1 câu chuyện cổ tích vừa được viết lên vào đêm Giáng sinh 2016, hẳn sẽ đi vào giai thoại của những người yêu mến cô ca sĩ này, của những em trong nhóm khuyết tật kia. Và nếu giả dụ nó có đi vào một đoạn văn mỹ miều như đã từng miêu tả một Idol K-pop thế này: "Có 1 thiên thần vô tình làm mất đôi cánh nên bị đày xuống hạ giới, và thiên thần đó chính là Mỹ Tâm…” cũng không có gì là quá cả.
Sáng nay ngủ dậy, lướt newsfeed, tất cả friendlist của tôi từ người già (40 tuổi) tới người trẻ (15 tuổi) đồng loạt giăng link video nhắc đến Mỹ Tâm với tất cả những câu từ trân trọng.
Câu chuyện về Mỹ Tâm dừng lại trước một sân khấu trống trải của các bạn trong nhóm khuyết tật, cô thể hiện sự ủng hộ của mình bằng cách cùng song ca để cổ vũ các bạn trẻ. Kết thúc có hậu là khán giả kéo đến đông nghẹt, điều đó thể hiện ở một nét rất “Việt Nam” là những tiếng còi kẹt xe inh ỏi vang lên trong các đoạn video mà quần chúng up lên mạng.
Và hẳn là, hôm đó, là ngày mà các bạn trẻ này thu được số tiền ủng hộ nhiều nhất trong chương trình ca nhạc “chung tay ủng hộ nạn nhân da cam” của mình.
Đã nhiều năm rồi gần như không thể tìm thấy những bài phỏng vấn Mỹ Tâm như khoảng năm 2004. Những câu chuyện về cuộc đời hoặc sự nghiệp, hay cả những thắc mắc về chuyện tình cảm của cô ca sĩ 36 tuổi này gần như vắng bóng hoàn toàn khỏi mặt báo. Có chăng thỉnh thoảng là những đoạn tin ngắn phóng viên chủ động nhặt nhạnh từ các nguồn khác nhau, thường là những tin tức về các đợt làm từ thiện của Mỹ Tâm tại nơi nào đó.
Nhưng những hình ảnh, video Mỹ Tâm quỳ gối hát bên cạnh những nghệ sỹ già neo đơn; hay Mỹ Tâm đứng trên sân khấu tuềnh toàng khoác chiếc áo kín mít hát cùng bạn trẻ khiếm thị… có tốc độ lan truyền chóng mặt hơn cả bất cứ bài viết của bất cứ trang báo nào.
Khó chịu, khó chiều, khó ở... là những tính từ khi nhắc tới Mỹ Tâm. Đôi khi những scandal của cô bắt nguồn từ sự KHÓ tới mức cứng nhắc này.
Lâu thật lâu người ta thấy Mỹ Tâm xuất hiện trên sóng truyền hình trong vai trò Ban Giám Khảo cho một số chương trình ca nhạc. Cánh phóng viên trong giới giải trí đồn nhau rằng: để mời được Mỹ Tâm, ngoài các yêu cầu về chuyên môn & điều kiện kinh tế, có một điểm Mỹ Tâm rất kiên quyết: BTC không được quyền can thiệp vào kết quả của BGK vì bất cứ lý do gì.
Tôi nghe vậy, biết vậy, và tôi tin đúng là như vậy.
Cái KHÓ của Mỹ Tâm là theo kiểu của một con người sống thẳng băng trước thời thế. Thế nên mới có một Yasuy mang giải thưởng của Việt Nam Idol về… nuôi lợn. Mới có một Đức Phúc mà đường hình và đường tiếng: mỗi đường một nẻo!
Tôi không biết sau những lựa chọn đó, có khi nào Tâm ngồi nghĩ lại: nếu một người mix giữa 6 phần tiếng với 4 phần hình và nhiều thứ khác nữa, có lẽ sẽ dung hòa với thời cuộc hơn không? Chắc là không! Nên sau này người ta ít thấy cô ngồi trên hàng ghế BGK nữa.
Những cái “khó” của Mỹ Tâm, bất cứ người hâm mộ nào của cô cũng đều hiểu, và đều chịu. Mỹ Tâm là ca sĩ gần như là duy nhất, khi 36 tuổi rồi, cô vẫn sở hữu một lượng fan có biên độ tuổi đời từ 10 cho đến… 50. Với lớp trẻ mang đầy đủ tính cách tăng động của thế hệ, chỉ cần cô lên tiếng 1 lần, tất cả những cuộc chiến giữa các FC bỗng im lìm như chưa từng xuất hiện.
Năm 2012, Nhạc Việt bắt đầu thoái trào, thời điểm đó các Idols K-POP với đầy đủ những điều mới mẻ, tràn vào Việt Nam như một cơn lốc. Lứa ca sĩ trẻ như Noo, Đông Nhi… thay thế đàn anh chị của thời Làn Sóng Xanh cũng mang màu sắc Hàn nhiều hơn.
Trên mặt các trang tin giải trí, lượng bài về sao nội giảm đi. Bù lại các bài về sao ngoại trở nên dầy đặc. Dù vô tình hay cố ý, các phóng viên đồng loạt chạy theo K-pop từ công việc cho đến sở thích cá nhân.
Không là ngoại lệ, tôi cũng thuộc tên, nhớ mặt tất cả các Idol của đất nước xứ củ Sâm này. Soi xét từng góc máy của các music video, từng bức ảnh, lời ăn tiếng nói của những ngôi sao giải trí Kpop, tôi thấy Việt Nam càng ngày càng cách xa với sự tiến bộ xã hội ấy. Tôi ước những cô gái SNSD hoạt động tại Việt Nam, tôi tua đi tua lại một đoạn Big Bang chào fan bằng thứ tiếng Việt lơ lớ; khi T-ara bị tẩy chay ở bản xứ, tôi thường đùa: về đây đi, fan Việt cân tất.
Và tôi dần quên đi những ngôi sao một thời từng rất say mê, trân trọng như Mỹ Tâm, Đan Trường, Phương Thanh…
Có lẽ đến thời điểm này, sau 18 năm đi hát, Mỹ Tâm đã không cần những bài báo để kể câu chuyện của bản thân. Tính cách của cô đã show ra từ những ngày đầu, đến giờ có nhiêu cô vẫn xài bấy nhiêu. Vẫn là một Mỹ Tâm nạt fan như con cháu trong nhà; vẫn là Mỹ Tâm với giọng cười rền vang lòng đất; vẫn là cách nói chuyện qua các video livestream bằng câu từ chân thật như bất kỳ người Quảng Nôm nào ta biết.
Không bao giờ có những phát ngôn đao to búa lớn, không sản xuất những album theo vòng tròn hết nhạc nay thì quay về nhạc xưa. Mỹ Tâm chỉ làm những gì cô thích.
Những bài hát của Mỹ Tâm: hay có, dở có, nhưng bài nào tôi cũng nghe từ đầu đến cuối. Vì chất giọng của cô chính là âm nhạc
Tôi, người chưa bao giờ nhận là fan của Mỹ Tâm, nhưng luôn dõi theo cô 18 năm nay, sáng ngủ dậy lướt mạng xã hội và thấy rằng: Ai thương Tâm vẫn luôn thương, ai mến Tâm vẫn luôn mến. Chỉ có điều tôi không biết được, những người từng không thích Mỹ Tâm, họ còn có thể không thích Tâm được nữa hay không?