Chen nhau bơi miễn phí chỉ rước thêm bệnh tật

Ngày 21/04/2015 14:32 PM (GMT+7)

Việc tập trung bơi lội nơi quá đông người ngoài nguy cơ tai nạn thì còn lây nhiễm rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như: da liễu, phụ khoa, tai-mũi-họng…

Trong những ngày vừa qua, sự việc “vỡ trận” Công viên nước Hồ Tây trong ngày mở cửa miễn phí (19/4) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Theo nhận định của các nhà văn hóa đây là cách thể hiện văn hóa rất “lùn” của một số đối tượng, trong đó chủ yếu là những thanh niên khỏe mạnh, cao lớn.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề về văn hóa và ý thức của người Việt ở nơi công cộng, vấn đề an toàn và lây lan bệnh tật khi cơ quan quản lý không thể kiểm soát được những đối tượng tham gia cũng được nhiều người nhắc đến.

Chen nhau bơi miễn phí chỉ rước thêm bệnh tật - 1

Chen nhau tại công viên nước.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.BS Võ Tường Kha – Phó giám đốc bệnh viện Thể thao Việt Nam, người đã có nhiều năm công tác cũng như khám chữa bệnh trong lĩnh vực thể thao nói chung và bơi lội nói riêng.

TS Võ Tường Kha cho biết, sự kiện người dân trèo rào tràn vào công viên nước như báo chí đã đưa tin trong những ngày qua, lỗi trước hết thuộc về khâu tổ chức.

“Nếu ban tổ chức khống chế lượng người vào, như chia giờ để người vào theo từng tốp mỗi tốp khoảng 200 người và bố trí lực lượng bảo vệ đủ để đảm bảo an ninh trật tự thì sẽ không có chuyện 'vượt rào' đáng xấu hổ trên”, TS Kha nhận định.

Theo TS Kha, sự việc trên không chỉ xấu về mặt hình ảnh mà về mặt sức khỏe con người cũng không hề được đảm bảo. Theo đó, những thanh niên nhảy cầu, trẻ em trượt máng trong công viên là hết sức nguy hiểm.

“Đối với việc nhảy cầu hay trượt máng chỗ quá đông người như vậy sẽ rất dễ gây chấn thương. Chấn thương có thể do nhảy vào người nhau, hoặc do không đảm bảo về điều kiện kỹ thuật.

Tôi lấy ví dụ đơn giản nhất, khi nhảy cầu nếu lượng nước không tương xứng với độ cao thì người nhảy cầu rất dễ bị gãy cổ, gãy tay chân. Đó là chưa kể việc phải đảm bảo về mặt không gian và kỹ thuật khi nhảy cầu”, TS Kha bày tỏ sự lo lắng.

Vấn đề khiến BS Kha quan tâm nhất đó chính là việc lây nhiễm bệnh tật khi tắm ở một không gian có hạn mà có quá đông người tham gia.

Theo BS Kha, về nguyên tắc khi đi tắm ở các bể bơi công cộng, những người mắc bệnh ngoài da và có vết thương ngoài da không được tham gia, vì sẽ gây lây nhiễm bệnh từ người nọ sang người kia. Mặt khác, việc nguồn nước không đảm bảo sẽ khiến “người lành thành người bệnh”, trong đó bệnh thường mắc phải nhất đó là bệnh viêm da, bệnh về mắt và viêm nhiễm bộ phận sinh dục, đặc biệt đối với phụ nữ.

Chen nhau bơi miễn phí chỉ rước thêm bệnh tật - 2

TS.BS Võ Tường Kha – Phó giám đốc bệnh viện Thể thao Việt Nam

“Với việc hàng ngàn người vào công viên nước tắm miễn phí, tôi dám khẳng định nguồn nước sẽ không thể đảm bảo vệ sinh được, vì thế nguy cơ gây bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, không ai có thể chứng minh được những người xuống tắm không bị bệnh da liễu hoặc một bệnh lý viêm nhiễm nào khác. Bởi vậy, nguy cơ lây bệnh từ người nọ sang người kia cũng không thể tránh khỏi”, BS Kha phân tích.

Cuối cùng BS Kha khuyến cáo, việc tập luyện thể dục thể thao, trong đó có bơi lội là tốt và cần khuyến khích. Khi có ý định đi bơi, nếu có điều kiện thì nên thuê bể bơi riêng. Nếu không, cần phải tìm địa điểm có chứng nhận an toàn, có kiểm soát về số người tham gia, có đội ngũ y tế thường trực…

Đặc biệt, phải chú ý đến sức khỏe của chính bản thân mình, bởi khi mắc bệnh da liễu hoặc phụ khoa, đi bơi ngoài lây bệnh cho cộng đồng thì chính mình lại làm cho bệnh càng nặng thêm.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự