Sau 3 năm kết hôn, Võ Hạ Trâm cho biết ông xã Ấn Độ là người chồng thiếu lãng mạn nhưng rất hiểu vợ, là ông bố vụng về nhưng cực kỳ bảo vệ con, không cho phép ai làm tổn thương gia đình.
Từ khi sinh bé Moon vào tháng 7/2021, cuộc sống của Võ Hạ Trâm hoàn toàn thay đổi. Cô "công chúa nhỏ" mang 2 dòng máu Việt - Ấn nhà nữ ca sĩ giờ là một trong những em bé "quyền lực", được rất nhiều người quan tâm theo dõi trên mạng xã hội.
Kết nối với Võ Hạ Trâm trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, cô nói nhiều về cái Tết đầu tiên của con gái nhỏ và cảm nhận của bản thân sau 3 năm làm vợ, làm mẹ. Tuy khác biệt ngôn ngữ nhưng vợ chồng Võ Hạ Trâm có sự kết nối đặc biệt, thấu hiểu lẫn nhau. Quan trọng, dưới sự bảo bọc của chồng, Võ Hạ Trâm vẫn không ngừng cố gắng trở thành điểm tựa tinh thần, xây dựng tổ ấm nhiều tiếng cười để cuộc hôn nhân thêm ý nghĩa.
- Chào Võ Hạ Trâm, cảm giác lúc này của bạn thế nào khi là năm đầu tiên đón Tết cùng con gái?
Có lẽ cảm nhận chung của mọi người là Tết Nhâm Dần 2022 đến sớm, một phần vì chúng ta đã nghỉ ngơi quá nhiều trong đợt dịch vừa qua. Với cương vị một người mẹ, Tết Nguyên Đán 2022 có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì có thêm thành viên mới. Chắc chắn những ngày đầu Xuân của hai vợ chồng sẽ nhiều tiếng cười hơn, và có thể dẫn bé Moon đi lấy tiền lì xì nữa (cười).
- Trên mạng xã hội, bạn khoe rất nhiều hình ảnh của con, lan toả năng lượng tích cực. Vậy có lúc nào "mẹ bỉm sữa" cảm thấy mệt mỏi?
Có lẽ là những tháng đầu nuôi con, vì bé sẽ dậy 2 tiếng/lần vào buổi đêm để bú. Mẹ không được ngủ thẳng giấc, phải thức cùng bé trong giai đoạn ấy. Bây giờ Moon đã ngủ dài hơn, và mình cũng đã quen dần với nhịp sinh hoạt của một bà mẹ bỉm sữa. Khi con nhỏ, giấc ngủ trọn vẹn với một người mẹ là điều xa xỉ. Hiện trung bình mỗi ngày tôi chỉ ngủ 4 - 5 tiếng, vì lúc con ngủ thì mình tranh thủ làm những việc khác.
Trộm vía, bé Moon từ khi sinh đến nay rất dễ nuôi nên tôi đỡ cực. Đa số các em bé có xu hướng khóc quấy ban đêm, bệnh vặt khiến mẹ vất vả, nhưng bé Moon may mắn không có những điều này. Có lẽ vì trong quá trình mang bầu tôi chú ý nhiều đến chế độ dinh dưỡng, khi bé chào đời lại được nuôi 100% sữa mẹ nên có hệ miễn dịch tốt.
- Bạn cảm thấy bản thân thay đổi gì nhiều nhất kể từ khi có con?
Có lẽ là sự chịu khó. Với công việc ngoài xã hội, tôi chịu vất vả giỏi và cũng quen với áp lực, nhưng khi làm mẹ thì khái niệm cực khổ lại khác.
Khi nuôi con nhỏ, mình phải tập trung hoàn toàn, liên tục quan sát bé. Giấc ngủ của mình ít hơn trước, chập chờn và thay đổi theo con. Bản thân tôi cũng phải tự vượt qua những giai đoạn trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, mình còn phải tỉ mỉ, cẩn thận trong vấn đề vệ sinh đồ dùng cho con, muốn đưa con đi đâu cũng phải chuẩn bị nhiều đồ… Tóm lại, mình phải chịu khó hơn.
- Giai đoạn trầm cảm sau sinh của bạn diễn ra như thế nào?
May mắn tôi chỉ bị trầm cảm nhẹ trong những tháng đầu nuôi con. Trước khi làm mẹ, tôi là người điềm tĩnh, hiếm khi nổi nóng, nếu có thì kiểm soát rất tốt. Nhưng từ lúc có con, tôi bắt đầu không kiểm soát được những cơn nóng giận của mình, dễ cáu gắt và cứ muốn phải “xả” cảm xúc ấy bằng hành động. Có nhiều điều mình thấy trước đó rất bình thường, nhưng khi xảy ra lúc nuôi con lại bị vẽ thành "bức tranh tiêu cực".
Có giai đoạn, tôi nhạy cảm với những chuyện rất nhỏ nên đã quát mắng con. Lúc ấy bé chỉ mới 1 tháng tuổi. Đó là khi tôi cảm nhận mình đang ở đỉnh điểm của sự căng thẳng tâm lý. Tôi nạt con và cảm giác hối hận, có lỗi rất nhiều sau đó. Khi lần thứ 2 xảy ra chuyện này, ông xã chỉ nói với tôi nhỏ nhẹ: "Em hãy xem lại hành động của mình và suy nghĩ". Sau khoảnh khắc ấy, tôi ôm chồng khóc và nói cần sự giúp đỡ của anh ấy.
- Chồng bạn đã giúp vợ vượt qua giai đoạn đó như thế nào?
Vai trò của người chồng lúc vợ trầm cảm sau sinh rất quan trọng. Mình không thể cứ cố tự chịu đựng cảm xúc bất thường vì sẽ dễ bị nặng thêm, dẫn đến những điều nguy hại cho em bé.
Chồng tôi hiểu điều này nên tìm nhiều cách khác nhau giúp vợ giải toả căng thẳng, chẳng hạn như những câu nói đùa, hành động vui… Khi thấy tôi mệt, anh sẽ chủ động tới ẵm bồng và chơi với Moon. Sau tháng thứ 2, tôi bắt đầu quen với cuộc sống "mẹ bỉm sữa" và cũng hiểu con hơn. Bây giờ, tôi nuôi con với tâm lý vui vẻ (cười).
- Từ lúc nhà có con gái, bạn thấy chồng mình thay đổi điều gì?
Tôi thấy được sự cố gắng rất nhiều của chồng dù anh không phải là người giỏi việc chăm sóc nhà cửa, con cái. Tôi hay nói đùa anh là ông bố vụng về, nhưng mình nhận thấy được tình cảm, sự cố gắng trong từng hành động của anh.
Trước lúc cưới, tôi giao kèo lúc nào chồng cũng phải thương vợ nhất, nhưng từ khi có bé Moon thì tôi hiển nhiên… xếp thứ 2 (cười). Trước khi đi làm, anh sẽ vào phòng con, nếu bé thức thì ôm con và đùa giỡn. Khi về nhà, con gái là người đầu tiên anh hỏi, nhắn tin bao giờ cũng nhắc đến "bà nhỏ" đầu tiên rồi mới tới vợ. Nói chung, mọi tình cảm anh đều dồn hết cho con. Ngay cả khi mệt mỏi, áp lực vì công việc, anh vẫn dành thời gian chơi với con gái mỗi ngày.
Đặc biệt, anh không cho phép bất kỳ ai đụng vào bé Moon mỗi khi đưa bé ra ngoài. Khi ở trong thang máy, anh luôn bồng con đứng một góc, quay lưng lại với tất cả mọi người. Tôi hiểu đó là sự bảo vệ của một người bố dành cho con.
- Trong mắt bạn, ông bố này "vụng về" ra sao?
Chồng tôi là người rất bảo vệ gia đình, nhưng việc chăm sóc tỉ mỉ thì anh không giỏi. Anh không thể thức đêm chăm con, có thức cũng không biết xoay sở ra sao. Ngay cả việc thay tã anh cũng không làm được, vụng về đến mức thay xong thì mình phải làm lại từ đầu (cười).
Anh rất sợ làm con gái đau, con thét lên một tiếng là luống cuống, sợ đến mức hỏi vợ đủ điều. Trong suy nghĩ của chồng tôi, chỉ cần con ré lên nghĩa là bé đang đau (cười).
Bù lại, anh ấy là doanh nhân nên cách yêu thương, chăm sóc gia đình sẽ bao quát, không tỉ mỉ và chi tiết như phụ nữ. Ngay từ lúc bé Moon còn trong bụng mẹ, anh đã lên sẵn kế hoạch cho con học trường gì, đi du học ở đâu, làm công ty nào… Nghe anh kể, tôi chỉ biết cười vì lúc đó mình mới mang thai 5 tháng.
Tôi thấy chồng chơi với con hệt như 2 đứa trẻ đang đùa giỡn. Nhiều lúc anh giao tiếp với con bằng tiếng Ấn Độ, mình không hiểu nhưng biểu cảm của anh trông rất dễ thương, làm bé cười suốt cả ngày.
- Dễ thấy chồng bạn rất thương con, vậy cả 2 có "phân vai" rõ ràng trong quá trình dạy dỗ bé sau này?
Chồng tôi nói không thể nghiêm khắc với bé Moon vì con là con gái. Nếu là con trai, anh sẽ huấn luyện cách sống cho con như trong quân đội. Đôi lúc, 2 vợ chồng tranh luận về cách nuôi con. Tôi đọc sách nhiều nên hiểu những biểu cảm, hành động nhỏ như hắt xì, ho, trớ… của trẻ con là điều bình thường. Nhưng anh ấy luôn thấy có vấn đề, thậm chí còn phát sốt lên vì điều đó.
Bây giờ, tôi đã nhận ra rằng tương lai nếu mình không cứng, bé sẽ được bố chiều đến hư. Tôi phải chia sẻ tư tưởng này rất nhiều với chồng để cả 2 thống nhất cách dạy con. Moon là đứa trẻ có cá tính mạnh, nếu không uốn nắn thì bé sẽ rất dễ hư khi lớn. Yêu thương con nhưng vẫn phải có chừng mực để con vào nếp.
Tất nhiên, vì chồng chiều con nên tôi sẽ phải là một người mẹ nghiêm khắc dạy dỗ con.
- Yêu thương con gái như vậy, chồng Võ Hạ Trâm có bị những câu chuyện bạo hành trẻ em thương tâm gần đây làm ảnh hưởng tới tâm lý?
Tôi có kể cho chồng nghe những câu chuyện thời sự, và anh ấy lập tức không muốn nghe. Trong suy nghĩ của chồng tôi, đó là điều quá tàn nhẫn đối với một đứa trẻ, và chắc chắn anh sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra với bé Moon.
Khi tôi bận đi làm, dù nhà có bà vú nhưng anh không yên tâm, luôn sắp xếp công việc để về sớm trông con. Anh còn tính phương án sau này phải có tài xế riêng đưa đón con đi học, người này phải là họ hàng… Tôi hiểu chồng mình có lý do để tính tới chuyện này, khi xã hội có quá nhiều trường hợp thương tâm xảy ra đối với những đứa trẻ. Tôi cũng lo và có suy nghĩ sẽ để Moon học võ khi con lớn hơn. Ít nhất bé phải tự bảo vệ được mình.
- Bạn nghĩ khi nào là thời điểm thích hợp để có bé thứ 2?
Có lẽ khi Moon khoảng 2 - 3 tuổi, tôi sẽ sinh thêm bé nữa. Tuy nhiên, tôi cũng phải xem thời điểm lúc ấy có thuận lợi để đón con chào đời hay không. Trước mắt, tôi vẫn muốn có thời gian để Moon cảm nhận được sự yêu thương trọn vẹn từ bố mẹ, nhất là ở giai đoạn từ 0 - 3 tuổi.
- Sau 3 năm kết hôn, tình yêu của bạn với chồng có thay đổi?
Tình yêu và cảm xúc tôi dành cho chồng vẫn thế, vì mình biết dù anh là người thiên về công việc, nhưng khi về nhà anh rất mẫu mực và biết bảo vệ gia đình. Tôi thương con người và cá tính của anh ấy. Ngay cả khi có con, cách anh ấy chăm sóc và đối xử với vợ vẫn không thay đổi. Đó là điều mà tôi nghĩ mình may mắn.
Khi ra ngoài, anh ấy không cho phép bất kỳ ai làm tôi khóc. Một kỷ niệm đáng nhớ lúc cả 2 mới bắt đầu quen nhau là khi tôi và anh cùng đi taxi. Người tài xế có biểu hiện khó chịu, nạt nộ khi tôi góp ý về đường đi. Anh không hiểu tiếng Việt nhưng thấy tôi buồn nên đã tỏ thái độ khó chịu, nạt lại người tài xế.
Mỗi khi ra đường, anh luôn là người che chắn cho vợ con. Bất cứ vấn đề gì cần sự giúp đỡ, hay ai làm ảnh hưởng tới tôi, anh đều đưa ra hướng giải quyết hoặc đứng ra xử lý để vợ không phải mệt mỏi. Khi thấy tôi căng thẳng, anh ấy luôn chủ động tìm hiểu và chia sẻ.
