Trải lòng về hạnh phúc của người đàn ông “nhặt vợ” ở góc tối Sài Gòn

Ngày 18/12/2014 00:06 AM (GMT+7)

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tài (trú tại phường 6, quận 4, TP HCM) “nhặt vợ” là Nguyễn Thị Thúy An. Sau câu chuyện khuấy động truyền thông hồi tháng 9/2014 bởi đám cưới trên sông do VTV tổ chức, đôi vợ chồng này đang vỡ òa hạnh phúc bởi “vợ nhặt” hiện đã mang bầu 3 tháng.

Trải lòng về hạnh phúc của người đàn ông “nhặt vợ” ở góc tối Sài Gòn - 1

Cả nhà Tài “nhặt vợ” đang quây quần cơm trưa nơi bãi giữ xe. Bé Khang rất vui khi được ra bãi phụ ba Tài. Ảnh: P.V

Vợ em có thai rồi…

Gặp chúng tôi tại bãi giữ xe bên cạnh Bảo tàng Tôn Đức Thắng ngày 16/12, Nguyễn Văn Tài nở nụ cười chất phát và hạnh phúc: “Vợ em có thai được 3 tháng rồi anh”,  Tài cười. Câu chuyện của chúng tôi cứ gián đoạn liên tục bởi người ra vào gửi xe, lấy xe. Một mình Tài trông giữ xe từ 6h30 đến 7h tối. “Tháng em được trả 4,5 triệu đồng, cũng tạm đủ xoay xở tiền nhà, tiền ăn”, Tài chia sẻ thêm. “Thế bà xã bán nước gần đây là chỗ nào?”, chúng tôi hỏi thăm. “Dạ nghỉ hơn tháng rồi anh. Đang có thai mà bán ở công trường cũng vất vả, lại bị nhờ xách cái này, mang cái nọ nặng nhọc nên về nhà dưỡng, sẵn chăm mẹ em luôn, bà cứ đau suốt…”, Tài cho biết thêm.

Cách đây gần một năm, Tài về xóm cũ (Xóm Vắng ở P.3, Q.4, TP.HCM) thăm bạn thì tình cờ gặp mẹ con Thúy An. Khi đó Thúy An và con trai  (bé Khang) đang giăng màn ngủ ở một rặng cây ngoài đường vì không có nhà. Tài thương cháu bé và đã cho mẹ bé tiền mua cháo, mua sữa. Sau đó Tài có đi tìm hiểu thì được biết Thúy An bị bố bé Khang ruồng bỏ khi vừa biết tin có thai. Tới lui mấy bận, thăm hỏi mấy lần, Tài không dằn được lòng thương cảm của những người nghèo với nhau nên đã đưa hai mẹ con Thúy An về nhà chăm sóc. Nhà Tài có ba chị em, chị lớn lập gia đình có 3 con, Tài và em trai út tên Lộc sống cùng mẹ 57 tuổi trong căn nhà trọ ở P.8, Q.4.

Chúng tôi hỏi lúc đưa mẹ con Thúy An về nhà có gặp khó khăn gì từ mẹ và em trai không, Tài vừa cười, vừa kể: “Mẹ biết em ra đời kiếm sống hồi 13 tuổi đến giờ nên cũng tin lắm, có điều vẫn hỏi cặn kẽ. Mẹ hỏi em chồng An đâu, em nói cho mẹ biết chồng cô ấy đã bỏ đi. Mẹ lại hỏi em, con có biết đã bỏ lâu chưa chứ con đưa An về mà chồng nó đi kiếm thì khó xử, khó nói lắm. Em đã giải thích cặn kẽ cho mẹ rằng, chồng cô ấy đã bỏ đi từ hồi cô ấy mới mang thai bé Khang. Vậy là mẹ em chịu, nhà nghèo nhưng thêm cái chén, thêm đôi đũa thì cũng không đến nỗi...”.

Chúng tôi len lỏi qua mấy con ngõ nhỏ để tìm vào tổ ấm của Tài và An. Mời chúng tôi vào nhà, Thúy An cho biết: “Gần gũi chăm nhau một thời gian thì tình yêu giữa em và anh Tài nảy nở. Một ngày đẹp trời, anh Tài ngỏ lời cầu hôn em. Em thiệt không biết diễn tả cảm xúc lúc ấy thế nào cho phải. Hồi anh Tài đưa em về nhà, em thấy hạnh phúc lắm vì lâu rồi mới có mái nhà, có người quan tâm mình. Khi anh Tài nói chuyện cưới xin, em thấy đời mình như giấc mơ vậy, nó ấm áp, tuyệt vời làm sao”. Chúng tôi hỏi riêng Tài rằng lúc đề cập đến chuyện cưới xin thì phản ứng của Thúy An thế nào, Tài cũng cười hiền: “Dạ vợ em mừng lắm, sau lại lo, nói mình nghèo thế này cưới xin làm sao? Em nói thì ráng đi làm để dành tiền làm đám cưới chứ sao. Vợ em lại nói tiền nhà tiền ăn lo muốn mệt, để dành tới chừng nào mới đủ? Em trả lời để dành lâu mà không đủ thì làm bữa cơm trong nhà, rồi ra phường làm giấy kết hôn là xong, lo gì không cưới được”.

