sọ não, sau hai ngày điều trị, Nhơn đã qua đời. Suốt những ngày làm lễ tang ma, chị và mẹ chồng đều có mặt tại nhà Nhơn.

Sau đó, mẹ chồng chị trở lại quê, cầm cố căn nhà được gần 80 triệu đồng đưa vào bồi thường toàn bộ tiền thuốc thang, ma chay cho gia đình Nhơn. Cũng nhờ những hành động này, gia đình Nhơn không quở trách gì đối với gia đình của chị.

Trong thâm tâm, chị biết, chồng mình là người có lỗi và chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, hàng đêm, trong căn trọ nhỏ, nghe đứa con thơ đòi cha mà lòng người mẹ quặn thắt. Đến nay, chị vẫn không dám cho con biết chồng bị bắt mà nói dối con là: “Cha đi làm ăn xa”.

Phiên tòa hôm đó, Lưu thừa nhận hết hành vi của hình. Ngồi phía dưới, chị Ph. luôn nhìn lên tấm lưng của chồng mà nước mắt trôi dài. Giờ nghị án, chị bước ra ngoài hành lang, thấm thỏm nhìn vào. Chị huơ tay với theo chồng, khuyên Lưu cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với vợ con. Một lúc sau, được sự chỉ dẫn của luật sư, chị được vào, đứng cuối khán phòng nhìn chồng. Chị chỉ biết khóc, không nói được với chồng lời nào.

Chuông reo, giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Lưu đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ mà gây nên án mạng, cướp đi sinh mạng của nạn nhân. Tuy nhiên, tòa cũng xem xét các tình giết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã bồi thường một phần thiệt hại, nạn nhân cũng có một phần lỗi… Do đó, Tòa quyết định tuyên phạt Lưu 7 năm tù giam về tội Giết người.

Trong lúc tuyên án, chị Ph. cố gắng lấy hết bình tĩnh để không khóc. Thế nhưng, khi mức án vừa được tuyên, nước mắt chị ứa trào. Chị nhìn thấy chồng được công an viện dẫn thì không thể tự điều khiển được hành động của mình. Chị ngã quị, bật tiếng kêu lớn: “Anh đi tù, mẹ con em giờ phải làm sao?”. 

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot