Thót tim với các ca “báo động đỏ” cứu mạng bệnh nhân

Ngày 01/09/2015 10:53 AM (GMT+7)

Quy trình "Báo động đỏ" là nỗ lực cao nhất để cứu mạng sống của bệnh nhân trong tình thế thập tử nhất sinh. Dù không phải là ca trực, bác sĩ vẫn phải bật điện thoại 24/24 và không được đi quá thành phố 30km, để khi có trường hợp cấp cứu, chỉ cần gọi điện là có mặt.

Thời gian gần đây, nhờ đưa quy trình "báo động đỏ" áp dụng thường xuyên ở các bệnh viện đầu ngành, nhiều bệnh nhi, sản phụ tưởng nhưng không thể qua khỏi đã được cứu sống. Đó là vụ bé sơ sinh 11 ngày tuổi bị người lạ đâm xuyên não đã dỳ diệu hồi sinh sau 20 ngày phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện Nhi Đông 1. Hoặc câu chuyện không kém hồi hộp khi bác sĩ cứu sống bào thai văng khỏi bụng mẹ vì tai nạn trên đường đến bệnh viện xảy ra vào hồi cuối tháng 10/2014.

Áp dụng thường xuyên quy trình "báo động đỏ"

Tại Bệnh viện Việt Đức, dường như ngày nào cũng phải áp dụng quy trình “báo động đỏ”, huy động các bác sĩ ở nhiều khoa phòng để chẩn đoán cho những bệnh nhân thập tử nhất sinh, tính mạng được ví như "ngàn cân treo sợi tóc".

“Báo động đỏ” là quy trình cấp cứu khẩn cấp cho những trường hợp bệnh nhân đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng. Đối với những bệnh nhân này, ngoài việc phải huy động nguồn lực đội ngũ bác sĩ và trang thiết bị trong bệnh viện thì còn phải nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện khác.

Có mặt tại khoa Cấp cứu – Bệnh viện Việt Đức, nơi thường xuyên phải cấp cứu những ca bệnh “thập tử nhất sinh”, phóng viên được chứng kiến thường xuyên quy trình “báo động đỏ” tại đây.

Thót tim với các ca “báo động đỏ” cứu mạng bệnh nhân - 1

Bệnh nhân 18 tuổi ở Sơn La bị đa chấn thương, đặc biệt là bị chấn thương sọ não hở nguy hiểm.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân, L.V.Đ (dân tộc Thái – Sơn La) phải nhập viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương. Theo BS Phạm Vũ Hùng – Trưởng Cọc 2 (khoa Cấp cứu – Bệnh viện Việt Đức), bệnh nhân này nhập viện do uống rượu say, không đội mũ bảo hiểm và tự ngã đập đầu xuống đất.

Khi nhập viện, bệnh nhân bị chấn thương sọ não hở rất nặng, ngoài ra bệnh nhân còn bị các chấn thương khác như ở bụng, ngực, tứ chi… Đối với những bệnh nhân này, khoa Cấp cứu phải huy động nhiều bộ phận khoa phòng trong bệnh viện như: sọ não, lồng ngực, chẩn đoán hình ảnh… để khám, hội chẩn.

Thót tim với các ca “báo động đỏ” cứu mạng bệnh nhân - 2

Bệnh nhân T. đang được các bác sĩ khoa Chuẩn đoán hình ảnh thăm khám sau khi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Ngoài trường hợp trên, bệnh nhân Ng.T.T.T cũng là một điển hình. Theo đó, bệnh nhân T. nhập viện chiều ngày 31/8 từ bệnh viện Nam Định chuyển lên. Bệnh nhân bị tai nạn xe máy trên đường đi làm về. Điều đáng nói là, ngoài các chấn thường vùng đầu, tứ chi và bụng, bệnh nhân còn đang mang thai 22 tuần tuổi.

Nhận thấy, đây là trường hợp cần phải hội chẩn từ các bác sĩ chuyên môn khác như: chẩn đoán hình ảnh, sản khoa … các bác sĩ khoa Cấp cứu đã trực tiếp liên hệ tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương để mời các bác sĩ sản khoa sang hỗ trợ, đồng thời mời bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tham gia khám cấp cứu cùng.

Điều đáng nói là chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, tất các bác sĩ mời tham gia hỗ trợ đều đã có mặt tại phòng bệnh để pham gia khám và hội chẩn cho bệnh nhân.

Các bác sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng

Trao đổi với phóng viên về quy trinh cấp cứu các bệnh nhân đặc biệt khó, nguy hiểm đến tính mạng phải huy động nguồn lực các bác sĩ trong bệnh viện tham gia cấp cứu và mổ ngay, BS Phạm Vũ Hùng cho biết, quy trình này hay còn gọi là “báo động đỏ” đã được Bệnh viện Việt Đức áp dụng từ rất lâu.

Thót tim với các ca “báo động đỏ” cứu mạng bệnh nhân - 3

Bệnh viện Việt Đức đã áp dụng quy trình "báo động đỏ" trong cấp cứu từ lâu.

“Thông thường, đối với các bệnh nhân khó, đa chấn thương chúng tôi phải huy động nhiều bác sĩ, khoa phòng tham giá đánh giá, hội chẩn để có kết quả chính xác nhất.

Ngoài ra, bệnh viện luôn có một đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia tham vấn các chuyên ngành khác nhau như: sọ não, chấn thương, tim mạch …đây đều là các bác sĩ đầu ngành, luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào để hội chẩn đối với những ca bệnh nặng.

Tôi ví dụ như các trường hợp chấn thương sọ não, hay các trường hợp có nguy cơ phải cắt bỏ chân chẳng hạn. Đối với các trường hợp này, chúng tôi phải mời các bác sĩ tham vấn đầu ngành đến hội chẩn, xem có nên cắt bỏ chân bệnh nhân hay không? Bởi, đây là quyết định sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời bệnh nhân sau này”, BS Hùng cho hay.

Để làm tốt vấn đề này, BS Hùng cho biết, bệnh viện luôn có kế hoạch trước đó là các danh sách các bác sĩ trực của từng ngày, từ bác sĩ phụ trách chuyên môn của bệnh viện đến các chuyên gia tham vấn và trực các khoa phòng ở bệnh viện. Các chuyên gia và bác sĩ này, khi có các bệnh nhân nặng cần hội chẩn và tham vấn chỉ cần gọi điện là các bác sĩ sẽ có mặt ngay.

Thót tim với các ca “báo động đỏ” cứu mạng bệnh nhân - 4

BS Hùng đang gọi điện cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương để cử bác sĩ sang thăm khám cho một thai phụ 22 tuần bị tai nạn.

“Không chỉ có bác sĩ trực các khoa phòng, mà ngay cả các chuyên gia đầu ngành là các bác sĩ tham vấn, điện thoại luôn phải mở 24/24 và luôn trong tư thế sẵn sàng”, BS Hùng nói.

Không chỉ có vậy, theo BS Hùng, những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết bệnh viện luôn có kế hoạch sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. “Tôi ví như đợt nghỉ lễ Quốc Khánh (2/9) tới đây chẳng hạn, các bác sĩ cọc 1, cọc 2 khoa Cấp cứu dù đang được nghỉ nhưng điện thoại luôn phải bật 24/24 và không được đi quá thành phố 30km, để khi có trường hợp cấp cứu cần thiết, chỉ cần gọi điện là có mặt ngay”, BS Hùng chia sẻ.

Ngoài “báo động đỏ” tại bệnh viện, BS Hùng cho biết thêm: “Ngoài những cấp cứu cần huy động nguồn lực của bệnh viện, thì bệnh viện Việt Đức luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ khi có những vụ việc tai nạn đáng tiếc xảy ra ở các địa phương, ví dụ như: tai nạn ở Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc …trong thời gian qua”.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự