Tết là phải đẹp! Có ai lại không mong mình có một diện mạo mới mẻ, lung linh hơn ngày thường để du Xuân chứ? Thời nay, khi cuộc sống đã ấm no và đủ đầy, việc làm đẹp đón Tết gần như đã được lên lịch chuẩn bị từ trước cả tháng trời. Đó là việc lăm le chiếc váy body quyến rũ mà phải tập luyện chăm chỉ và ăn kiêng nghiêm ngặt hay việc đặt lịch đi spa chăm da rồi làm tóc, làm móng, nối mi,...
Tuy nhiên, chị em có từng ngập ngừng đặt câu hỏi: “Không biết ngày xưa ông bà mình thời bao cấp, chuyện làm đẹp tóc tai, trang điểm hay chăm sóc da được thực hiện ra sao trong ngày cuối năm?”.
Thời nào cũng vậy, mái tóc được xem là thể hiện sức sống của người phụ nữ. Và đặc biệt là Tết là phải đẹp! Quần áo có thể diện lại chứ riêng cái tóc thì phải mới, đẹp và sang. Theo thời gian, phụ nữ Hà Thành hay Sài Thành đều dần bị ảnh hưởng các kiểu tóc của phụ nữ phương Tây.
Từ năm 1946 -1954, các tiệm uốn tóc xuất hiện ngày càng nhiều và chủ tiệm phần lớn vẫn là người Hoa. Về sau, khi đất nước hoà bình, kiểu mốt "tóc phi dê" hay còn gọi là tóc Trần Lệ Xuân cũng được lăng xê nhiệt liệt từ đây. Cứ đến Tết, ai ở thành thị thì kiểu gì cũng có mái tóc phi dê xoăn tít mới hợp mốt. Bởi vốn dĩ tóc tự nhiên là dài, thẳng nên làm xoăn là đại diện cho người của thời đại Đổi Mới.
Tuy nhiên thời bao cấp có quy định muốn hành nghề, các thợ phải qua trường lớp đào tạo và phải được ngành Quản lý ăn uống và phục vụ cấp chứng chỉ. Do đó, việc làm đẹp tóc thời xưa vô cùng đắt đỏ, thợ làm tóc hẳn cũng thuộc giới dư giả và người làm cũng phải là người có tiền.
Kể về quá trình làm ra được mái tóc phi dê đó cũng khiến nhiều người “cười ra nước mắt”. Thuốc làm tóc những năm 1975 được chế từ amoniac, người ta hay ví là “khai hơn nước đái khỉ", mới ngửi mùi thôi đã cay xè mắt. Do đó, chị em phải nhét bông vào lỗ mũi cho bớt mùi suốt 4 tiếng đồng hồ, nhưng chẳng phải uốn tóc xong là hết mùi, chị em phải đợi cả mấy ngày liền mới mong loại mùi đặc trưng này bay đi hết.
Không chỉ vậy, dụng cụ làm tóc thời đó còn rất thô sơ, chẳng khác “dây may so” trong ấm điện đun nước. Đó là những trục nhôm có răng cưa, sau khi bôi thuốc lên tóc, thợ cuốn tóc vào trục nhôm đó, càng siết chặt tay, tóc càng xoăn đẹp. Sau đó, thợ tiếp tục quấn những sợi dây điện có một đầu gắn kẹp mỏ vịt bằng nhôm lót lớp giấy mỏng, kẹp vào trục nhôm trên đầu khách, một đầu thì cắm vào ổ điện.
Mái tóc đại diện cho cả một nền văn minh hiện đại này lại hoàn toàn hợp với áo dài hoặc những bộ cánh xòe mà các quý cô vẫn thường chưng diện mỗi dịp tham gia khiêu vũ, tiệc tùng. Do sự giao thoa của nền văn hóa Pháp nên các quý cô ngày ấy cũng rất thời thượng khi xúng xính thêm phụ kiện bông tai, vòng cổ lấp lánh. Trang sức thời kì hậu chiến không có đa dạng mà chủ yếu là vàng ta. Cô nào có ngọc trai hay đá quý thì chứng tỏ gia đình sống rất vương giả.
