“Mẹ ơi, bao giờ tay này của con mọc?” - Hà Phương nhìn vào tay trái của mình và hỏi mẹ.
Người mẹ mỉm cười trìu mến nhìn con, nhẹ nhàng đáp: “Tay này không mọc nữa đâu. Mẹ bỏ quên ở trong bụng rồi”.
Đó là câu chuyện của khoảng thời gian hơn 10 năm trước mỗi khi mọi người trong gia đình nói về Hà Phương (SN 2005, Hà Nội) – mẫu nhí 14 tuổi cụt tay gây sốt trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Lúc ấy, mỗi khi nghe câu trả lời này của mẹ Thu Hằng, Hà Phương sẽ bày tỏ sự hài lòng của mình bằng một nụ cười ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo. Thế nhưng thời gian trôi đi, nụ cười ấy của em cũng chợt “tắt dần”, thay vào đó là những giọt nước mắt khi mà tụi bạn trêu ghẹo về khiếm khuyết trên cơ thể Hà Phương. Và phải đến gần 1 năm nay, nụ cười trong trẻo ấy mới quay trở lại khi em tìm thấy niềm đam mê với sàn catwalk - nghề người mẫu.
Nhờ mẹ, gia đình, cô giáo Hạ Vy, Hà Phương từ cô bé có phần rụt rè, tự ti đã chấp nhận để biến khiếm khuyết của mình trở thành điều đặc biệt mà ít ai làm được.
Hà Phương là con gái thứ 2 của chị Thu Hằng. Cũng giống như chị gái hơn 5 tuổi, Phương sở hữu gương mặt xinh xắn cùng chiều cao vô cùng nổi bật - 1m75. Tuy nhiên, em sinh ra lại kém may mắn hơn vì bị khiếm khuyết một bên tay trái.
Đến bây giờ, chị Hằng vẫn không thể quên ngày tháng 5 của 14 năm về trước khi bé Hà Phương chào đời trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình và các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai với một bên tay khiếm khuyết.
Nhớ lại ngày mang bầu bé Phương, chị Hằng kể, cũng như nhiều bà mẹ khác, vợ chồng chị vô cùng hạnh phúc, háo hức mong chờ chào đón thiên thần bé nhỏ. Thai kỳ của chị trôi qua khá suôn sẻ, chỉ có duy nhất một ngày ở tháng thứ 3 chị bị sốt nhẹ 38,5 độ, phải uống thuốc cảm cúm.
Lo lắng về tình hình con, đến tháng thứ 4, chị đã cẩn thận đi siêu âm 3D hiện đại nhất lúc bấy giờ nhưng đều nhận được kết quả từ bác sĩ thông báo con phát triển tốt, tứ chi bình thường. Thậm chí lúc gần sinh, linh tính của người mẹ lo sợ có điều không hay chị cũng đã đi kiểm tra lại nhiều lần nữa nhưng đều nhận kết quả “không vấn đề” gì.
Những tưởng yên tâm với kết quả ấy, nào ngờ khi Phương chào đời, chị và gia đình đã khóc rất nhiều khoảnh khắc lần đầu thấy con. “Mình sinh thường, con chào đời nặng 2,7kg. Cả nhà đều không chuẩn bị tâm lý trước cho tình huống này nên rất bất ngờ. Bác sĩ ngạc nhiên lắm có hỏi tại sao siêu âm không phát hiện được.
Năm đó cũng có một bạn bị như con, mẹ bạn ấy cũng bị ốm sốt nhưng phát hiện được ở tháng thứ 7 còn con thì không phát hiện được ra”, chị Hằng nhớ lại.
Suốt một tháng trời sau sinh, chị Hằng chỉ nằm ôm con và khóc. Chị thương Hà Phương bé nhỏ của mình và ước mình có thể thay thế những điểm khuyết trên cơ thể cho con. Quãng thời gian ấy, con chính là động lực để chị vượt qua tất cả. Mỗi lần nhìn thấy con cười, chơi ngoan chị lại tự nhủ lòng mình cố gắng vực dậy. Từ đó, chị dần lấy lại tinh thần, tham gia các hoạt động để quên nỗi buồn và tham khảo sách báo, gặp những mẹ có hoàn cảnh tương tự để giúp con thay đổi tốt hơn.
Chị Hằng tâm sự, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Mặc dù Hà Phương mất tay trái nhưng lại cho con sức khỏe, sự cẩn thận, thích nghi và phản xạ tốt.
Từ nhỏ Hà Phương đã rất ngoan, không hề quấy khóc mẹ, cứ ăn rồi ngủ, mỗi lần thức dậy lại nằm chơi, không hề làm nũng. Mọi thứ từ ăn uống, tập đi, sinh hoạt, tắm giặt, con cũng đều tự giác học và làm từ 3 tuổi trở đi.
2-3 tuổi Phương đã cầm thìa xúc ăn rất khéo, quần áo cũng biết tự cài khuy. 6 tuổi biết tự khâu vá những đồ rách. Đồ ăn bé cũng bóc rất khéo dù chỉ có một tay. Phương luôn nhớ lời bố mẹ dặn và luôn tuân thủ, làm tốt mọi điều dù ở nhà hay trên lớp.
“Con rất cẩn thận trong mọi thứ. Nếu chị gái tập đi ngã nhiều thì con lại ít bị ngã. Phản xạ của con tốt lắm. Nền nhà lau ướt, con luôn cố gắng bám chặt ngón chân xuống để đi, có lần con bước hụt cầu thang nhưng vẫn bám chắc vào tay vịn và khóc để gọi mọi người.
Từ 3 tuổi cho đến giờ, con tự giác lắm, không bao giờ mẹ phải làm gì, kể cả việc ăn uống, con đói xuống nhà xem còn cơm nguội hay còn gì ăn không.
Khi bố mẹ đi làm, con ngủ dậy không thấy ai, tự xuống nhà chẳng khóc nhè gì cả thấy ai đi qua thì nhờ gọi ông bà nội về mở cửa cho.
Mỗi khi gia đình đi chơi, chỉ cần nói giờ cho con, con sẽ dậy sớm nhất nhà để chuẩn bị mọi thứ rồi chờ mọi người”, chị Hằng cười khi nói về con gái.
Từ khi sinh Hà Phương, chị Hằng thay đổi cách nghĩ về cuộc sống hoàn toàn, cảm thấy vui vẻ hơn, không hề oán trách hay bi quan.
Nếu như với con gái lớn, chị luôn cố gắng dạy con vào khuôn khổ thì với Hà Phương, chị lại để con phát triển tự nhiên, theo sở thích hội họa mà không gây áp lực. Chị hiểu những khó khăn, những nỗi buồn con trải qua về sự khác biệt của mình nên luôn để cho con thoải mái nhất và luôn ở bên cạnh động viên, làm bạn với con.
Nhìn Hà Phương với ánh mắt trìu mến, chị Hằng cười, nhớ lại những câu hỏi ngày còn nhỏ ngây thơ, đáng yêu của Phương “Bao giờ tay con mọc ra?” khi thắc mắc về sự khác biệt của mình so với mọi người. Và hơn 10 năm nay, chị vẫn luôn ân cần, nhẹ nhàng để giải thích cho con, khóc cười cùng con về khiếm khuyết bẩm sinh ấy.
“Hồi nhỏ con trầm hơn các bạn, khi lớn lên biết một tí, con cũng để ý đến tay, thắc mắc “Sao tay con không giống các bạn? Bao giờ tay nó mọc ra?”, mỗi lần như vậy mình lại bảo con rằng “Tay này không mọc đâu, mẹ để quên ở trong bụng rồi”, bạn ý cười không để ý.
Khi đi học lớp 1, các bạn chú ý, con trầm, ít chơi hơn. Lớp 4-5 phát triển hơn, con lại cao nhất lớp nữa nên các bạn hay trêu, con thường về nhà khóc bảo mẹ: “Mẹ sinh con mất một tay nên các bạn cứ trêu”. Mình lại truyền đạt suy nghĩ của mình cho con, động viên con đừng buồn, bây giờ các bạn trêu nhưng sau này lớn lên các bạn sẽ quên và không trêu nữa hoặc khích lệ con “Con đừng buồn, số mình sinh ra đã thế nên con cố gắng lên. Các bạn có trêu cũng đừng làm gì xấu với các bạn”, có nhiều lần 2 mẹ con còn ôm nhau khóc nữa”, chị Hằng cho biết.
Không chỉ được mẹ thường xuyên nói chuyện, tâm sự, giải thích, Hà Phương còn có bố cùng ông bà chăm sóc từ nhỏ chia sẻ mọi điều và có chị gái luôn quan tâm, yêu thương. Bên cạnh đó, em cũng thường xuyên đọc những sách tâm linh, nghị lực sống nên dần lạc quan, tự tin, suy nghĩ tích cực, đỡ buồn hơn.
Chị Hằng cho biết, suốt quãng thời gian đi học, Hà Phương được thầy cô yêu quý, tạo điều kiện rất nhiều. Hơn nữa lên cấp 2, bạn bè thay đổi không còn trêu chọc về sự khác biệt nữa nên em vui hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Phương vẫn khá trầm và e dè, mãi đến 8 tháng trở lại đây, sau khi tham gia học lớp đào tạo của siêu mẫu Hạ Vy, em mới tự tin, cởi mở hơn, không còn mặc cảm về sự khác biệt của mình. Đặc biệt, em "lột xác" khi có thể diện chiếc máy hở tay tạo dáng chuyên nghiệp, thể hiện biểu cảm tốt trước ống kính máy ảnh.
Nếu như trước đây, Phương luôn mông lung về tương lai, luôn lo lắng khi hỏi mẹ “Mai sau con sẽ làm gì thì giờ đây em đã tìm được con đường phía trước mình phải theo đuổi, đam mê thực sự của mình.
“8 tháng trước, mình và chị bạn có dẫn con tới lớp đào tạo của siêu mẫu Hạ Vy, mục đích chính là mong sửa lại hình thể cho con vì con bị thiếu nửa cánh tay trái dẫn tới dáng người hơi lệch. Con cũng hơi gù nữa vì con cao hơn các bạn, cứ gù xuống để bằng các bạn.
Cô Vy có yêu cầu con đi lại và nhận con luôn, lo hết toàn bộ chi phí học tập. Cô bảo sẽ làm cho con hết tự ti và biến khiếm khuyết trên cơ thể con thành đặc điểm để con tự tin, mạnh dạn trình diễn thời trang cũng như trong cuộc sống.
Mấy tháng đi học con thay đổi hoàn toàn, yêu nghề và chăm chỉ lắm. Có hôm con mệt mình không cho đi học nữa nhưng con vẫn không chịu nghỉ, tập 2 ca luôn dù trời nắng hay mưa”, chị Hằng cho hay.