tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Bắt đầu từ đâu nhỉ? - Phải rồi, mọi chuyện bắt đầu từ cái ngày bố mẹ bất ngờ phát hiện con đã “chui” vào trong bụng mẹ.

Mẹ con mình duyên nợ với nhau bắt đầu từ chiếc que thử thai 2 vạch - 3

Đó là một ngày đầu xuân, khi bố mẹ đang ở nhà bà ngoại. Bà nấu nhiều món ngon đãi con gái mới cưới chồng xa về thăm nhà, nhưng mẹ không thể ngửi được mùi thức ăn chiên xào đang thơm lừng căn bếp.

Vốn dĩ mẹ rất thích các món bà làm nhưng ngày hôm đó thật đặc biệt. Mẹ phàn nàn, khó chịu với chính những mùi vị mà bình thường mình yêu thích. Và bà ngoại là người phát hiện: “Hay con có bầu?”.

Mẹ con mình duyên nợ với nhau bắt đầu từ chiếc que thử thai 2 vạch - 4

Mẹ hồi hộp đi mua que test, cảm xúc vỡ òa khi que thử thai hiện lên 2 vạch. Mẹ chạy ùa ra khoe với bố. Không giống các ông chồng trong phim, thông thường sẽ ôm lấy vợ hay reo lên vui sướng, bố con… đực mặt ra. Phản ứng của bố không giống như tưởng tượng của mẹ khiến mẹ băn khoăn, không hiểu chồng mình đã sẵn sàng cho việc lên chức bố hay chưa.

Nhưng cảm giác của bất kỳ ai cũng không quan trọng bằng cảm giác của bản thân mẹ. Giống như có thần giao cách cảm, giống như tạo hóa ban tặng, rất tự nhiên trong mẹ hình thành sợi dây liên kết với sinh linh bé nhỏ trong bụng – là Con. Mẹ đã yêu con trước cả khi cảm nhận được sự có mặt của con trên đời.

Mẹ con mình duyên nợ với nhau bắt đầu từ chiếc que thử thai 2 vạch - 7

9 tháng 10 ngày con lớn trong bụng mẹ là 9 tháng 10 ngày mẹ học bài học vỡ lòng: làm mẹ.

Mẹ không dám ăn uống vô tư như trước. Ăn gì mẹ cũng cân nhắc: Có bổ cho con không? Đó có phải món cần kiêng kỵ khi mang bầu không? Phơi quần áo mẹ cũng được nhắc nhở chú ý tư thế, rồi bà bầu không được xách đồ nặng, không được phóng xe ầm ầm như lúc chỉ có một mình, hạn chế giày cao gót, phải đi đứng từ từ cẩn trọng, vì bây giờ đi đâu làm gì mẹ cũng có con đồng hành.

Với mẹ, con nhỏ bé lắm, yếu ớt lắm, cần nâng niu, trò chuyện, cần giữ tâm trạng tươi vui… để con trong bụng mẹ được bình an.

Ngày đầu khám thai, cảm giác thật khó tả. Lần đầu tiên mẹ chẳng còn giữ gìn gì cả, cũng chẳng được phép ngượng ngùng mà cứ thế kéo tuột trước mặt người lạ là các bác sĩ, y tá để siêu âm. Khi bác sĩ chỉ cho bố mẹ xem hình tròn nhỏ xíu, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu mẹ chính là: “Ồ, là thật này! Thực sự có một sự sống bên trong mình!”.

Giọt máu bé xíu đó ngày càng lớn dần, quậy hơn, bắt đầu biết tỏ thái độ trong bọc ối. Con phản ứng khi mẹ nghe nhạc, con đạp dữ dội khi đến giờ ăn mà mẹ quên ăn, con dịu lại khi nghe giọng bố mẹ thủ thỉ, khi tay bố sờ lên bụng mẹ để chạm vào từng cái đạp của con… Con đã yêu bố mẹ khi cảm nhận được bên bố mẹ là bình yên.

Cuối cùng cũng đến ngày mẹ vỡ nước ối, được bố và ông bà nội cập rập đưa vào bệnh viện. Con đầu cháu sớm, cả nhà mình đều thiếu kinh nghiệm.

Cảnh tượng đi đẻ ở Khoa Sản có lẽ mãi mãi mẹ không thể quên. Đó là những cô, dì vác bụng bầu to như bụng mẹ, nặng nề di chuyển trong chiếc váy thùng thình của bệnh viện, mặt nhăn nhó vì đau. Có người quằn quại trên giường đẻ, van xin bác sĩ cho mổ. Có chú người nhà vì quá lo cho hai mẹ con cứ liên tục hỏi vợ: “Đau không? Đau không?” khiến cô vợ giận dữ gắt lên vì phải trả lời quá nhiều: “Mày đẻ đi thì biết”.

Nhưng những cảnh tượng ấy nhanh chóng biến mất khi một mình mẹ được đưa vào phòng đẻ. Đến giây phút này, mẹ mới hiểu sâu sắc câu nói: Khi sinh con, phụ nữ chiến đấu một mình.

Không còn người thân bên cạnh, chỉ còn một mình mẹ giữa bác sĩ, y tá, bàn đẻ, vượt qua từng cơn đau xé ruột xé gan, nắm chặt thanh giường, hít thở, rặn, mở 8 phân, mở 10 phân… và bỗng dưng cái bụng nhẹ bẫng. Nghe các bác sĩ chúc mừng: “Công chúa nhé”, mẹ cảm thấy như mình vừa làm được điều vĩ đại nhất trong cuộc đời – đưa một sinh linh đến với thế giới.

Mẹ con mình duyên nợ với nhau bắt đầu từ chiếc que thử thai 2 vạch - 12

Lúc y tá mang con quay lại da tiếp da với mẹ, thực sự được chạm vào con (không phải chỉ ngắm nhìn qua những bức ảnh siêu âm), niềm hạnh phúc chưa từng có vỡ òa trong tâm trí mẹ. Rất khó để gọi tên cảm xúc khi ấy. Nó không giống bất cứ cảm giác nào mà mẹ từng trải nghiệm trước đây và cả sau này. Nó khiến mẹ muốn ôm con, che chở, bảo vệ con. Nó đóng dấu vĩnh viễn cho mối ràng buộc của tình mẫu tử. Kể từ đây, mẹ đã có con trong đời.

Kỳ lạ là, dù hạnh phúc vô bờ, mẹ lại rơi nước mắt. Cơn đau thấu da thịt, đau đến mức “chết đi sống lại” trong phòng đẻ giúp cho mẹ lần đầu tiên hiểu rằng, để sinh ra một đứa con, người phụ nữ phải trải qua những gì. Mẹ khóc vì nghĩ đến bà ngoại, vì mẹ chợt nhận ra, để có được mẹ của ngày hôm nay, bà đã trải qua cơn đau đớn đến mức nào. Giống như mẹ đã yêu con, tình yêu thương của bà dành cho mẹ to lớn đến nhường nào.

Và mẹ khóc vì xót xa xen lẫn tự hào khi em bé mẹ sinh ra là một tiểu công chúa. Vì mẹ hiểu tâm trạng của mình cũng như những đau đớn bây giờ chính là cảm giác của con sau này, khi con trở thành một người mẹ. Vòng lặp cuộc sống sẽ trở lại. Giống như bà, giống như mẹ, như bất kỳ người phụ nữ nào, con sẽ phải một mình chiến đấu như một chiến binh can đảm, một mình sinh con trong phòng đẻ.

Nhưng mẹ tin rằng con sẽ mạnh mẽ vượt qua được thử thách, giống như cách mà bà và mẹ đã vượt qua, bởi vì, con là công chúa nhỏ của gia đình mình.

Mẹ yêu con rất nhiều!

Mẹ con mình duyên nợ với nhau bắt đầu từ chiếc que thử thai 2 vạch - 15

Content: Mẹ Bi Bon

Design: Quân Nguyễn

Bảo Phương
Nguồn: [Tên nguồn]