Thời tiết ẩm ương trẻ hay bị sốt và 7 cách các mẹ vẫn làm nhưng lại vô tác dụng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/06/2021 14:32 PM (GMT+7)

Bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết khi trẻ bị sốt, nhiều mẹ nghe theo trên mạng hoặc làm theo kinh nghiệm để hạ sốt cho con nhưng thực tế cách làm đó không có tác dụng.

Thời tiết ẩm ương trẻ hay bị sốt và 7 cách các mẹ vẫn làm nhưng lại vô tác dụng - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa Nhi Trần Văn Đồng - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời tiết ẩm ương trẻ hay bị sốt và 7 cách các mẹ vẫn làm nhưng lại vô tác dụng - 2

Bác sĩ Trần Văn Đồng

Thời gian vừa qua thời tiết khu vực miền Bắc thay đổi liên tục từ nắng nóng đỉnh điểm lại chuyển sang mưa ẩm nên trẻ nhỏ rất hay bị ốm, đặc biệt bị sốt. Tuy nhiên, không ít phụ huynh mắc phải sai lầm khi xử lý con bị số, khiến tình trạng trẻ thêm nặng. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi trẻ bị sốt:

Làm sao biết trẻ sốt?

Sốt chỉ là một triệu chứng, không phải bệnh, nếu sờ thấy bé nóng hơn hoặc trẻ quấy, cha mẹ hãy kẹp nhiệt kế để xác định trẻ có sốt không. Trẻ sốt khi:

- Nhiệt độ trực tràng, tai hoặc thái dương từ 38℃ trở lên;

- Nhiệt độ miệng từ 37,8℃ trở lên;

- Nhiệt độ nách từ 37,5℃ trở lên;

Những điều không nên làm khi trẻ bị sốt

- Uống thuốc hạ sốt để phòng sốt cao hơn: Trẻ sốt dưới 40 độ (HM) không những không nguy hiểm mà rất có lợi cho trẻ. Nếu trẻ không khó chịu, không nên uống, vừa làm phiền trẻ, vừa mất công mẹ và có thể có thêm tác dụng phụ.

- Uống hạ sốt để phòng co giật: Trước đây, thực hành này rất hay được bác sĩ khuyến khích nhưng giờ không còn chính xác. Trẻ có tiền căn co giật do sốt (khoảng 3% số bé) thường lành tính, có yếu tố gia đình (có thể bố mẹ mắc hồi bé), thường giật trong những giờ đầu, ngày đầu của bệnh. Nhiều nghiên cứu chứng minh việc dùng hạ sốt khi nhiệt độ thấp để phòng co giật trong đợt sốt mới là không có hiệu quả.

- Dán miếng dán hạ sốt: Đây là việc làm không cần thiết, vừa tốn tiền lại có thể làm bé khó chịu vì nhớp nháp. Tác dụng hay nhất của việc dán miếng hạ sốt chỉ để trang trí.

Thời tiết ẩm ương trẻ hay bị sốt và 7 cách các mẹ vẫn làm nhưng lại vô tác dụng - 3

Bác sĩ cho biết dán miếng dán hạ sốt không có tác dụng với trẻ.

- Đắp lá rau diếp, uống lá rau diếp: Đắp lá theo cơ chế giống chườm mát, việc làm này vừa mất công, bẩn, làm co mạch do lạnh và không có lợi ích gì. Cũng không cần uống nước rau diếp vì nếu trẻ sốt nhẹ, không khó chịu thì không cần uống. Nếu trẻ sốt cao thì phải dùng hạ sốt, chưa kể trẻ 2,3 tháng tuổi đã bắt uống loại nước này dễ khiến con tiêu chảy.

- Chườm mát: Trẻ có dấu hiệu sốt phải chườm nước ấm gần như nhiệt độ cơ thể bình thường, không được lau bằng cồn, không nên dùng nước lạnh.

- Phối hợp hai loại thuốc hạ sốt hoặc dùng thuốc đa thành phần: Việc thường quyên dùng xen kẽ hai loại thuốc Paracetamol và Ibuprofen không mang lại lợi ích thực sự, mặt khác làm gia tăng tác dụng phụ cho bé.

- Dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ: Nên tránh dùng aspirin để hạ sốt cho con nếu không được bác sĩ chỉ định vì nó có thể gây nhiều tác dụng phụ.

Khi nào cần cho trẻ dùng hạ sốt

- Khi trẻ bị nhiễm trùng, sốt đa phần có lợi, giúp cơ thể tiêu diệt virus, vi khuẩn tốt hơn. Việc dùng hạ sốt không phải để cho bé mát mà mục đích chính là cải thiện sự khó chịu của bé nên không nhất định bằng mọi cách phải hạ sốt cho trẻ.

- Trẻ nên được dùng hạ sốt khi:

+ Trong mọi trường hợp sốt từ 40℃ (hoặc 39,5℃ nếu đo ở nách) trở lên thì cần hạ sốt cho trẻ. Bởi vì lúc này sốt không còn có lợi, mà ngược lại có thể gây hại nên phụ huynh cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.