- Theo Võ Hạ Trâm, ông xã bạn thuộc tuýp khô khan, lý trí hay lãng mạn, cảm xúc?
Tôi nghĩ 50 - 50. Khi dồn sức cho công việc, anh ấy sẽ rất tập trung, nhưng không vì thế mà bỏ qua cảm xúc của các thành viên trong gia đình. Lúc về nhà, anh gác lại chuyện công ty, cư xử với vợ con ngọt ngào, tình cảm.
Nhiều lúc tôi cảm nhận chồng về nhà nhưng tinh thần, đầu óc vẫn dành cho công việc. Những khi ấy mình là người chủ động kết nối, kéo anh về với không khí gia đình. Tôi hay nũng nịu, sà vào lòng và nói chuyện vui vẻ để tinh thần anh thoải mái. Có thể chồng tôi ít khi nói lời hoa mỹ, nhưng cách quan tâm của anh là sự hỏi thăm, chăm sóc, những cái ôm tình cảm hoặc nụ hôn.
- Ngoài lần khóc vì mắng con, bạn có lần nào từng khóc vì chồng trong 3 năm kết hôn?
Tất nhiên có, vì tôi là người sống thiên về cảm xúc và hay vẽ vời suy nghĩ từ đơn giản thành phức tạp (cười). Tôi chú ý vào tiểu tiết, nên đôi khi sẽ nghĩ chồng vô tâm. Nhưng thật sự không phải, vì bản chất đàn ông không đủ khả năng để nhìn sâu, chi tiết như phụ nữ. Nếu chồng tôi có điều đó, tôi e mình sống không nổi với anh ấy (cười).
Thỉnh thoảng, tôi chạnh lòng vài điều, chẳng hạn như anh ấy không nhớ những ngày lễ đặc biệt. Mình hiểu là người Ấn Độ, anh ấy ít biết về văn hoá hay ngày lễ của Việt Nam nhưng vẫn hơi buồn. Anh cũng không phải là người canh đúng ngày đặc biệt để tặng quà. Mỗi lần tôi nhắc, anh ấy nói: "Đối với anh, ngày nào cũng là lễ Tình nhân nếu như mình vẫn còn yêu thương nhau, dành sự chăm sóc tốt nhất cho nhau", hay: "Trong nhà vợ là phụ nữ tuyệt vời nhất nên ngày nào cũng đáng được trân trọng, không phải chỉ 8/3 hay 20/10".
Những lần tôi rơi nước mắt cũng là do bản thân sống quá cảm xúc, suy nghĩ nhiều. Tự tôi làm mình buồn, chứ chồng chưa bao giờ có chủ đích làm điều ấy. Vì thế, tôi luôn nhìn vào mặt tốt của anh là sự bao dung, thương con, bảo vệ gia đình. Bây giờ, tôi cảm thấy quen và yêu luôn những khuyết điểm của anh ấy.
Phụ nữ khi yêu đều mong muốn người đàn ông bày tỏ sự lãng mạn, nhưng khi người đồng hành với mình sống thực tế thì bản thân phải thích nghi với điều đó. Nếu cứ giữ sự mộng mơ mà không được đáp ứng thì sẽ vỡ mộng, tự mình làm mình buồn (cười). Đó là lý do tôi sống đơn giản hơn trước. Bây giờ, chỉ cần 2 vợ chồng dắt nhau đi ăn trong ngày lễ, các dịp đặc biệt là đủ vui rồi.
- Chồng từng làm điều gì dù rất nhỏ nhưng vẫn khiến bạn vui?
Chắc là chai nước hoa tặng vợ sau chuyến đi công tác xa. Lúc đi, tôi có dặn anh mua cho mình một chai nước hoa. Anh đồng ý nhưng khi về lại nói là đã quên. Tôi không giận vì hiểu chồng bận rộn thật.
Tối đó khi đi ngủ, tôi đang nằm trên tay anh ấy thì bị đẩy ra, bắt nằm trên gối riêng. Tôi không hiểu ý, nên cuối cùng anh đành lấy tay vợ thọt vào dưới gối, nơi đặt sẵn chai nước hoa. Đó là lúc tôi thấy anh ấy rất đáng yêu, dù xảy ra sự cố không đúng như kịch bản dự tính (cười).