Giai đoạn từ những năm 1975, các dòng mỹ phẩm “ngoại lai" từ Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Đông Âu bắt đầu xuất hiện như như phấn Bông Lúa, phấn Con Én, UB, UE, AC, son gió Thái Lan, sáp nẻ Liên Xô…. Nước ta cũng tự sản xuất được một số loại hoá mỹ phẩm như phấn nụ, dầu gội bồ kết... Nhờ đó mà chị em phụ nữ dần cập nhật xu hướng “họa mặt" du Xuân.
Tuy không đam mê son phấn giống giới trẻ bây giờ, phái đẹp ngày ấy dù ra đường không dặm phấn cầu kỳ vẫn không thể thiếu khoản đánh son. Tuy nhiên, vì không có nhiều lựa chọn, chị em thời bao cấp thường chỉ quen thuộc nhất với thỏi son gió có xuất xứ từ Thái Lan. Dòng son này có hai loại vỏ đỏ và vỏ xanh, chất son thường có một lớp dưỡng mềm nên tô lên không sợ bị khô môi. Vào mùa đông ở miền Bắc, phái đẹp còn tận dụng son gió để đánh má hồng hây hây.
Khi tô son này, chị em thường phải rất cẩn thận, bởi khi mới đánh ở trong nhà thì màu môi chỉ hồng hồng, nhưng hễ ra ngoài gặp gió là ửng đỏ ngay. Do đó, ai mà không căn chuẩn sẽ dễ bị lên màu quá đà.
Thời đại công nghệ số, khi trang điểm, phái nữ có 7749 lớp còn những năm Đổi Mới chị em chỉ có cặp đôi Kem Sâm và Phấn Bông Lúa. Ưu điểm của bộ đôi “thần thánh" một thời này là bám rất lâu, mùi thơm đậm, nhưng khuyết điểm là chúng chỉ có đúng 1 tông màu trắng đúng nghĩa.
Loại kem phấn lừng danh một thời với vỏ hộp nhựa, bao bì đủ màu này cũng có xuất xứ từ Thái Lan. Khi đánh lên, chúng không chỉ giúp da trắng hơn mà còn cho cảm giác mịn màng và khô ráo.
Ngắm lại những bức ảnh xưa, đặc biệt ảnh đám cưới, không khó để thấy cô dâu chú rể mặt hoạ trắng phớ, môi đỏ chót lệch hẳn vài tông da với cổ và tay. Thời hiện đại bây giờ nhìn sẽ phì cười, nhưng thời xưa như vậy là mốt thịnh hành.
Ngoài ra, người ta cũng chuộng sử dụng các loại phấn mắt có hai gam màu cơ bản như xanh dương, xanh lá để trang điểm cho đôi mắt. Xưa kia, ông bà ta thường ngâm nga câu “Những người con mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”. Do đó, chị em xưa kia lăng xê tích cực hàng lông mày cạo mỏng nhưng được tô đậm, có độ cong rủ xuống như cành lá liễu. Câu nói “mắt xanh mỏ đỏ” cũng bắt nguồn từ gu trang điểm rất thịnh hành này.
Khi đất nước đang kỳ Đổi Mới, nhà tuy đông con nhưng nhìn chung cuộc sống rất vui và ấm cúng. Nhà ở có thể bé nhưng vườn tược phải có, rộng rãi và phủ xanh cây cối. Chủ trương tự cung tự cấp chính là giải pháp nhà nước đề ra thời kỳ này.
Quan niệm xưa cho rằng: “Cái răng, cái tóc là góc con người" nên ai nấy đều chuộng nuôi tóc đen dài. Nhiều bà cụ lưng còng, đi không còn vững nhưng vẫn mực thước với mái tóc nuôi dài tới lưng quần để vấn với khăn. Vì điều kiện mua sắm dầu gội không có nhiều, nhà nào giàu thì có dầu gội dược liệu bồ kết hay nước rửa chén đa năng dùng được cho tắm, giặt, gội thì cũng xài rất chắt bóp, tiết kiệm. Bí quyết chăm sóc tóc của các cụ chỉ dung dị với vài trái bồ kết. Bồ kết đến mùa được thu hoạch và phơi khô qua vài nắng, sau đó đóng bì dùng cho cả năm.
