Đi tìm lại lịch sử
giữa không gian mùa thu Hà Nội
Hà Nội những ngày này e ấp sang thu, không khí trở nên dịu nhẹ, nếu nhấn mình vào dòng thời gian, có thể sẽ cảm nhận được thoang thoảng mùi hoa sữa dù chúng chỉ đang chúm chím.
Rất lâu, bà mẹ bận rộn với công việc và con cái như tôi được thả hồn mình dưới phố thu Hà Nội. Mẹ vẫn yêu nhất cái mùa này ở Thủ Đô, nó khiến con người ta sống chậm lại, nghĩ thoáng hơn và cũng dễ hoài niệm hơn.
Có lẽ chính bởi cái tâm tư đó, cuối tuần này, mẹ lại hy vọng cuốn các con vào trong không gian cổ xưa đó để từ tâm hồn tuổi nhỏ bây giờ, các con cũng được nuôi dưỡng những xúc cảm về một mùa "sống chậm" của Hà Nội mình.
Hoàng Thành Thăng Long - Không gian cổ kính giữa lòng thành phố hiện đại
Mẹ quyết định rủ bà ngoại tham gia cùng chuyến đi cuối tuần này của mẹ con chúng ta. Có lẽ, bởi mẹ tin rằng, chỉ có bà mới thật sự biến chuyến đi chơi này trở nên hoàn thiện hơn. Bởi ngay cả mẹ, cũng chỉ là người "chạm tay vào quá khứ" chứ chưa từng biết rõ những ngóc ngách cổ xưa của Hà Nội.
Rất may, bà cũng hào hứng cho chuyến đi này. Và bà chọn, Hoàng Thành Thăng Long là địa điểm dành cho bà cháu tuần này. Lần này, quyền hướng dẫn, mẹ dành cho bà. Còn mẹ cũng như các con, đều trở thành những cô học trò bé nhỏ, theo chân bà đi tìm quá khứ của dân tộc.
Hai hàng xà cừ trên phố Hoàng Diệu vẫn rợp tỏa bóng như ngày mẹ đạp xe đi học qua đây, cũng khá lâu mới có dịp quay trở lại. Có người bảo: Hà Nội cứ đường nào có nhiều cây xanh là đẹp. Có thể người ta đang mặc định cho rằng vẻ đẹp của Hà Nội chỉ nằm ở sự đối lập với xu hướng hiện đại. Nếu với suy nghĩ đó thì chắc họ chưa kịp ghé qua và đắm mình vào nét dung dị xưa cổ ấy. Hoàng Thành Thăng Long trên con phố Hoàng Diệu cũng thế.
Các con hứng thú ngay khi vừa bước chân vào phòng vé, bởi ở đó người ta giành một không gian nhỏ tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội những năm 1946, có nhà thuốc, tiệm ảnh, quần áo... Mọi thứ dù cũ kỹ nhưng với các con lại hoàn toàn thu hút.
Địa chỉ: Hoàng Thành Thăng Long - Vào cổng số 18 đường Hoàng Diệu
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội.
Ở một không gian hào hùng như vậy chính mẹ cũng hoàn toàn bị mê hoặc, những đôi quang gánh gắn bó của một thời làm hậu phương cho mặt trận miền Nam giành độc lập, những câu khẩu hiệu cứu quốc vẫn giữ nét trang nghiêm, bàn họp, chiến hào được dựng lại còn nguyên vẹn khí thế chiến đấu của dân tộc...
Có bà, mọi thứ di tích trong Hoàng Thành đều gắn liền với câu chuyện kể. Ngay cả khi Cún muốn hái bông cỏ lau phất phơ bên ngoài, bà cũng giữ các con lại để kể chuyện lịch sử: “Các con có biết nhà vua nào gắn liền với cây cỏ lau không? Ông là vua Đinh Tiên Hoàng. Ngay trong những ngày chăn trâu thuở còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông tụ tập trẻ mục đồng bẻ bông lau làm cờ tập trận. Sau này, với những động tác tập trận ông đã thu phục quân thù và giành chiến thắng cho đất nước”.
