tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Từ một siêu mẫu, MC quyến rũ, cuộc sống của Phương Mai trong 2 năm gần đây có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau khi lấy chồng rồi sinh con trai Henryk. Là tuýp phụ nữ hiện đại, có tư tưởng tiến bộ, tích cực, cách Phương Mai chăm sóc tổ ấm, giáo dục con cái hay “giữ lửa” hôn nhân với ông xã ngoại quốc được nhiều người quan tâm.

Trò chuyện cùng nữ MC xinh đẹp, Phương Mai cho biết vợ chồng cô đều có những thứ phải chấp nhận hy sinh và học cách thích nghi để gìn giữ mối quan hệ lâu dài.

MC Phương Mai từng nổi giận bắt chồng Tây ra ngủ riêng 1 đêm vì lý do ít ai ngờ - 3

- Chào MC Phương Mai! Cuộc sống của vợ chồng bạn trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng ngừa dịch COVID-19 thế nào?

Vì TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội được nhiều tháng, cộng với tình hình bệnh dịch đã kéo dài 2 năm, nên chúng tôi cũng khá quen với nếp sống mới này.

Thật ra, chúng tôi chẳng có chút thời gian rảnh rỗi nào để phải nghĩ tới việc kiếm tìm niềm vui cả. Anh Marcin vẫn bận làm việc từ sáng đến tối như trước đây, dù là thay vì đi công tác và đến văn phòng mỗi ngày thì giờ anh làm việc trong nhà. Còn tôi không đi quay, đi event thì bận học và đọc tài liệu, nghiên cứu chuyên môn mới, đồng thời chăm lo cho bé Khủng Long.

Nói chung cuộc sống của chúng tôi vẫn vận hành bình thường, khác chăng là không ra đường thôi (cười).

- Việc ở nhà quá lâu, chưa kể bù đầu chuyện “bỉm sữa” có ảnh hưởng đến tâm lý của Phương Mai?

Tôi chẳng thấy stress hay khó chịu gì với việc ở nhà nhiều tháng cả. Trước đây, cuộc sống của tôi ở ngoài đường, trên những chuyến bay, trong các phòng khách sạn… nên chưa bao giờ tôi để ý tới việc chăm sóc cho nơi ở của mình. Bây giờ, ở nhà nhiều nên tôi “bày vẽ” hơn như mua sắm đồ trang trí, trồng cây, chăm rau…  

Đến khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 tăng cường, tôi lại nghiên cứu nấu nhiều món ăn - điều trước đây tôi không bao giờ thử do luôn đi ăn hàng. Việc chăm bé Khủng Long Henryk cũng rất nhẹ nhàng, chưa bao giờ “bù đầu” cả do chúng tôi luôn có cô vú em trợ giúp.

Chỉ duy nhất việc dọn nhà là mới mẻ với tôi vì tình hình dịch bệnh khiến chị tạp vụ không thể tới làm việc. Những ngày này, tôi và chị vú em chia nhau người dọn nhà, người trông bé. Dù sao, dọn nhà cũng không phải là việc gây stress - thậm chí còn giúp giải toả căng thẳng với một số người.

Chuyện mua sắm thực phẩm có khiến tôi lo lắng 1 đêm, nhưng vì đã lên kế hoạch từ trước nên không gặp khó khăn gì. Chuyện sức khoẻ cũng không khiến tôi lo ngại khi bản thân luôn ở trong nhà, thực hiện tốt các quy tắc phòng dịch, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và luyện tập thể thao đều đặn.

Thực ra mọi vấn đề đều có giải pháp, quan trọng là chúng ta có chịu tìm hay không, có chịu chuẩn bị kỹ cho mọi tình huống hay không mà thôi. Tôi vốn không phải là người thích than thở hay lo lắng về những điều mình không thể kiểm soát. Thay vào đó, tôi tập trung tìm lời giải cho những bài toán cuộc sống đặt ra. 

- Sau hơn 2 năm kết hôn, từ cô gái độc thân tự do trở thành “mẹ bỉm sữa”, người phụ nữ của gia đình, bạn đã thích nghi được với sự thay đổi này chưa?

Tôi là người rất dễ thích nghi và có thể sống trong mọi hoàn cảnh. Tôi nhận ra mình có khả năng làm tốt được mọi việc khi tập trung vào nó. Làm “mẹ bỉm sữa” cũng vậy, đồng ý rằng nó chưa bao giờ là việc tôi nghĩ tới trước đây, nhưng bằng cách đầu tư thời gian và tâm sức, tôi đã biến nó thành một việc bình thường. Ngày nay, ai cũng có thể tìm kiếm thông tin và kiến thức thông qua sách báo, internet…, nên việc làm mẹ dễ dàng hơn xưa rất nhiều.

Tôi không thấy mình thay đổi gì từ khi làm mẹ. Tính cách tôi vẫn vậy, chỉ có cách biểu hiện khác đi. Tôi bình thản hơn trước mọi việc. Tôi nghĩ bao nhiêu năng lượng tinh thần của mình đã dồn hết cho bé con rồi, nên chẳng còn bao nhiêu để dành cho những việc khác.

- Có bao giờ bạn nghĩ việc kết hôn sẽ cản trở rất nhiều kế hoạch, thậm chí là sự nghiệp của bản thân? 

Có chứ! Đó chính là lý do vì sao trước đây tôi đã tuyên bố muốn độc thân thật lâu (cười)! Khi độc thân thì ai cũng có quyền ích kỷ cả. Bao nhiêu sự ưu tiên có thể dồn hết cho bản thân mà chẳng phải hỏi ý kiến ai hết, cũng không phải băn khoăn liệu quyết định của mình có làm ảnh hưởng tới ai không.

Không chỉ bản thân tôi hy sinh nhiều kế hoạch trong quá trình phát triển sự nghiệp, mà chính anh Marcin cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Đơn cử như nếu bây giờ có một lời mời làm việc ở một quốc gia khác với mức lương gấp đôi, chắc chắn anh sẽ không thấy dễ dàng để lựa chọn đi hay ở.

Nhưng “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, khi tìm được người đồng hành phù hợp thì rất có thể ta sẽ chạm được tới những mục tiêu lớn hơn chính ta kỳ vọng. Đi nhanh hay chậm đôi khi không quan trọng, quan trọng là đến đích.

- Nếu ví cuộc hôn nhân của mình và ông xã là một gam màu, Phương Mai nghĩ màu sắc nào phù hợp để so sánh? Vì sao?

Tôi nghĩ là màu trắng. Và hai đứa tôi, mỗi đứa cầm 1 hộp bút màu. Thế này có tính là ăn gian không nhỉ? Mọi thứ còn đang mới mẻ lắm, thường người ta chỉ đưa ra tổng kết khi con đường đã được đi gần hết, hoặc đã hết chứ?

MC Phương Mai từng nổi giận bắt chồng Tây ra ngủ riêng 1 đêm vì lý do ít ai ngờ - 8

- Điều gì ở ông xã khiến bạn muốn “về chung nhà” với anh?

Như đã chia sẻ, chúng tôi tìm thấy cho mình người đồng hành phù hợp. Nếu như anh luôn coi tôi là nguồn cảm hứng và động lực để tiến xa hơn trong sự nghiệp, thì tôi nhìn thấy ở anh một chốn yên lành. Bản chất tôi không bon chen, ngại va chạm và thích những gì đơn giản, dễ hiểu, thực sự là của mình.

Trước kia tôi đã gặp nhiều người, hầu hết họ cho tôi cảm giác mơ hồ, khó tin tưởng. Anh xã là người duy nhất đem đến cho tôi sự yên tâm. 

Trực giác của tôi không sai! Khi làm bố, anh còn trở nên vững chãi hơn nhiều so với lúc hẹn hò. Nếu như trước kia anh vẫn có tính nhõng nhẽo của con một, đôi khi rất trẻ con do được nuông chiều từ nhỏ; thì khi đã là ”bố trẻ con”, anh trở nên bao dung và nhẫn nại hơn. Đôi khi tôi có cảm giác anh đang phải làm bố của cả bé Henryk lẫn bé Phương Mai (cười).

- Khi nhà có thêm thành viên nhí, sự lãng mạn của chồng dành cho bạn có còn nhiều như lúc hẹn hò? 

Anh ấy vẫn lãng mạn như thế, chỉ có tôi là bớt đi thôi. Các dịp lễ Tết hay ngày kỷ niệm, anh vẫn âm thầm chuẩn bị hoa và lên kế hoạch đi chơi, đi hẹn hò lãng mạn ở nhà hàng (trước khi bùng dịch), trong khi tôi đôi khi lại lười biếng, chỉ muốn ở nhà.

Tôi nghĩ người thèm sự quan tâm và lãng mạn là anh chứ không phải là tôi, vì đúng là tôi hơi “thiên vị” bé Henryk thật. Thi thoảng anh có tỏ ra ghen tị và rủ tôi “đi trốn”, “đánh lẻ” đi du lịch chỉ 2 đứa, gửi Henryk cho ông bà chăm. Thôi thì đành đợi hết dịch vậy.

- Hôn nhân khó tránh khỏi những lúc “bát đũa xô nhau”, nhất là khi bạn lấy chồng ngoại quốc. Trong 2 năm kết hôn, cả hai thường mâu thuẫn về vấn đề gì?

Trái với suy nghĩ của nhiều người, chúng tôi không ai bị “sốc văn hoá” cả, nên yếu tố “ngoại quốc” chẳng đóng vai trò gì ở đây. Trong thời gian hẹn hò, tôi và anh Marcin đã rất cởi mở về quan điểm sống của mình, nên cả hai đều biết rõ mình đang lựa chọn cưới một người như thế nào.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi còn quá mới, cả hai cũng chưa đưa ra quyết định chung gì lớn lao ngoài chuyện có con, nên thú thực là chúng tôi chẳng có việc gì để mâu thuẫn cả. Cuộc tranh luận dai dẳng nhất của chúng tôi hiện giờ vẫn xoay quanh việc bật hay tắt điều hoà (tôi hay lạnh, anh hay nóng), và chuyện có cho mèo vào phòng ngủ hay không. Bé Henryk thì còn nhỏ nên cũng chưa nói trước được điều gì. Cả hai chúng tôi đều kỳ vọng con lớn lên sẽ ngoan, thành đạt, tử tế như bao bậc phụ huynh khác.

- Với một người có cá tính mạnh như Phương Mai, nếu có bất đồng quan điểm, bạn sẽ bảo vệ ý kiến của mình tới cùng hay chấp nhận im lặng, nghe theo chồng?

Tôi chưa bao giờ phải “lên gân” để bảo vệ ý kiến của mình, vì anh Marcin vốn có xu hướng chiều vợ.

Duy có đúng một lần anh khiến tôi giận tới nỗi bắt anh ra ngủ riêng 1 đêm, đó là khi anh nhất định không cho em mèo của tôi lên giường ngủ chung. Tuy nhiên, hôm sau anh giải thích là em mèo… ngáy to quá khiến anh mất ngủ, trong khi bản thân phải dậy sớm làm việc nên tôi đành chấp nhận thoả thuận “không cho mèo vào phòng ngủ”. Bạn thấy đấy, tôi cũng rất biết điều đúng không?

- Bạn nghĩ mình có phải là một cô vợ chiều chồng, hay ông xã mới là người phải dè chừng “nóc nhà”?

Tôi không coi hôn nhân là một cuộc chiến, trong đó đôi bên phải dè chừng, đề phòng, khiếp sợ lẫn nhau. Vì chúng tôi cùng một đội nên việc giữ cho “tình đồng chí“ thắm thiết là điều cần thiết. Có lẽ vì vậy nên anh xã luôn chiều được tôi cái gì thì chiều. Dù gì tôi cũng là phụ nữ chân yếu tay mềm, cần được ưu tiên, bao bọc, bảo vệ mà!