Những ai bị gàu ngứa thì phải dùng công thức muối hạt và chanh, cứ cho vài hạt muối lên đầu và gãi, sau đó xát chanh là sạch tiệt gàu. Tuy nhiên, cách này hơi xót da đầu nếu tham gãi mạnh nhưng hiệu quả rất cao.
Ông bà vẫn thường có câu “Bồ kết sạch gầu, mần trầu tốt tóc”. Cỏ mần trầu không có mùi thơm như bồ kết nhưng chữa được chứng tóc rụng cho nhiều chị em mới sinh, tóc rụng và gãy nhiều. Loại cỏ này ngày xưa mọc dại rất nhiều nhưng ngày nay bị bê tông hóa nên tìm được chúng rất khó.
Thực hiện 3 lần/tuần không những tình trạng rụng tóc sẽ cải thiện đáng kể mà tóc còn mọc đen đều và mượt như suối. Vì được chăm chút từ cây cỏ thiên nhiên không có hóa chất nên trộm vía tóc ai cũng đen bóng, dài và đẹp.
Các loại dược liệu thiên nhiên đó tuy giúp tóc mềm, đen óng và phảng phất mùi hương dễ chịu nhưng lại không thể giải quyết được vấn đề chấy rận. Nghe đến chấy khiến nhiều người giật mình nhưng ngày xưa, có lẽ không một ai không bị chấy. Ai từng bị chấy sẽ hiểu tốc độ sinh đẻ kinh khủng của chúng đến nhường nào. Tóc càng dài và dày thì lại càng ngứa. Trẻ con thời đó đứa nào còi cọc do chấy nhiều sẽ không được cho nuôi tóc dài.
Trong cái khó ló cái khôn, ông bà mình lại tìm tòi ra nhiều biện pháp dân gian cứu cánh. Lược bí, hạt na hay dầu hoả chưa bao giờ được trọng vọng đến vậy. Đối phó với kẻ thù của phái đẹp, người xưa dùng hạt na giã nát hay dầu hỏa bôi lên đầu chưa đủ mà còn phải lấy lược bí chải đi chải lại cho ra hết chấy và trứng chấy. Bắt được con nào thì tuốt ra theo chiều dọc sợi tóc, sau đó, lấy móng tay dí cho chết hoặc được con chấy “cụ” thì đưa lên miệng cắn cái “tách” nghe rất đã tai.
Thời kỳ 1976-1986 bắt đầu xuất hiện bánh xà bông nhập của Liên Xô, tuy nhiên, chỉ có nhà khá giả mới có. Ai sắm được cục xà bông liền đem về quấn mấy lớp khăn mùi xoa để bảo quản hương thơm và chỉ dám dùng vào dịp quan trọng. Dù xà phòng khan hiếm là vậy nhưng phái nữ rất ít khi mắc bệnh về da vì nguồn nước sạch và tắm nước lá thường xuyên.
Ngoài việc làm sạch và tẩy da chết bằng đá cuội nhặt nhạnh ở khe suối thì chị em còn tự “ướp hương" cơ thể với công thức dược liệu “cây nhà lá vườn" từ sả, lá bưởi, tía tô, chanh, lá tre,...
Nguyên tắc đun càng lâu thì tinh dầu có trong các loại lá tiết ra càng nhiều. Do đó, mỗi lần đi tắm mỗi thành viên trong gia đình lại chia nhau mỗi người 1 ca nước lá, hòa vào thau nước lã lớn và kì cọ. Mùi dược liệu của cây nhà lá vườn tuy không lưu hương được lâu trên da nhưng nó rất dễ chịu.