Hoài cổ không chỉ dành cho người già, ngay cả trẻ nhỏ cũng biết vui với lịch sử
Út bao giờ cũng vậy, thích những khoảng sân để chạy nhảy, nhưng ở đây khác ở nhà ngoại, hai đầu sân người ta đặt một chiếc chuông và trống. “A, dưới quê Nam Định cũng có chuông vậy chị này!” Chúng bàn tán về độ to nhỏ của chiếc chuông và xen vào mấy câu chuyện liên quan mà chúng đọc trên sách vở hoặc xem phim ảnh.
Chuyến đi vượt ngoài sự kỳ vọng của mẹ, bởi ở kho tàng lịch sử đồ sộ như vậy chính mẹ còn cảm thấy rộng lớn, mẹ thật sự đã lo lắng những cô bé như Út, như Cún luôn chỉ hứng thú với những thứ đồ chơi màu sắc hồng, vàng sặc sỡ, liệu có thể giữ yên được các con ở đây lâu. Vậy mà, nhờ có các câu chuyện của bà, hôm nay các con thật sự thích thú với mọi thứ xung quanh.
Bà tiếp tục dẫn cả nhà sang Hầm chỉ huy tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, nơi lưu giữ máy thông hơi, lọc khí, cửa sắt, điện đài, loa truyền thanh, điện thoại... những hiện vật gắn liền với hoạt động chỉ huy, tác chiến của công tác chỉ huy kháng chiến. Út e dè vì trong hầm hơi tối, còn hai chị lại thích thú với những chiếc điện thoại trưng trên bàn.
Mẹ hạnh phúc vì đã khám phá được những điều mà trước giờ mẹ chưa hề thấy. Ba đứa chạy loăng quăng chỉ trỏ, tiếng ê a không ngớt, thể hiện sự thích thú tột bậc của cô Út khiến mẹ an tâm hơn trong định hướng của mình.
Cả không gian của khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long khá rộng, các con cũng đã thấm mệt, mẹ dẫn các con đến hàng ăn vặt. Thực đơn sau chuyến đi hôm nay là món bánh gối khoái khẩu ngay trên đường Hoàng Diệu.
Chạy chơi khá thấm mệt nên ba chị em đều ăn ngon lành món ăn đậm dư vị Hà Nội này. Mùa thu mát mẻ, ngồi thưởng thức bánh gối với nước chấm chua chua, ngọt ngọt khiến cả bà ngoại, mẹ và lũ nhóc các con đều cảm thấy hạnh phúc.
Thậm chí ngay cả khi ăn, bà ngoại cũng tranh thủ giới thiệu thêm với các con về truyền thống của món ăn này. Bà kể cả chuyện ngày xửa ngày xưa khi chiến tranh còn đó, thời bà làm gì có thịt để được ăn bánh gối ngon đến thế này. Rồi bà chỉ cho các con từng thứ một có bên trong, làm thế nào, ngon ra sao. Vừa được ăn, vừa được nghe kể chuyện, mẹ cũng thích thú chứ đừng nói đến mấy cô nhóc ham hiểu biết nhà mình.
Mẹ không rõ chuyến đi có đọng lại gì trong các con một chút kiến thức lịch sử, về hào hùng dân tộc như với mẹ hay không. Nhưng dù sao đi nữa, đối với mẹ, một chuyến đi gắn kết như lần này đã khiến mẹ hài lòng lắm rồi.
Thời gian của các con còn dài lắm, mỗi ngày Chủ Nhật sẽ còn là một ngày để các con khám phá thêm nhiều điều mới lạ. Mẹ sẽ không kì vọng, trông đợi quá nhiều mà để mọi thứ thuận theo tự nhiên của nó. Đối với mẹ, một chuyến đi thành công đơn giản chỉ cần các con được vui vẻ, và quan trọng hơn, cho đến sau này, khi các con có đi đến nơi đâu, trong ký ức nhỏ của mình, các con vẫn sẽ ghi nhớ: “Tôi đã đến một nơi như thế”.