MC Phương Mai từng nổi giận bắt chồng Tây ra ngủ riêng 1 đêm vì lý do ít ai ngờ - 13

- MC Phương Mai từng nói bản thân là người cầu toàn, đặc biệt trong việc nuôi dạy con. Bạn có bao giờ cảm thấy áp lực phải làm điều tốt nhất cho gia đình, cho con?

Nghĩ lại thời gian bé Henryk mới ra đời, đúng là quá trời áp lực! Tôi nghĩ bất kỳ ai lần đầu làm mẹ cũng vậy, bất luận đã chuẩn bị kiến thức kỹ thế nào. Có khi càng đọc nhiều thì càng hoang mang khi thực tế không diễn ra như trong sách ấy. Tôi là một trường hợp như thế.

Vì bất ngờ có con trong khi trước đây chưa bao giờ lựa chọn gần gũi hay chăm sóc bất kỳ đứa trẻ nào, nên tôi chỉ có thể cậy nhờ những trang sách và lời khuyên từ xa của gia đình, bạn bè. Khi đó tính cứng nhắc, cầu toàn của tôi càng có dịp bộc phát, khi tôi cứ nhất định muốn mọi thứ diễn ra phải y như trong sách. Giả dụ sách nói bé phải ngủ giấc ngắn khoảng 2 tiếng, trong khi Henryk chỉ ngủ được 30-45 phút dù tôi có dỗ ra sao, thế là stress! Stress cho tôi, cho bé, và cho cả những người xung quanh nữa.

Về sau, tôi đọc được ở đâu đó một câu đại loại thế này: “Con người càng hiện đại càng trở nên mất tự tin vào bản năng sinh tồn của mình, đến nỗi để cho một quyển sách dạy mình cách làm mẹ dựa trên những công thức được định sẵn!”.

Từ đó, tôi thay đổi chiến thuật. Dù gì tôi cũng luôn là người có trực giác rất mạnh cơ mà? Từ khi thả lỏng bản thân để bản năng dẫn lối, việc chăm con của tôi đã dễ dàng hơn rất nhiều.

 - Có bố là người Ba Lan, mẹ là người Việt Nam, vợ chồng Phương Mai dạy con ngôn ngữ chính nào?

Hiện chúng tôi giao tiếp với bé bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Con chưa nói được nhiều từ nhưng đã có thể hiểu và phản ứng với cả 2 ngôn ngữ.

- Bạn có từng nghĩ sẽ cho con ra nước ngoài để học tập và phát triển?

Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào tiềm năng, sự lựa chọn và nỗ lực của con.

- Giữa Phương Mai và chồng, ai là người nghiêm khắc hơn trong việc dạy con? Ai thường đóng vai “bà tiên/ông bụt” trong nhà?

Thật khó để có thể nghiêm khắc với Henryk vì bé rất giỏi nịnh bợ. Đôi khi đòi cái gì bằng việc la hét hay khóc lóc không được, bé đổi chiến thuật sang “tỉ tê kế”, “mắt long lanh kế”, ”tủm tỉm kế”… là mẹ lại “xuống nước” ngay.

Thế nên thường người cứng rắn hơn với con là anh xã, dù đôi khi tôi cũng làm bé khóc váng lên khi không chiều theo con một việc gì đó. 

- Ở tuổi này, bạn thấy tính cách của con trai ra sao?

