Bé 9 tháng tuổi mất mạng vì gia đình tự chữa bỏng sai cách, nhiều người mắc lỗi này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/03/2021 12:00 PM (GMT+7)

Sau khi bị sốt cao, nổi ban 4 ngày gia đình mới đưa cháu bé đi cấp cứu, do đã ở trong tình trạng nặng nên cháu bé đã không qua khỏi.

Bé 9 tháng tuổi tử vong thương tâm vì gia đình tự ý chữa bỏng

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và cấp cứu một cháu bé 9 tháng tuổi bị bỏng ở đùi, cẳng chân tuy nhiên do đã sốc nhiễm khuẩn nặng trước đó nên cháu bé không qua khỏi.

Cháu bé tử vong quê ở Bắc Giang, bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân từ ngày 9/3, nhưng gia đình chủ quan không đưa tới bệnh viện điều trị mà tự điều trị tại nhà. Theo chia sẻ từ gia đình, do mẹ nghe lời mách bảo nên đã đắp thuốc của một bà lang ở gần nhà. Sau đó diễn biến của bé càng ngày càng xấu đi, gia đình mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, gia đình chỉ đưa con vào bệnh viện huyện thăm khám khi trẻ lên cơn sốt cao, nổi ban 4 ngày sau đó. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ diễn biến xấu rất nhanh, li bì, hôn mê, nhiều nốt ban xuất huyết rải rác khắp toàn thân, tình trạng phù tăng lên, ăn kém.

Bé 9 tháng tuổi mất mạng vì gia đình tự chữa bỏng sai cách, nhiều người mắc lỗi này - 1

Từ vết bỏng không mấy nguy hiểm ở chân, nhưng cháu bé bị nhiễm khuẩn do gia đình tự ý điều trị dẫn đến tử vong.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng, rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí sốc nhiễm khuẩn và cấp tốc liên hệ để chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Lê Ngọc Duy – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 14/3, nhận điện báo từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang về trường hợp trên, ê-kíp lập tức chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để cấp cứu cho người bệnh.

Trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào 2 giờ 30 phút ngày 14/3 trong tình trạng tím tái, ngừng tim. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng trẻ không đáp ứng. Vào 3 giờ cùng ngày, bệnh nhi không qua khỏi, gia đình đã xin đưa trẻ về.

Tự ý đắp lá thuốc điều trị khi bị bỏng có thể gây nhiễm trùng nặng

Theo TS Lê Ngọc Duy, trước trường hợp này các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị nhưng vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.

Thực tế, có những bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại nhiều di chứng cho người bệnh.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc. Nếu chẳng may bị bỏng, trước tiên cần cho bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Bé 9 tháng tuổi mất mạng vì gia đình tự chữa bỏng sai cách, nhiều người mắc lỗi này - 2

Rất nhiều trẻ bị hoại tử, nhiễm khuẩn nặng do biến chứng khi điều trị bỏng tại nhà.

BS Nguyễn Thống, nguyên Trưởng Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn cho biết, ngoài đắp lá thuốc thì bôi kem đánh răng, bôi mỡ chăn, dội nước đá lên vết bỏng là những sai lầm nhiều người gặp phải khi sơ cứu và chữa bỏng. BS Thống cho rằng, những cách như vậy không giúp cấp cứu bỏng nhiệt hiệu quả mà còn làm tình trạng nặng hơn.

Một sai lầm khác nhiều người mắc phải cũng được BS Thống chỉ ra đó là việc chọc vỡ, bóc vết bỏng; dùng tinh dầu (dầu dừa và dầu oliu) để chữa bỏng. Tuy nhiên, theo BS Thống, dầu giữ nhiệt, ngăn không cho sức nóng từ vết bỏng thoát ra, đây là một sai lầm vì giữ nhiệt có thể khiến vết bỏng nặng thêm.

“Trong tất các phương pháp trị bỏng dân gian, chữa bằng cách đắp lá hoặc dùng lòng trắng trứng bôi lên vết bỏng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất. Bởi những loại này chứa rất nhiều vi khuẩn, đã có bệnh nhân bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong vì chữa bỏng theo những cách này”, BS Nguyễn Thống nhấn mạnh.

Bé 9 tháng tuổi mất mạng vì gia đình tự chữa bỏng sai cách, nhiều người mắc lỗi này - 3

Sơ cứu khi bị bỏng cần phải đúng cách. (Ảnh minh họa)

Sơ cứu tại nhà quan trọng nhưng phải đúng cách

Khi bị bỏng, việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm.

Do đó, đối với các loại bỏng nói chung, BS Nguyễn Thống khuyên đầu tiên cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng. Biện pháp duy nhất để hạ nhiệt độ là dội nước sạch với nhiệt độ bình thường lên vùng tổn thương từ 15 đến 20 phút. Sau đó băng vết thương lại và đến cơ sở y tế đánh giá mức độ tổn thương.

Nếu vết bỏng bị tổn thương, quan sát phần da bị bỏng đổi màu, xuất hiện nốt phỏng nước cỡ lớn, trẻ cảm thấy đau nhức hoặc vùng bị bỏng là da mặt hoặc bộ phận sinh dục thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được điều trị ngay lập tức. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nào bôi lên vết thương.

Bé 8 tuổi bị bỏng da nặng vì sứa: Cách sơ cứu nhiều người không biết
Mùa hè - mùa du lịch biển tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta nên hỏi người dân địa phương về sự xuất hiện của sứa, đặc biệt là sứa lửa để tránh bị bỏng sứa...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ Bị Bỏng