Gần đây, tôi vì bận bịu con cái nên không nhớ ngày kỷ niệm 3 năm kết hôn. Sáng đó, tôi dậy sớm chuẩn bị đi công việc, anh ấy liền kêu vợ lại gần và ôm rất tình cảm. Anh hỏi tôi có nhớ dịp đặc biệt không, nhưng tôi cứ lơ ngơ. Sau đó, 2 vợ chồng bù đắp bằng một bữa ăn tối bên ngoài.
Qua đó có thể thấy dù có lúc khô khan, nhưng những gì thuộc về gia đình, chồng tôi luôn chăm chút kỹ, không bao giờ để vợ con thiệt thòi.
- Trong gia đình, bạn có vẻ là "nóc nhà" chắc chắn?
Đúng là vậy thật (cười). Trong gia đình, chồng tôi luôn lắng nghe ý kiến của vợ. Anh ấy thích chia sẻ và cần vợ chia sẻ, một phần vì anh ấy sống tại Việt Nam, quản lý công ty toàn người Việt. Khi anh cần lời khuyên để giải quyết các mối quan hệ, thì ý kiến của tôi luôn có giá trị và được tôn trọng nhất.
Sau khi có gia đình, tôi nghiệm ra phụ nữ không cứ nhất thiết phải "cơm bưng nước rót", quán xuyến nhà cửa mới tạo nên giá trị với chồng. Đôi khi, họ cần có ý kiến để giúp người bạn đời giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và công việc. Đó là điều quan trọng để tạo nên niềm tin trong hôn nhân và giá trị của bản thân trong mắt người chồng.
Từ khi cưới tới giờ, tôi không nấu ăn cho chồng và anh ấy cũng không yêu cầu. Tôi ăn chay, còn anh ấy có những khẩu vị, sở thích ăn uống riêng. 2 vợ chồng lại ăn giờ giấc khác nhau. Những bữa mà chúng tôi cùng ngồi trên bàn chỉ là lúc đi ra ngoài ăn tối, nhưng mỗi người cũng lựa các món riêng.
Với anh ấy, bữa cơm trong nhà không phải là điều duy nhất gắn kết vợ chồng. Nếu người ngoài nhìn vào, họ sẽ trách tôi vì sao làm vợ mà không nấu cơm cho chồng, nhưng anh ấy không cần tôi làm điều đó. Chúng tôi có những cách riêng để gắn kết tình cảm, tạo sự kết nối trong hôn nhân.
- Bạn nghĩ trong cuộc hôn nhân này, mình giỏi nhất điều gì?
Tôi giỏi sắp xếp mọi thứ trong gia đình một cách khoa học, bài bản, như giờ giấc sinh hoạt chung cho chồng con. Ngoài ra, tôi giúp chồng giải quyết công việc bằng sự hiểu biết, thấu đáo nhất định của người phụ nữ, và sự am hiểu về văn hoá, tính cách con người Việt Nam. Quan trọng, tôi biết làm cho anh ấy vui vẻ, thoải mái, cảm giác nhà là nơi bình an nhất để trở về.
Anh ấy là người bao dung, chưa bao giờ nhìn vào điểm yếu của vợ để soi xét. Đó là điều khiến tôi cũng phải tự thay đổi chính mình khi làm vợ, để dung hoà và bao dung ngược lại với các khuyết điểm của anh.
- Bạn đã có kế hoạch đưa con gái về thăm bà nội ở Ấn Độ chưa?
Mọi kế hoạch của 2 vợ chồng đều phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh hiện tại. Bà nội ở Ấn Độ cũng gọi điện liên tục, khóc vì nhớ cháu, thương con. Bà rất muốn đến Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa có chuyến bay nào từ Ấn Độ. Nếu dịch được kiểm soát ổn định, chúng tôi sẽ cố gắng đưa bé Moon về quê nội thăm họ hàng vào cuối năm sau.
Bà nội của bé Moon là người sống rất tình cảm và tôi cũng vậy. Mỗi lần mẹ chồng gọi điện cho tôi, cả 2 dù không trao đổi cùng một ngôn ngữ, nhưng cách bày tỏ cảm xúc khiến tôi hiểu bà.
Thời gian tôi qua Ấn Độ, bà chăm sóc tôi như cách một người mẹ ruột chăm sóc con gái. Tôi tự thấy mình là nàng dâu sướng nhất khi mẹ chồng luôn bảo vệ, lo cho mình cả chuyện ăn uống. Bà nói với chồng tôi, từ lúc kết hôn thì tôi chính là con gái của bà chứ không phải con dâu.
- Cảm ơn những chia sẻ của Võ Hạ Trâm!