Nghi vấn bọ xít hút máu người tái xuất tại TP HCM

Ngày 22/07/2015 05:00 AM (GMT+7)

Chuyên gia cho biết, khi bị cắn, không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.

Cả đêm không ngủ được

Anh Nguyễn Văn Minh (quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn còn lo sợ khi nắm trên tay hai con bọ xít đã bị giết. Anh kể, tối 20/7, khi đang chuẩn bị đi ngủ thì phát hiện một con bọ xít màu đen, ở đầu có vòi… Trước đây, anh từng nghe và đọc báo biết đến loại bọ xít hút máu người nên rất lo lắng.

Lúc này, anh vội dùng cán chổi đánh chết con côn trùng này. Lo sợ, anh tìm khắp nơi trong phòng và phát hiện thêm một con tương tự ở sàn xi măng. Một lần nữa, anh lại đánh chết. “Suốt đêm, tôi cứ lo lắng nên không ngủ được”, anh chia sẻ.

Theo lời anh Minh, dãy trọ này xuất hiện khá lâu. Chừng một năm trước, dãy trọ chuyển chủ nhưng số phòng vẫn là 7 không có gì thay đổi. Trước đây, khu vực này còn hoang hóa, người ở trọ sinh sống khá bẩn.

Nghi vấn bọ xít hút máu người tái xuất tại TP HCM - 1

Hai con bọ xít bị anh Minh đánh chết

Khoảng một năm trở lại đây, mọi người sống khá sạch sẽ, hàng ngày thường quét dọn, rác đổ đúng chỗ. Tuy nhiên, anh vẫn nghi ngờ, có thể, do cách sống của mọi người thời gian trước nên ở đây xuất hiện loại bọ xít hút máu người mà chưa phát hiện được.

Ông Triệu Anh Minh (công tác phòng chống dịch phường 1, quận Gò Vấp) cho biết, mấy năm trước, khi loại bọ xít hút máu người xuất hiện trên địa bàn, ông đã từng đi bắt. Qua quan sát bằng mắt thường, ông nghi ngờ, đây chính là loại bọ xít hút máu người.

Ông cho hay, bọ xít này đốt khiến da bị tổn thương. Người bị đốt nên rửa sạch vết thương bằng vòi nước. Nếu vết thương bị sưng tấy, ngứa… thì nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

Loại bọ xít này sinh sản trong mùa mưa, khi độ ẩm tăng cao. Chúng thường xuất hiện vào khoảng tháng sáu đến tháng 8. Chúng thường sống trong các nhà dân, trần nhà, quần áo… Chúng lẩn trốn vào ban ngày, xuất hiện vào ban đêm để hút máu người và động vật.

Cách tiêu diệt tốt nhất là giết và đốt chúng khi phát hiện. Bởi, đối với những con cái, dù đã bị đánh chết  nhưng chỉ cần một thời gian ngắn, trứng của nó vẫn có thể nở ra con.

Mặc dù vậy, ông đề nghị, người dân không nên quá hoang mang. Ông khuyên, người dân nên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ ở khu ở, không để gỗ mục nát, vì đây là môi trường sinh sống của các loại côn trùng.

Không nên gãi nhiều

Một chuyên gia tại Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, trước đây, từng ghi nhận một vài trường hợp bị loại bọ xít hút máu người đốt. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào bị bệnh do bọ xít này là trung gian lây truyền bệnh.

Bọ xít hút máu người thuộc dòng họ Reduviidae. Người dân có thể nhận biết loại bọ xít hút này với các biểu hiện như có chiều dài khoảng 1 đến 3,5 cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng…

Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.

Nghi vấn bọ xít hút máu người tái xuất tại TP HCM - 2

Ông Triệu Anh Minh (công tác phòng chống dịch phường 1, quận Gò Vấp)

Khi bọ xít đốt, tùy từng cơ địa của mỗi người, có người chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với những người mẫn cảm với vết đốt côn trùng thì vết đốt sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ hoặc có thể bị sốt, nhất là trẻ em. Đáng chú ý là hiện tượng ngứa ở các vết đốt, nhất là các vết đốt có đường kính rộng khoảng 5-10 mm. Trong nhiều trường hợp vết đốt ở chân hoặc tay có thể dẫn tới hiện tượng không cử động được do vết đốt sưng to và phù nề rộng. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân…

Để phòng, chống bọ xít hút máu, mỗi người nên thường dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.

Nhật Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự