Bánh bông lan không những được trẻ con đặc biệt yêu thích mà cả người lớn cũng rất thích. Bánh mềm mịn, ngọt dịu và thưởng thức thêm tách trà hay cafe dùng cho bữa sáng hay đãi tiệc ngọt vừa ấm áp vừa sang trọng.
Để có được bánh ngon tại nhà, Bếp Eva mách các chị em cách làm bánh bông lan cơ bản dưới đây.
Món bánh bông lan bằng lò nướng làm cực nhanh lại thơm ngon chẳng kém ngoài hàng.
Chuẩn bị | Chế biến | Độ khó | Khẩu phần | Bữa ăn |
30 Phút | 50 phút | Trung bình | 4 | Bữa phụ |
- 4 quả trứng
- 30ml sữa tươi không đường
- 30ml dầu ăn
- 100g bột mì đa dụng, 40g bột bắp
- 100g đường
- Bơ lạt 20g
- 1/2 quả chanh
- ½ thìa cafe muối, 1 ống vani
* Lưu ý: Nên chọn trứng gà, đặc biệt là trứng gà ta thay cho trứng vịt để bánh được thơm và ngậy hơn.
Bước 1:
Tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng gà để 2 bát khác nhau. Để tách trứng thì đập nhẹ quả trứng tách làm đôi, sau đó đổ qua đổ lại giữa 2 nửa quả trứng là tách được riêng lòng trắng và lòng đỏ.
Tách lòng đỏ và lòng trắng trứng riêng
Bước 2:
Đánh bông lòng trắng trứng bằng máy đánh trứng hoặc phới lồng cho tới khi thấy có bọt khí lớn xuất hiện thì cho thêm xíu muối và ¼ quả chanh vắt lấy nước vào và đánh mạnh.
Khi thấy bọt khí nhỏ dần thì cho đường vào đánh. Cho đường vào từ từ và đánh cho tới khi thấy lớp bông trắng nổi lên, có chóp mềm là được.
Bước 3:
Cho sữa tươi, dầu ăn và vani vào bát đựng lòng đỏ trứng, dùng cây đánh đều tay cho quánh lại.
Bước 4:
Rây bột bắp và bột mì cho đều, cho từ từ vào hỗn hợp lòng đỏ trứng và trộn đều tay để hỗn hợp được mịn.
Bước 5:
Trộn từ từ 2 hỗn hợp lòng trắng trứng đã đánh bông trước đó với lòng đỏ trứng, đảo đều tay để được một hỗn hợp có màu vàng nhạt. Không đảo lâu quá bánh sẽ bị chai.
Bước 6: Nướng bánh
Cho hỗn hợp bánh vào khuôn. Bật lò 150 độ trước 15 phút. Cho khuôn đựng bánh vào nướng 30 - 35 phút là chín.
Bước 7:
Khi bánh đã chín, lấy bánh ra, để nguội, cắt thành miếng nhỏ và thưởng thức.
Bánh bông lan làm xong phải có màu vàng đều đẹp mắt. Bánh thơm, mềm và khi ăn ruột bánh mịn, không bị khô. Để có được mẻ bánh ngon, các bạn cần làm đúng theo tỷ lệ bột và trứng.
Trong nhà không sẵn lò nướng hay nồi chiên không dầu thì bạn hoàn toàn có thể tham khảo cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện.
Khi đã sơ chế đủ các nguyên liệu, bạn dùng 1 lớp lót giấy dưới đáy nồi để khi lấy bánh ra sẽ dễ hơn. Nếu không có thì dùng lớp dầu quét dưới đáy. Cho từ từ hỗn hợp bánh vào nồi cơm điện, làm phẳng mặt bánh và loại bỏ bọt khí bằng cách gõ nồi xuống bàn. Bật chế độ cook nấu cho đến khi chuyển sang chế độ Warm thì để bánh trong nồi 20 - 25 phút. Dùng tăm kiểm tra nếu bánh chưa chín thì bật lại cook thêm 1 lần nữa.
Bánh bông lan làm bằng nồi cơm điện có màu vàng tươi đẹp mắt. Bánh mềm xốp, khi ăn tan ngay trong miệng. Dù không nướng bằng lò hay nồi chiên không dầu nhưng bánh vẫn cực kỳ thơm ngon và hấp dẫn.
Xem chi tiết: Cách làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện ngon, mềm mịn cực đơn giản
Nướng bánh bông lan bằng nồi chiên không dầu cũng cực kỳ tiện. Bạn tham khảo cách làm dưới đây nhé.
- Trứng gà ta: 2 quả (nếu không có trứng gà ta, bạn có thể dùng trứng gà công nghiệp thay thế)
- Bột mì: 30g
- Bột milo hoặc cacao: 1 thìa
- Bột matcha trà xanh: 1 thìa
- Vani: 1 ống
- Nho khô (có thể có hoặc không)
- Nước cốt chanh: 1 thìa
- Đường trắng: 1 thìa
- Muối: ½ thìa
- Dầu ăn: 1 thìa
Bước 1: Sơ chế trứng
- Đập trứng gà ra bát và lọc lấy lòng đỏ, lòng trắng để riêng.
- Dùng phới hoặc máy đánh trứng đánh cho lòng trắng bông tơi nổi bọt khí thì cho vào đây 1 thìa nước cốt chanh và tiếp tục đánh thêm 1 phút thì thêm 1 thìa đường trắng. Liên tục đánh cho tới khi hỗn hợp bông tơi có thể tạo thành khối thì dừng lại.
- Riêng lòng đỏ thì bạn chỉ cần dùng phới khuấy nhẹ tay cho tới khi tan ra là được. Chú ý, để cho bánh mềm, mịn thì nên lọc trứng qua rây nhé.
Bước 2: Làm bột bánh bông lan
- Cho bột mì vào bát lòng đỏ trứng. Thêm vào đây ½ thìa muối rồi khuấy đều cho tới khi tạo thành hỗn hợp sánh mịn thì dừng lại.
- Dùng thìa múc ⅓ hỗn hợp lòng trắng trứng đã đánh tơi ở phía trước vào hỗn hợp bột rồi dùng phới khuấy đều. Ở bước này, bạn không nên dùng lực quá mạnh bởi như thế dễ làm vỡ bọt khí, khi nướng bánh sẽ không đẹp.
- Chia hỗn hợp bột thành các phần bằng nhau rồi cho vào 3 bát. Trong cách làm bánh bông lan này, chúng ta sẽ dùng 3 vị khác nhau là vani, trà xanh và milo/cacao, vì thế bạn chỉ cần cho những nguyên liệu này vào các khuôn tương ứng rồi trộn đều lên.
Bước 3: Nướng bánh
- Phết dầu ăn vào khuôn rồi trút bột bánh vào. Lần lượt rắc thêm nho khô lên trên mặt sau đó đem đi nướng.
- Bật nồi chiên không dầu ở mức 150 độ C trong khoảng 10 phút rồi mới xếp bánh vào bắt đầu nướng.
Với lượng nguyên liệu chuẩn bị, bánh sẽ không quá lớn, do đó bạn chỉ cần cài nhiệt 130 độ C và nướng trong khoảng 15 phút là bánh chín.
Món bánh bông lan làm theo công thức này có phần bánh nở mềm thơm, bông xốp và đặc biệt vừa miệng.
Bánh thơm nức mùi của trà xanh, vani và milo đảm bảo ai ăn cũng thích. Phần bánh bông lan nếu không ăn hết bạn nên cho vào hộp bảo quản nhiệt độ thường. Nếu để quá 1 ngày thì nên cất trong ngăn mát của tủ lạnh nhé.
Tại sao bánh bông lan lại bị khô, xẹp và không nở cao được như ngoài hàng là một trong những thắc mắc nhận được sự quan tâm của đông đào các chị em yêu bếp.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bánh bông lan bị khô. Theo thợ làm bánh chuyên nghiệp, bánh bông lan bị khô có thể do 3 lý do sau:
- Đầu tiên, bánh khô có thể là do bạn cho lượng bột mì quá nhiều, điều này làm cho bột không đủ ẩm để nở ra trong quá trình nướng.
- Thứ hai, bạn đã cho vào hỗn hợp bột bánh quá nhiều bột nở và muối nở. Khi hàm lượng nguyên liệu này vượt quá ngưỡng cho phép sẽ sinh ra nhiều hơi khí. Lúc này, bánh nở nhanh nhưng kết cấu lại không ổn định dẫn tới bánh không được ngon như mong muốn.
- Thứ ba, thiếu chất béo hoặc đường. Trong công thức làm bánh, chất béo đóng vai trò như là chất xúc tác giúp cho bột dẻo hơn. Cũng nhờ thế mà giữ được không khí đủ để cho bánh khi chín xốp mềm, không bị xẹp. Đây là lí do vì sao, nếu thiếu hoặc cho quá ít chất béo thì bánh nướng lên khô, cứng và nở không đẹp.
Muốn tránh được tình trạng này, người làm bánh cần đảm bảo tỉ lệ nguyên liệu đúng với cách làm bánh bông lan mà đầu bếp đã hướng dẫn. Phân chia các nguyên liệu vừa đủ, tránh dùng quá nhiều hoặc quá ít mà ảnh hưởng tới chất lượng của món bánh này.