+ Sốt dưới 40℃ (hoặc 39,5℃ nếu đo ở nách) nhưng bé quấy khóc, khó chịu, khó ngủ, biếng ăn hoặc bứt rứt, mệt nhiều thì dùng hạ sốt. Nếu bé vẫn đang chơi ngoan, việc dùng hạ sốt là không cần thiết.

+ Các trường hợp đặc biệt như: bỏng, bệnh tim mạch và phổi, bệnh sốt kéo dài, trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng và tình trạng sau phẫu thuật, nhiễm trùng nặng... thì sốt có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất và gây ảnh hưởng có hại cho bệnh nên cần được uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Thời tiết ẩm ương trẻ hay bị sốt và 7 cách các mẹ vẫn làm nhưng lại vô tác dụng - 4

Khi trẻ bị sốt phụ huynh không nên quá lo lắng. (Ảnh minh họa)

Một số vấn đề khi trẻ sốt cha mẹ không nên quá lo lắng

- Trẻ sốt mà tay chân lạnh, run run: Điều này là sinh lý bình thường khi trẻ sốt cao, giai đoạn sốt tăng, cơ thể tìm mọi cách để tăng nhiệt trong đó có co mạch tại chân tay, giảm tưới máu làm tay chân lạnh, thậm chí nổi vân tím. Cuối giai đoạn sốt tăng, bé có thể có cảm giác buốt lạnh, thậm chí run cầm cập. Điều này cũng là do phản xạ run cơ để sinh nhiệt.

Đây thường là biểu hiện của cơn sốt cao, tăng nhanh, một lát cơn sốt lên đỉnh điểm em bé sẽ ấm trở lại, không cần quá lo lắng. Các cơn “sốt cao, rét run” có thể chỉ là nhiễm các virus nhưng cũng có thể là một nhiễm khuẩn nặng, cần khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác.

Nếu trẻ kêu rét, có thể đắp một chăn mỏng khoảng vài phút, hết giai đoạn sốt tăng, cơ thể ấm lại cần bỏ ra ngay tránh việc cơ thể bé “bị úm” khó hạ sốt hoặc thân nhiệt tăng.

- Trẻ uống thuốc hạ sốt rồi mà lại tăng cao hơn: Thông thường sốt có 3 giai đoạn là sốt tăng, sốt đứng, sốt lui. Khi phụ huynh thấy trẻ sốt 39℃ rồi cho bé dùng hạ sốt, nhưng một lát sau bé lại sốt 40℃, cha mẹ cũng không phải lo lắng chỉ là lúc dùng hạ sốt đang ở giữa lúc sốt tăng, do vậy khi trẻ lên đỉnh cơn sốt thì mới lùi được.

- Ban ngày không sốt, cứ chiều tối lại sốt: Nếu bé không sốt dày cơn, phần đa cơn sốt thường gia tăng về chiều và đêm, lí do có thể liên quan tới sự suy giảm đồng độ cortisol trong máu (do tuyến thượng thận tiết ra, giảm dần về chiều tối). Ngoài tác dụng giảm sốt, hormone này cũng có tác dụng giảm đau, kháng viêm, giảm ho.... do vậy chúng ta hay thấy bé ho nhiều, đau nhức nhiều về đêm…

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

- Nhìn trẻ có vẻ trẻ rất ốm yếu, mệt mỏi, buồn ngủ bất thường, hoặc rất quấy khóc, cáu kỉnh.

- Có các triệu chứng gáy cứng (đau khi cúi đầu, nằm ưỡn cổ), đau đầu dữ dội, đau họng nghiêm trọng, đau tai nhiều, phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều lần.

- Có dấu hiệu mất nước: Khô miệng, tiểu ít (sau 6-8 giờ chưa tiểu), bỉm nhẹ hơn nhiều bình thường hoặc không uống được nước.

- Đang có bệnh về hệ thống miễn dịch, ung thư hoặc đang sử dụng corticoid dài ngày.

- Co giật

- Sốt ≥ 40°C ở mọi lứa tuổi.

- Trẻ vẫn mệt, ít chơi, quấy nhiều trong khi cơn sốt đã hạ.

- Trẻ dưới 3 tháng có sốt.

- Cơn sốt kéo dài hơn 24 giờ ở trẻ dưới 2 tuổi.

- Cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày (72 giờ) ở trẻ từ 2 tuổi trở lên.

- Cha mẹ thấy bất kỳ điều gì bất thường “linh cảm” trẻ đang nặng hơn.

Viêm tai giữa - bệnh ám ảnh các mẹ có con nhỏ, BS chia sẻ cách phòng bệnh hiệu quả
Bệnh viêm tai giữa thường gặp ở trẻ, căn bệnh này hay bị lại nhiều lần và là nỗi ám ảnh của các mẹ vì nó ảnh hưởng đến sinh hoạt, sự phát triển của...

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp