tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

“Hạnh phúc mới là điều mà người phụ nữ tìm kiếm” - đó là điều cô Văn Thùy Dương đã đúc kết được trong 47 năm cuộc đời mình. Và năm mới Canh Tý này, niềm hạnh phúc cô tìm kiếm được càng trở nên trọn vẹn khi tổ ấm nhỏ chào đón thêm 2 thành viên mới Cơm – Canh.

Khi quyết định đi thêm bước nữa sau nhiều năm làm mẹ đơn thân, khi quyết định làm mẹ một lần nữa ở độ tuổi U50, cô Văn Thùy Dương – con gái út của cố PGS. Văn Như Cương, Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh, và cũng là mẹ chồng của ca nương Kiều Anh - bỏ ngoài tai những lời nói, những câu hỏi của mọi người “đẻ làm gì khi mình không thể đồng hành và làm bạn với chúng khi chúng lớn lên theo thời gian?” bởi với cô “hạnh phúc mới là điều mà người phụ nữ tìm kiếm”.

Sinh thêm con ở tuổi 47 nhưng cô không hề lo lắng bởi đã chuẩn bị cho các con những điều tốt nhất khi mang bầu, đã xác định cho mình một quan điểm giáo dục rõ ràng và luôn có gia đình, các anh chị ở bên cạnh đồng hành trên chặng đường tới của 2 bé Cơm, Canh. Dẫu làm mẹ bỉm sữa ở độ tuổi U50 có vất vả, khó khăn nhưng cô hạnh phúc khi 2 con trai sẽ trở thành cầu nối giúp các con riêng của hai vợ chồng gần gũi thân thiết với nhau hơn, điều này có ý nghĩa thật thiêng liêng.

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 3

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 4

Tết năm nay có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất của gia đình cô khi chào đón 2 bé Heo vàng, cảm xúc của cô như thế nào?

Năm nay quả thật là một cái Tết rất đặc biệt với mình. Sau 21 năm mình mới có một cái Tết đầy bỉm sữa và tiếng trẻ con ọ ẹ bên cạnh như thế này. Tết này chắc chắn không có chuyện vợ chồng nắm tay nhau thư thả đi chợ hoa hay đi sắm Tết nữa, thay vào đó sẽ tranh thủ đi thật nhanh để chóng về với các con.

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 5

Cách đây hai năm khi Soup (cháu nội) ra đời, cả gia đình mình như được tiếp thêm nguồn sinh khí mới. Năm nay gia đình có thêm tận hai anh cu nên hạnh phúc lắm. Cảm giác thật lạ, thật sung sướng thì tất nhiên rồi nhưng nhiều lúc mình nghĩ nó như một giấc mơ vậy. Có lúc mình nghĩ đó chính là phần thưởng dành cho người dũng cảm bởi đến tuổi này vẫn còn có được cái bận rộn của trông con, được nựng con và bế ẵm chúng ngủ những ngày trời lành lạnh... thật là hạnh phúc. (Cười)

Khi quyết định sinh thêm con ở độ tuổi U50, khi 2 con đã lớn, thậm chí lên chức ông bà rồi, vợ chồng cô có đắn đo nhiều? Mang thai khi đã gần 50 tuổi, vợ chồng cô có cần sự can thiệp của các biện pháp hỗ trợ sinh sản hay thụ thai hoàn toàn tự nhiên?

Đâu phải mình mình sinh con ở độ tuổi này, bạn chồng mình thời phổ thông cũng vừa mới sinh con đấy.

Khi lấy nhau, mỗi người chúng mình cảm giác như được tiếp thêm nguồn sinh lực. Quả thật bọn mình hợp nhau về rất nhiều thứ, từ cách ăn uống, quan điểm sống đến cách bày trí và chăm sóc tổ ấm chung. Bởi thế việc mong muốn có đứa con chung cũng xuất phát sớm.

Ngay từ khi mới lấy nhau, chẳng ai nói với ai nhưng trong câu chuyện hàng ngày lúc nào cũng nói “sau này có em bé thì...”. Buồn cười thật khi hai ông bà U50 vẫn nói với nhau như kiểu thanh niên đang yêu như “sau này có con, hai mẹ con cho bố biết tay” hay “sau này có con mẹ không được chiều con như chiều Soup đâu nhá, để bố rèn!”. Nói với nhau như thế lâu dần vợ chồng mình mới chợt nhận ra đó chính là mong muốn thật sự của cả 2.

Nhiều người bảo “già thế đẻ thế nào được” nhưng hai vợ chồng mình rất giống nhau, một khi đã quyết định sẽ hạ quyết tâm làm cho bằng được. Việc quan trọng nhất là làm sao phải sinh ra đứa trẻ khoẻ mạnh. Vợ chồng mình có đắn đo nhưng không phải là việc sinh con hay không mà là xem nên sinh con tự nhiên hay nên nhờ can thiệp của y học hiện đại. Ở độ tuổi ngoài 35, việc mang thai đã có nhiều rủi ro huống chi mình đã 47 tuổi. Vợ chồng cũng bàn bạc, tham khảo nhiều nơi dẫn đến quyết định sẽ nhờ can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản để em bé có thể được chọn lọc kỹ càng nhất (lọc 23 cặp nhiễm sắc thể), sử dụng biện pháp này sẽ loại trừ hết các trường hợp rủi ro xảy ra và để những đứa con sinh ra không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cảm xúc của vợ chồng cô và các con khi nhận tin vui cô mang bầu song thai như thế nào?

Vì mình tuổi cao nên bác sĩ chỉ đặt một phôi duy nhất vào cơ thể. Tuy nhiên sau hơn 4 tuần con dâu (ca nương Kiều Anh – PV) đưa mẹ đi khám đã reo ầm lên khi nhìn vào màn hình máy siêu âm. Trong khi bác sĩ chưa đọc, cô con dâu đã đọc kết quả rồi. Mình nhớ tiếng con reo lên rằng “Mẹ ơi, có tận 2 em bé”. Mình chưa tin vì bác sĩ chưa đọc kết quả nhưng bỗng nhiên nước mắt cứ ứa ra, cảm giác thật khó tả. Mãi một lúc bác sĩ mới nói “Kiều Anh giỏi thật! Sao biết sinh đôi? Chị đúng là trúng số độc đắc”.

Ra ngoài phòng khám, mình thấy con dâu đã báo cho chồng (Văn Quỳnh – PV) rằng mẹ sẽ có hai em bé và Văn Quỳnh đang nói chuyện với ông xã mình. Đợt đấy ông xã đang đi công tác xa, mình không biết hai bố con nói gì với nhau, chỉ biết thấy vui như Tết. (Cười)

Rồi cả nhà chờ bố đi công tác về mới ăn mừng. Nói là ăn mừng nhưng là gặp nhau kể lại khoảnh khắc Kiều Anh nhìn thấy hai em chỉ là hai đốm lửa nhỏ trên màn hình, kể lại cho nhau nghe cảm giác khi nhận được tin mẹ sẽ sinh đôi chứ không phải sinh một như dự tính và kể lại cảm xúc khó tả lúc đó của mỗi người như thế nào?

Lúc đó cô con gái út mình còn đang ở nước ngoài, gửi tin nhắn về cũng đầy yêu thương và vui sướng. Chỉ có điều khác nhau là mình sướng đến mức chỉ muốn hét lên cho cả thể giới biết nhưng cả nhà lại cấm không cho mình thông báo rộng rãi. Kiều Anh và Hin bảo “Mẹ phải giữ khi nào có tim thai mới được thông báo”, còn chồng mình bảo “Ngoài 3 tháng mới cho phép được báo với mọi người”. Vậy nên cả nhà cứ sống trong hoan hỉ, ta với mình biết với nhau suốt 3 tháng đầu mà bạn bè đều không hay biết gì cả.

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 6

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 7

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 8

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 9

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 10

Mang bầu ở độ tuổi U50, cô gặp những khó khăn như thế nào trong thai kỳ, đặc biệt là mang bầu đôi, mọi vất vả gấp đôi bình thường?

Quả thực, mình nói mình không hề gặp khó khăn gì về sức khoẻ có khi không ai tin. Vốn dĩ mình là người phụ nữ khoẻ mạnh về cả tinh thần lẫn thể chất. Ngày xưa khi chưa lấy chồng, mình chăm tập thể thao, đi làm chăm chỉ không lười nhác nên sức khoẻ cũng được tôi luyện. Bản thân là người luôn có tinh thần tốt, luôn tin vào những điều tốt đẹp, luôn cố gắng tiếp xúc và gần gũi với những nguồn năng lượng tốt và tránh xa những tin xấu. Đồng thời, mình cố tránh khỏi những xúc xiểm của người đời nên hầu như không cảm thấy có khó khăn gì về sức khoẻ trong thời gian mang thai cả.

Thậm chí, mình còn thấy khoẻ hơn thời gian mang thai Quỳnh (con trai cả). Lần này mình không bị nghén như lần mang thai Quỳnh, lại có thuốc bổ trợ giúp, uống Orthomol đều đặn nên sức khoẻ rất tốt và ổn định.

Nhiều người nói sẽ bị chuột rút khi mang thai và lo cho mẹ U50 thiếu canxi nhưng mình không hề bị chuột rút, vẫn lái xe đến tháng thứ 7. Có lẽ tinh thần quyết định rất nhiều đến sức khoẻ. Với niềm tin mình sẽ ổn vì có một cơ thể khoẻ mạnh và niềm tin các con sẽ ổn vì có y học hiện đại hỗ trợ nên tinh thần mình luôn thoải mái, hạnh phúc luôn tràn trề. (Cười)

Mọi người thường thấy hình ảnh cô Hiệu phó Văn Thùy Dương dù mang bầu đôi vẫn rất giàu năng lượng, cô có thể bật mí bí quyết không?

Cũng có đôi khi mình thấy mệt đấy nhưng ngày xưa khi chưa có bầu, hôm nào cúm hay mệt mình lại lau dọn nhà cửa. Thế là mồ hôi toát ra như xông hơi và khỏi. Đơn giản nhất của mình là tinh thần, ít khi cảm thấy mình mệt, mình ốm bởi thật ra mình chẳng có thời gian rỗi nghĩ đến ốm mệt. Mình luôn nghĩ ra việc để bao giờ cũng thấy thiếu thời gian, không có thời gian trống nghĩ đến mệt mỏi nữa.

Khi có bầu, người phụ nữ thường lo lắng nhiều và bị tâm lý về nhiều thứ, nếu không vượt qua sự lo lắng để vui khoẻ, tẩm bổ, dưỡng sức, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nội tiết. Điều đó không có lợi cho em bé tý nào.

Bí quyết tràn đầy năng lượng của mình là chỉ gần những năng lượng tốt, tránh xa những nguồn năng lượng kém, tự tạo ra cho mình tinh thần sảng khoái, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp và luôn lắng nghe cơ thể mình.

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 11

Cô có chế độ dinh dưỡng như thế nào trong thai kỳ để mẹ không tăng cân nhiều mà 2 con vẫn phát triển tốt?

Khi mình có bầu, con dâu đã đưa một loạt chế độ ăn và nói “Tuổi mẹ mà mẹ ăn nhiều tinh bột quá sẽ không vào em bé nhiều đâu, mẹ sẽ béo tốt lên và khó xuống cân sau sinh, mẹ phải ăn nhiều đạm mới vào em bé”.

Các con hướng dẫn mình nhiều và nhắc nhở mẹ thường xuyên. Mình còn phải theo dõi cân nặng của em bé qua mỗi lần khám để điều chỉnh chế độ ăn sao cho 2 em tăng cân đúng tiêu chuẩn. Hơn nữa, do tiểu đường thai kỳ nên chế độ ăn của mình là ít tinh bột, tăng lượng đạm lên. Điều này khiến mình không bị béo, hai em vẫn tăng cân tốt.

Nhiều năm mới mang bầu lại, cô có bị quên bài và phải học hỏi những kiến thức mang thai của các mẹ hiện đại không? Cô và con dâu – ca nương Kiều Anh có hay chia sẻ về các vấn đề thai kỳ không?

Sau 21 năm, mình mới sinh con thứ 3, hơn nữa lại là thai đôi nên mọi thứ như mới tinh. Thi thoảng mình lại phải hỏi Kiều Anh xem mẹ đang bị như thế này nên làm như thế nào? Lúc đó, mình mới thấy chồng con là chỗ dựa về mọi mặt.

Bây giờ nuôi con, mình cũng hỏi Kiều Anh và tham khảo các mẹ trẻ nhiều để cập nhật những cách chăm sóc con khoa học hơn. Mình còn đọc sách và tham khảo mạng nữa. Những việc như vậy khiến mình trẻ lại, đôi khi cứ nghĩ mình làm mẹ lần đầu.

Cô thấy mang bầu ở tuổi U50 có khác nhiều so với khi mình U20?

Nói mọi người sẽ bảo xạo nhưng mình không thấy khác, nhất là về sức khoẻ. Ai cũng lo cho mình nhưng bản thân mình không hề thấy mệt mỏi hơn ngày xưa chút nào, có thể do mình thật sự có nhiều năng lượng và cũng có thể do bây giờ mình có nguồn động lực lớn.

Ngày xưa, sinh con là bản năng của người mẹ, có gia đình là phải có con. Bây giờ chúng mình lấy nhau ở tuổi này, hai người đều có con riêng và đều yêu thương chúng, không có thêm bọn trẻ vẫn có thể hạnh phúc. Thế nhưng có bọn trẻ lại mang ý nghĩa khác. Hai anh cu này đến bên chúng mình như là một thứ nối dài thêm hạnh phúc. Hai anh cu sẽ là cầu nối các anh chị của bố và các anh chị của mẹ với nhau thành một gia đình. Còn các anh các chị có chung hai em sẽ gần gũi nhau và khiến gia đình trở nên có ý nghĩa hơn. Chính điều đó khiến mình luôn có tâm thế khác, cảm thấy mình cần khoẻ mạnh, phải có đủ và nhiều năng lượng cho tất cả.

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 14

Được biết, cô phải nhập viện sớm ở tuần thứ 35, lúc nào cô cảm thấy lo lắng nhất về tình hình 2 bé?

Thật ra mọi người đều lo lắng cho sức khoẻ của bà bầu 47 tuổi. Với tuổi cao như thế mẹ bầu thường hay bị tiểu đường thai kỳ và cần phải theo dõi. Mình cũng bị tiểu đường thai kỳ nhưng do tuân thủ chế độ ăn nên ổn cả, không bị phù nề, con không quá to, sức khoẻ ổn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn rất cẩn thận cho thời gian cuối trước khi sinh nên đề nghị mình vào viện nằm chờ sinh. Chính điều đó mới khiến viện sản có một bệnh nhân đi lại phăm phăm và khoẻ mạnh đến ngày sinh như thế. (Cười)

Nhớ lại về ngày đi sinh 2 bé, khoảnh khắc nào khiến cô nhớ nhất?

Mình nhớ nhiều khoảnh khắc, mỗi khoảnh khắc đều có ý nghĩa. Có những khoảnh khắc mình sẽ không bao giờ quên nhưng cũng không bao giờ có thể chia sẻ cùng mọi người vì nó thật riêng tư. Chính vì những khoảnh khắc ấy mà sau này khiến mình có thể xả thân vì chồng được, những khoảnh khắc đó khiến mình chảy nước mắt vì cảm động.

Khoảnh khắc mình nằm lên bàn sinh, dù dũng cảm nhưng mồ hôi vẫn toát ra như tắm. Mình chỉ thấy an lòng khi cô bác sĩ nắm tay bảo “Cô yên tâm, em ở đây rồi, cô đừng lo lắng”. Sau này, mình mới biết các cô đều là có con học ở trường nhưng không ai bảo mình biết điều đó. Khi mình lên bàn mổ, mọi người đều có mặt để trấn an. Mình cảm động lắm. Khoảng khắc khi mình nằm trên giường sau sinh không tự làm vệ sinh được, chồng luôn bên cạnh, không hề ngại ngần. Thậm chí, anh còn không cho con làm thay, tự tay phục vụ vợ. Mỗi khoảnh khắc nhớ lại là một lần mình hạnh phúc. Bây giờ đôi lúc mình lại ôm chồng thật chặt và bảo “Yêu lắm!”. Chỉ nói được thế, nước mắt mình lại ứa ra.

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 15

U50 vẫn chăm con mọn, cô có vất vả nhiều và cảm thấy oải không?

Khi vợ chồng mình thống nhất có thêm em bé là đã xác định sẽ vất vả. Tuy nhiên chưa bao giờ mình cảm thấy oải cả. Chỉ cần nghĩ đến sau này sẽ có chúng bên cạnh, chúng sẽ nhanh nhẹn, kháu khỉnh, thông minh như Soup để nhà cửa luôn đầy tiếng trẻ là hạnh phúc lắm.

Nhiều người có nhắn tin bảo “đẻ làm gì khi mình không thể đồng hành và làm bạn với chúng khi chúng lớn lên theo thời gian” nhưng mình nghĩ miễn là mình xác định cho mình một quan điểm giáo dục rõ ràng thì không phải lo lắng. Hơn nữa, sau này sẽ có các anh các chị ở bên cạnh hai cu cậu. Cách giáo dục của mẹ và bố đã ngấm vào anh chị rồi, anh chị sẽ lo tất. Nói như Kiều Anh nựng hai em “Các ông cẩn thận! Tôi sẽ là người chọn vợ cho hai ông đấy! Tôi sẽ thay mẹ làm mama tổng quản..!” là mình thấy các con đều đã hình dung và chuẩn bị tinh thần cho tương lai khi mẹ chúng về già rồi. (Cười)

Xin cảm ơn những chia sẻ của cô! Chúc cô và gia đình một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 16

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 17

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 18

Tết Canh Tý của cô Hiệu phó Văn Thùy Dương: Sau 21 năm mới có cái Tết đầy bỉm sữa - 19

Content: Hồng Tưởng

Design: Nguyễn Quân

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]