Ngoài phần bánh bị khô, không ít chị em gặp phải tình huống bánh sau khi nướng xẹp lép trông rất thiếu thẩm mỹ.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là:
- Trong cách làm bánh bông lan, việc cài đặt nhiệt độ nướng bánh đóng vai trò rất quan trọng. Nhiệt độ quá thấp sẽ khiến bánh không thể chín được. Nếu nhiệt độ quá cao sẽ làm cho bánh nở nhanh bên ngoài nhưng bên trong lại chưa thể chín hết. Điều này sẽ làm cho bánh bị xẹp lép ngay sau khi nhấc ra khỏi lò.
- Ngoài ra, việc nóng vội trong khâu nướng bánh cũng là tác nhân gây ra hiện tượng trên. Bánh nướng chưa đủ thời gian sẽ không thể chín và nở đều như thông thường, vì thế sau khi nướng xong vài phút, bánh sẽ tự động xẹp dần.
Để khắc phục được tình trạng trên, bạn nên điều chỉnh nhiệt độ lò nướng thích hợp theo đúng hướng dẫn công thức. Đảm bảo thời gian nướng. Để biết bánh đã chín chưa, bạn có thể dùng tăm xiên qua bánh. Khi rút ra thấy tăm khô thì điều đó có nghĩa chiếc bánh của bạn đã chín rồi đấy.
Để có được một chiếc bánh bông lan núng nính thì bạn cần phải tuân thủ đúng 3 nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên liệu là yếu tố đầu tiên quyết định tới chất lượng của bánh. Dù áp dụng cách làm bánh bông lan nào thì bạn cũng phải đảm bảo chuẩn bị đủ nguyên liệu cần thiết.
Nguyên tắc khi chọn nguyên liệu:
Dùng nguyên liệu tươi ngon nhất. Nói không với các nguyên liệu bị hỏng hoặc hết hạn sử dụng.
Cân đong từng loại chuẩn xác tới “milimet” để đảm bảo bánh sau khi nướng có kết cấu đẹp nhất. Phần bánh mềm mịn, xốp ngon.
Bảo quản nguyên liệu ở môi trường thích hợp. Thông thường các nguyên liệu dùng cho bánh bông lan sẽ để ở nhiệt độ phòng. Riêng trường hợp dùng kem tươi thì để lạnh.
Nhiều chị em cho rằng, cứ trút tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào trộn là tạo được hỗn hợp bột bánh bông lan. Tuy nhiên, đây là sai lầm khiến bánh của bạn không được ngon.
Hầu hết các cách làm bánh bông lan đều được tính toán chính xác từ tỉ lệ cho tới trình tự các bước. Sau khi đã cho bột nở hoặc muối nở vào bột bánh, bạn cần hạn chế tối đa việc trộn các nguyên liệu. Bởi thao tác này sẽ làm cho bánh bị cứng, chai và thậm chí xuất hiện các lỗ khí rỗng bên trong bánh.
Thời điểm trộn bột xong phải đem đi nướng luôn như thế bánh mới nở đều và ngon. Chú ý, để bột bên ngoài càng lâu thì bánh nở càng kém.
Có rất nhiều cách làm bánh bông lan với thời gian, nhiệt độ nướng khác nhau. Tuy nhiên, mức nhiệt tốt nhất để cho ra chiếc bánh ngon, nở cao, bông xốp, không bị xẹp là từ 150 - 160 độ C.
Thời gian nướng bánh dao động khoảng 30 - 60 phút. So với bánh quy, bánh su kem nướng thì thời gian để nướng bánh bông lan khá lâu.
- Thời gian nướng bánh bông lan bằng nồi cơm điện: 40 phút
- Nướng bánh bông lan bằng nồi chiên không dầu trong thời gian 45 phút.
Trong khi nướng, bạn cần quan sát tình trạng nở cũng như màu sắc của bánh. Một bí kíp để bánh màu đẹp hơn là khi thấy bánh thơm thì tăng thêm 10 - 20 độ C. Thử bánh đã khô, không ướt và bánh róc khỏi khuôn thì có nghĩa là bánh đã chín. Nướng đủ thời gian để bột bánh nở đều từ trong ra ngoài.
Ngoài ra, bạn cũng nên đặt khuôn bánh ở khu vực chính giữ lò để đảm bảo nhiệt độ làm chín tốt nhất. Không nên nướng cùng một lúc quá nhiều khay như thế sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của bánh.
Những loại bánh ngọt thường không được khuyến khích sử dụng vì nó chứa hàm lượng đường lớn có thể tác động không tốt tới sức khỏe.