Tình nghèo đơm hoa và nỗi lo thường nhật

Tháng 9/2014, Đài Truyền hình Việt Nam thông qua chương trình “Điều ước thứ 7” đã tác hợp, tổ chức đám cưới cho Tài và Thúy An. Đám cưới tổ chức trên sông với sự tham dự của đại diện hai gia đình. “Hôm đám cưới được tổ chức bên em thì có mẹ và chị. Còn bên vợ thì có vợ chồng dì dượng. Cả bố em và Thúy An đều mất rồi. Thúy An còn khổ hơn, mẹ bỏ đi biệt tăm lâu rồi chưa gặp lại. Đám cưới xong tụi em còn chưa tin được mình đã có tổ chức đám cưới, vì tụi em nào dám ước mơ và tính đến đám cưới hay như vậy”, Tài tâm sự.

Câu chuyện của Tài “nhặt vợ” với kết thúc có hậu ngày hôm nay không chỉ nhờ sự trợ giúp từ xã hội mà đó là tấm lòng của chàng trai Văn Tài nghèo khổ. “Nhà em từ trước đã rất khó khăn, không có đất nên được người ta cho xí đất ngoài hiên để cất cái chòi ở tạm. Đến năm 2000 thì không được ở ké nữa mà phải về P.6 (Q.4) thuê nhà trọ, em còn nhớ lúc đó giá phòng là 250.000 đồng/phòng. Mẹ em thì đi gánh nước, lột tỏi thuê để nuôi ba chị em. Năm 13 tuổi em vào hãng giày làm kiếm tiền phụ mẹ. Hồi mới vô làm em được trả 60.000 đồng /ngày, qua tháng sau em được trả 80.000 đồng/ngày. Em làm 8 năm thì thôi rồi chuyển sang làm phụ hồ. Tới năm 2009 thì bạn em giới thiệu em làm ở bãi xe này đến nay. Nghèo và khổ từ bé nên thấy bé Khang em thương lắm. Lại thấy mẹ con Thúy An thân gái ngủ bờ ngủ bụi, em xót quá nên cứ đưa về nhà trước rồi tính sau. Được cái mọi người trong gia đình em ai cũng thương hai mẹ con Thúy An. Người nghèo dễ đùm bọc nhau lắm anh ạ”, Tài buồn buồn kể lại.

Trước khi chia tay cặp đôi làm nên chuyện cổ tích trong cuộc sống hiện đại hôm nay, chúng tôi chúc cả hai cố gắng khắc phục khó khăn để chăm sóc gia đình, đặc biệt là khi sắp có thêm thành viên mới, Tài gãi đầu: “Em cũng không dám hứa gì với anh đâu, tháng nữa bà chủ đóng bãi xe này rồi, còn được bố trí làm ở đâu khác thì em chưa biết. Mẹ em thì đang ở bệnh viện vì chứng thần kinh tọa và teo cơ chân hành liên tục, đi được vài bước thì té. Em vui vì Thúy An có thai nhưng giờ nhiều cái lo lắm. Giá nhà cũng từ 250.000 đồng/tháng giờ đã lên 1.500.000 đồng/tháng rồi. Chỉ biết tới đâu hay tới đó thôi anh ạ”.  Những mong đã một lần kỳ tích xảy ra khiến cặp đôi này tình nghèo đơm hoa. Bao giờ kỳ tích xảy ra lần nữa để đại gia đình nghèo này có được mái ấm của riêng mình?

Cả nhà gồm Tài, Thúy An, bé Khang, mẹ già và em út của Tài đang sống quây quần trong căn phòng trọ ở địa chỉ 226/94/33 Tôn Đản, P.8, Q.4, TPHCM. Lộc là em trai út của Tài đã có người yêu và chuẩn bị lập gia đình. Sẽ thêm một gia đình nhỏ quây quần trong mái ấm thuê rộng chưa quá 15m2 hiện nay.

Theo Đỗ Bá-Tuấn Vương (Gia đình xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện tình yêu