Với tôi, Henryk cực kỳ đáng yêu, thông minh, ngoan ngoãn. Bé giỏi bắt chước và hiện đã được tham gia làm đủ thứ việc trong nhà. Bé biết cách thể hiện tình cảm ngọt ngào, dễ thương với mọi người, với các bạn mèo và cả thú bông. Đặc biệt, biểu cảm gương mặt của bé rất nhạy và hài hước khiến ai gặp cũng yêu quý. Bé cũng rất giỏi tháo lắp các chi tiết đồ chơi hay vật dụng trong nhà…

Tuy nhiên, Henryk không phải là một đứa trẻ dễ tiếp cận. Với người lạ, bé luôn quan sát và đề phòng một lúc thay vì hớn hở làm quen ngay. Bé cũng rất bướng bỉnh và kiên định với sự lựa chọn của mình (khi chọn quần áo, giày dép, đồ ăn…). Ngoài ra, bé cũng khá nóng nảy và thiếu kiên nhẫn nữa. Dù sao đó cũng là những biểu hiện tính cách mang tính bản năng ở trẻ lứa tuổi này.

- Bạn nghĩ sự bướng bỉnh và những thay đổi tính cách của con thể hiện rõ nhất qua chi tiết nào?

2 tháng nữa Henryk sẽ bước vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 2”, khi bé trở nên bướng bỉnh và nhạy cảm hơn rất nhiều. Ý thức được đây là giai đoạn bình thường trong quá trình phát triển của con nên chúng tôi cũng bảo nhau không nên quá căng thẳng. Đó là kỳ vọng, còn thực tế ra sao tới khi đó tôi sẽ cập nhật.

Hiện tại, dù con đã bắt đầu thể hiện chính kiến rõ ràng về việc muốn gì và không muốn gì, nhưng tôi thấy mọi chuyện vẫn còn khá nhẹ nhàng. Ví dụ như bé muốn tự quyết định mình mặc gì, thì tôi cho bé quyền lựa chọn. Sau khi tắm xong, tôi sẽ cho con tự lấy quần áo. Khi không được làm điều mình muốn, bé khóc lớn lên theo bản năng, tôi sẽ bế bé ra chỗ khác hoặc hỏi câu gì đó để đánh lạc hướng bé…

Nhìn chung, quan điểm của tôi là tôn trọng tính cách của con và không can thiệp để thay đổi nó nếu như nó không xấu. Đơn cử như tính dè chừng người lạ, không lập tức tỏ ra thân thiện. Đối với tôi, nó không xấu nên không cần rèn để khác đi.

- Khi làm mẹ, tính cách bạn có lẽ cũng có nhiều thay đổi để học cách thích nghi?

Điều vui nhất với tôi là được nhìn con phát triển mỗi ngày. Mỗi con người là một ẩn số, ngay cả khi đó là con người do mình tạo ra. Tôi luôn háo hức trước những bất ngờ, và Henryk như một chiếc hộp ẩn chứa rất nhiều điều để tôi và chính con khám phá.

Về bản thân, tôi không nghĩ việc thay đổi tính cách của một con người có thể diễn ra nhanh đến thế - nếu không muốn nói là không thể. Làm mẹ có gì khủng khiếp đến nỗi mình phải biến thành một con người khác nhỉ? Tôi cho rằng bản chất mình vẫn giữ nguyên, chỉ khác ở việc mình thể hiện nó như thế nào, vào việc gì thôi.

Ví dụ tính bướng bỉnh của tôi chẳng hạn. Trước đây, tôi dùng nó vào các cuộc tranh luận với người ngoài. Bây giờ, tôi dùng nó để “thi gan” với Henryk khi bé lên cơn bướng.

- Phương Mai từng cho biết hai vợ chồng thích có con gái, vậy gia đình đã có kế hoạch gì cho việc này chưa? Bạn có nghĩ đến chuyện dùng biện pháp để đạt kết quả như mong muốn?

Chúng tôi chưa có kế hoạch nào cho việc này. Bé Henryk là con đầu, lại còn rất nhỏ nên chúng tôi vừa muốn ưu tiên cho bé, vừa muốn thử xem khả năng làm phụ huynh của mình có ổn không trước khi tính đến bước tiếp theo. Chuyện can thiệp để có kết quả như mong muốn, nếu hợp pháp, cũng là một ý kiến hay!

- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Dương Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]