Nồi nước lá bí truyền này còn được dùng để xông hơi cho những lần bị cảm cúm, chỉ cần trùm chiếc chăn xuân hè lên mà mở hé nồi nước sôi cho hơi xông lên vã hết mồ hôi như tắm là khỏi. Xông đến đâu lấy khăn lau đến đó, chiếc khăn bông sẽ lau đi hết bụi bẩn, đất ghét. Do đó mà ai cũng cảm thấy như nhẹ hẳn người đi khi được xông với lá. Ngày nay, chị em vẫn còn áp dụng và sử dụng để xông mặt, làm sạch lỗ chân lông.
Giờ đây, khi cuộc sống đã no đủ, nữ giới có thể thoả sức kết thân với muôn phương pháp, công nghệ làm đẹp tức thì. Thậm chí, chẳng phải đợi đến Tết mới có thể đẹp mà quanh năm suốt tháng, chỉ cần phụ nữ cần là sẽ có cơ hội được đẹp.
Chỉ tính riêng mái tóc cũng có vô vàn phương thức làm đẹp. Chị em không chỉ có uốn, duỗi mà còn dập phồng, tẩy, nhuộm hay nối ngắn thành dài. Các kiểu tóc cũng đa dạng và thời trang hơn mà không còn rập khuôn trong danh sách tóc mẫu Thái Lan đình đám như trước. Quy trình làm tóc được thực hiện nhanh và đặc biệt là thơm hơn xưa nhiều.
Đâu chỉ riêng khoản làm đẹp tóc mà khoản chăm da, sửa dáng cũng có hằng hà vô số mỹ phẩm hỗ trợ. Đồ trang điểm được sản xuất cho nhiều tông da, gam màu lên tự nhiên và giữ được trong nhiều giờ. Dù là mùa nào, chị em cũng có đồ chăm sóc da mà không phải tranh nhau mỗi lọ sáp nẻ Vaseline nữa. Hay cuối năm Tết đến, chỉ cần ào ra spa làm từ đầu đến chân trong vài tiếng ngắn ngủi là có ngay làn da trắng mịn, lung linh đón xuân.
Tuy nhiên, cũng chính vì có quá nhiều phương thức làm đẹp nhanh tức thì đó mà xảy ra nhiều vụ tai nạn “dở khóc dở cười" ngày giáp Tết. Nhiều chị em không giữ được “cái đầu lạnh" mà lao như thiêu thân vào những thẩm mỹ viện hay spa không uy tín rồi “tiền mất, tật mang". Do đó, nhiều chị em đã quay lại chọn những phương pháp cổ truyền, hạn chế hóa chất của ông bà xưa kia.
Kể đến tiêu biểu nhất là các phương thức chăm sóc da, tóc bằng cây cỏ. Lí do một góc chợ ngày Tết lúc nào cũng huyên náo những chị em tìm mua lá mùi để xông thơm, cỏ mần trầu để gội đầu hay lá trầu không để xông da. Ai ai cũng rôm rả và háo hức vì một cái Tết với nhiều điều mới và may mắn. Tết khi ấy bỗng dưng đậm đà dư vị hoài cổ, ấm áp của một thời ông bà anh xưa kia.
Thời xưa, khi lương thực còn thiếu thốn, ông bà chưa có dư dả nhiều nên muốn Tết làm đẹp là phải tằn tiện từ trước đó cả vài tháng trời. Có thể nói, việc gian nan đi tìm phương thức làm đẹp thời bao cấp xưa trong điều kiện khốn khó khiến người ta trân trọng nhiều thứ xung quanh mình hơn, dù thiếu thốn nhưng thật đẹp.
Tuy nhiên, cái gì đã qua, hãy nên để lại ở quá khứ, tương lai vẫn đang đến, do đó hãy sống vì hiện tại. Dù đôi lúc hiện đại làm nhịp sống trở nên nhanh hơn, Tết mỗi năm vẫn thay đổi nhưng chắc chắn, nhan sắc của chị em sẽ một ngày đẹp và hoàn thiện hơn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.