tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 3

Ca phẫu thuật tách dính cặp song sinh Việt - Đức vào tháng 10/1988, ca mổ tách dính đầu tiên của Việt Nam tuy đã trải qua hàng chục năm nhưng vẫn được mọi người nhắc đến như một kì tích. Đặc biệt, cuộc sống của người em Nguyễn Đức từ khi người anh Nguyễn Việt qua đời vẫn luôn được quan tâm. Hơn 30 năm trôi qua, Nguyễn Đức bây giờ đã có tổ ấm riêng, là trụ cột trong gia đình và là người cha tuyệt vời của hai con.

Câu chuyện về nghị lực sống của anh Nguyễn Đức đã truyền cảm hứng rất nhiều đến những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Đến khi anh kết hôn, có con, một tay vừa lo kinh tế vừa san sẻ với vợ trong chuyện nuôi dạy con, mọi người càng dành sự nể phục cho ý chí và tinh thần lạc quan của ông bố đặc biệt này.

Cuộc sống của anh Nguyễn Đức bây giờ là sáng đưa 2 con đến trường, đến cơ quan làm việc và chiều về nhà với bữa cơm gia đình. Anh hiện tại đang phụ trách đối ngoại Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP Hồ Chí Minh, Đại sứ hoà bình tại Nhật Bản và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc tế Hiroshima - Nhật Bản.

Bận rộn với công việc ở cơ quan, các dự án vì cộng đồng, lại kiêm luôn chuyện dạy các con, quan tâm học hành của con… Anh Nguyễn Đức vẫn cố gắng sắp xếp chút thời gian để có thể chia sẻ đến mọi người về cuộc sống của gia đình mình. Đặc biệt, đây cũng là lần hiếm hoi ông bố 2 con chia sẻ rất nhiều về 2 thiên thần nhỏ song sinh của mình và quá trình anh nuôi dạy, đồng hành cùng các con từ những em bé sinh non, thiếu kí đến những đứa trẻ dễ thương, ngoan hiền và rất hiểu chuyện.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 4

Phản ứng đầu tiên của các anh khi biết tin mình sắp lên chức làm bố sẽ thường là vui mừng xen lẫn với hồi hộp, lo lắng. Nhưng anh còn là một nạn nhân của chất độc da cam, khi biết tin có con, anh có sợ con sẽ ảnh hưởng vì những di chứng không?

Lúc đó người bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là vợ tôi. Tôi thì không bị nặng nề về tâm lí vì từ khi tôi sinh ra và lớn lên đã sống trong môi trường của những người khuyết tật, tôi hiểu được tâm tư tình cảm của những đứa trẻ khuyết tật. Vì vậy, dù con tôi sinh ra có như thế nào thì đó cũng là máu mủ của mình, bằng mọi cách tôi vẫn phải nuôi con.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 5

Sinh đôi với nhiều gia đình là niềm vui nhân đôi nhưng với những hoàn cảnh khó khăn thì có song sinh còn là áp lực kinh tế nuôi con nữa. Với anh chị thì thế nào?

Thật sự, vợ chồng tôi đã phải có sự chuẩn bị về tinh thần, kinh tế mới dám có con. Mặc dù tôi không dám nghĩ mình may mắn đến mức có song sinh nhưng trước đó cũng đã để dành tiền nuôi con.

Đúng là niềm vui cũng đi đôi với áp lực kinh tế nhân đôi. Khi con còn nhỏ thì cũng có gánh nặng nhưng những chuyện như tã, sữa… còn trong khả năng của mình. Đến khi con bắt đầu lớn thì gánh nặng mới thật sự khiến tôi nặng nề. Ngoài ăn uống, sinh hoạt bình thường thì nào phải lo cho con đi học, còn các khoản học thêm và nhiều chi phí phát sinh… Đến hiện tại, tôi vẫn cố gắng nuôi các con đủ đầy bằng đồng lương đi làm của mình.78

Không ít người tò mò về giai đoạn anh làm ông bố bỉm sữa. Biết rằng anh rất nghị lực trong cuộc sống nhưng những việc như phụ vợ chăm con nhỏ có gây khó khăn cho anh không?

Mọi người vẫn có suy nghĩ là người lành lặn sẽ phải hỗ trợ, giúp đỡ người không lành lặn nhưng tôi nhận thấy bản thân mình từ nhỏ đã rất cá tính. Tôi không muốn mọi người nhìn mình với ánh mắt thương hại, một người tàn tật không làm được gì cả. Từ nhỏ tôi đã hình thành bản năng phải tự mình nỗ lực, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Người bình thường làm được điều gì, thì tôi cũng làm được điều đó.

Từ khi con tôi chào đời, chỉ có lúc mới thì tôi không dám bế vì con thiếu tháng, bé nào cũng nhỏ xíu nên mình sợ bế rớt con (cười). Còn sau đó, mọi người chăm con thế nào thì tôi cũng làm như thế. Tôi vẫn chia sẻ công việc chăm sóc các con với vợ để gắn kết tình cảm gia đình, để các con cũng cảm nhận được tình yêu tôi dành cho con. Tôi không dám nghĩ tới chuyện sau này con báo hiếu nhưng ít ra khi các con tôi lớn lên, chúng cũng tự hào về người cha đã dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho mình.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 8

Qua một số lần xuất hiện trên truyền hình, thấy hai con của anh rất ngoan. Trong cuộc sống đời thường, tính cách hai bé thế nào? Có giống nhau không?

Ai cũng nhận xét các con tôi hiền quá, như lần vừa rồi khi diễn viên Ngọc Lan, Quốc Thuận đến nhà, họ cũng nói hai bé như vậy. Thật sự mọi người thấy các bé thế nào thì đời thực cũng thế, không hề có chuyện diễn trước ống kính.

Về phần tính cách thì tuy là sinh đôi, hai anh em đều hiền lành nhưng không phải giống nhau hoàn toàn. Con gái giống ba nhiều hơn, bé ít nói, trầm tính, chỉ khác cái là hơi hậu đậu (cười). Còn con trai thì giống mẹ hơn, hoạt bát, đôi lúc có “chí chóe” nữa.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 9

Thấy hai anh em lúc nào cũng quấn quít và chỉ chơi với nhau, điều này có khiến các bé khi đến trường có phần bị cô lập với bạn bè không thưa anh?

Hai bé năm nay đang học lớp 6, từ nhỏ đến giờ vẫn học chung lớp, ở nhà hay ở trường cũng quấn quít lấy nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con không chơi với các bạn ở trường. Thỉnh thoảng các con vẫn xin ba mẹ cho đi chơi, cho gặp bạn… Và khi có sự đồng ý của ba mẹ, 2 anh em mới đi.

Hai đứa thương nhau đến mức vợ chồng tôi cảm nhận không thể tách chúng ra được. Từ khi các con còn bé đến giờ, chúng tôi quan sát con rất nhiều. Ví dụ những dịp Tết, ngày xưa bảo đi đâu là vui vẻ đi ngay, còn bây giờ, đi đâu cũng phải có anh, có em thì mới đi. Còn nếu tách ra mỗi bé một nơi thì có đi đâu con cũng không vui, hỏi ra thì đứa nhớ anh, đứa nhớ em.

Khi còn nhỏ, có thể các con vẫn rất vô tư, nhưng khi đã hiểu chuyện rồi, có bao giờ con đề cập đến chuyện ngoại hình của ba không thưa anh?

Con gái tôi thì chưa bao giờ nhắc đến, con trai thì có lần đã hỏi: “Ba bị chất độc da cam hả ba? Chất độc da cam là gì?”. Lúc đó thì tôi giải thích cho con hiểu thế nào là chất độc da cam, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thôi chứ con cũng không hỏi tới hay làm khó tôi. Về chuyện ba là người khuyết tật, cả hai anh em không bao giờ đề cập, các con vẫn vui vẻ, bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác. Chưa bao giờ tôi nghe con nói đến vấn đề bạn bè bàn tán về ba dù mỗi ngày tôi vẫn đứng trước cổng trường đón con, bạn bè cùng lớp vẫn thấy.

