Chào anh! Những người theo dõi thông tin về anh đều biết, anh luôn nhắc đến phụ nữ với đầy sự trân trọng và nâng niu. Là một nhà văn nổi tiếng “yêu phụ nữ”, anh nghĩ sao về sự thay đổi về cả vị trí, vai trò của các chị em trong xã hội hiện đại?
Phụ nữ hiện đại khiến tôi ngưỡng mộ và nể trọng mỗi ngày. Họ ngày càng giỏi giang và bản lĩnh trong mọi lĩnh vực. Dường như không còn một công việc nào chỉ còn là đặc quyền của nam giới nữa.
Phụ nữ ngày một trở nên tuyệt hơn, đến nỗi, đã có lúc tôi hơi chạnh lòng một chút khi nghĩ về “phe mình”. Đàn ông chúng tôi dường như đang phải cạnh tranh với nữ giới trong nhiều lĩnh vực, và đang thua. Thậm chí, nhiều khi tôi còn “lạnh sống lưng” khi lo lắng một ngày chị em sẽ không còn cần đến chúng tôi nữa. Tất nhiên, là “những người đàn ông lỗi” sẽ phải là người lo lắng nhất.
Phụ nữ hiện đại giờ đây không những hiểu và trân trọng giá trị của bản thân, họ còn giữ được cả những giá trị truyền thống vốn có của phụ nữ: Sự bao dung và lòng thiết tha cho gia đình. Nhiều người lầm tưởng rằng phụ nữ hiện đại không dễ dàng tha thứ hay không đặt nặng giá trị gia đình. Bản thân nhiều người phụ nữ cũng lầm tưởng như vậy bởi họ bị “gây nhiễu” qua những bài viết trên mạng xã hội thôi. Mà phụ nữ kiểu vậy thì vẫn là phụ nữ cổ, phụ nữ cũ, chứ phụ nữ mới và hiện đại thì rất tỉnh táo!.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, có thể đọc được không ít lời bình luận (comment) từ các đấng mày râu nói rằng, họ không muốn/không cần một người vợ quá giỏi giang, xuất chúng. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi chỉ bật cười thôi! Bởi những người đàn ông bình luận kiểu đó thường là những người đàn ông thất bại. Họ vốn chỉ để dành cho những phụ nữ cổ, phụ nữ cũ chứ với phụ nữ hiện đại thì đến việc gặp lại lần thứ 2 cũng là quá lãng phí thời gian.
Phụ nữ hiện đại vốn không cần mất thời gian đến thế với những bình luận như vậy. Chỉ những chị em thất bại mới nổi điên trước những dòng chữ ấy.
Phụ nữ hiện đại không có thời gian mà để ý đến nó. Còn đàn ông thành công thì lại rất quan tâm đến những người phụ nữ thành công. Mây tầng nào thì gió tầng đó mà, đúng không?
Bản thân anh cũng là một người có vợ giỏi giang. Chị vừa chăm lo việc nhà cửa, vừa quán xuyến nhiều cơ sở kinh doanh. Có khi nào anh cảm thấy mình “lép vế” không?
Có chứ! Tôi “lép vế” toàn phần ấy chứ (cười lớn). Bởi phụ nữ kiểu vợ tôi cái gì cũng giành làm, đến cả việc yêu tôi cũng giành cả phần của con. Lũ trẻ nhà tôi lúc nào cũng thống nhất là trong nhà này mẹ yêu bố nhất, bố cũng yêu mẹ nhất. Tôi “lép vế” và bị tình yêu của vợ “đè bẹp”.
Đùa vậy chứ, hãnh diện về vợ khiến cho tình yêu của tôi dành cho vợ nhiều hơn mức mà tôi có thể cáng đáng. Một người vợ như thế, không yêu thì phí cả tôi ra. Mà khi đã yêu họ rồi thì ở bên họ, ở cạnh họ, ở đằng trước hay ở đằng sau cũng đâu quan trọng gì, miễn là CÙNG NHAU. Tôi xây dựng hôn nhân của mình bằng 2 chữ CÙNG NHAU như thế.
Gần đây có một câu nói được các bạn trẻ khá ưa thích và sử dụng phổ biến là: “Nhà là phải có nóc”. Nổi tiếng là người chồng chăm “nịnh” vợ, với anh, có phải chị nhà chính là cái “nóc” quan trọng trong gia đình mình?
Nhưng giới trẻ cũng có một câu “chua” thêm, đó là “Trên nóc còn cột thu lôi”. Tôi thích nghĩ mình là cột thu lôi, hứng mọi sét đánh của cuộc sống cho gia đình mình. Nói vậy không có nghĩa là nó quan trọng hơn cái nóc.
Một mái ấm khác một mái hiên ở chỗ, mái ấm thì thành phần nào cũng quan trọng như nhau: nóc nhà, tường bao, móng, cột… Tôi thích nghĩ vợ mình như cái… cửa hơn. Nàng mở ra để đón nắng vào. Nàng đóng lại để ôm trọn gia đình. Nàng là thứ khiến tôi hào hứng rời nhà mỗi sáng và háo hức trở về nhà mỗi chiều.
Nhà tôi, nóc nhà là con cái. Con cái mới là thứ giúp chúng tôi đạt được những thành công hiện nay. Con cái cũng là sự che chở chúng tôi trong những ngày bão giông. Với vợ chồng tôi, con cái thực sự quan trọng nhất.
Theo anh, những người đàn ông sẵn sàng tuyên bố vợ mình là “nóc” có phải do họ sợ vợ không?
Tôi không nghĩ vậy, thậm chí còn thấy ái ngại cho những phụ nữ thích thú vì mình là nóc nhà trong tuyên bố của chồng nữa. Bởi coi chừng, người ta khen bạn đẹp chỉ để bạn nhịn ăn giữ dáng, bó chân làm gót sen, thắt eo làm lưng ong.
Hôn nhân không phải như vậy!
Hôn nhân không phải Anh nắm quyền hay Em nắm quyền. Hôn nhân là CHÚNG TA, Trách nhiệm không phải Quyền lực. Không phải ai có trách nhiệm hơn, gánh nhiều thứ trên vai hơn thì người đó có quyền. Trách nhiệm là Yêu thương. Ai yêu thương hơn thì trách nhiệm hơn.
Thế nên, quan niệm “nóc nhà” theo kiểu quan niệm cấp trên cấp dưới thậm chí còn gây hại cho hôn nhân. Đàn ông “sợ” vợ ở đây là sợ vợ buồn, sợ vợ khổ, sợ vợ mất lòng tin vào mình chứ không phải sợ vợ vì vợ là nóc nhà, mất “nóc” là phải chịu mưa nắng. Lại càng không phải là sợ vợ và coi vợ là “nóc” nhà rồi mặc kệ cho vợ gánh vác mọi khó khăn trong cuộc sống. Đàn ông sợ vợ kiểu đó là đàn ông đáng bị chính vợ mình coi thường chứ không phải xã hội coi thường. Đàn ông kiểu đó là đàn ông cơ hội, coi vợ như công cụ, không hơn.
Nhân ngày 8/3, anh có điều gì muốn gửi gắm đến cánh mày râu không?
Tôi có nhiều lời muốn nhắn nhủ tới đàn ông lắm. Nhưng thế nào nhiều chị em cũng bảo: “Anh nhắn vậy chỉ toàn phụ nữ chúng tôi đọc thôi chứ đàn ông ai rảnh mà đọc. Đàn ông không biết đọc, không thích đọc và càng không muốn nghe một thằng đàn ông khác dạy mình”.
Thế nên, thay vì nói cho đàn ông “thủng”, tôi luôn chọn cách nói cho phụ nữ không để trái tim mình bị “thủng” bởi đàn ông. Tôi gửi cho cánh mày râu nhưng là muốn cho phụ nữ đọc.
Các anh ạ, các anh sẽ trở thành tỷ phú khi các anh coi vợ mình như một kho báu.
Phụ nữ ơi, mỗi chị em chính là một kho báu đấy! Hãy làm cho kho báu đó ngày càng giá trị, để những đàn ông không biết coi trọng kho báu sẽ chỉ là những gã đàn ông nghèo.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!