Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, đặc biệt là phái đẹp. Tuy nhiên, bạn có biết những sản phẩm làm đẹp bạn sử dụng hàng ngày đang góp phần khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng?
Sở hữu những món đồ skincare và makeup đắt tiền, đầy đủ từ son môi, màu mắt đến những loại kem dưỡng, sữa rửa mặt,... luôn là niềm tự hào của phái đẹp. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn dừng lại và nghĩ rằng những món đồ làm đẹp mình sử dụng đã và đang gây ảnh hưởng đến bản thân và môi trường sống?
Không dừng lại ở đó, những sản phẩm làm sạch cơ thể như dầu gội, sữa rửa mặt hay thậm chí là kem đánh răng đều có chứa hạt nhựa microbeads mang chức năng làm bóng bề mặt và làm sạch da. Tuy nhiên, quả cầu siêu nhỏ bằng nhựa có đường kính khoảng 1mm lại chứa chất độc rất khó phân hủy trong môi trường. Từ đó gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là đại dương và đe dọa nghiêm trọng trực tiếp tới đời sống của động vật dưới nước.
Với tình trạng đáng báo động này, ngành công nghiệp mỹ phẩm đã không còn nằm ngoài trào lưu “sống xanh”. Những năm gần đây, các thương hiệu mỹ phẩm cũng dần nhập cuộc, giới thiệu đến thị trường rất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, cá nhân bạn cũng có thể góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng cách thay đổi thói quen sử dụng mỹ phẩm hàng ngày.
Nhắc đến mỹ phẩm xanh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm hữu cơ hoặc những sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên. Tuy nhiên, mỹ phẩm xanh không chỉ đơn giản như thế.
Trong lĩnh vực mỹ phẩm, thuật ngữ này được sử dụng để mô tả các sản phẩm sử dụng các công thức, dây chuyền sản xuất hoặc phương pháp đóng gói thân thiện với môi trường. Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã công bố các hướng dẫn để làm rõ ý nghĩa của màu xanh lá cây hoặc tự nhiên trong các thuật ngữ tiếp thị, mặc dù các hướng dẫn này vẫn còn không rõ ràng.
Đối với ngành công nghiệp mỹ phẩm, mỹ phẩm xanh được định nghĩa là các sản phẩm làm đẹp sử dụng các thành phần tự nhiên được sản xuất từ các nguyên liệu thô tái tạo (renewable raw materials). Mặt khác, các hóa chất oleochemicals (dẫn xuất động thực vật) dựa trên sinh học, có nguồn gốc từ các nguồn thực vật và vi khuẩn tái tạo cũng là mấu chốt của phong trào mỹ phẩm xanh.
Trước làn sóng “xanh hóa” mỹ phẩm, không ít những thương hiệu làm đẹp nổi tiếng trên thế giới cũng đã nhanh chóng thay đổi, thể hiện trách nhiệm nhiều trách nhiệm xã hội hơn khi cho ra đời ngày càng nhiều những sản phẩm đặt môi trường và sự an toàn của người tiêu dùng lên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh.
Các loại mỹ phẩm hóa học mang đến tác dụng nhanh chóng, rõ rệt nhưng xét về lâu dài có thể gây tổn hại làn da như dị ứng, bít lỗ chân lông, bào mòn da,... Chưa kể, nếu sử dụng sai cách hoặc liều lượng không đúng, một số thành phần trong mỹ phẩm hóa học còn có thể tàn phá làn da một cách nặng về và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Trong đó, có nhiều thành phần hóa học không chỉ không bền vững với môi trường mà còn còn gây hại cho sức khỏe rất có thể tồn tại trong những sản phẩm làm đẹp bạn đang sử dụng, bao gồm:
BHA và BHT: BHA và BHT là các chất chống oxy hóa tổng hợp được sử dụng làm chất bảo quản, thường gặp nhất trong son môi và kem dưỡng ẩm. Trước đây, Ủy ban châu Âu đã công bố bằng chứng cho thấy BHA và BHT phá vỡ hệ thống nội tiết .
Coal tar dyes: Đây là nhóm chất nhuộm từ than đá, nhựa đường được tìm thấy nhiều trong dầu gội, sữa tắm, xà phòng, kem dưỡng da. Loại hỗn hợp của hóa dầu này từng được công bố có liên quan đến ung thư và gây nhiễm độc tế bào ở người.
Formaldehyde-releasing preservatives: Loại chất bảo quản này có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc tóc, chống nắng, sơn móng tay, cũng như trong các sản phẩm tẩy rửa như chất tẩy rửa bồn cầu. Chất bảo quản giải phóng formaldehyd sẽ có thể gây viêm da dị ứng, viêm khớp, tim đập nhanh hoặc nghiêm trọng nhất là ung thư ở người.
Aluminum: Thường tồn tại trong những sản phẩm khử mùi, ngăn tiết mồ hôi, Aluminum đi vào cơ thể qua mô nách và chặn ống dẫn mồ hôi. Loại chất này có liên quan đến ung thư vú, bệnh Alzheimer và rối loạn não bộ.
Dibutyl phthalate (DBP): DBP hay còn gọi là chất làm dẻo, chất chống ăn mòn, thường được tìm thấy trong các sản phẩm làm móng. Đây được coi là chất độc hại đối với các bà bầu vì có thể gây đột biến gen.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành công nghiệp mỹ phẩm xanh lại có sự phát triển vượt bậc đến như vậy. Bên cạnh tầm nhìn bảo vệ môi trường, các sản phẩm làm đẹp xanh, sạch còn mang tính hiệu quả tích cực trên nhiều loại da và thời gian tác dụng kéo dài lâu. Bằng cách chọn mỹ phẩm xanh, phái đẹp có thể bỏ qua những lo lắng vì độ độc hại của sản phẩm. Từ đó, họ sẽ có thể gìn giữ sức khỏe và sắc đẹp lâu dài hơn.
Bên cạnh việc sử dụng mỹ phẩm xanh, việc “xanh hóa” các sản phẩm làm đẹp thật ra đơn giản và không quá tốn kém. Chỉ cần bạn từng bước thay đổi thói quen sử dụng và dành nhiều thời gian hơn để tạo ra cho mình những sản phẩm làm đẹp thuần khiết, bạn đã có thể bảo vệ sức khỏe của chính mình và môi trường sống cho nhiều thế hệ.
Bất kì một cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Cuộc cách mạng “xanh hóa” làm đẹp cho làn da và bảo vệ môi trường cũng như vậy. Nếu bạn thật sự muốn nâng niu, chăm sóc cho bản thân mình cũng như góp phần giảm tải sức nặng lên Trái Đất, hãy bắt đầu từ ngay hôm nay!