Giống như đa số các loại bánh ngọt, bánh bông lan có hàm lượng calo khác cao. Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g sẽ có khoảng 150 calo.
Tùy vào loại bánh bông lan cụ thể mà lượng calo cũng có sự chênh lệch. Ví dụ như 100g bánh bông lan trứng muối sẽ có 340 calo, bánh bông lan bơ ruốc là 739 calo hay bánh bông lan Đài Loan lại chỉ khoảng 168 calo.
Giả sử, nếu bạn ăn 1 phần bánh bông lan nhỏ khoảng 30 calo thì phải dành ra 2 phút bơi lội hoặc 3 phút chạy bộ, 5 phút đạp xe mới có thể tiêu hao hết. Do đó, nếu ăn bánh bông lan bạn cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ càng để tránh bị tăng cân ngoài kiểm soát nhé.
Ngoài ra, trong bánh bông lan còn có chứa một lượng lớn các dưỡng chất khác. Cụ thể, trong 1 phần bánh 38g sẽ chứa các thành phần sau:
Chất dinh dưỡng | Hàm lượng |
Calo | 110 |
Chất béo | 1g |
Cholesterol | 39g |
Natri | 237mg |
Kali | 38mg |
Chất xơ | 0.2g |
Đường | 14g |
Chất đạm | 2.1g |
Vitamin A | 1.2%DV |
Vitamin C | 0% |
Canxi | 2%DV |
Sắt | 5.7% |
* DV: % giá trị hàng ngày dựa trên chế độ ăn 2000 calo.
Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Có cách nào bổ sung năng lượng cho bạn tiện và nhanh như 1 miếng bánh bông lan. Hàm lượng carbohydrate có trong loại bánh này chứa glucose không chỉ giúp bạn lấy lại năng lượng sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi mà còn rất tốt cho não, hệ thần kinh cùng các mô cơ.
Ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do
Một số người lo lắng vì lượng carbs trong bánh bông lan cao. Tuy nhiên, các bác sĩ dinh dưỡng cho hay, nếu biết cách lấy tỉ lệ nguyên liệu phù hợp thì món bánh này vẫn rất tốt cho sức khỏe.
Lí do là bởi trong bột mì làm bánh có chứa hàm lượng không nhỏ các chất chống oxy hoa. Chúng có tác dụng chống lại sự tấn công của các gốc tự do, ngăn ngừa sự tổn thương của các tế bào và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Cải thiện tâm trạng
Những món đồ ngọt có tác dụng cải thiện tâm trạng rất tốt vì thế bạn có thể ăn 1 miếng nhỏ bánh bông lan nếu đang gặp stress, căng thẳng.
Hàm lượng đường trong bánh bông lan sẽ giúp giải phóng endorphin ở trong não từ đó cải thiện tâm trạng tốt hơn. Bên cạnh đó, các glucose cùng chất béo trong bánh cũng góp phần tạo nên cảm giác hạnh phúc.
Bên cạnh những tác dụng tốt cho sức khỏe thì bánh bông lan cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại. Vì thế, những đối tượng sau cần cân nhắc khi ăn:
- Người mắc bệnh tiểu đường hoặc được xác định là có nguy cơ mắc bệnh.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, cho con bú cần hạn chế ăn bánh để tránh nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
- Bệnh nhân mắc chứng béo phì, thừa cân
Để thỏa mãn niềm đam mê bánh bông lan mà không hại sức khỏe, bạn hoàn toàn có thể tham khảo một số lưu ý sau:
- Cân đối lượng bánh mỗi lần sử dụng. Ví dụ, 100g bánh bông lan truyền thống sẽ chứa khoảng 150 calo. Để không nạp quá nhiều calo vào cơ thể, bạn cần chia nhỏ phần bánh và chỉ ăn 1 lượng vừa đủ. Như vậy, hàm lượng calo và đường của bánh cung cấp cho cơ thể không bị vượt ngưỡng.
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ và vitamin cho cơ thể như: Trái cây, rau xanh nhờ đó trung hòa được những chất béo, đường bột bánh bông lan mang lại.
- Tự học cách làm bánh bông lan tại nhà, thay thế các nguyên liệu không tốt cho sức khỏe để bánh trở nên lành mạnh hơn. Đơn cử như sử dụng đường ăn kiêng thay vì đường trắng thông thường.
- Giảm tần suất ăn. Chỉ nên ăn bánh 1 lần/tuần.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang trong thời gian điều trị bệnh.
Với các cách làm bánh bông lan vừa rồi, Bếp Eva hy vọng bạn đã có thêm một công thức làm bánh ngon cho cuốn sổ tay nấu nướng của mình. Chúc thành công!