Có thể các bé cũng không nói gì hoặc có nhưng tôi không biết. Tôi luôn dạy con con sự tập trung, tôi vẫn nói với con rằng đến trường là để học tập, con chỉ cần chú tâm học hành, còn chuyện bạn bè nói gì, con không cần quá bận tâm để ảnh hưởng đến mình

Tôi thấy rất hạnh phúc vì các con mình hiểu chuyện và biết thương ba. Nhiều khi đi ngoài đường, tôi đã từng nghe vài đứa trẻ nói về mình: “Chú này một giò”. Rồi có khi đang ngồi uống cà phê với bạn, cậu bé bàn kế bên hiếu kỳ nói lớn với mẹ về tôi: “Mẹ ơi sao chú này một giò kìa”…

Tôi nghe hết nhưng không phản bác, nhiều người trong hoàn cảnh như tôi có thể thấy như mình bị xúc phạm, bị kì thị nhưng tôi nghĩ mình đủ kiến thức, mình hiểu chuyện nên tôi chỉ lơ đi như mình không nghe thấy.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 12

Anh đi làm cả ngày, vợ thì ở nhà lo nội trợ, hai vợ chồng có phân chia việc nuôi dạy con không hay chủ yếu là vợ đảm nhận?

Về chuyện đưa đón con đi học thì tôi và vợ cùng nhau sắp xếp. Ví dụ sáng tôi đi làm thì đưa 2 con đến trường luôn. Còn buổi chiều đến tối, vì tôi đã đi làm cả ngày rồi nên phần lo cho con như: đón con đi học về, đưa đón con đi học thêm buổi tối, lo ăn uống… thì bà xã tôi lo hết.

Ngoài ra, những chuyện liên quan đến kiến thức, bài vở của con thì vợ giao hết cho tôi vì thú thật hoàn cảnh vợ tôi ngày xưa cũng chỉ được học đến lớp 7, trình độ không có, chỉ là dân lao động thôi. Vì vậy, không riêng gì chuyện con cái mà mọi chuyện trong nhà, cô ấy cũng để tôi toàn quyền quyết định.

Anh có phải một người cha nghiêm khắc với các con?

Tôi có nghiêm khắc nhưng lại rất mến trẻ con. Trong gia đình nào cũng phải có người nương, người răn con. Trong nhà thì tôi là người được các con thương nhất vì dù có nghiêm khắc, tôi cũng không bao giờ đánh con, quát mắng lớn tiếng. Khi nào nóng giận quá thì tôi cũng chỉ la 1 tiếng cho con sợ thôi. Còn chuyện một vài lần dùng đòn roi răn con thì chính là mẹ, vậy nên tụi nhỏ lúc còn chưa hiểu chuyện thì nói: “Ghét mẹ vì mẹ dữ quá”.

Ba thì mềm mỏng, nhẹ nhàng khi dạy con, mẹ lại trái ngược. Điều này có làm cho hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn không?

Đúng là tôi và vợ khá khác nhau trong chuyện nuôi dạy con nhưng chúng tôi lại khá ít khi xảy ra mâu thuẫn. Lí do là ngay từ đầu hai vợ chồng đã có sự phân chia rõ ràng. Con học ra học, chơi ra chơi, khi học xong thì tôi sẽ là người chủ động đưa con đi chơi. Một cái may mắn nữa là 2 bé rất ngoan, biết nghe lời và không làm cho ba mẹ phải tranh cãi vì chuyện của con.

Con tôi chỉ cần thấy bố mẹ cãi vã là đứa nào cũng khóc. Chiêu của 2 đứa là thấy bố mẹ lớn tiếng là vào, đứa năn nỉ ba, đứa năn nỉ mẹ. Tôi thấy thương con nên có nói với vợ rằng con bây giờ cũng lớn rồi, hiểu chuyện rồi, có cự cãi gì cũng nên tránh để không ảnh hưởng đến con mặc dù những chuyện này trong gia đình tôi cũng rất hiếm khi xảy ra.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 15

Xu hướng nuôi dạy con của những gia đình trẻ hiện nay là trở thành bạn của con. Bố mẹ đồng hành, gần gũi như bạn thân để con có thể chia sẻ mọi điều. Không biết gia đình anh chị thì thế nào?

Tôi phải thừa nhận rằng đây là một phương pháp dạy con rất hay và đúng. Thú thật là tôi cũng không biết đến cách dạy con này, chỉ vài năm gần đây tôi mới thấy những người xung quanh mình dạy con họ như vậy nên thấy khá ngạc nhiên. Còn với gia đình tôi thì từ trước đến nay đều đã quen với cách dạy truyền thống rồi, con là con mà ba mẹ là ba mẹ. Dù biết xu hướng đó hay và cần tiếp thu nhưng để thay đổi là điều rất khó.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 16

Nói về định hướng tương lai cho các con lúc này có vẻ hơi sớm, nhưng anh từng chia sẻ mình phẫu thuật nhiều và sức khoẻ yếu đi. Vậy chuyện học hành, tương lai của con… Anh và vợ có sự chuẩn bị gì chưa?

Đúng là tôi đã trải qua các cuộc phẫu thuật lớn nhỏ lên đến 10 lần, sức khỏe giảm sút nhiều, tôi còn bị thận nên vấn đề sức khỏe, tuổi thọ cũng được cảnh báo từ lâu. Tôi là nạn nhân chất độc gia cam nên tôi hiểu biết một phần ảnh hưởng đến thế hệ con mình, dù bây giờ các con tôi vẫn phát triển rất bình thường nhưng có những điều mình không thể lường trước được.

Dễ thấy nhất chính là trường hợp của anh trai tôi, năm 1986, chỉ vì một cơn sốt nhẹ đã gây chết não, nhiều nạn nhân khác cũng vậy, họ sinh ra lành lặn, bình thường nhưng biến cố đến rất bất ngờ vì di chứng của chất độc da cam.

Chính vì vậy, tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Nuôi con là niềm hạnh phúc nhưng chuyện tương lai mình không thể nói trước. Tôi chỉ cố gắng khuyên con nỗ lực học tập, tôi không cần con năm nào cũng phải có giấy khen học sinh giỏi, phải tốt nghiệp xuất sắc, phải giỏi môn này môn kia…

Con chỉ cần học bình thường thôi, chỉ cần tốt nghiệp được, học một ngành gì đó để sau này có việc làm, ổn định cuộc sống của con là được. Tôi cũng không bao giờ có suy nghĩ sẽ áp đặt con làm nghề gì, học ngành gì. Vợ chồng tôi đặt tiêu chí tôn trọng con lên hàng đầu.

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 21

Vậy còn sự chuẩn bị về mặt kinh tế để lo cho con sau này thì sao thưa anh?

Đó là sự chuẩn bị về mặt tinh thần, còn nếu nói về mặt kinh tế để lo cho con sau này nếu tôi có chuyện gì thì thú thật là chưa. Mọi người cũng biết tôi đang là trụ cột gia đình, lương tháng nào cũng chỉ đủ lo tháng đó chứ không có dư.

Tôi cũng từng tập tành kinh doanh cùng bạn bè nhưng đã thất bại, thú thật tuổi của mình cũng không thể đua kịp với các bạn trẻ nữa, bây giờ cũng chưa có thu nhập nào khác ngoài tiền lương đi làm.

Đến thăm nhà mới biết rằng vợ chồng anh còn nuôi thêm mẹ vợ. Với đồng lương của anh chỉ tháng nào đủ tháng đó, các thành viên khác trong gia đình có hỗ trợ anh trong việc nuôi mẹ không?

Thật ra ngôi nhà này tôi mua được là nhờ tiền mừng đám cưới hai vợ chồng. Phải nói rằng gia đình tôi vẫn còn may mắn khi có được ngôi nhà che nắng, che mưa, không phải chật vật đi ở trọ, cũng vì thế mà vợ chồng tôi nhận luôn phần nuôi dưỡng mẹ.

Bà xã tôi cũng có anh em nhưng họ cũng đã có gia đình hết. Nói mặt bằng chung thì cuộc sống của họ còn khó khăn hơn vợ chồng tôi nhiều vì ai cũng làm công nhân. Họ cũng đi làm suốt nên không thể đảm bảo được việc chăm sóc mẹ.

Ngoài ra vì nhà tôi cũng ở trung tâm, mẹ lớn tuổi rồi còn mắc ung thư nữa nên ở đây có gì còn dễ kiểm soát, còn nhà các anh chị em thì khá xa nên cũng không thuận tiện đi lại.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ này!

Người em sống sót sau ca tách dính song sinh Việt Đức: Ông bố 2 con mang hàm giáo sư - 22

Content: Loan Trần

Media: Hồng Quân

Loan Trần
Nguồn: [Tên nguồn]